Đồng Nai là một tỉnh vùng Đông Nam Bộ Việt Nam, nổi tiếng với nhiều khu du lịch sinh thái như: khu du lịch Bửu Long, làng du lịch Tre Việt, Thác Đá Hàn… Tuy nhiên đến đây, du khách còn được thưởng thức rất nhiều đặc sản ngon ở Đồng Nai rất lạ mà chưa từng thấy ở nơi khác. Nếu bạn chưa biết ăn gì khi đến Đồng Nai? Thì trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Đồng Nai khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!
1 Gỏi cá Biên Hòa – Đồng Nai
Đóng đô ven cù lao Phố với các quán san sát bờ sông Đồng Nai, gỏi cá Biên Hòa từ lâu đã trở thành món đặc sản của vùng đất này. Chỉ đơn giản là đĩa thịt cá, nồi nước lèo kèm mớ rau đủ loại, cộng với không gian đặc trưng của vùng đất cù lao đã trở thành điểm hẹn của những ai thích đi tìm những món ngon dân dã.

Với nguyên liệu chính là cá chép, tai tượng, gần đây có thêm cá diêu hồng, món gỏi cá Biên Hòa là một thương hiệu, một tên gọi chung trong các quán gỏi ở Hòa Hiệp, cù lao Phố, và Tân Mai, Biên Hòa. Có hai điểm dễ thấy để món gỏi trở thành thương hiệu đặc sản, đó là địa thế quán và sự đơn giản trong chế biến món gỏi.
Món gỏi cá ngon ở điểm nguồn nguyên liệu dễ tìm, luôn trong trạng thái tươi sống. Con cá còn bơi quẫy tung tăng trong hồ được vớt ra, với thao tác nhanh gọn, chính xác, đầu bếp cầm con dao bén ngót lát một đường dọc theo xương sống từ đuôi đến mang, lộn ngược má thịt ra ngoài, dùng một dụng cụ nạo từng thớ thịt cá mỏng dài chừng hai đốt ngón tay. Miếng thịt cá trắng tươi, nổi rõ từng lằn gân máu đỏ, ngay lập tức được trộn với hỗn hợp những gia vị quen thuộc như riềng, hành, tỏi, sả, thính, bao phủ một lớp mỏng bọc ngoài miếng thịt cá. Vừa giữ cho miếng cá không đổi mùi tanh, và có độ khô cần thiết tạo cảm giác an tâm khi có một lớp đủ thứ gia vị màu vàng ươm bao bọc, nhìn thôi đã đủ thèm ứa nước miếng.

Nhìn đĩa cá sống trộn gỏi, cái thèm mới đi được một nửa, thứ nâng món gỏi cá lên hàng thương hiệu đặc sản này lại nằm ở nồi nước xốt. Một bếp ga, một cái xoong nhỏ, trong đó là lưng lửng nước sốt sền sệt, nổi váng mỡ vàng ươm điểm rải rác hạt mè, được chế biến từ thịt cá, gan cá, mỡ cá, riềng, sả, hành tím để trên bếp sôi sủi bọt sùng sục, nhả khói thơm nức mũi. Với tay bẻ miếng bánh đa, quẹt một đường vào nồi nước xốt để nhấm nháp vị mặn mà, béo ngậy của gia vị, của thịt cá.
Nhưng vị ngon của món gỏi vẫn chưa kết thúc ở nồi nước sốt, bởi còn đi kèm với đĩa rau kiểu nhà quê mộc mạc gồm những vị chát, hăng, ngọt, bùi từ đinh lăng, lá lốt, lá mơ, lá sung đến húng quế, ngò gai, đài bì, tía tô, dấp cá. Để thưởng thức một miếng gỏi cá trọn vẹn, tất cả các loại rau xếp gọn gàng vào lòng chén, nhón đũa gắp miếng cá, chần sơ vào nồi nước sốt nóng hổi, bỏ vào mớ rau cuộn chắc lại, kèm thêm củ hành tím, miếng ớt hiểm. Đem chấm cuốn cá vào nước sốt, chầm chậm nhai để cảm nhận vị ngọt của cá, mùi thơm phảng phất của thính và gia vị, đến các vị cay của hành, ớt, sả, chát, đắng, nồng của rau. Trước mặt là dòng sông phong cảnh hữu tình, gió thổi mát rười rượi. Đến đây mới thực sự lột tả hết cái ngon của món gỏi cá Biên Hòa.
Ở không xa trung tâm thành phố Biên Hòa, nhưng khung cảnh các quán gỏi cứ như đâu đó tận miệt quê, món ăn cũng không lấy gì làm cầu kỳ, phức tạp, chỉ có gió, có sông, có cá tươi, rau vườn tổng hoà lại để làm nên thương hiệu của gỏi cá Biên Hòa, món ăn ngon mà lạ.
2 Gà hấp bưởi – Đồng Nai
Khi đến với Biên Hòa, ngoài được ăn các món ngon như xôi chiên phồng vốn đã có tên tuổi từ lâu, gà nướng ống tre làm nức lòng bao người thưởng thức…du khách còn có cơ hội đến khu Du lịch sinh thái vườn – làng bưởi Năm Huệ để thưởng thức các món đã tạo nên tên tuổi làng bưởi như: gỏi bưởi, chè bưởi,…và đặc biệt hơn cả là gà hấp bưởi.

Theo Đông y, bưởi có khá nhiều công dụng chữa bệnh như phòng chống ung thư, chống lão hóa, hỗ trợ điều trị tiểu đường… vì vậy khi kết hợp cùng các món ăn giúp sẽ giúp thực khách ngon miệng và hài lòng hơn. Bưởi như một vị thuốc mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người.
Một lần được thưởng thức món ăn này, mới thấy văn hoá ẩm thực làng quê thật đa dạng. Từ những nguyên liệu thường ngày trong đời sống và sự kết hợp khéo léo, tài tình của người nấu tạo thành một món ăn mang phong cách vừa dân dã vừa hiện đại làm mê mẫn cả những thực khách được cho là khó tính. Gà dùng để chế biến phải là gà mái to, chân đen, da vàng. Trước tiên phải chặt gà thành từng miếng vừa ăn, sau đó tẩm ướp gia vị (đường, muối, hành, tỏi cho vừa miệng) sau đó thêm vào một ít lá bưởi và rượu bưởi để dậy mùi thơm cho món ăn. Sau khi ướp gà được khoảng 15 phút thì mang gà hấp trong trái bưởi. Điều đặc biệt là phải chọn những quả bưởi vừa chín tới, nếu như bưởi còn sống sẽ làm đắng món ăn, còn nếu bưởi chín quá sẽ làm nhũng trái bưởi trong khi hấp. Sau đó mang gà hấp trái bưởi trong vòng 45 phút.

Điều không kém phần quan trọng của món ăn này chính là phần nước sốt bên trong, nước này do gà và vỏ bưởi tiết ra ở quá trình hấp, hòa quyện vào nhau, xen kẽ là một chút vị hơi đắng của bưởi, vị ngọt của nước gà. Khi bắt đầu thưởng thức món gà hấp trái bưởi đặc biệt này, điều đầu tiên mà bạn cảm nhận được chính là vị đắng trên đầu lưỡi – đó chính là vị đắng đặc trưng của vỏ bưởi, nhưng chỉ một lát sau, bạn sẽ cảm nhận cái vị ngọt đậm đà bên trong cùng với miếng thịt gà vừa dai vừa giòn.
Bưởi – luôn là một thứ nguyên liệu không bao giờ cũ đối với các đầu bếp, chính vì lẽ đó mà khi bạn thưởng thức món gà hấp trái bưởi bạn sẽ vô cùng thích thú về món ăn mới lạ và giàu chất dinh dưỡng này.
3 Cơm gà cá mặn – Đồng Nai
Món cơm gà cá mặn giản dị giống như tên gọi của nó. Cơm được nấu trong nồi đất sau đó cơm được trộn lẫn với các thức ăn ăn kèm như: Thịt gà, chà bông, cá, đồng thời nêm các loại gia vị sao cho vừa ăn.

Món cơm gà cá mặn giản dị giống như tên gọi của nó. Cơm được nấu trong nồi đất sau đó cơm được trộn lẫn với các thức ăn ăn kèm như: Thịt gà, chà bông , cá, đồng thời nêm các loại gia vị sao cho vừa ăn.
Thông thường khi ăn món cơm gà cá mặn thì người ta thường cho thêm tiêu, ớt để ngon hơn. Cá dùng làm món ăn phải là loại cá mắm, nặng hơn khoảng 1kg mới là loại vừa ăn, tuy nhiên nếu không có cá mắm thì có thể thay thế bằng cá thu.
Đầu tiên làm sạch cá, ngâm trong nước sôi 4 tiếng để cá được mềm hơn, sau đó xé thịt cá thành những thớ thịt nhỏ để vào giá cho ráo nước. Thịt gà cũng được xử lý và cắt miếng, ướp cho thấm bột gà, tỏi ớt băm và tiêu. Tiếp theo lấy bắp cải rửa sạch và cắt thành miếng nhỏ dạng gỏi.

Đối với gạo thì vo sạch trộn hỗn hợp gia vị tiêu xay, dầu olive. Sau đó tiến hành nấu cơm như cách truyền thống và được nấu trong nồi đất. Xào cá, thịt gà sau đó cho vào nồi cơm trộn thật đều tay và cho nhỏ lửa để cơm chín đều thơm ngon.
Khi ăn, niêu cơm vẫn còn để trên bếp, lúc xới cơm hơi khói bay nghi ngút tỏa mùi thơm quyến rũ; cơm nấu càng cháy ăn càng ngon và đậm đà. Đãi khách bằng món cơm gà cá mặn vừa tiện, hấp dẫn lại ngon, thắt chặt thêm tình cảm thắm thiết giữ khách và chủ đặc biệt là sẽ nhớ Long Khánh với món cơm gà cá mặn.
4 Lẩu lá khổ qua rừng – Đồng Nai
Lá khổ qua rừng là loại lá khá phổ biến ở vùng đất Long Khánh, có vị rất đắng nhưng càng ăn lại càng cảm nhận được hương vị ngọt ngào đậm đà. Đây cũng chính là bí quyết làm nên nét đặc trưng của món lẩu lá khổ qua rừng.

Ở Đồng Nai có những món ăn mà không phải ở vùng đất nào trên đất nước Việt Nam cũng có. Những món ăn tuy rất dân dã, quen thuộc với người dân nơi đây nhưng lại là mới lạ và đặc biệt đối với du khách khi lần đầu đặt chân đến nơi đây. Được liệt kê vào danh sách những món ăn dân dã nổi tiếng ở Đồng Nai, lẩu lá khổ qua rừng là một món ăn lý tưởng cho những ai yêu thích các món lẩu.
Theo kinh nghiệm của người dân Đồng Nai thì lẩu lá khổ qua rừng được nấu bằng cá trào cững (giống cá lóc con) thì hợp khẩu vị nhất. Nếu không có thì có thể nấu với sườn non, tôm khô cũng được. Lá khổ qua rừng là loại lá khá phổ biến ở vùng đất Long Khánh, có vị rất đắng nhưng càng ăn lại càng cảm nhận được hương vị ngọt ngào đậm đà. Đây cũng chính là nét đặc trưng của món lẩu lá khổ qua rừng.

Là một loại lá rừng chỉ mọc trong mùa mưa, nhưng do được rất nhiều du khách yêu thích nên nhiều hộ dân nơi đây đã nhân được giống lá khổ qua rừng để trồng ở vườn nhà. Đến nay thì lá khổ qua rừng có quanh năm và đáp ứng bất cứ lúc nào du khách có nhu cầu.
Nồi lẩu lá khổ qua rừng vẫn được ăn giống như một loại rau khi ăn những món lẩu truyền thống. Lá khổ qua rừng được nhặt sạch sẽ, rửa sạch và để ráo trên đĩa. Khi nồi nước lẩu đang sôi chỉ cần nhúng một nắm lá vào lẩu vớt ra ngay dùng liền, thì mới cảm nhận được hết vị ngọt đặc trưng của lá khổ qua rừng.
Một ngày dài khi đi tham quan vùng đất Đồng Nai, tìm đến một nhà hàng và gọi món lẩu lá khổ qua rừng nóng, thơm ngon thì không còn gì thú vị bằng. Nếu bạn đang có dự định đến Đồng Nai thì hãy “note” tên món lẩu lá khổ qua rừng vào trong cuốn cẩm nang món ăn du lịch của bạn nhé. Chắc chắn sẽ không làm bạn phải thất vọng về con người cũng như những đặc sản ở nơi đây khi bạn đến với Đồng Nai.
5 Canh chua lá giang – Đồng Nai
Canh chua lá giang là một món canh cực ngon của người Đồng Nai. Món ăn có vị chua, thanh mát và dễ chịu, giải nhiệt cho mùa hè được nhiều người yêu thích.

Lá giang là loại lá mà theo đông y rất tốt cho sức khỏe. Vì lá có khả năng thanh nhiệt, giải độc và tính kháng sinh cao. Đối với những người bị chứng đầy hơi, chướng bụng ăn uống khó tiêu có thể sử dụng loại lá này. Nó giúp đường ruột bạn tốt hơn, kích thích tiêu hóa tạo cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Mùa hè là thời điểm lá giang phát triển nhanh và cực mạnh. Lá dễ sống, dễ kết hợp được nhiều loại thực phẩm khác nhau. Có thể là thịt hoặc hải sản đều cho món canh cực kỳ ngon và ngọt. Người dân Đồng Nai cực kỳ yêu thích món ăn này. Với món canh chua lá giang được nấu với cá cơm khô, dù dân giã nhưng cực kỳ tốn cơm. Món ăn cho sức khỏe tốt, giải nhiệt cực kỳ hiệu quả vào mùa hè.
Canh chua lá giang Đồng Nai được nấu khá đơn giản. Nó thường được kết hợp với cá cơm khô cực kỳ ngon. Cá cơm khô được kiếm ở chợ cực nhiều và đơn giản. Nấu ngon nhất vẫn là cá cơm ngần. Mua về mang đi rửa sạch. Khi nấu cần thiết phải ngâm nước sôi khoảng 5 phút trước. Mục đích là để cá mềm ra. Lá giang được nhặt và rửa sạch. Trong khi làm, bắc nồi nước lên đun đến khi sôi thì cho cá vào nấu khoảng 5-10 phút đun sôi. Khi cá chín mềm mềm thì cho lá giang vào nấu cùng.

Để có được món ăn ngon đúng điệu, điều cần chú ý cách nấu canh chua lá giang. Trước khi nấu, lá giang cần được vo nát chút ra để nấu nhừ mà không bị chua quá. Quá trình nấu, điều chỉnh độ mặn nhạt của món canh cũng cực kỳ quan trọng. Vì nếu nhiều muốn món ăn sẽ bị mặn, không còn độ chua hay ngọt của cá nữa. Nếu nhạt quá thì nó cũng không thấy vị.
Món ăn cực kỳ phù hợp với mùa hè. Khi thời tiết nắng nóng oi bục, về nhà mà có bát canh chua thì thật tuyệt. Món ăn được ăn thêm với muối ớt rừng cho tăng thêm độ cay nồng. Vì thế, đừng bỏ qua món ăn này cho gia đình trong hè năm nay.
Hãy tận hưởng món canh chua lá giang – đặc sản Đồng Nai với vị chua thanh, dịu nhẹ, giải nhiệt cực tốt. Đây sẽ là một gợi ý tuyệt vời vào mùa hè, giúp không bị ngán cơm.
6 Dơi xào lăn – Đồng Nai
Long Khánh là một thị xã thuộc tỉnh Ðồng Nai nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản. Những vườn cây trái xum xuê quanh năm là môi trường lý tưởng cho loài dơi trú ngụ. Ở Long Khánh có nhiều loại dơi như dơi quạ, dơi sen, dơi chó, dơi hương… Người dân miệt vườn giăng lưới bắt dơi để bảo vệ cây trái vào vụ thu hoạch, hơn thế thịt dơi còn được dùng để chế biến thành các món ăn như cháo dơi, dơi nướng, nổi bật là món dơi xào lăn…

Dơi bắt về được làm thịt, lột da rồi bằm nhỏ hay xắt miếng tùy theo ý người đầu bếp. Sau đó thịt dơi được xào trên bếp lửa, trong chảo đã có sẵn tỏi phi thơm đến khi săn lại rồi được cho vào nấu cùng cháo. Khi ăn, cháo dơi được ăn kèm với rau bắp chuối, tiêu ớt, chanh xắt miếng và nước mắm. Với món dơi nướng, người ta kẹp dơi đã làm sạch vào các thanh tre rồi nướng trên bếp than hồng. Thịt dơi nướng thơm lừng vừa rời lửa được nhắm cùng hành hoa chấm muối tiêu chanh với rượu là món khoái khẩu của dân nhậu miệt vườn. Dơi cũng được chế biến thành món dơi xào lăn để ăn trong các bữa cơm thường ngày.
Chúng sống thành bầy đàn, ăn trái cây vườn, khoảng chập tối, người ta chuẩn bị dơi mồi, lưới vợt, giỏ đựng để đi săn bắt chúng. Nếu chưa có dơi mồi thì phải chọn người biết cách thổi để dẫn dụ dơi đến. Người thổi phải có hơi dài và biết kỹ thuật thổi. Thường dùng lá mì hoặc lá cầy mỏng có độ đàn hồi, dùng hai bàn tay kẹp lá mì chụm lại thổi, bắt chước tiếng dơi kêu.
Khi bắt được dơi bỏ vào giỏ đựng đem về làm thịt cũng phải khéo léo khi lấy ra kẻo dơi cắn vào tay chảy máu. Trước khi làm thịt, dơi được cắt tiết; huyết dơi có tính hàn, uống rất mát, thường dùng pha với rượu uống. Với dân nhậu, uống được rượu huyết dơi là đã hơn nhiều so với rượu huyết dê hay huyết rắn.

Thao tác làm thịt dơi phải đúng cách, nếu không thịt dơi sẽ mất đi hương thơm và vị ngọt. Đặc biệt, khi làm thịt dơi không được rửa nước. Ta nắm cánh dơi, lột da, rồi ngắt phía sau rút hết ruột, thế là xong. Dơi xào lăn dùng để ăn cơm hằng ngày. Để có món này chỉ cần làm sạch dơi rồi chặt từng miếng nhỏ xào với sả, ớt. Khi ăn vừa hít hà mới ngon. Thịt dơi có vị ngọt và thơm, dơi càng hôi thì xào lăn càng có vị đậm đà.
Thịt dơi giờ đây cũng là một món đặc sản được nhiều người ưa thích, để thưởng thức món dơi xào lăn thơm ngon thì không có cái thú nào bằng khi được dịp về chốn miệt vườn Long Khánh để đi săn bắt dơi về chế biến.
7 Dế cơm chiên nước mắm – Đồng Nai
Đặc sản dế cơm chiên nước mắm Đồng Nai là một món ăn khá quen thuộc với những ai yêu thích các món ăn côn trùng. Nếu có dịp ghé chơi Đồng Nai, bạn cứ nên mạnh dạn thử thưởng thức một lần cho biết nhé, biết đâu lại nghiền cũng nên đó.

Xưa nay, các món dế chiên nước mắm chủ yếu là dế ta và dế thái, ít ai được ăn món dế cơm chiên nước mắm vì đây là loại dế đặc biệt sống dưới đất và rất khó nuôi. Dế cơm là giống dế to gấp 3 lần dế ta và dế thái, chính vì to như thế nên người ta có thể nhét đậu phộng vào trong bụng dế cơm, làm cho dế cơm có hương vị đậm đà và ngon hơn các loại dế khác.
Dế cơm sau khi đem về ngắt nhẻ phần đuôi từ từ rút ruột dế cơm ra. Sau đó, rửa sạch qua nước muối loãng, rồi rửa qua nước dấm (dongnai.tintuc.vn được biết rửa qua dấm để khử mùi cỏ của dế). Rửa sạch thịt ba rọi, băm nhuyễn với muối,tiêu, tỏi, hành, đường, nước mắm để vào tô.

Lấy một chút thịt bọc đều hột đậu phụng và nhét vào bụng dế cơm qua ngỏ trên cổ của dế cơm. Sau khi nhét nhân vào bụng dế cơm, đem nhúng vào chén đựng lòng trắng trứng đã được đánh đều, rồi nhúng vào bột mì khô trộn ca-ri.
Đun dầu trên chảo cho nóng, cho từng chú dế cơm vào chảo chiên, khi thấy dế vàng nổi lên và có màu vàng đậm vớt ra bỏ lên dĩa có lót giấy hút mỡ.
Dế cơm chiên nước mắm ăn vừa dòn, vừa đậm đà hương vị nước mắm, vừa béo ngậy của dầu, béo thơm của đậu phộng mang đặc trưng món ăn dân dã miền Đông Nam bộ. Ngoài ra dế cơm còn được những bà nội trợ lăn bột chiên bơ để thêm một món đãi khách thì hết chỗ nói.
8 Xôi chiên phồng – Đồng Nai
Trong nhiều lần liên hoan ẩm thực, cuộc thi các món ăn ngon khu vực và toàn quốc trong những năm qua, món xôi chiên phồng của Đồng Nai luôn giành được thứ hạng cao. Tại các lễ hội ẩm thực, món xôi chiên phồng cũng thường được đặt ở vị trí khá nổi bật. Khách phương xa đặt chân đến đất Đồng Nai thường hay tìm hỏi, thưởng thức món ăn này.

Xôi chiên phồng bắt đầu có mặt tại miền Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước. Chuyện kể về một người đầu bếp ở xứ Biên Hòa (Đồng Nai) vô tình làm rơi cục xôi nhỏ vào chảo dầu đang sôi. Thấy miếng xôi phồng to, nếm thử vừa dẻo vừa thơm, ông làm thử vài miếng khác mời cả nhà cùng ăn và ai cũng khen ngon.
Từ cái duyên tình cờ, người đầu bếp nghĩ đến việc biến món xôi chiên phồng trở thành món ăn chính của quán. Ông không để hạt nếp nguyên vẹn như làm xôi thông thường, quết chúng mịn hơn, trong nếp có pha thêm ít đường cho có vị ngọt, bột sau trộn được ngâm trong dầu ăn.
Theo các đầu bếp kỳ cựu ở miệt vườn Bửu Long (Biên Hòa), chiếc bánh xôi chiên phồng ban đầu chỉ to cỡ bàn tay, nhưng đến khi lan truyền khắp miền Nam và Tây Nam bộ, xôi được làm to hơn quả bóng, thu hút thực khách từ lúc chế biến đến lúc lên bàn ăn.
Muốn làm được chiếc bánh ngon cần phải chọn nếp ngon. Nếp ngon là nếp dẻo. Tuy nhiên khó hơn cả là nghệ thuật chiên xôi. Trước tiên phải chọn chiếc chảo chiên phù hợp, nhiệt độ lửa phù hợp và người chiên xôi phải được học cách chiên. Nếu không, xôi vừa cứng và hình dạng lại không tròn
Xôi chiên phồng được xem là hoàn hảo khi bánh xôi sau chiên phải phồng tròn và vàng đều. Chiếc bánh xôi phồng được cho là ngon khi bên ngoài giòn thơm, bên trong vẫn còn dẻo và có vị ngọt. Theo các đầu bếp, vỏ bánh mỏng sẽ giúp người ăn không bị ngán, tuy nhiên để làm được bánh xôi chiên phồng có vỏ mỏng vừa giòn vừa dẻo không đơn giản chút nào.

Là món ăn có vị ngọt, xôi chiên phồng sau khi thành bánh thì được cắt ra miếng nhỏ, ăn kèm với gà quay, cánh gà chiên hoặc thịt nướng. Muốn đỡ ngán, thực khách có thể ăn kèm dưa leo hoặc các loại rau thơm. Nói như nhiều người từng có dịp đứng cạnh chảo xem chiên xôi “chỉ nhìn thôi là đã muốn ăn thứ một miếng”.
Với xôi chiên phồng, ăn không phải chỉ để no mà để cảm nhận được cái công của người làm bếp. Xôi chiên phồng vì thế không đơn thuần là món ăn, mà là một tác phẩm nghệ thuật.
9 Nấm mối xào tỏi – Đồng Nai
Nếu có dịp đến với Đồng Nai, đến với Đá Ba Chồng, các bạn đừng quên thưởng thức món nấm mối xào tỏi đặc sản nơi đây. Không như các loại thực phẩm khác, nấm mối ở đây chỉ có theo mùa. Bạn có thể thực hiện chuyến đi của mình vào khoảng thời gian đầu mùa mưa để được thưởng thức món ăn tuyệt vời này.

Nấm mối ở đây hầu hết đều là nấm lấy trong tự nhiên, thế nên chất nấm cực kì ngon ngọt và bổ dưỡng. Với những người sành nghề, chỉ cần nhìn mưa là họ biết có nấm mối hay chưa. Nấm mối thường ẩn mình trong đất, rồi chờ cho khi mưa trút xuống thì chúng chồi lên. Trung bình chỉ 3 đến 4 cây nấm mối là đã được một đĩa nấm xào thơm ngon dành cho 3 người rồi.
Không như các loại nấm khác, nấm mối không sở hữu mùi ngai ngái. Ngay cả khi vừa lấy chúng lên từ những ụ đất, bạn đã có thể ngửi thấy ở chúng một mùi thơm dịu dễ chịu hơn hẳn. Thân nấm mối có khi to bằng 3-4 ngón tay người lớn chụm lại và phần thân này cực kì ngọt, ngọt và dai hơn hẳn so với phần mũ nấm.
Nấm sau khi được lấy từ rừng, từ những vùng đất ẩm ướt về sẽ được cắt bỏ gốc nấm sau đó làm sạch. Phần mũ nấm sẽ được cắt rời với thân rồi cắt ra thành những miếng tam giác vừa ăn, phần thân nấm được chẻ ra tạo thành những sợi nấm vuông đẹp mắt. Riêng với những cây nấm mối nhỏ, bạn chỉ cần rửa sạch rồi cho vào xào với tỏi phi thơm.

Nấm mối xào tỏi là món ăn ngon nức tiếng của người Đồng Nai nói riêng và một số vùng miền khác nói chung. Nếu có dịp đến đây và thưởng thức món ăn tuyệt vời này, hẳn là đôi khi bất chợt bạn sẽ cảm thấy thèm chúng đấy. Nấm mối xào tỏi sở hữu vị thơm, bùi rất riêng của tỏi và nấm quyện vào nhau, thế nên nó là một trong số những món ăn sẽ khiến cho bạn thêm lưu luyến về mảnh đất này.
Ăn gì khi đến Đồng Nai? Trên đây là những món ăn đặc sản Đồng Nai nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp đến Đồng Nai thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Đồng Nai nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.