Yên Bái là một tỉnh miền núi, thuộc vùng Tây Bắc, với phong cảnh thiên nhiên đa dạng và nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn như động Cảm Dương, hồ Thác Bà, du lịch sinh thái suối Giàng, cánh đồng Mường Lò, Mù Cang Chải… Vì vậy, Yên Bái trong tâm trí của nhiều người chính là các thửa ruộng bậc thang vàng ươm mùa lúa chín, là núi non kỳ vĩ, ban sơ của một miền quê vùng Tây Bắc. Thế nhưng, hơn cả những tuyệt tác hữu tình mà thiên nhiên ban tặng là cả một nền văn hóa ẩm thực phong phú, đậm đà bản sắc riêng được hình thành bởi cộng đồng người dân tộc thiểu số đa dạng và rộng lớn của miền quê này. Ăn gì khi đến Yên Bái? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Yên Bái khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!

1 Cá hồ Thác Bà – Yên Bái

Hồ Thác Bà với sản lượng thủy sản hàng nghìn tấn mỗi năm, hành trình khám phá hồ Thác Bà các bạn không thể bỏ qua món ngon được chế biến từ các loại cá. Những con cá tươi với đủ các loại cân nặng để lựa chọn được người dân đánh bắt hàng ngày ngay trên lòng hồ qua bàn tay chế biến của người dân bản địa đã tạo thành những hương vị rất riêng cho du lịch hồ Thác Bà.

Cá hồ Thác Bà - Yên Bái
Cá hồ Thác Bà – Yên Bái

Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái, là một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam hình thành từ việc ngăn sông Chảy từ năm 1970, để làm thủy điện. Vốn là dòng sông Chảy nên hồ Thác Bà có nhiều loại cá bơi giỏi, thịt săn chắc như cá chày, cá bỗng, cá chiên, cá chép, cá trắm… ở cửa các dòng suối lớn đổ vào sông như Ngòi Biệc, Ngòi Tu…, người ta đã từng bắt được những con cá bỗng vài chục kg, cá chày 7 – 8kg bằng đánh cụp, bằng câu, bằng đánh lưới. Cá bỗng có thân gần giống cá trắm, bụng và vây lại giống cá chép, miệng thuôn nhỏ, ăn cả mồi thực vật và động vật. Thịt cá bỗng đặc biệt thơm ngon khi được nướng hoặc rán vàng. Người ta cũng có thể dùng cá bỗng nấu lá tai chua ăn nóng, vị cá đậm đà mà không thấy mùi tanh.

Trên hồ có nguồn hải sản rất phong phú, ngoài cá thì sản lượng tôm rất phong phú, thơm ngon, đầy dưỡng chất. Ở các nhà hàng bên hồ; các bạn sẽ dễ dàng thưởng thức những món ăn ngon làm từ tôm tươi, rất thơm ngon.

2 Dế Mèn Chiên – Yên Bái

“Bao giờ cho đến ngày xưa

Để nghe tiếng võng đong đưa của bà

Để dầm nắng dưới đầm hoa

Rình con dế cụ thò ra thụt vào…”

Câu hát réo rắt của người Mường Lò chợt gợi cho người ta sống lại ngày trẻ thơ nô đùa cùng nhau bắt dế. Mà lạ thay dế mèn ở Yên Bái không chỉ là thứ trò chơi dân gian mà còn là một món ăn vô cùng hấp dẫn. Bỏ qua những ái ngại về tên gọi hay nguyên liệu món ăn từ dế mèn dần phổ biến đến mức trở thành đặc sản của cả vùng Tây Bắc.

Dế Mèn Chiên - Yên Bái
Dế Mèn Chiên – Yên Bái

Dế mèn có thể chế biến thành nhiều món khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là dế mèn chiên giòn. Phải chọn những con dế còn sống và đầy đủ chân và càng mới mong có được món ăn ngon. Ngâm dế qua nước muối loãng để làm dế chết và khử sạch bùn đất.

Công đoạn chế biến cũng phải thật khéo léo để không làm nát dế. Sau đó khử sạch mùi bằng nước sôi hoặc nước măng chua rồi chế biến.

Những con dế vàng ươm trong chảo dầu nóng già phải được đảo thật khéo léo tránh sứt mẻ. Một đĩa dế mèn chiên sẽ mất ngon nếu thiếu bát nước chấm. Vị chua của chanh, cay nồng của ớt, thơm thảo của sả hay vị the thé của lá chanh cùng con dế béo nguậy giòn tan làm người ta không muốn dừng đũa.

Dến mèn chiên giòn có thể được phủ thêm lớp tương ớt hay nước măng chua để thêm phần đậm đà. Ăn kèm với món này là vài thứ rau rừng hoặc các loại quả chua thì thật là thức ngon khó cưỡng.

3 Muồm muỗm, châu chấu rang – Yên Bái

Muồm muỗm là loài sinh vật râu dài, có cánh, chỉ xuất hiện vào mùa gặt. Người dân Mường Lò thường thu bắt muồm muỗm để chế biến thành thức ăn. Bằng công thức chế biến đặc biệt, qua bàn tay khéo léo, cùng những gia vị quen thuộc đơn giản dễ kiếm, muồm muỗm bắt đầu trở thành món ăn ngon đặc sản duy nhất chỉ có ở vùng Tây Bắc, nó dần in sâu trong tiềm thức của du khách đến nơi đây, ai ai cũng phải một lần nếm thử món đặc sản dân tộc hiếm và độc này.

Muồm muỗm, châu chấu rang - Yên Bái
Muồm muỗm, châu chấu rang – Yên Bái

Ai ai khi đến đây cũng mong được một lần được thưởng thức món muồm muỗm rang giòn. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa nhỏ . Cạn nước thì được cho ngay mỡ vào, đảo đều tay trên bếp to lửa khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, sau đó cho nêm nếm cùng với bột canh, hạt nêm, ít ớt tươi và đảo thật nhanh tay cho muồm muỗm ngấm đều gia vị, tiếp tục cho lá chanh đã được thái nhỏ vào đảo đều cho lá chanh chín tới là món đặc sản muồm muỗm rang nức tiếng đã hoàn thành.

Muồm muỗm rang sau khi thành phẩm sẽ sở hữu màu vàng nâu đẹp mắt, kèm với đó là một mùi thơm ngất ngây lòng người. Muồm muỗm ở mường lò ăn rất bùi, ngậy và thơm không như ở những vùng khác. Ai đặt chân đến vùng đất Yên Bái mà không tự tay đi bắt muồm muồm, tự tay chế biến và thưởng thức món Muồm muỗm rang này thì thực sự đáng tiếc.

4 Bọ xít chiên giòn – Yên Bái

Khi mùa nhãn ra hoa cũng lúc bọ xít kéo nhau về phá hoại cây. Người ta dùng rất nhiều cách để tiêu diệt kẻ phá bĩnh này. Người Mường cũng không ngoại lệ nhưng họ sáng tạo hơn khi biến loài vật này thành món ăn vô cùng hấp dẫn.

Bọ xít chiên giòn - Yên Bái
Bọ xít chiên giòn – Yên Bái

Những con bọ xít non được bắt bằng cách thoa nước măng chú lên thân nhãn. Còn với đám bọ xít già được bắt bằng công cụ tự chế. Người Thái tạo ra một loại vợt dài đầu trên có lưới măc nhỏ. Trùm nhẹ lưới vào những chùm hoa nhãn khẽ rung là đã có thể bắt được hàng tá bọ xít rồi.

Bọ xít được ngâm nước ấm với muối hạt trong vài tiếng cho hết mùi hôi. Bọ xít qua sơ chế được đem chiên giòn với dầu mà không cần thêm bất cứ gia vị nào. Phần mùi hôi còn sót lại của bọt xít cũng bay đi mất nên bạn đừng e ngại khi thưởng thức nhé.

Đĩa bọ xít chiên giòn thêm hấp dẫn khi có vài cọng lá chanh thái sợ và ít nước cốt chanh để dung hòa hương vị. Những con bọ xít vàng ruộm, bóng mẩy giòn tan trong miệng lại là thứ mồi không thể thiếu cho một buổi cơm có kèm bia hay rượu. Còn bạn, bạn đã sẵn sàng thưởng thức món ăn lạ lùng mà ngon đáo để này chưa?

5 Bánh chưng đen Mường Lò – Yên Bái

Mường Lò – mảnh đất của “gạo trắng, nước trong”, nơi có những cô gái Thái duyên dáng trong chiếc áo cỏm, khăn piêu không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào cũng vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng.

Bánh chưng đen Mường Lò - Yên Bái
Bánh chưng đen Mường Lò – Yên Bái

Người Thái làm bánh chưng đen vào mỗi dịp tết đến, xuân về để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và đất trời. Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng: Lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.

Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như người Thái nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh tuý của đất trời và tấm lòng của những người gói bánh. Bánh chưng đen giờ không chỉ được thưởng thức trong ngày tết, ngày hội của bản mà đã trở thành món ăn giàu bản sắc văn hóa của người dân và là món ẩm thực độc đáo với nhiều du khách khi đến Mường Lò, miền Tây Yên Bái.

6 Bánh chuối Lục Yên – Yên Bái

Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối – chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

Bánh chuối Lục Yên - Yên Bái
Bánh chuối Lục Yên – Yên Bái

Với bánh chuối, sự hấp dẫn được thể hiện qua những bàn tay khéo léo, tài tình của các bà, các mẹ. Bánh được tạo nên chủ yếu từ chuối và một chút bột gạo mới. Để làm được một chiếc bánh chuối thơm ngon, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối, màu bánh vàng như nhúng mật họ phải chuẩn bị khá công phu từ khi chuối ra nải. Quả chuối chín, đem bóc vỏ, rồi được sấy khô để dành. Khi làm bánh, chuối sấy khô được đem ngâm nước ấm cho mềm rồi đem đi xay thành bột, bột gạo cũng phải xay bột nước cùng với bột chuối trộn đều làm vỏ bánh. Muốn có bánh thơm, ngọt thì nguyên liệu được chọn là chuối tiêu; muốn bánh có độ dai dẻo, màu sắc sáng thì chọn chuối goòng, chuối lá… tùy theo sở thích.

Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.

7 Bánh Chim Gâu – Yên Bái

Yên Bái là một tỉnh vùng cao có sự sinh sống của nhiều dân tộc ít người. Sư đa dạng về dân tộc đã góp phần tạo nên một nền văn hóa đa sắc màu cho nơi đây. Lại nói về sự đa dạng thì ẩm thực là một trong những “bữa tiệc” nhiều màu sắc nhất. Đơn cử có thể nhắc đến món bánh chim gâu (chim cu gáy) của người Dao.

Bánh Chim Gâu - Yên Bái
Bánh Chim Gâu – Yên Bái

Món bánh có tên rất lạ này xuất phát từ một tích chứa chan tình mẫu tử. Người ta kể với nhau những bà mẹ người Dao lên nương rẫy nhưng trái tim vẫn đau đáu hướng về đứa con bé bỏng ở nhà. Rồi những trưa rảnh tay ho xếp lá dứa rừng thành chiếc ỏ bánh chim gâu. Về nhà họ lại thêm bột vào làm thành những chiếc bánh đẹp mắt.

Ngày nay bánh chim vẫn được gói bằng lá dứa rừng nhưng phần bánh được pha chế cầu kỳ hơn.

Người ta pha trộn thêm đỗ xanh hoặc nhuộm màu gạo bằng các loại lá cây khác nhau để mỗi chiếc bánh là một sự bắt mắt khác nhau. Thật ra, ngoài tạo hình chim gâu người ta có thể đan thành hình những thứ khác tùy ý nhưng có lẽ vì ý nghĩa từ xưa nên hinh tượng chim gâu vẫn được ưa thích hơn cả.

Những buổi gói bánh, người phụ nữ Dao lại rủ nhau tụm lại một góc nhà rồi khéo léo uốn lượn sao cho giống chim gâu nhất. Mà còn phải đảm bảo chiếc bánh nhỏ xinh vừa phải không quá to cũng không quá dài. Chiếc bánh nhỏ nhắn được xếp gọn và nấu chín trong nồi đầy ắp nước khoảng 1 giờ đồng hồ là đã cơ thể thưởng thức.

Tặng nhau chiếc bánh chim gâu như tặng nhau món ngon khi đói lòng. Và với các em bé nhỏ đó còn là cả sự yêu thương của mẹ dành cho mình. Món ăn dân dã này là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ tết. Vắng đi chiếc bánh chim gâu như khiến cho hương vị núi rừng mất đi mấy phần rồi

8 Thịt Dê – Yên Bái

Với điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho việc chăn thả gia súc. Những vùng đồi núi rộng lớn là bữa ăn ngon lành cho nhiều loại vật nuôi. Việc chăn thả cũng là yếu tố khiến gia súc ở Yên Bái có chất lượng thịt ngon đặc biệt trong đó không thể bỏ sót thịt dê Yên Bái.

Thịt Dê - Yên Bái
Thịt Dê – Yên Bái

Thịt dê núi được nuôi thả thường được yêu thích hơn vì độ săn chắc, ít mỡ. Những con dê tới tuổi giết thịt được chọn đuổi và đánh cho đến khi hết mùi hôi. Phần thịt dê được ướp với lá quế hoặc cúc tần rồi chế biến thành các món ăn hấp dẫn.

Ví như món dê nướng người ta chọn phần thịt bắp đỏ mềm đặc trưng ướp với các gia vị núi rừng. Nướng phần thịt dê trên than hồng tránh lúc lửa to để không ám khói. Trong lúc nướng phải phết đều tay dầu điều lên bề mặt để thịt không bị khô và giữ đẹp màu. Đặc biệt phải nướng từ phần da, khi da chín cũng là lúc phần thịt vừa đủ ngấm gia vị và chín tới. Món thịt dê nướng càng ngon hơn khi ăn kèm rau rừng và nước chấm do chính tay người vùng cao pha chế.

Ngoài ra, thịt dê Yên Bái còn có thể chế biến được rất nhiều món ăn hấp dẫn đang chờ bạn khám phá. Thịt dê không chỉ là một ăn no bụng mà còn dồi dào chất dinh dưỡng vì thế luôn thu hút người ta khi vừa thoáng nghe tên gọi.

9 Đuông cọ – nứa – Yên Bái

Những con đuông béo ngậy là món ăn rất được yêu thích của một số đồng bào dân tộc ở Yên Bái. Khác với các món đuông dừa, đuông cọ hoặc đuông nứa ở Yên Bái thường được nướng, rán vàng hoặc nấu cùng măng chua.

Đuông cọ - nứa - Yên Bái
Đuông cọ – nứa – Yên Bái

Trái ngược với vẻ ngoài hơi kinh dị của nó, con đuông khi chế biến thành món ăn có vị ngọt mềm và béo. Ngoại trừ lớp vỏ mỏng dai dai, còn lại toàn bộ các bộ phận khác của con đuông rất mềm, tựa như một món ăn đã được hầm nhừ và béo ngậy. Tuy nhiên, con đuông có chứa một số chất gây dị ứng, vì vậy nếu là lần đầu thưởng thức món này, hãy ăn thử từ từ xem cơ địa mình có hợp với nó không nhé.

10 Cá Sỉnh Nậm Thia – Yên Bái

Dòng Nậm mát lành, hiền hòa ở Mường Lò là nơi sinh sống của loài cá sỉnh. Với tập tính ngược dòng nên vào sinh sản cá sỉnh thường bơi lên thượng nguồn đẻ trứng. Rồi những đàn cá con cứ xuôi dòng lừng lững về hạ nguồn là dòng Nậm Thia. Có lẽ nhờ vậy mà ở Nậm Thia cá sỉnh nhiều không kể xiết.

Cá Sỉnh Nậm Thia - Yên Bái
Cá Sỉnh Nậm Thia – Yên Bái

Cá sỉnh ăn rêu đá để sống. Những con cá thon dài, thân mảnh con nào to lắm cũng cỡ bốn ngón tay. Đặc biệt rất ít xương, chắc thịt, ngọt đậm lại không tanh nên người ta tha hồ chế biến nên các món ăn từ cá. Từ “pa kính pỉnh” – cá được kẹp tre rồi nướng trên than hồng. Đến “pa mốc” – cá bọc lá chuối rồi mang vùi trong tro nóng. Hay các món tốn nhiều thời gian: “pa mắm” – làm mắm từ cá, “pa khính xổm” – cá muối chua, “pa khính giảng” – cá gác bếp…

Dù ở món nào cũng không thể thiếu bát nước chấm “nậm pịa” thứ hỗn hợp pha trộn từ ruột cá sỉnh, hạt sẻn, hành, gừng rồi đem chưng.

Những con cá chuyên ngược dòng nên vô cùng nhanh nhảu. Vì thế người ta luôn đưa ra nhiều cách để dụ khi cho bằng được loài cá quý này. Người thì giăng chiếc cần câu với mồi là giun đất đang ngoe nguẩy. Ai khéo tay thì quăng chài, khéo léo quan sát dòng chảy thì cũng được bữa mẻ lưới nặng tay. Mà độc đáo nhất phải nhắc đến “chuôm đá”. Người Thái tạo thành các hang hốc, “chuôm” nhỏ bằng đá dưới nước. Nhử cá vào bằng xương trâu, bò, khi cá vào kín họ dùng lưới vây bắt lại. Một chuôm có khi được 4-5kg cá sỉnh.

Cá sỉnh của dòng Thia không những được xem là thức ăn mà còn xuất hiện trang trọng trong lễ vật hỏi cưới của người Thái. Thế mới biết con người Yên Bái quý loài cá này nhiều biết dường nào. Một dịp bất chợt nhớ Nậm Thia thì đừng quên cá sỉnh thơm lành, dòng nước hiền hòa, buổi “chôm đá” náo nhiệt, cả bát rượu và điệu xòe Thái bạn nhé.

11 Mắm tép hồ Thác Bà – Yên Bái

Hồ Thác Bà được nhắc đến là một thắng cảnh đẹp của tỉnh Yên Bái. Đây cũng là nơi có trữ lượng thủy sản lớn đem lại nguồn thu nhập cho tỉnh và người dân quanh vùng hồ Thác Bà. Thác Bà được ví là một vựa tôm tép và món mắm tép hồ Thác Bà cũng từ đó mà nổi tiếng nức vùng.

Mắm tép hồ Thác Bà - Yên Bái
Mắm tép hồ Thác Bà – Yên Bái

Với diện tích trải dài từ huyện Yên Bình đến huyện Lục Yên, do vậy các xã nằm bên hồ có lợi thế về đánh bắt thủy sản trong đó có tép. Người dân ở các xã Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Tân Hương, Xuân Long, Minh Tiến, Vĩnh Lạc, Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh… đã sớm nhận ra tiềm năng lớn này và họ đã tự chế biến cho mình món mắm tép đầy khoái khẩu với độ đạm cao.

Với món mắm tép này có thể ăn kèm chuối xanh và thịt lợn luộc, khế cùng rau đinh lăng, hoặc có thể đem hấp vào cơm cùng với trứng gà sẽ được một món ăn ngon lành mà là lạ chẳng kém gì đặc sản.

12 Ruốc tôm Mường Lò – Yên Bái

Từ nguyên liệu tôm nõm, thịt lợn thăn, dầu thực vật và các loại gia vị của vùng Mường Lò cùng với kinh nghiệm truyền thống của đồng bào Tây-bắc đã tạo nên mùi vị đặc trưng của sản phẩm ruốc Tôm. Món này khi ăn kèm với sôi ngũ sắc, cơm lam các bạn sẽ thật ấn tượng bởi sự đậm đà của ruốc tôm hoà quyện với mùi vị dẻo thơm của nếp Tú Lệ.

Ruốc tôm Mường Lò - Yên Bái
Ruốc tôm Mường Lò – Yên Bái

Ruốc tôm là một món ăn tưởng như rất đơn giản và tiện dụng làm nhưng không phải ai tuân theo công thức đó cũng ngon. Mỗi người, mỗi vùng miền đều phải sở hữu những bí quyết riêng tạo nên sự khác biệt trong mùi vị của từng món ăn. Ghé thăm miền Tây Yên Bái, nơi có những bàn tay khéo léo đã chế biến món ăn này từ những nguyên liệu hết sức gần gũi để mang lại đầy đủ vị ngon đến với những người thưởng thức.

Nguyên liệu để làm món ruốc tôm gồm: Tôm nõn (tôm suối) bóc vỏ, thịt lợn (nạc vai), dầu thực vật, gia vị. Tôm chọn con mình mẩy, to đều, rửa sạch bóc vỏ, bỏ chỉ đen trên sống lưng và phần đầu tôm. Cho tôm vào cối giã nhỏ. Thịt lợn băm nhỏ. Sau đó cho dầu vào chảo rang thịt chín kỹ rồi cho tôm giã nhỏ vào quần đảo đều, cho gia vị thêm vài giọt nước mắm cho ruốc tôm thêm đậm đà. Khi rang để lửa thật nhỏ, liu riu để tôm và thịt chín đều đến khi vừa khô là được. Sau lúc sao khô để nguội là có thể ăn được.

13 Trứng Kiến – Yên Bái

Khi cái nắng oi nồng của tháng Ba đến, đàn ông Tây Bắc rủ nhau lên rừng lấy trứng kiến. Từ nguyên liệu này họ cùng nhau tạo ra vô số món ăn hấp dẫn. Món ăn với tên gọi mới đầu tưởng chừng khó nhằn ấy lại phổ biến và trở thành đặc sản của Yên Bái.

Trứng Kiến - Yên Bái
Trứng Kiến – Yên Bái

Những tổ kiến to như mũ cối được gõ nhẹ xua kiến ra hết rồi tách đôi để lấy trứng. Người ta thường không lấy hết trứng mà chừa lại một ít cho kiến sinh sản. Những cái trứng kiến ú mềm, trắng đục màu sữa chỉ nhìn thôi mà đã nguậy mùi thơm trong cổ họng rồi.

Trứng kiến mang về được chế biến thành rất nhiều món khác nhau. Tuy nhiên đặc sắc nhất phải kể đến xôi ngũ sắc trứng kiến. Những hạt nếp dẻo ngon được mang đi đồ xôi rồi ướp cùng lá rừng tạo ra những màu sắc thật bắt mắt. Trứng kiến được ướp gia vị gói trong lá dong rối đen nướng. Đơm một đĩa xôi ngũ sắc rắc lên đó mớ trứng kiến thơm phức làm không ai cầm lòng được.

Bốc từng nắm xôi cùng một nhúm trứng kiến vỡ nhẹ trong miệng thật bắt tai. Món này ăn kèm với cá suối sấy và muối ớt trộn chanh thì quả là không hương vị nào sánh bằng.

Bỏ lỡ một bữa tiệc với trứng kiến khiến người ta buồn bã như vừa bỏ lỡ một bữa lộc trời. Bữa chợ tình dường như kém vui, điệu múa xòe hoa bớt rộn ràng và những chiếc váy bớt phần rực rỡ khi người ta ghé thăm Yên Bái mà bỏ sót một món ẩm thực đặc sắc nơi lưng chừng tròi này.

14 Nhộng ong rừng – Yên Bái

Nhộng ong rừng không phải mùa nào cũng có mà phải chờ vào những ngày tháng những con ong rừng làm tổ và sinh sản là bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8, đó là thời điểm thuận lợi để những người dân Mù Cang Chải lấy được những con nhộng ngon. Vì rất hiếm nên những con nhộng này đã trở thành những đặc sản quý hiếm.

Nhộng ong rừng - Yên Bái
Nhộng ong rừng – Yên Bái

Món nhộng ong rừng Mù Cang Chải được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, có thể sử dụng đó chính là nhộng ong chiên giòn, nhộng ong tẩm bột rán …Nhộng ong rừng chiên không được nát, nhộng ong phải còn giữ nguyên con và vàng ươm, mang đến một cảm giác hấp dẫn cho du khách. Thành phần không thể thiếu đó chính là gia vị và lá chanh ở phía trên. Mùi thơm béo ngậy cùng với sự hòa quyện của gia vị và của lá chanh sẽ đem đến cho du khách một cảm giác khác lạ.

15 Thịt trâu gác bếp Mù Cang Chải – Yên Bái

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản xứ Yên Bái, cụ thể hơn là khu vực Mù Căng Chải của người Thái đen. Món này được làm từ 100% là thịt từ bắp của những chú trâu nhà thả rông trên các nương đồi, sườn núi. Những con trâu sau khi giết thịt và được làm sạch, sẽ được lọc các thớ thịt ra thành từng miếng có chiều rộng khoảng 7- 8 cm, chiều dài khoảng 15cm và dày khoảng 2-3 cm, dần cho thật mềm rồi băm nhỏ sả, gừng, tỏi, ớt, hạt mắc khén giã nhỏ trộn đều, ướp thịt trâu với hỗn hợp gia vị đó sao cho vừa đủ. Ướp khoảng 2-3 tiếng rồi đem đi sấy, có thể buộc lạt treo lên gác bếp hoặc xếp trên than củi hong khói để thật xa cho thịt chín từ từ, chín đều, không bị cháy, bên trong lại không chín. Dần dần sau đó thịt sẽ khô lại và chín do sức nóng của gia vị tẩm ướp và của khói bếp củi quanh năm đỏ lửa.

Thịt trâu gác bếp Mù Cang Chải - Yên Bái
Thịt trâu gác bếp Mù Cang Chải – Yên Bái

Thịt trâu gác bếp sau khi thành phẩm sẽ khô và hơi đen lại, nhiều người nhìn đen trông xấu xấu nhưng khi nếm thử một miếng lại xuýt xoa vì vị ngon riêng biệt của nó. Thịt mềm, dai vừa, càng ăn ta càng thấy vị ngọt từ thịt. Hương thơm dân dã của núi rừng như mắc khén, xả, riềng ớt và cách tẩm ướp khéo léo, kỳ công của người dân Tây Bắc.

16 Lạp xưởng – Yên Bái

Lên vùng cao vào mùa lạnh, nếu được hơ mình bên bếp lửa hồng, nhấm nháp chút rượu ngô với lạp xưởng chấm tương ớt cay xè thì thật là tuyệt vời biết bao. Đây cũng chính là một trong nhiều món ăn đặc sản khá phổ biến ở tỉnh Yên Bái.

Lạp xưởng - Yên Bái
Lạp xưởng – Yên Bái

Nguyên liệu chính để làm nên món lạp xưởng này là lòng non, thịt nạc xay nhuyễn. Muốn lạp xưởng không bị hôi người ta phải rửa lòng non với rượu trắng cho thật sạch, thịt lợn phải là thịt nạc vai, thịt thăn hoặc nạc mông, những phần thịt ngon nhất của con lợn, sau đó xay nhuyễn tẩm ướp thêm gia vị bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng… nhồi vào lòng non đã làm sạch. Phải nhồi sao cho lòng non căng tròn, đẫy đà mới được. Rồi đem phơi nắng 3 ngày, sau đó treo lên gác bếp. Mấy ngày đầu, phải nổi lửa hồng cho miếng lạp xưởng được hơi khói mới, chú ý đến khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men. Nhiên liệu để sấy lạp xưởng cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Cứ thế, miếng lạp xưởng được treo quanh năm nơi góc bếp mà không lo bị hỏng. Mỗi hương vị Lạp xưởng của vùng Tây Bắc đều có hương vị riêng biệt, tuy nhiên, Lạp xưởng ở Yên Bái có màu sẫm hơn, khô hơn vì được hun kỹ, khi ăn bạn sẽ thấy có mùi thơm đặc biệt của mía hun cùng vị khói của củi, than rừng, đó là điều tuyệt vời mà bất cứ du khách nào khi đến Yên Bái cũng không thể bỏ qua được món ăn này.

17 Thịt băm nướng kiểu người Thái – Yên Bái

Yên Bái là tỉnh miền núi phía bắc có nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, có những món ăn ngon làm nao lòng du khách, đặc biệt là những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực rất riêng của dân tộc Thái nơi đây. Từ các loại thực phẩm phong phú rất dân dã, đồng bào có thể chế biến thành những món ăn đặc trưng riêng của dân tộc mình, một nét độc đáo trong các món ăn của dân tộc Thái đó là món thịt băm nướng.

Thịt băm nướng kiểu người Thái - Yên Bái
Thịt băm nướng kiểu người Thái – Yên Bái

Món thịt băm nướng của người Thái rất đơn giản, nguyên liệu chỉ là phần thịt vai gồm cả bì và mỡ, cứ thế băm nhỏ ra, gia vị cũng là một bí quyết tạo nên sự ngon của món ăn. Người Thái thường dùng thêm hạt tiêu rừng (mắc kén) để dậy mùi, hành tươi, hành khô vừa đủ để giữ được sự nguyên chất của thịt lợn. Thịt lợn được ướp khoảng 10 phút rồi cho vào lá rong tươi bọc vài lớp, kép tre nướng trên bếp than hoa. Tiếp đó rửa sạch lá dong, đổ thịt vào, rồi gói lại thành hình vuông như chiếc bánh chưng. Kẹp gói thịt vào hai chiếc nan bằng tre. Lưu ý nên gói từ 2 đến 3 lá dong để khi nướng thịt không bị bung ra. Khi nướng điều chỉnh lửa than sao không quá to vì khi nướng nước thịt hay bị chảy ra làm cháy lá dong.

Món thịt băm nướng này cũng không thể nhanh chóng mà ăn được, vì nướng trên than hoa, buộc người nướng phải rất khéo léo để sao cho thịt chín đều, vàng ươm, lớp lá rong chỉ cháy khô bên ngoài. Nướng khoảng 30 phút là thịt sẽ chín. Nếu muốn vỏ bên ngoài hơi cháy có thể nướng to lửa lúc cuối. Khi chín thịt vàng đều, róc lá, mùi thơm của các loại gia vị làm nổi bật lên vị ngọt đậm đà của thịt. Món thịt băm nướng rất đơn giản, ấy vậy mà khi ăn sao ngon kỳ lạ, mùi thơm quyến rũ của những gia vị quyện với vị ngọt của thịt cũng làm hài lòng những du khách khó tính nhất. Đặc biệt món này ăn kèm với xôi nếp tan Tú Lệ là ngon và đúng vị nhất.

Du khách nên ghé qua tỉnh Yên Bái để có thể hòa mình với thiên nhiên và thưởng thức món thịt lợn băm nướng của người Thái ngon, hấp dẫn làm mê đắm biết bao khách du lịch bởi nét đặc sắc trong nền văn hóa ẩm thực rất độc đáo nơi đây.

18 Pà Mẳm – Yên Bái

Pà mẳm gọi theo tiếng của đồng bào Thái có nghĩa là mắm cá. Pà mẳm có nhiều loại nhưng ngon và quý phải kể đến Pà mẳm cá chép. Món ăn này tuy không cầu kỳ nhưng yêu cầu phải đảm bảo những nguyên tắc chế biến riêng. Cá chép dùng để làm Pà mẳm nhất thiết phải là cá chép ruộng hay cá chép ao. Cá bắt về được thả trong bể từ 3 đến 4 ngày cho nhả hết bùn đất, rồi vớt ra chậu khô đổ rượu ngon cùng muối đã rang chín vào và đậy chặt lại. Quá trình giẫy, một lượng muối, rượu sẽ được đưa vào bụng cá, cứ như thể cho đến khi cá chết. Cá được ướp trong vại với rất nhiều gia vị như: thính gạo nếp, hạt sẻn, ớt tươi băm nhỏ, xả, riềng, quế chi… Tất cả các gia vị này đều phải được xào thơm trước khi đem ướp. Qua một ngày, người ta chắt nước trong vại ra đun sôi để nguội rồi lại đổ vào vại cá. Công đoạn này được lặp lại hai lần trong các ngày kế tiếp. Sau ba lần như vậy, người ta bịt kín miệng vại, rồi đem chôn sâu ở nơi khô thoáng. Không giống như nhiều loại Pà mẳm khác, sau 3 năm Pà mẳm cá chép mới được đem dùng.

Pà Mẳm - Yên Bái
Pà Mẳm – Yên Bái

Pà mẳm ngon và được xem là đạt yêu cầu là khi mở ra phải có mùi thơm của thính nếp, gia vị và cá được ướp chín bằng rượu, muối và các gia vị cay nóng nên không còn mùi tanh. Cá phải đảm bảo còn nguyên con, thịt màu hồng tươi và dai như cá mực. Pà mẳm có thể được nướng chín hay dùng sống tuỳ thuộc vào sở thích của từng người, nhưng Pa mẳm được đồng bào ưa dùng sống cùng với các loại rau thơm và gia vị của rừng. Trước đây, đồng bào Thái làm Pà mẳm như một cách dự trữ thức ăn qua năm, nhưng cùng với thời gian món ăn này đã trở thành đặc sản mà người Thái chỉ dùng thiết đãi khách quý và bạn bè thân thích những khi nhà có việc lớn, việc vui.

Mỗi loại pà mẳm lại được chế biến và sử dụng theo những cách khác nhau. Pà mẳm cá tép chỉ dùng để chấm rau, chấm thịt và thời gian cũng không yêu cầu lâu, có thể là một tháng, hai tháng hoặc nhanh là một, hai tuần là dùng được. Ngoài cá chép thì một số loại cá ruộng khác như cá rô phi, cá riếc cũng được đồng bào dùng làm Pà mẳm.

19 Măng chua héo – Yên Bái

Măng chua héo (tiếng dân tộc gọi là “nó xổm héo”) là một đặc sản nổi tiếng của đồng bào Tày, Thái ở vùng Tây Bắc nước ta, đặc biệt là ở tỉnh Yên Bái. Đây là món ăn được chế biến đơn giản từ măng tre, bương, giang, nứa, vầu… song măng chua héo mang một vị đậm đà, độc đáo và hoang sơ như chính hương vị của núi rừng Tây Bắc.

Măng chua héo - Yên Bái
Măng chua héo – Yên Bái

Khi đi rừng hay lên nương, lên rẫy, người dân thường tranh thủ hái thêm một gùi măng tươi non mang về chế biến thành món măng chua héo. Cứ đến cuối thu vào mùa gặt hái thì chế biến măng chua héo sẽ bảo quản được lâu, là nguồn thức ăn dự trữ rất tốt.

Những chiếc măng trắng và to, có vị he do vừa mới hái, được đem bóc vỏ, rửa sạch thái vát mỏng dọc thớ, dài khoảng 5 đến 6 cm, đem ngâm nước lã trong chum từ 20 đến 25 ngày. Khi lấy ra măng đã thành măng chua, sau đó đem vắt ráo nước và phơi nắng cho khô. Măng càng được nắng thì càng thơm ngon và phơi sương 2-3 lần là được.

Ngày nay, các món ăn chế biến từ măng chua héo luôn có mặt trong bữa ăn ấm cúng của đồng bào dân tộc Tày, Thái vào những dịp hội họp người thân, bạn bè hay đãi đằng khách quí và luôn được giới thiệu với khách miền xuôi như là một món ngon đặc sản mà núi rừng đã hào phóng ban tặng cho những con người Tây Bắc nồng hậu và mến khách này.

20 Măng vầu cuốn thịt – Yên Bái

Măng vầu xuất hiện vào tháng mười hai hằng năm. Khi cơn mưa xuân khe khẽ chạm đất cũng là lúc những ngọn măng rục rịch trồi lên khỏi mặt đất. Măng vầu có thể được chế biến thành nhiều món khác nhau như mang xào tỏi hoặc xào rau răm. Thế nhưng trong bữa cơm có măng vầu mà không mang cuốn thịt thì quả là thiếu sót lớn.

Măng Vầu Cuốn Thịt - Yên Bái
Măng Vầu Cuốn Thịt – Yên Bái

Nguyên liệu làm món này cũng thật đơn giản và dễ tìm. Những ngọn măng được mang đem luộc cho dễ gọt. Bóc tách hết lớp vỏ già là từng lớp lá non mơn mởn xếp đan xen nhau. Đây là lúc đòi hỏi sự khéo léo của người chế biến cao nhất. Họ phải thật nhẹ tay để có những lá măng non đều nhau không bị rách. Phần nhân cuốn là sự hòa quyện giữa thịt ba chỉ, rau răm, trứng và gia vị.

Đặt một cuốn măng vào miệng thấy được vị ngọt lịm của măng rừng, vị đắng nhẹ đặc trưng, thơm của rau răm và béo của thịt. Nước chấm ăn kèm món này thường có hai loại: nước chấm mẻ và nước chấm tỏi ớt. Tùy ý thích mà người sẽ chọn cho mình một loại nước chấm phù hợp nhất.

Măng vầu cuốn thịt có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Bắc. Những ngày lất phất mưa xuân còn gì thú hơn khi nhâm nhi một cuốn măng này nhỉ. Mà thức ẩm thực vùng Tây Bắc sao nhìn đơn giản nhưng cuốn người ta mê theo lúc nào cũng chẳng biết.

21 Ngóe ôm măng – Yên Bái

Ngóe ôm măng là món ăn ngon và hiện nay đã được liệt vào hàng đặc sản khó tìm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn và nghe cách chế biến, chưa chắc bạn đã dám nếm thử.

Ngóe ôm măng - Yên Bái
Ngóe ôm măng – Yên Bái

Ngóe sau khi bắt từ đồng về được nuôi nhốt để thải sạch phân sau đó rửa sạch để loại bỏ chất nhớt trên da. Măng rừng rửa sạch, để nguyên óng ngâm với nước sạch khoảng 3-4 ngày để có vị chua thanh thanh. Bắc nồi măng lên bếp đun đến khi sủi tăm tăm thì cho ngóe vào.

Nước nóng sẽ khiến những con ngóe nhanh chóng tìm tới những óng măng và chui vào trú ngụ và chín nguyên con ở trong đó. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt ngóe và vị chua mát của măng hòa quện mang đến cảm giác thơm ngon lạ miệng. Đảm bảo nếu bạn đã ăn một lần thì sẽ không dừng lại được.

Tuy nhiên, ngày nay do môi trường sống của ngóe có nhiều thay đổi nên khi chế biến người ta thường lột vỏ và bỏ nội tạng của nó đi để món ăn đảm bảo vệ sinh và thẩm mỹ hơn.

22 Măng sặt – Yên Bái

Măng sặt là một đặc sản mà núi rừng ban tặng cho người dân vùng Tây Bắc, từ lâu đã có mặt trong vốn ẩm thực truyền thống của dân tộc Việt Nam. Măng sặt có ở khắp các địa phương nhưng chỉ riêng măng sặt ở Yên Bái là ngon nhất và được nhiều du khách sành ăn lựa chọn.

Măng sặt - Yên Bái
Măng sặt – Yên Bái

Măng sặt thuộc họ tre, thân nhỏ và rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên. Măng sặt mọc nhiều tại các địa phương như Trạm Tấu hay Văn Chấn, nhưng đặc biệt măng được trồng tại Nghĩa Lộ lại có vị ngon nhất. Măng sặt Nghĩa Lộ có vị ngọt bùi, tương đối mềm, dễ để chế biến các món ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú mập mạp, thân màu trắng còn tươi nguyên mùi đất của núi rừng.

Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều các món ăn như: món luộc, món om, món xào, món nướng… rất ngon và trở thành đặc sản của vùng núi Tây Bắc. Măng sặt là món dễ ăn bởi vì không có mùi vị, không độc tính đặc biệt là chế biến món chấm thì măng sặt lại trở thành món chính trên mâm cơm, theo người dân tộc Thái vùng Tây Bắc thì ngon nhất vẫn là măng sặt nướng trên bếp than hồng. Măng được nướng chín trên than hồng sau đó từng lớp vỏ cháy xém được bóc ra, bóc đến đâu vị thơm ngon bùi bùi tỏa ra đến đó, chấm măng sặt nướng với mắm tôm thêm chút ớt, chút đường thì không còn gì tuyệt bằng. Măng sặt nướng lên vừa giữ được vị ngọt và hương thơm, không làm mất đi vị ngon riêng biệt, vốn có của măng rừng.

Măng sặt - Yên Bái
Măng sặt – Yên Bái

Cứ ai đi lên miền Tây Bắc Yên Bái mà có được mớ măng sặt trắng nõn, bụ bẫm mập mạp đẹm về thì cả nhà quý và vui phải biết. Ngoài ra, măng sặt còn được xếp vào nhóm rau tươi giàu dinh dưỡng, có hàm lượng vitamin D, A cao hơn nhiều so với các loại rau bình thường nên măng sặt là thực phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe. Trong nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng măng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đàm, lợi tiểu tiêu phù và cầm tiêu chảy nên được nhiều người ưa chuộng, kết hợp chế biến món ăn với chữa bệnh. Bởi vậy, dân tộc Thái vùng Tây Bắc quý măng sặt như vàng. Măng không chỉ lưu giữ hương vị thanh khiết, trong lành của núi rừng mà còn là vị thuốc hữu dụng từ xưa đến nay.

23 Rêu suối Mường Lò – Yên Bái

Sau lúc làm sạch rêu, người Thái thường trộn hạt sẻn, hạt dổi, hạt mắc khén (những thứ hạt tiêu rừng thú vị) cùng ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh, rồi thêm ít thịt mỡ. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, buộc lạt tre túm hai đầu, bẻ quặt hai mép lá lại thành cái hình khum khum treo trên một thanh nẹp tre. Đem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa, cũng không hơ khói. Bao giờ lá dong cháy tý tách, thì lôi thanh tre ra, hơ cả gói rêu nướng trên than hoa.

Rêu suối Mường Lò - Yên Bái
Rêu suối Mường Lò – Yên Bái

Lá rong cháy tới trường trong cùng, mỡ và nước xanh thơm mát của rêu suối rỉ ra, thì bày ra đĩa. Khi ăn, mở gói lá dong ra, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng ngạt ngào, riêng có rêu vẫn mát lịm, thanh tao. Món rêu nướng (khay/”cay pho”) vừa quyến rũ với thẩm mỹ thứ thiệt của gia vị nhà hàng Thái, lại vừa giữ được cái mát lành, thơm thảo, dịu dàng của vị rêu suối. Món “cay pỉnh” còn thú vị hơn: đem nguyên liệu rêu và gia vị gói bằng lá lốt hoặc lá chanh. Kẹp các gói nhỏ trên thanh tre tươi trẻ đôi, nướng giòn. Rêu chín, cho vào rán với mỡ lợn.

Rêu suối nhiều, nhưng rêu ngon thì ít. Và cái mùa rêu ăn được, ăn thứ thiệt được lại càng ngắn ngủi. Nên bà con vùng cao (những nơi có tục ăn rêu) quý rêu lắm. Khách quý đến chơi nhà thì mới có thể đãi rêu khô trên gác căn phòng nhà bếp. Rêu thường được tổ chức ăn vào bữa cơm tối, khi đại gia đình đông đủ. Cô dâu Thái thường coi dành túm rêu nướng cho mẹ chồng những mong tròn vẹn hơn cái đạo dâu con.

24 Rau Dớn – Yên Bái

Rau dớn hay còn gọi là dớn rừng, thái quyết là một loài thuộc họ dương xỉ. Thoạt nhìn thì cũng không khác rau (đọt) choại ở miền xuôi là bao.

Rau Dớn - Yên Bái
Rau Dớn – Yên Bái

Rau dớn thường mọc ở ngách đá, khe núi và có mặt quanh năm ở Yên Bái. Tuy nhiên thứ này vẫn được cho là tươi ngon nhất là vào mùa mưa. Rau dớn dồi dài chất dinh dưỡng nên thường được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau. Từ xào, luộc, nấu canh đến cầu kỳ như gỏi rau dớn tôm thịt, rau dớn xào rắc mắc khén, rau dớn dòn cá niên hoăc có thể ăn kèm các món nước. Tuy nhiên món rau dớn luộc vẫn được ưa chuộng hơn cả vì độ giữ nguyên vị của rau.

Người ta thường sử dụng những ngọn xanh non cuộn tròn lại như vòi voi xanh mướt mát. Đặc trưng của rau dớn là có vị hơi nhớt nên khi chế biến người ta thường phải chần sơ qua nước sôi. Bữa cơm thêm đẹp mắt vì có sự xuất hiện của đĩa rau dớn và đưa cơm đến nỗi người khách ăn hoài cũng chẳng biết no.

25 Món Mọoc – Yên Bái

Nếu như người Kinh có món mọc được làm từ giò sống và nấm hương, thả vào trong nước ăn cùng bún, mì… thì người Tày cũng có một món ăn với cái tên tương tự mọc (người tày phát âm là “Mọoc” với phần âm kéo dài hơi luyến) nhưng với những nguyên liệu khác. Món ăn này không chỉ có mặt trong các bữa ăn thường ngày mà còn trở thành vị đặc biệt không thể thiếu được trong các cỗ lớn: ngày tết, ngày giỗ, ngày cưới… của người Tày.

Món Mọoc - Yên Bái
Món Mọoc – Yên Bái

Nguyên liệu để làm Mọoc gồm có : Hoa chuối rừng (Mắc pi đông), chọn loại hoa màu tím gần giống chuối nhà, đúng thời kì nở 5, 6 lá ngoài, vừa hết quả gốc đến quả ngọn và nhìn hoa tròn lẳn mới ngon. Thịt lợn ba chỉ loại ngon cùng cá và tôm. Cá, tôm phải được bắt ở suối, loại nhỏ, khi chế biến không cần bỏ ruột. Bột gạo nếp đóng vai trò kết dính các thành phần lại với nhau. Ngoài ra còn cần các loại gia vị khác: lá lốt rừng (Hoom dăăm đinh), lá bánh tẻ không sâu, hạt dổi, xả, gừng cùng chút muối.

Cách làm như sau: Hoa chuối thái mỏng ngâm với muối để bớt độ chát, sau đó vắt sạch, thái nhỏ. Thịt lợn, cá, tôm cùng các loại gia vị đem giã nhuyễn. Sau đó cho tất cả các nguyên liệu đã qua sơ chế vào chậu, thêm chút muối, bột gạo nếp vào trộn đều. Như vậy, ta đã có được mọoc sống thành từng nắm nhỏ bằng bát con, gói bằng lá dong và xếp vào chõ xôi. Thời gian xôi khoảng một tiếng, trong khi xôi lửa phải cháy liên tục, lửa đều. Mọoc chín xếp ra nong cho nguội. Lúc này mùi mọoc tỏa ra thật hấp dẫn: mùi cay ngọt ấm áp của gừng, xả, hạt dổi quyện lẫn mùi thơm béo của cá tôm và thịt lợn.

Trong bữa ăn, món mọoc được xếp ra đĩa và đặt ở vị trí trung tâm của mâm. Mọoc lúc này đã chuyển sang màu tim tím, dẻo quyện vào nhau như một chất hồ dính. Chấm với nước mắm hâm nóng có nêm hạt dổi, ăn ghém cùng rau sống. Khi thưởng thức, vị bùi bùi của hoa chuối, béo ngậy ngòn ngọt của thịt lợn và tôm cá cộng với vị cay ấm áp của các loại gia vị thấm dần vào vị giác của từng người.

Trong Đông y, rau dớn được cho vào hàng thảo dược quý với nhiều công dụng. Người miền núi quý rau dớn như một loại thực phẩm quý. Ví như người Cơ tu vào mùa xuân họ xem rau dơn như loại thức ăn chính. Còn đối với một số dân tộc khách họ xem dớn mà vua của các loại rau. Vì thế không khó để tìm thấy rau dớn trong các dịp lễ hội hay các dịp lễ lộc quan trọng của họ.

26 Nếp Tú Lệ – Yên Bái

Nếp Tú Lệ hay còn được gọi là nếp Tan Lả (theo tiếng của người Thái) là loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái. Loại nếp này được coi là loại nếp ngon nhất nước ta, đồ lên thành xôi có vị thơm ngọt và dẻo, rời từng hạt chứ không dính chặt lấy nhau như đa phần các loại nếp thường khác.

Nếp Tú Lệ - Yên Bái
Nếp Tú Lệ – Yên Bái

Hạt nếp Tú Lệ đều, dài và căng mẩy, hạt nếp trong veo, bóng bẩy nhìn thôi đã thấy thích mắt, từng hạt, từng hạt một mát mượt, mềm mại như nhung. Hạt nếp đó được xem như hạt ngọc mà trời ban tặng cho vùng đất Yên Bái xinh đẹp. Nếp Tú Lệ đem đồ xôi thì thơm nức mũi mà chả cần nước dừa cũng chả cần nước yến. Xôi đồ lên dẻo mềm vừa đủ độ nhão, dính mà không bị nhão quá hay ướt quá như các loại nếp khác. Càng nhai kỹ ta lại càng thấy món xôi nếp này bùi bùi, ngọt ngọt, không béo, không ngấy mà có một vị ngon riêng đặc biệt thật lạ lùng.

Chắc hẳn, khi đến với nơi này và được nếm thử món nếp Tú Lệ ai ai chắc cũng được nghe lại câu chuyện truyền thuyết từ xa xưa cha ông dân Thái được những vị tiên giáng trần rồi ban tặng cho một loại hạt giống và dặn dò cẩn thận phải tìm nơi khí hậu, đất đai thật tốt, phì nhiêu, màu mỡ thì mới gieo trồng được loại lúa nếp thơm ngon khác thường. Nghe theo lời dặn của tiên giả đó, tổ tiên người Thái đã du cư khắp các vùng Tây Bắc tìm đất để gieo hạt giống quý này. Khó khăn lắm cho đến tận khi gặp thung lũng phì nhiêu, màu mỡ dưới chân đèo Khau Phạ, đặc biệt thung lũng này còn nhận được những dòng nước mát, tinh khiết, trong trẻo trong từ con suối Mường Lống nuôi dưỡng, ấp ủ hạt ngọc ấy. Để hạt ngọc ấy thật sáng trong mà cũng được người người trân quý.

Nghe đâu đó, họ còn truyền tai nhau nếp Tú Lệ phải được ngâm và đồ bằng nước suối trong vắt chảy ra từ những con suối đầu nguồn trên đỉnh Khau Phạ mới thực sự là tinh hoa ẩm thực ngon nhất, đặc biệt nhất… Nghe vậy ta mới thấy được sự trân quý của hạt ngọc Tú Lệ mà được đất trời ban cho vùng đất xinh đẹp này. Nếp Tú Lệ còn được chế biến thành bánh chưng, cốm, rượu cần, bánh giầy,… rất được ưa chuộng và yêu thích.

27 Cốm Tú Lệ – Yên Bái

Nếp Tú Lệ khi chế biến thành xôi nếp thì dẻo thơm ngon đặc biệt, khi được bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Thái chế biến thành món cốm thì lại thật ngọt ngào thanh mát mà không thua kém gì món cốm làng Vòng đặc sản Hà Thành.

Cốm Tú Lệ - Yên Bái
Cốm Tú Lệ – Yên Bái

Món cốm Tú Lệ cũng được dân tộc Thái làm theo cách truyền thống. Lúa nếp trong thời kỳ mẩy, chắc xanh, những đầu hạt nếp bắt đầu nặng và trĩu xuống uốn cong những bông lúa tạo thành đường cong tuyệt đẹp, mà những bông lúa này vẫn còn chút sữa ngọt, bùi nơi đầu hạt, gạo bên trong vẫn còn chưa chín hết.

Tất cả những bông nếp đó sẽ được gặt vào lúc sáng sớm và ngâm trong nước lạnh để loại bỏ hạt lép. Từng bông lúa được người dân chăm sóc tỷ mỉ, họ ra đồng vào lúc tinh mơ, cắt từng bông lúa to tròn nhất, đủ căng mẩy, thân lúa vẫn xanh rồi gặt về ngay lúc lúa còn đẫm sương đêm rồi tự tay tuốt từng hạt lúa non thật cẩn thận, sau đó đem lúa đi rang ngay để giữ được độ xanh của cốm.

Rang cốm cũng phải thật tỉ mỉ, cầu kỳ, chả phải dùng chảo gang đúc, rang lửa nhỏ đều tay sap cho cốm giữ được độ mềm dẻo thơm phức mà không bị cháy sau đó mới đem đi giã.

Món cốm được hình thành màu xanh non đặc trưng của cốm, thơm phức, dẻo dẻo, trong trong, vị thanh, hơi ngọt. Cốm được gói luôn vào những lá sen thơm nhẹ đem làm quà tặng, quà biếu thì thật trân quý. Cốm Tú Lệ mà được ăn kèm với chuối tiêu chín hoặc đem nấu cháo với vịt, ăn kèm xôi thổi từ nếp Tú Lệ, nấu chè hay làm các ăn đặc sản như chả cốm, tôm rán, nem rán, hay làm món thịt chiên cốm…. thì không gì có thể chê được.

Ai có dịp đến vùng đất Yên Bái mà chưa từng thử qua món cốm Tú lệ thì thật đáng tiếc. Cốm Tú Lệ không chỉ là đặc sản mà còn là hiện thân văn hóa dân tộc của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Đó là tinh hoa được đất trời ban tặng thật sự đáng quý và được người dân trân trọng.

28 Thịt mắm cơm đỏ người Tày – Yên Bái

Không cầu kỳ như nhiều món ăn khác, được chế biến đơn giản từ các nguyên liệu mang đậm chất quê của người miền núi, thịt mắm cơm đỏ của người Tày ở Lục Yên cho người thưởng thức biết tới một hương vị riêng biệt của món ăn dân tộc.

Thịt mắm cơm đỏ người Tày - Yên Bái
Thịt mắm cơm đỏ người Tày – Yên Bái

Nguyên liệu để làm thịt mắm cơm đỏ gồm có rượu nếp cái, củ giềng thái chỉ và một ít rau răm. Nhưng quan trọng nhất là cây cơm đỏ, thịt ba chỉ. Ngày tết, khi mổ một con lợn, dù to hay bé, người Tày ở Lục Yên thường dành riêng phần thịt ba chỉ (thịt bụng) để làm thịt mắm cơm đỏ.

Để làm thịt mắm cơm đỏ, người ta lấy cây cơm đỏ rửa sạch phơi qua nắng cho ráo nước rồi thái nhỏ. Khi lợn đã mổ ra, tất cả thịt ba chỉ của con lợn được làm sạch, thái nhỏ bằng 2 ngón tay ướp muối. Thịt được đổ vào chum trộn đều với củ giềng thái chỉ, một ít rau răm, cây cơm đỏ và rượu nếp cái thơm rồi buộc thật kín bằng ni lông.

Chừng 5 đến 6 ngày sau, mở chum mùi thơm đã sực nức, là lúc thịt mắm đã ăn được. Lúc này những miếng thịt mắm đã săn lại có màu đỏ tươi, lớt phớt những sợi giềng thái nhỏ. Gắp miếng thịt mắm lên thưởng thức, ta vừa thấy được vị ngọt, vị chua, vị cay của giềng và hương nồng của nếp cái thơm, ăn không ngấy và ngon đến khó tả. Nếu đậy kín, thị mắm cơm đỏ có thể để được 5 đến 6 tháng. Nhưng theo kinh nghiệm của người làm lâu năm, nên làm chum vừa phải, một chum chỉ mở một lần rồi đậy kín, lấy ra đến đâu ăn dần hết đến đấy rồi buộc chặt mới bảo quản được, nếu mở ra nhiều sẽ cay và không còn vị ngọt.

29 Khoai Tím Lục Yên – Yên Bái

“Lên rừng nhớ vợ, nhớ con

Về nhà nhớ củ khoai mon trên rừng”

Câu hát mà người Lục Yên cứ hay ví vón cho nhau nghe như vậy. Mà thật thứ khoai mon Lục Yên với hình dáng thật bình dị nhưng trót nếm một lần thì lại làm lòng người ta say khi nào chẳng biết.

Khoai Tím Lục Yên - Yên Bái
Khoai Tím Lục Yên – Yên Bái

Khoai tím hay khoai mon còn được gọi là khoai Dao, khoai vì nó chỉ xuất hiện ở nương rẫy của họ. Ngẫm mà thấy người tấm tắc khen về độ gon của khoai cũng không ngoa. Vì hầu như tất cả tinh túy của cả dây khoai chỉ dồn vào đúng một củ. Mà trồng loại khoai này như kiểu dấm dúi vứt đi. Mùa xuân người ta đen vùi vào hố đất. Khi những cơn gió hanh hao của mùa đông đến người ta lại đi dỡ khoai. Những củ khoai tím lịm như đôi tay úp vào nhau nếu dỡ đúng kỳ có khi nặng hơn 1kg.

Người ta trao đổi khoai ở các phiên chợ vùng cao. Nhũng củ khoai quý béo, bùi, dẻo thơm trao từ tay này sang tay khác như trao đi cái tình cái nghĩa cho nhau. Rồi ăn một miếng khoai tím Lục Yên sao nghe lòng văng vẳng câu ca lòng lữ khách lại muốn có chuyến đi vùng cao một lần nữa.

30 Bưởi Đại Minh – Yên Bái

Đại Minh được biết đến như thủ phủ của giống bưởi tiến vua Khả Lĩnh. Bưởi Đại Minh được xếp ngang với bưởi Năm Roi, bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch…

Bưởi Đại Minh - Yên Bái
Bưởi Đại Minh – Yên Bái

Tên gọi Khả Lĩnh có lẽ bắt nguồn từ rất lâu. Khi mà người ta kể lại về người tên Ngô Vi Lã đến đây khai khẩn rồi lập nên Khả Lĩnh Trang. Rồi cây trái trong vườn sai quả ông thả những quả bưởi to theo dòng về nguồn. Người ta nhặt được và bưởi Khả Lĩnh được tiến vua từ dạo đó.

Những cây bưởi Khả Lĩnh gốc to như cây cổ thụ, cây bưởi cổ có tuổi đời hơn 60 năm. Bưởi ở đây trĩu cành, quả căng mịn, tép mọng nước không đắng. Đến cả những quả chua cũng không chua gắt khó chiều lòng người.

Bưởi Đại Minh là giống bưởi quý đem lại giá trị cao về kinh tế lẫn văn hóa. Lễ hội bưởi Đại Minh hàng năm như một lời cảm ơn người đi trước cùng lời hứa giữ gìn giống cây quý cho thế hệ sau.

31 Cam Văn Chấn – Yên Bái

Khi cơn gió chớm đông se se lạnh thổi về những người con Văn Chấn lại thấy ấm lòng vì những vườn cam vàng rực.

Nông trường Trần Phú ở Văn Chấn là nơi chuyên canh tác cam. Nơi đây còn là nơi khai sinh ra những “triệu phú cam”. Cam Văn Chấn được trồng theo hình thức phân tầng từ cao đến thấp từ cam chanh – cam sành – cam sen hoặc quýt.

Cam Văn Chấn - Yên Bái
Cam Văn Chấn – Yên Bái

Cam Văn Chấn có hình dáng đẹp, quả đều tay, mọng nước, ít sơ nên rất được ưa chuộng. Một ngụm cam như thế này trong ngày oi ả thì làm mát lòng biết bao người rồi.

Còn gì thú vị hơn khi đi dọc những ngọn đồi bạt ngàn cam. Từng tầng cây cam đều như xếp khiến người ta ngẩn ngơ quên lối đi về. Rồi ghé Yên Bái vào mùa cam chín, người ta lại nao lòng khi thấy nhấp nhoáng trong lá xanh những quả cam chờ tay người hái về. Một màu cam rực như mời gọi du khách và đánh thức ngày mùa thu hoạch cam đã đến nơi rồi.

32 Nhãn Văn Chấn – Yên Bái

Vốn được thiên nhiên ưu đãi về vị trí địa lý lẫn điều kiện tự nhiên, Yên Bái thuận lợi phát triển các loại cây ăn quả. Một trong những đặc sản trái ngọt phải nhắc đến là nhãn Văn Chấn.

Nhãn Văn Chấn - Yên Bái
Nhãn Văn Chấn – Yên Bái

Những cánh rừng bạt ngàn cây nhãn được trồng thuần tự nhiên không theo bất cứ phương pháp hóa học nào nên rất được du khách ưa chuộng. Kỳ lạ thay thứ nhãn này lại sai quả và môi năm đều cho quả trĩu cành. Thứ nhãn vùng cao ngọt lịm, thơm ngây ngất lòng người. Mà đâu chỉ có mỗi người, mùi hương này còn thu hút những con ong thợ chuyên hút mật. Mật ong từ nhãn Văn Chấn sậm màu như hổ phách và thơm mùi nhãn đặc trưng.

Để có được thứ mật từ nhãn nức danh này không thể không kể đến sự công phu của người lấy mật. Và phải là một người thật khéo tay mới có thể quay thật nhẹ nhưng đều và nhanh để mật ong được lấy sạch mà không lẫn sáp ong.

Rồi năm nào cũng vậy khi ngày mùa tháng 4 oi ả về người ta lại nôn nao mơ những cành hoa nhãn chi chít trắng xóa. Đó như báo hiệu cho một vụ nhãn bội thu và những túi mật ong đầy ắp cũng sắp về.

33 Mận Tam Hoa Mù Cang Chải – Yên Bái

Đến vùng đất Mù Cang Chải vào tháng 5 du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng, những bản làng thơ mộng nằm e ấp bên vách đá; hay những cô gái Mông duyên dáng thật thà mà còn mát lòng mát dạ khi được thưởng mình trong mùa mận Tam Hoa.

Mận Tam Hoa Mù Cang Chải - Yên Bái
Mận Tam Hoa Mù Cang Chải – Yên Bái

Mận Tam Hoa chưa phải là thứ mận ngon nhất cả nước. Nhưng đến Mù Cang Chải mà không ăn bằng được quả mận này thì hơi phí. Mận Tam Hoa có quả to, thịt đỏ hồng bắt mắt vô cùng. Và làm người ta nhớ mãi bởi cái vị chua đậm, giòn nhưng không gắt.

Khi bản làng người Mông mờ ảo trong dải sương đang vắt vẻo trên những nhành cây. Thì thấp thoáng là những cô thiếu nữ Mông tay nhanh nhảu hái đầy một gùi mận tím. Đôi tay “múa” đến đâu những tia nắng ửng nhẹ nhảy nhót theo đến đó. Cảnh tượng như người ta như lạc vào chốn tiên bồng.

Tùy vào mục đích mà mận Tam Hoa Mù Cang Chải có thể được chế biến thành nhiều món khác nhau. Tuy nhiên nếu không cầm lòng được bạn có thể thưởng thức ngay tại vườn với mức giá rất rẻ. Chuyến đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Mù Cang Chải nhờ thế mà hấp dẫn hơn phải không nào?

Ăn gì khi đến Yên Bái? Trên đây là những món ăn đặc sản Yên Bái nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp du lịch Yên Bái thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Yên Bái nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.

5/5 - (5 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.