Bạc Liêu có gì?

Bạc Liêu là tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất đã trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử không chỉ hấp dẫn du khách với giai thoại về công tử Bạc Liêu mà còn bởi những “danh lam thắng cảnh” thú vị. Bạc Liêu có gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá những điểm du lịch Bạc Liêu thú vị và và thu hút cực đông du khách đến tham quan mỗi năm nhé.

1 Quan Âm Phật Đài – Bạc Liêu

Cách thành phố Bạc Liêu khoảng 8km là một ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh với tên gọi Quan Âm Phật đài Mẹ Nam Hải. Khi du khách đến thăm Bạc Liêu, không ai có thể bõ qua nơi đây. Ngôi chùa thuộc hệ phật giáo Bắc tông, tọa lạc ở phường Nhà Mát, tỉnh Bạc Liêu.

Quan Âm Phật Đài - Bạc Liêu
Quan Âm Phật Đài – Bạc Liêu

Tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho đông đảo đồng bào, người dân làm nghề biển trong khu vực và là ngọn hải đăng cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Ban đầu, Quan Âm Phật Đài ở Bạc Liêu là một căn nhà lá đơn sơ thờ phụng Quan Thế Âm Bồ Tát. Nó nằm ở một khu đất nhỏ ven biển, với xung quanh là bùn lầy và những rừng cây mắm, đước. Tương truyền ngôi chùa này lập nên để cầu an cho những người đi biển. Mong Phật bà phù hộ người dân đánh bắt xa bờ về nhà an toàn.

Đến năm 1973, Hòa thượng Thích Trí Đức đến đây, nhận ra sự linh thiêng thần thành nơi này nên đã cho xây dựng thành ngôi chùa khang trang hơn. Hòa thượng đã cho xây một Quan Thế Âm Bộ Tát cao 11m (Chưa tính phần bệ tượng) với tầm nhìn ra biển. Tượng xây trong 2 năm, đến năm 1975 thì hoàn thành.

Lúc mới xây dựng, tượng đài Phật Bà Nam Hải được đặt sát mé biển; mỗi lúc thủy triều lên, nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế. Qua nhiều năm, do sự bồi đắp của thiên nhiên; vị trí đặt tượng đài đã cách biển gần cây số.

Đến năm 2004, chính quyền địa phương cấp phép cho việc mở rộng chùa lớn thêm. Người dân thập phương đến cúng viếng chùa mẹ Nam Hải đã quyên góp tiền mở rộng chùa thêm.Đến năm 2005, các hạng mục công trình được lần lượt thi công, gồm: cổng Tam quan, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, điện Địa Tạng và một số công trình phụ.

Quan Âm Phật Đài - Bạc Liêu
Quan Âm Phật Đài – Bạc Liêu

Nổi bật ở đây là núi Quán Âm được xây dựng phía trước tượng Phật Bà, nơi hướng ra biển. Núi Quán Âm là công trình kiến trúc đậm nét Phật Giáo. Cao 45m, rộng 90m, ngang 45m, với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng.

Khi đến thăm Quan âm Phật đài Mẹ Nam Hải tỉnh Bạc Liêu khách du lịch sẽ cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn từ pho tượng Phật Quan Thế Âm mang lại. Đối với người dân nơi đây, Phật Bà phù hộ cho họ tránh khỏi những xui rủi trong quá trình đi biển đánh cá. Nếu đến Bạc Liêu, bạn hãy tranh thủ một lần ghé thăm nơi đây. Đặc biệt là Quan âm Phật đài để cảm nhận vẻ đẹp mà ngôi chùa mang lại.

2 Chùa Xiêm Cán – Bạc Liêu

Cách thành phố Bạc Liêu khoảng 7km về phía Đông Nam, chùa Xiêm Cán (thuộc xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được coi là ngôi chùa cổ kính và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Đông Nam Bộ. Với những đường nét hoa văn tinh xảo, lối kiến trúc độc đáo, ngôi chùa có tuổi thọ hơn một thế kỷ này vẫn uy nghi tồn tại đón khách tham quan, chiêm bái.

Chùa Xiêm Cán - Bạc Liêu
Chùa Xiêm Cán – Bạc Liêu

Chùa Xiêm Cán không chỉ là một ngôi chùa Khmer đẹp lộng lẫy và kỳ vĩ mà còn nổi tiếng là ngôi chùa trăm tuổi. Theo lịch sử ghi lại, ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1887 với diện tích ban đầu là 4500 m2. Thuở ban sơ, chùa có tên tiếng Khmer Komphisako, thể hiện sự uyên bác và sâu xa của trí tuệ phật pháp.

Về sau, một bộ phận người gốc Hoa đến đây định cư đã dịch tên chùa thành Xiêm Cán. Trong tiếng Hoa, Xiêm Cán có nghĩa là “giáp nước” dùng để chỉ ngôi chùa nằm cạnh bờ biển. Vậy là từ ấy đến nay, chùa được gọi tên Xiêm Cán, vừa đơn giản dễ nhớ, lại vừa có nét gì đó rất ấn tượng.

Khuôn viên chùa rộng hơn 4 ha, bao quanh là tường rào chạm khắc rắn thần và nhiều hoa văn rực rỡ. Đây là ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa được xây dựng theo lối kiến trúc Angkor đặc trưng của người Campuchia. Chánh điện của chùa thường quay về hướng Đông vì người Khmer tin rằng con đường tu hành của phật đi từ Tây sang Đông.

Ngay từ khi đặt chân đến cửa chùa, du khách đã ấn tượng bởi sự lộng lẫy của ngôi chùa này. Cổng chùa xây hình 3 ngọn tháp, mô phỏng kiến trúc Angkor của người Campuchia. Bên trên cổng được chạm trổ tinh xảo, với rất nhiều hình rắn – một đặc trưng trong kiến trúc Khmer.

Khuôn viên chùa rộng hơn 4 ha, bao quanh là tường rào chạm khắc rắn thần và nhiều hoa văn rực rỡ. Đây là ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa được xây dựng theo lối kiến trúc Angkor đặc trưng của người Campuchia. Chánh điện của chùa thường quay về hướng Đông vì người Khmer tin rằng con đường tu hành của phật đi từ Tây sang Đông.

Chùa Xiêm Cán có sala (giảng đường, nhà hội) trên đó có khắc tượng hình Xanac dắt con bạch mã Kiền đặc đưa Thái tử Sidatta qua sông đến đất A-nô-ma tìm đường giác ngộ. Trong sala có bàn thờ Phật và bàn ghế, sàn ván để tín đồ bàn bạc trước khi lên chánh điện. Vách trần sala được trang trí các họa tiết, bích họa khá công phu. Hai bên chánh điện là nhiều tháp cốt và một nhà hỏa thiêu.

Chùa Xiêm Cán - Bạc Liêu
Chùa Xiêm Cán – Bạc Liêu

Người dân Khmer mỗi tháng đến chùa bốn lần để lễ phật, tụng kinh, tu dưỡng đạo đức để mong được hưởng quả phúc. Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục của phum, sóc (làng, xã). Trong khuôn viên chùa có trường học dạy chữ Khmer, chữ Pali, dạy kinh… Đây cũng là nơi lưu giữ các tập truyện kể dân gian xưa và nay hoặc các vốn văn hóa truyền thống.

Chùa Xiêm Cán là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Bạc Liêu. Đến đây du khách không chỉ được ngắm nhìn những công trình kiến trúc công phu, hưởng không khí thật yên tĩnh và thanh bình khiến tâm hồn thư thái mà còn hiểu hơn về văn hóa tín ngưỡng, đời sống của dân tộc Khmer vùng đồng bằng Nam Bộ. Vì vậy, nếu có dịp về Bạc Liêu, du khách đừng bỏ qua địa điểm du lịch đặc sắc này nhé.

3 Vườn chim – Bạc Liêu

Bạn muốn ngắm nhìn từng đàn chim bay về tổ? Hay muốn tận hưởng không khí mát dịu trong lành của khu rừng còn nguyên nét hoang sơ? Bạn sẻ tìm thấy tất cả khi đến thăm vườn chim ở Bạc Liêu, một khu vườn còn đậm nét thiên nhiên hoang dã.

Vườn chim - Bạc Liêu
Vườn chim – Bạc Liêu

Chỉ cách thị xã Bạc Liêu 6 km về hướng biển nhưng vườn chim Bạc Liêu như tách biệt hẳn với không khí ồn ào, náo nhiệt của một thị xã bận rộn. Đến nơi đây, du khách như được bước vào một thế giới khác. Thế giới với màu xanh bạt ngàn của rừng, âm thanh lãnh lót của những chú chim, và được hít căng tràn buồng phổi cái không khí dịu mát, không có bụi và khói…

Thời gian du lịch Bạc Liêu lý tưởng để tham quan vườn chim là từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Đây là mùa sinh sản của các loài chim và là mùa ngắm chim lý tưởng, không gian ngập tràn tiếng chim ríu rít, với hàng trăm cung giọng lảnh lót khác nhau.

Vườn Chim Bạc Liêu là một phần còn sót lại của thảm rừng ngập mặn ven biển, do sự bồi tụ tự nhiên đã ngày càng xa dần biển Đông. Vườn chim Bạc Liêu với diện tích 130ha, có hơn 100 loài chim, cò, lượng cá thể lên đến hơn 60 ngàn con, trong đó, có nhiều loài chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Vườn chim đã bảo tồn được một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, với 150 loài động vật, 109 loài thực vật. Đặc trưng của rừng tự nhiên với các loài cây chà là, cóc, tra, giá, mắm… Đó là sinh cảnh chính đóng vai trò chủ yếu đối với đời sống, nơi cư trú làm tổ, sinh sản của các loài chim hoang dã. Cây chà là thích nghi cho các loài chim thuộc nhóm cò, vạc chọn làm nơi xây tổ sinh sản. Cây tra bồ đề và cây tra lâm bồn thích nghi cho loài diệc xám, loài điên điển. Cây giá, cóc thích nghi cho loài diệc lửa cư trú và làm tổ vào mùa sinh sản. Tất cả đan xen tạo nên môi trường xanh thích hợp làm nơi cú trú cho chim. Các loài chim sinh sống ở đây dường như có sự quy ước, phân chia lãnh thổ rõ ràng. Trên cao nhất loài còng cọc đậu, còn cò trắng, quắm trắng thì chia nhau làm tổ tứ tung trên các tầng cây cao vừa phải…

Với tính đa dạng sinh học cao, vườn chim ở Bạc Liêu đã được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên từ năm 1986. Đến năm 2014, vườn được Chính phủ công nhận là Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh.

Vườn chim - Bạc Liêu
Vườn chim – Bạc Liêu

Đến khám phá Vườn chim Bạc Liêu, bạn chèo xuồng ba lá, chui qua vài chiếc cầu bắc cong, rồi xuôi theo dòng kênh tiến vào vườn ngoạn cảnh. Đôi bờ là hai hàng cây nghiêng nghiêng rợp bóng, thi thoảng lại bắt gặp vài chú chim bay vụt lên cao, hoặc ngụy trang kín đáo trên cành lá, tò mò dõi theo các vị khách ghé thăm.

Hay đi bộ, đi xe điện dưới tán rừng, ngước nhìn lên cao, dễ thấy cứ chừng chục cây là có một cây mang nặng trên đó vài tổ cò, tổ quắm có trứng và chim non. Mỗi khi phát hiện có người vào vườn, chim mẹ liền bay lên báo động, còn lũ chim non thì nháo nhác ngóc đầu ngó quanh.

Leo lên đài cao quan sát, du khách còn được chiêm ngưỡng một góc thiên nhiên kỳ thú của phương Nam với thảm rừng xanh mướt, trải rộng bạt ngàn, chấm phá những cánh chim chao lượn.

Vườn chim Bạc Liêu một môi trường thiên nhiên kỳ thú với những giá trị về mặt tài nguyên đa dạng sinh học, cũng là khu bảo tồn có giá trị phục vụ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, vườn chim Bạc Liêu còn là điểm hẹn, điểm du lịch Bạc Liêu lý tưởng. Du khách từ mọi miền xa xôi đến nơi đây sẽ lạc vào khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học hiếm thấy của thế giới các loài chim sẽ là một trải nghiệm khó quên.

4 Vườn nhãn cổ trên trăm tuổi – Bạc Liêu

Ở Bạc Liêu có một địa điểm rất nổi tiếng mà bất cứ ai đến với vùng đất này đều mong muốn đến tham quan, đó là vườn nhãn cổ nay đã hơn trăm tuổi.

Vườn nhãn cổ trên trăm tuổi - Bạc Liêu
Vườn nhãn cổ trên trăm tuổi – Bạc Liêu

Cách trung tâm thị xã Bạc Liêu chừng 6km về hướng Nam, vườn nhãn Bạc Liêu là những giồng nhãn ngút ngàn xanh tốt kéo dài trên 10km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông với diện tích lên tới 230ha. Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Bạc Liêu những giồng đất bồi màu mỡ ven biển, đã trở thành đất lành cho hai giống nhãn Su-bic và Tu-huýt di thực từ Trung Hoa bén rễ và tồn tại cả trăm năm, có cây to tán lớn, ánh nắng mặt trời khó lọt vào đến gốc nhãn tạo nên những điểm nghỉ ngơi, ăn uống rất lý tưởng.

Nếu du khách vào thăm vườn nhãn vào dịp tháng 4 tháng 5 đúng mùa nhãn ra hoa thì sẽ được ngắm khung cảnh vô cùng nên thơ, đẹp mắt. Vườn nhãn được phủ một màu trắng ngà của hoa nhãn và ngập tràn hương thơm của hoa làm thu hút những đàn ong đi lấy mật. Đến đây, du khách không chỉ “đã mắt” ngắm bức tranh đẹp nao lòng người mà còn được hít hà mùi thơm nhẹ, ngọt ngào của hoa nhãn. Đứng giữa vườn nhãn rộng lớn lúc này du khách sẽ cảm giác vô cùng sảng khoái, như trút bỏ hết mọi ưu tư muộn phiền.

Còn nếu du khách đến thăm vườn nhãn vào tháng 9 tháng 10 đúng vụ thu hoạch thì lại càng háo hức hơn. Vườn nhãn lúc này oằn mình đỡ những chùm nhãn xum xuê, trĩu quả trông thật thích mắt. Màu xanh của lá gần như nhường lại không gian cho màu vàng nâu của những trái nhãn đang chờ người hái. Đến vườn nhãn đúng dịp này thì quý khách sẽ được thưởng thức loại trái cây đặc sản là nhãn giống Su-bic và Tu-huýt dày cùi, thơm ngọt không nơi nào có được.

Vườn nhãn cổ trên trăm tuổi - Bạc Liêu
Vườn nhãn cổ trên trăm tuổi – Bạc Liêu

Với không gian xanh rộng, thoáng, khô ráo, sạch sẽ, du khách đến vườn nhãn có thể tham gia các hoạt động vui chơi, dã ngoại, cắm trại cùng người thân, gia đình, bạn bè. Nếu đến vào dịp thu hoạch nhãn, du khách được tham gia trải nghiệm hái nhãn cùng người dân. Nếu đến vào dịp lễ Tết như Trung thu, du khách còn có cơ hội vui chơi tại lễ hội địa phương, nghe đờn ca tài tử, nghe người Bạc Liêu hát bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Không chỉ đơn thuần vườn trái cây phục vụ nhu cầu ăn uống hay tham quan du lịch mà còn hàm chứa niềm tự hào của người dân Bạc Liêu qua nhiều thế hệ. Về Bạc Liêu, du khách nhớ ghé thăm vườn nhãn cổ thụ này nhé!

5 Nhà Công Tử Bạc Liêu – Bạc Liêu

Đến thăm Bạc Liêu không thể bỏ qua nhà công tử Bạc Liêu, căn biệt thự bề thế với vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa sang trọng mang đậm dấu ấn Tây Âu. Đây còn là điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Nhà Công Tử Bạc Liêu - Bạc Liêu
Nhà Công Tử Bạc Liêu – Bạc Liêu

Nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, ngay cạnh bờ sông Bạc Liêu. Khu biệt thự được xây dựng năm 1919 do kiến trúc sư người Pháp thiết kế.

Chủ nhân căn biệt thự là Trần Trinh Huy, hay còn gọi là Ba Huy hay Hắc công tử (do nước da ngăm đen và phân biệt với Bạch công tử). Ông được cho là tay chơi nổi tiếng bậc nhất xứ Nam Kỳ lục tỉnh vào những năm 1930 -1940. Và nổi tiếng với các giai thoại ăn chơi bạt mạng, nhiều vợ… Điển hình như chuyện đốt tiền nấu chè với công tử Phước hay “công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu” đã đi vào lời nhạc. Ngày nay, khi đến khám phá Bạc Liêu thì một chuyến thăm nhà công tử Bạc Liêu là điều không thể thiếu.

Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt.

Đến nay, công trình đã hơn năm tuổi nhưng những giá trị kiến trúc, nghệ thuật tại dinh thự của cậu Ba Huy, không những không bị “lạc hậu” so với thời thế mà trái lại, càng trở nên quý giá và được đánh giá cao.

Nhà Công Tử Bạc Liêu - Bạc Liêu
Nhà Công Tử Bạc Liêu – Bạc Liêu

Tham quan nhà công tử Bạc Liêu hiện nay bạn sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá còn sót lại như: 2 chiếc giường nóng và giường lạnh, bộ trường kỷ được làm từ 1 tấm gỗ nguyên, bộ bàn xoay “Tam lân” (bàn tròn mặt bằng đá, chân quỳ tam giác có chạm 3 con lân), bộ “Tượng bành” (có hình chiếc bành đặt trên lưng voi), sạp “Tam thành” (3 vách) là nơi ngủ của Trần Trinh Khương, em trai của Công tử Bạc Liêu), giường ngủ của ông bà Hội đồng Trạch, giường cho khách hút thuốc phiện, bàn đánh bài, bình hoa ,… đều là những vật dụng rất có giá trị.

Công tử Bạc Liêu cùng với những giai thoại của mình đều đã trở thành hoài cổ, dĩ vãng. Ngày nay, dinh thự hay còn gọi với cái tên dân giã Nhà Công tử Bạc Liêu đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Và cũng chính những giai thoại về sự ăn chơi, lối sống phóng túng, xa hoa của Công tử Bạc Liêu lại càng khiến cho du khách phương xa thêm tò mò, hiếu kỳ muốn được một lần mục sở thị nơi ăn chốn ở của công tử xứ Bạc Liêu.

Đến đây, du khách còn có cơ hội nghỉ dưỡng trong những căn phòng kiến trúc Pháp sang trọng, đầy đủ tiện nghi, trải nghiệm cuộc sống trở thành những bà hoàng, công tử sang trọng tại khách sạn công tử Bạc Liêu.

6 Quảng Trường Hùng Vương – Bạc Liêu

Đến Bạc Liêu du khách sẽ được tham quan chiêm ngưỡng các công trình văn hóa độc đáo mang vẻ đẹp rất riêng. Trong đó không thể không nhắc đến Quảng Trường Hùng Vương.

Quảng Trường Hùng Vương - Bạc Liêu
Quảng Trường Hùng Vương – Bạc Liêu

Quảng Trường Hùng Vương nằm trong khu trung tâm hành chính tỉnh, thuộc Phường 1, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu ngay tại mặt tiền các tuyến đường Nguyễn Tất Thành – Hùng Vương – Trần Huỳnh. Đây là một trong những quảng trường đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và được xem là một trong những điểm du lịch Bạc Liêu tiêu biểu.

Được khởi công xây dựng vào năm 2013 và chính thức đi vào hoạt động năm 2014. Đến nay Quảng trường Hùng Vương đã trở thành niềm tự hào của người dân Bạc Liêu. Quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở quảng trường đã giúp vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa này ghi điểm trên bản đồ du lịch Miền Tây.

Quảng trường Hùng Vương có tổng diện tích sử dụng trên 85.000m2, trong đó mặt bằng sân quảng trường là trên 40.000m2 . Toàn bộ sân được lát bằng đá tự nhiên màu xám nhạt xen kẽ xám đậm trông như những nốt nhạc rất sinh động.

Khu vực quảng trường bao gồm nhiều công trình kiến trúc được bố trí thành một quần thể hài hòa, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị của thành phố Bạc Liêu.

Quảng Trường Hùng Vương - Bạc Liêu
Quảng Trường Hùng Vương – Bạc Liêu

Nổi bật nhất là nhà hát Cao Văn Lầu thường gọi là “nhà hát 3 nón lá”. Trung tâm Triển lãm văn hóa – nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu thu hút nhiều du khách check-in bởi kiến trúc độc đáo.

Chiều cao nón lá lớn nhất hơn 24 m, đường kính nón lá lớn nhất hơn 45 m. Hình ảnh 3 chiếc nón lá trong thiết kế của Trung tâm Triển lãm văn hóa – nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu thể hiện nhiều ý nghĩa. Hình tượng đó gợi nhắc đến 3 miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trên mảnh đất Bạc Liêu, thế kiềng 3 chân thể hiện sự đoàn kết “3 cây chụm lại nên hòn núi cao”, người cha, người mẹ và người con trong một gia đình.

Quảng Trường Hùng Vương - Bạc Liêu
Quảng Trường Hùng Vương – Bạc Liêu

Góp điểm nhấn quan trọng cho quảng trường Hùng Vương ở Bạc Liêu còn có biểu tượng cây đờn kìm cách điệu, được nâng đỡ trên 5 cánh sen lớn. Biểu tượng này thể hiện nét văn hóa đặc sắc của Bạc Liêu trong dòng chảy nghìn năm văn hiến của dân tộc. Hoa sen bung nở tượng trưng cho sự phát triển không ngừng của nghệ thuật Đờn ca tài tử nói riêng và văn hóa của Bạc Liêu nói chung.

Cây đờn kìm này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cây đờn kìm lớn nhất Việt Nam với tổng chiều cao 18,6m, được dựng trên 5 cánh sen trong hồ nước hình ngôi sao 5 cánh.

Trong quần thể các công trình kiến trúc của quảng trường Hùng Vương còn có đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tượng đài sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm Mậu Thân (1968) và biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu – Ninh Bình.

Đây là những công trình mang giá trị lịch sử to lớn, khắc họa thời khắc lịch sử hào hùng của Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện tấm lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống lịch sử – văn hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau không ngừng xây dựng để trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu, niềm tự hào của người dân không chỉ ở Bạc Liêu mà khắp đồng bằng Sông Cửu Long. Điểm đến này hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những phút giây trải nghiệm khó quên trong chuyến đi của mình khi đến với quê hương hữu tình này.

Bạc Liêu là một vùng đất trù phú, bên cạnh những sản vật đa dạng, nơi đây còn lưu giữ những công trình kiến trúc, di sản, thiên nhiên phong phú. Bạc Liêu có gì? Nếu có dịp hãy một lần đến với Bạc Liêu để yêu thêm, nặng tình hơn với con người, đặc sản, cảnh vật vùng đất này nhé.

5/5 - (6 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.