Bạc Liêu có lễ hội gì?

Bạc Liêu là điểm dừng chân yêu thích của khách du lịch khi đến với miền Tây. Nơi đây sở hữu những điểm tham quan độc đáo xinh đẹp, những món ăn ngon hấp dẫn và cả những lễ hội dân gian đặc sắc. Vậy Bạc Liêu có lễ hội gì? Trong bài viết này chúng tôi sẽ cùng với các bạn tìm hiểu những lễ hội dân gian tiêu biểu ở Bạc Liêu nhé.

1 Lễ hội Nghinh Ông – Bạc Liêu

Lễ hội Nghinh Ông – Là lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân miền biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào 2 ngày 09, 10, tháng 3 ÂL hàng năm. Nghinh Ông là tưởng nhớ công ơn của loài cá voi – được ngư dân miền biển phong là vị thần Đại tướng quân Nam Hải vì theo truyền thuyết đã có công cứu giúp ngư dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn mỗi khi gặp bão tố.

Lễ hội Nghinh Ông - Bạc Liêu
Lễ hội Nghinh Ông – Bạc Liêu

Theo lưu truyền trong dân gian, “cá Ông” là một linh vật hết sức linh thiêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Khi sóng to gió lớn, tàu bè gặp nạn thì Ngài sẽ hiện lên hộ tống tàu bè đưa vào chỗ cạn, an toàn. Và ngược lại, khi cá Ông gặp nạn hoặc chết, xác trôi dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng. Hiện tại, ở Gành Hào và một số địa phương khác trong tỉnh đều lập miếu thờ bộ cốt (xương) cá Ông.

Nghinh Ông là một tập tục lâu đời của ngư dân miền biển Gành Hào – Bạc Liêu, đây là lễ hội dân gian truyền thống được lưu truyền gìn giữ hàng năm, do vậy mà không ai bảo ai, hễ đến ngày lễ (9 đến 10 tháng 03 â.l), có hàng vạn người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh về tham dự. Lễ được tổ chức dưới hình thức học trò lễ dâng rượu, cúng tế sau đó khách đến ăn uống và xem hát tuồng kéo dài đến khuya.

Trong lễ hội Nghinh Ông, buổi lễ chính quan trọng nhất đó là lễ rước Ông. Lễ được khởi hành tại lăng ông, sau đó diễu hành quanh thị trấn Gành Hào và tiến lên ghe ra biển cúng đồng thời thả tôm giống xuống biển. Đoàn rước Ông gồm đội múa lân đi trước, kế đến là đội kèn Tây, theo sau là học trò lễ, các đoàn binh sĩ, nữ thanh lịch,… Dân chúng đứng hai bên đường, hò reo cổ vũ, tạo nên không khi lễ hội thật náo nhiệt.

Lễ hội Nghinh Ông - Bạc Liêu
Lễ hội Nghinh Ông – Bạc Liêu

Mỗi năm cứ đến ngày lễ Nghinh Ông, từ sáng sớm ngày lễ chính có không dưới 100 tàu thuyền trong huyện và khắp nơi về tham gia lễ hội. Các chủ ghe tàu trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu, như một thuyền hoa, mọi người vô tư lên tàu ra biển Nghinh Ông. Trong những ghe tàu lớn nhỏ ra biển Nghinh Ông, có một cụm tàu chính gồm 2 chiếc kết lại thành đoàn. Tàu này có nhiệm vụ chở Ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ… Đám rước “Sắc phong Thần tức Ông Nam Hải” có một nhóm người mặc trang phục của binh sĩ thời vua Gia Long, nhóm mặc áo dài khăn đóng… Họ đưa Long đình xuống tàu và chạy ra biển tiến hành làm lễ cúng bái, xin keo cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và tiến hành thả hàng triệu con tôm giống xuống biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, đây là một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Nghinh ông hàng năm của ngư dân Gành Hào – Đông Hải .

Lễ Nghinh Ông là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an. Đặc biệt các ngư dân cầu xin được “phù hộ độ trì” trong những chuyến đi biển đánh bắt được nhiều tôm, cá. Diễn ra song song với lễ Nginh ông là các trò chơi dân gian như đua ghe trên cạn, thi kéo co, đi cà kheo, thi đập niêu (nồi), thi thả diều, hội thi giao lưu ẩm thực, hội chợ thương mại, triển lãm trưng bày hình ảnh, sách báo, hiện vật giới thiệu về đời sống vật chất, tinh thần của 3 dân tộc anh em kinh – hoa – khmer cùng chung sống trên địa bàn. Tất cả là niềm tin tích tụ từ bao đời nay và ăn sâu vào tâm trí của từng người dân Gành Hào nói riêng và ngư dân Bạc Liêu nói chung. Đó là cả một nền văn hóa miền biển cần được giữ gìn và phát huy trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay.

2 Lễ hội Quán Âm Nam Hải – Bạc Liêu

Lễ hội Quan Âm Nam Hải là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu. Với những giá trị văn hóa độc đáo, sức hấp dẫn từ các hoạt động văn hóa tâm linh, lễ hội được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng của du lịch Bạc Liêu.

Lễ hội Quán Âm Nam Hải - Bạc Liêu
Lễ hội Quán Âm Nam Hải – Bạc Liêu

Lễ hội Quán Âm Nam Hải mang màu sắc văn hóa Phật giáo, là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh nổi bật nhất, được tổ chức hàng năm tại Bạc Liêu, từ ngày 22 đến 24 tháng 3 âm lịch.

Phần lễ có nhiều nghi lễ truyền thống, như lễ cầu quốc thái dân an, lễ tế các anh hùng tử sĩ,… Phần hội diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như trưng bày triển lãm hình ảnh đất nước, con người Bạc Liêu, diễu hành lễ rước Quán Âm Nam Hải, cùng các chương trình văn nghệ, hát bội mang đậm chất quê hương, xứ sở Cao Văn Lầu. Đặc biệt, lễ hội Quan Âm Nam Hải là một trong 4 lễ hội của tỉnh Bạc Liêu được nhà nước công nhận vào năm 2008.

Lễ hội Quán Âm Nam Hải - Bạc Liêu
Lễ hội Quán Âm Nam Hải – Bạc Liêu

Lễ hội thu hút rất đông Phật tự, du khách, tăng ni và người dân khắp nơi hành hương đến cửa biển Bạc Liêu hòa mình vào không gian lễ hội và tâm linh thiêng liêng rất đặc biệt như: thuyết pháp, nghi thức dâng hoa, hoa đăng cúng Phật, rước lễ Quán Âm, múa lân sư rồng, văn nghệ, khai chung bảng, thượng phan, chiêu u…

Lễ hội Quán Âm Nam Hải là một lễ hội mang bản sắc tôn giáo dân tộc đậm nét, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc văn hóa địa phương Nam bộ, được đúc kết tồn tại và phát triển lâu đời trên vùng đất này là một lễ hội văn hóa tín ngưỡng và văn hóa dân gian đáp ứng nhu cầu văn hóa xã hội, đời sống tinh thần của người dân.

3 Lễ hội Oóc Om Bók – Bạc Liêu

Lễ Oóc-om-bók(hay còn gọi là lễ cúng trăng) là một trong những lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc Khmer (diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm). Lễ hội này xuất phát từ tục tạ ơn thần nước và cũng là dịp để bà con vui chơi sau những ngày lao động vất vả.

Lễ hội Oóc Om Bók - Bạc Liêu
Lễ hội Oóc Om Bók – Bạc Liêu

Đây là lễ cúng trăng diễn ra vào ngày Rằm tháng Cađấc theo Phật lịch, tức ngày Rằm tháng Mười âm lịch, là thời điểm mùa mưa chuyển sang mùa khô, mùa gieo trồng chuyển sang mùa thu hoạch lễ hội nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng. Người Khmer coi mặt trăng là vị thần điều động mùa màng trong năm. Lễ hội diễn ra tại Chùa Đìa Muồng, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước long, Bạc Liêu.

Nội dung của lễ hội gồm có phần lễ và phần hội, phần lễ là nghi thức lễ, phục dựng các tập tục cúng trăng, làm cốm dẹp, thả đèn nước và treo đèn gió; phần hội sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, đua ghe ngo và các hoạt động văn nghệ có sự tham gia của 3 dân tộc Kinh, Khơ me, Hoa. Ngoài ra còn tổ chức khai trương các bộ ẩm thực ăn uống dân dã, mua bán sản phẩm lao động; trưng bày các hình ảnh, nhạc cụ.

Lễ hội Óoc-om bok ở Bạc Liêu được phục dựng năm 2009 và từ đó được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá của đồng bào Khơ me Nam Bộ nói chung, nói riêng là đồng bào Khơ me tỉnh Bạc Liêu.

4 Lễ hội Kỳ Yên – Bạc Liêu

Đến hẹn lại lên, từ giữa tháng Giêng kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, các đình, miếu ở Bạc Liêu đồng loạt tổ chức lễ hội Kỳ Yên nhưng cao điểm là khoảng từ sau ngày Rằm cho đến cuối tháng Giêng. Đây là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên vui, dân giàu nước mạnh và là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Nam bộ, thu hút đông đảo người dân khắp nơi về dự.

Lễ hội Kỳ Yên - Bạc Liêu
Lễ hội Kỳ Yên – Bạc Liêu

Lễ hội Kỳ Yên gồm 2 phần: Phần Lễ và Phần hội.

Trong phần lễ có các nghi thức rước sắc thần về đình; tế túc yết: dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần Thành Hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, thần Nông, thần Hổ… đã phù hộ cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đặc biệt, trong phần hội của Lễ hội Kỳ Yên có chương trình hát bội với nhiều tuồng tích xưa như: Chung Vô Diệm, Thần Nữ Ngũ Linh Kỳ, Trảm Trinh Ân, Lưu Kim Đính, Tiết Đinh San… Đi xem hát bội vui hội Kỳ Yên” đã trở thành một nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần trong những ngày xuân của người dân Bạc Liêu. Bên cạnh là những trò chơi dân gian như nhảy cà ròn, ném banh, phóng tiêu…

Lễ hội Kỳ Yên - Bạc Liêu
Lễ hội Kỳ Yên – Bạc Liêu

Đến với Lễ hội Kỳ Yên, ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc thọ, cầu hạnh phúc…, ai cũng cảm thấy xốn xang, rạo rực, cuốn hút với những trò chơi dân gian, những giai điệu trầm bổng của nghệ thuật hát bội, những cái bắt tay thắm thiết của họ hàng, anh em xa gần, bạn bè, đồng nghiệp… Người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vị bô lão trong bộ áo dài, khăn xếp ngồi đánh trống chầu hay những nam thanh, nữ tú hân hoan tìm về nguồn dân tộc. Không ít đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng sau mùa hội Kỳ Yên.

Với những ý nghĩa và giá trị văn hóa đặc sắc mang lại từ lễ hội Kỳ Yên, việc vận động các nơi thờ tự tổ chức lễ theo đúng bài bản, đúng truyền thống không chỉ góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa tốt đẹp, mà còn xây dựng nên những sản phẩm du lịch lễ hội đặc sắc cho địa phương.

5 Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” – Bạc Liêu

Lễ hội “Dạ cổ Hoài lang” là một lễ hội nghệ thuật độc đáo của người Bạc Liêu nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người đã có công đóng góp cho quá trình ra đời và phát triển của bản vọng cổ ngày nay.

Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” - Bạc Liêu
Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” – Bạc Liêu

Lễ hội không chỉ nhằm tôn vinh cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và tôn vinh bản Dạ Cổ Hoài Lang, mà còn để tôn vinh những nghệ sĩ, nghệ nhân đã có công lao đóng góp để duy trì, phát triển và làm phong phú thêm cho vốn âm nhạc truyền thống Nam Bộ. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm, đó là ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang tại khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, phường 2, thành phố Bạc Liêu.

Các hoạt động chính gồm: Lễ dâng hương tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, lễ khai mạc tại Quảng trường Hùng Vương; Lễ giỗ Tổ ngành Sân khấu cải lương…

Ngoài ra còn có các hoạt động vui chơi, giải trí như: Hội thi ẩm thực tại khu du lịch sinh thái Hồ Nam; Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cà Mau mở rộng với sự tham gia của 18 tỉnh, thành phía Nam; Thi đối đáp bản Dạ cổ hoài lang, vọng cổ, ca cổ, hò, vè, thơ ca; Chương trình công diễn trao giải thưởng Liên hoan Đờn ca tài tử…

Việc tổ chức lễ hội thể hiện sâu sắc sự tri ân công lao to lớn của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các bậc tiền bối đã có công đóng góp cho sự ra đời và phát triển bản “Dạ cổ hoài lang” và nghệ thuật Đờn ca tài tử, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân địa phương và du khách gần xa.

6 Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạn – Bạc Liêu

Lễ hội “Đồng Nọc Nạng” được tổ chức từ ngày 15 đến 17/2 âm lịch hàng năm, tại khu di tích Lịch sử Nọc Nạng, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai. Lễ hội để tri ân các bậc tiền nhân đã đứng lên đấu tranh chống lại bọn cường hào cướp đất của nông dân trước khi có Đảng.

Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạn - Bạc Liêu
Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạn – Bạc Liêu

Tên gọi đồng Nọc Nạng bắt nguồn từ việc những người dân đầu tiên khai phá vùng đất hoang vu tại Bạc Liêu, đã chặt cây cối đóng sâu xuống sình lầy thay thế cho cây nọc làm nhà, và người ta gác nạng lên trên cây nọc dần dần tạo hình thành ngôi nhà ở trên cao nhằm tránh thú dữ. Tên gọi ghép lại từ nọc và nạng ấy đã trở thành tên gọi đồng Nọc Nạng quen thuộc cho đến ngày nay.

Và cũng trên cánh đồng Nọc Nạng, vào năm 1928 đã diễn ra một sự kiện chấn động. Đó là cuộc nổi dậy của gia đình anh em Mười Chức đối đầu với tên địa chủ Mã Ngân khét tiếng. Nguyên nhân của cuộc nổi dậy là do tên địa chủ Mã Ngân lập mưu chiếm lấy ruộng đất của gia đình anh em Mười Chức. Nhờ vào thế lực và tiền lót tay cho quan tòa mà sau đó không lâu mảnh đất xương máu tổ tiên của anh em Mười Chức đã lọt vào tay địa chủ Mã Ngân. Quá căm phẫn trước hành vi bạo ngược của tên địa chủ, anh em nhà Mười Chức (trong đó có Mười Chức, Nhẫn, Nhịn và bà Nghĩa – vợ Mười Chức) đã làm lễ trước bàn thờ tổ tiên quyết sống chết để bảo vệ tài sản gia đình.

Chuyện gì đến sẽ đến, sáng ngày 16/2/1928, binh lính của địa chủ Mã Ngân kéo đến để tịch thu lúa tại sân nhà anh em Mười Chức. Cuộc xô xát không cân sức đã diễn ra ác liệt. Phía địa chủ dùng súng, phía anh em Mười Chức chỉ có gậy gộc, giáo mác. Cuối cùng, phía địa chủ cũng có nhiều tên bị giết, nhưng 4 người trong nhà Mười Chức cũng đã ngã xuống vì bị bắn.

Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạn - Bạc Liêu
Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạn – Bạc Liêu

Để tưởng nhớ tinh thần quyết không cúi đầu trước cường hào ác bá của gia đình Mười Chức, người dân Bạc Liêu đã xây dựng Khu di tích đồng Nọc Nạng tại nơi diễn ra cuộc nổi dậy. Đến năm 1991, di tích đồng Nọc Nạng được xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Ngày nay, du khách khi đến với Khu di tích đồng Nọc Nạng sẽ thấy được quy mô hoành tráng của di tích với diện tích gần 3ha, bao gồm các hạng mục công trình: Khu mộ gia đình Mười Chức, nhà trưng bày, nhà tưởng niệm, cụm tượng đài tái hiện cuộc đấu tranh chống bọn chính quyền tay sai cướp lúa…

Hằng năm, nếu du khách đến Bạc Liêu vào dịp ngày 15 đến 17/2 âm lịch, ghé thăm điểm tham quan Bạc Liêu di tích đồng Nọc Nạng, sẽ có dịp chứng kiến lễ hội cùng tên khá long trọng. Lễ hội diễn ra với nghi thức tưởng niệm và dâng hương, dâng hoa đến những người đã ngã xuống. Từ khi ra đời, lễ hội đã thu hút được rất nhiều người tham dự cả trong tỉnh và ngoài tỉnh. Vì thế, tỉnh Bạc Liêu đã chọn lễ hội đồng Nọc Nạng vào chương trình Du lịch Quốc gia Mêkông – Cần Thơ để ngày càng mở rộng hình ảnh của lễ hội ý nghĩa này.

“Bạc Liêu có lễ hội gì?“ Ở bài viết trên là những lễ hội đặc sắc không thể bỏ qua ở Bạc Liêu thu hút đông đảo du khách đến tham gia. Nếu đi du lịch Bạc Liêu vào đúng thời điểm diễn ra những lễ hội, du khách nhớ đừng quên tham gia những lễ hội đặc sắc, hấp dẫn này nhé!

5/5 - (14 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.