Bắc Ninh có gì?

Bắc Ninh một mảnh đất cổ lâu đời với nhiếu nét truyền thông văn hóa đặc sắc. Nói đến Bắc Ninh người ta nhớ ngay tới Quan Họ, làn điệu dân ca đã đi sâu trong tâm thức bao nhiều con đất Việt. Nhưng mảnh đất Bắc Ninh còn nhiều danh lam thắng cảnh đẹp hấp dẫn khác. Bắc Ninh có gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm nổi tiếng này nhé.

1 Chùa Dâu – Bắc Ninh

Chùa Dâu Bắc Ninh tọa lạc tại huyện Thuận Thành Bắc Ninh là một trong những đia điểm lễ chùa mà phật tử thập phương không thể bỏ qua. Cùng với làn điệu dân ca quan họ, ngôi chùa này đang gìn giữ những nét văn hóa đặc săc mà khi được nhắc đến, người dân Bắc Ninh đều ngẩng cao đầu và nở một nụ cười hết sức tự hào.

Chùa Dâu - Bắc Ninh
Chùa Dâu – Bắc Ninh

Chùa Dâu tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km. Chùa có nhiều tên gọi: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. Nơi đây là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên.

Chùa được xây dựng vào khoảng đầu Tây lịch ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu, là một trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất. Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) – người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa, đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, được Tam Tổ chỉ dạy về phương Nam truyền đạo – đã đến chùa vào tháng Ba năm Canh Tý (580), mở đạo tràng thuyết pháp, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam. Chùa đã được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra dựng lại với quy mô lớn vào thế kỷ XIV và được trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ sau.

Cũng giống như những ngôi chùa cùng thời khác, chùa Dâu được thiết kế theo phong cách ” nội công ngoại quốc”, có 3 gian chính: tiền đường, chính đường và gian bái, hai hành lang nối dài nhà tiền đường với hậu đường ở phía sau, bao quanh nhà thiêu hương và thượng điện. Điểm thu hút của chùa Dâu đối với các chùa khác nữa đó là công trình tháp Hòa Phong uy nghi, sừng sững trước phong ba bão táp, vững chãi suốt ngàn năm. Trước những sự bào mòn của thời gian, từ ngôi tháp 9 tầng bây giờ chỉ còn 3, nhưng sự mất mát đó vẫn không đủ sức mạnh để quật đổ vẻ đẹp tráng lệ của ngôi tháp được bao bọc xung quanh là những viên gạch trần và bốn vị thiên vương đứng ở 4 góc trấn giữ, ngàn năm trôi đi, mọi vật thay đổi nhưng vẻ uy nghi của tháp vẫn không hề lung lay, sững sừng giữa đất trời, nổi bật hẳn so với mọi thứ xung quanh.

Chùa Dâu - Bắc Ninh
Chùa Dâu – Bắc Ninh

Điều đặc biệt khiến hằng năm Bắc Ninh đón tiếp rất nhiều du khách nô nức về chùa Dâu chắc phải kể đến sự đóng góp của những pho tượng phật cổ quý có đường nét thiết kế chạm khắc tinh xảo thuở xa xưa để lại. Quần thể tượng phật nơi đây sẽ khiến du khách tham quan chùa Dâu phải mãn nhãn với những gì mà mình được tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ nắn. Từ những năm chùa Đậu bị cháy, tượng bà Đậu và các vị la hán cũng được di dời về nơi đây, bổ sung vào kho tàng tượng phật chùa Dâu ngày càng phong phú. Đặc biệt phải kể đến tượng bà Dâu, bà Đậu, tượng Hộ pháp, 8 vị Kim Cương và còn rất nhiều pho tượng như 18 vị la hán, tượng phật bà quan âm, đây đều là những cổ vật quý giá và mang giá trị tâm linh sâu sắc.

Trải qua bao biến động lịch sử, thành lũy, đền dài, dinh thự của trung tâm Luy Lâu bị hoang phế. Nhưng chùa Dâu với tháp Hòa Phong vươn cao và hàng trăm gian chùa cổ kính vẫn tồn tại với thời gian. Lịch sử đã từng khẳng định vị trí của chùa Dâu trong đời sống văn hóa, tâm linh dân tộc.

2 Chùa Bút Tháp – Bắc Ninh

Nằm trên địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu chùa Bút Tháp, hay còn gọi là Ninh Phúc Tự, đã rất nổi tiếng bởi sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình thơ mộng. Là điểm du lịch Bắc Ninh được nhiều người lựa chọn.

Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh
Chùa Bút Tháp – Bắc Ninh

Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự – Được biết đến là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay, cách thủ đô Hà Nội khoảng gần 30 km và chùa Dâu 3km. Ngôi chùa nằm kề bên bờ nam Sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Phát tích ngôi chùa có từ TK- XIII, được khởi dựng vào Thời vua Trần Thánh Tông, Do sư Huyền Quang sau khi đỗ trạng nguyên rồi từ quan đã về tu ở đây (Sách Chùa Bút Tháp – Bùi Văn Tiến, cũng nói đến vị trụ trì chùa thời Trần là Thiền sư Huyền Quang, Trúc Lâm đệ tam tổ).

Trải qua thời gian, chùa đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Nhưng lần trung tu lớn nhất là vào đầu TK –XVII, thời Lê – Trịnh. Khi ấy trụ trì chùa là vị sư Chuyết Chuyết (Từ 1633-1644), cùng đệ tử của ông là thiền sư Minh Hạnh (Từ 1633-1659) đã trùng tu lại toàn bộ ngôi chùa với quy mô lớn, kiến trúc theo kiểu “ Nội công, ngoại quốc” và có sự đóng góp công đức to lớn về tiền của, ruộng lộc của hoàng thái hậu – Diệu Viên, Trịnh Thị Ngọc Trúc (Con gái của Thanh vương Trịnh Tráng) cùng Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên pháp danh Diệu Tuệ và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ (Những vị này về sau cũng đã được lập phủ thờ, tạc tượng đặt trong khám, thờ tại chùa Bút Tháp cho đến ngày nay).Đợt trùng tu này kéo dài từ 1644 đến 1647 chùa mới hoàn thành và có tên chữ là “Ninh Phúc thiền tự”.

Sang đầu thế kỷ 18, chùa Bút Tháp lại được tu sửa với quy mô lớn hơn trước. Bia “Ninh Phúc thiền tự bi ký” và “Khánh Lưu bi ký” dựng năm Vĩnh Thịnh 10 (1714) chép rằng “chùa được các quan viên cho tu sửa thêm, chẳng tiếc ngàn vàng sắm mua toàn gỗ tốt, lại được dân làng góp sức và mời thợ cất dựng sửa sang, Với Điện thờ nguy nga, chùa chiền rộng rải, trang điểm một bầu thế giới Lưu ly”. So với trước thì chùa có thêm dãy nhà riêng ở phía ­­sau Phật đường, quy mô đã to lớn hơn nhiều. Đến năm 1876, khi vua Tự Đức kinh lý qua đây, thấy có ngọn tháp hình dáng khổng lồ nên gọi tên là chùa Bút Tháp từ đó.

Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh
Chùa Bút Tháp – Bắc Ninh

Mỗi một công trình kiến trúc tại chùa Bút Tháp là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các hoạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch. Nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên.

Nối giữa Thượng Điện và Tích Thiện Am là chiếc cầu đá cong bắc ngang hồ sen. Cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng. Mặt cầu lát đá xanh, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá công phu, tinh xảo. Từ Thượng Điện, đi qua cầu đá là đến Tích Thiện Am. Tòa Tích Thiện Am, như tên gọi có nghĩa là chứa điều lành, xây dựng từ năm Tân Dậu (1681) đến năm Tân Mùi (1691). Trong Tích Thiện Am, có tòa cửu phẩm liên hoa – tháp bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt, 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo.

Không chỉ thế, với 26 bức tranh được chạm khắc đá xanh bạc theo nhiều chủ đề khác nhau từ trời mây, hoa lá đến chim muông, muôn thú. Đây được xem như là biểu tượng của Tứ linh, Tứ quý, đồng thời hàm chứa ý nghĩa Phật đạo sâu sắc.

Cảnh quan chùa được bố trí hài hòa, khu vườn rộng trồng cây xanh tỏa bóng mát. Nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc Trung Hoa với lối kiến trúc dân gian truyền thống của Việt Nam, nên chùa Bút Tháp có nét riêng và độc đáo. Mấy thế kỷ đã trôi qua, song những gì còn lại ở chùa Bút Tháp cho thấy đây là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại vùng Kinh Bắc xưa, là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ cổ của nước ta.

Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh
Chùa Bút Tháp – Bắc Ninh

Điều đặc biệt, độc đáo của ngôi chùa mà không đâu trên đất nước ta có được, đó chính là ngọn bảo tháp bằng đá cao lớn, uy nghiêm, vươn lên trời xanh, có tên là tháp Báo Nghiêm, nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn. Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ, vươn thẳng tới trời cao thanh vắng. Tháp cao 13,05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đá. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29m. Tầng dưới cùng của tháp này có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.

Ngày nay, chùa Bút Tháp vẫn giữ trong mình những nét đẹp cổ kính từ bao đời. Hàng năm, mỗi dịp xuân về, hội chùa Bút Tháp lại diễn ra trong niềm vui náo nức và lòng sùng kính của khách hành hương. Trải qua bao năm dài lịch sử, chùa Bút Tháp luôn được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một di tích Phật giáo độc đáo nhất của Việt Nam.

3 Chùa Phật Tích – Bắc Ninh

Chùa Phật Tích (hay còn gọi là chùa Vạn Phúc) nằm cách Hà Nội 20km về phía Đông, có vị trí tọa lạc trên núi Lạn Kha thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời với kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý.

Chùa Phật Tích - Bắc Ninh
Chùa Phật Tích – Bắc Ninh

Chùa Phật Tích hay còn có tên là chùa Vạn Phúc thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cũng như chùa Dâu, chùa Bút Tháp,… chùa Phật Tích là một di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu tại Bắc Ninh. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” thì chùa Phật Tích được xây dựng vào năm Thái Bình thứ tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Đến năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao tại chùa. Tương truyền sau khi tháp đổ làm lộ ra bên trong là bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Trước sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng Phật này, làng đã được đổi tên là Phật Tích. Trải qua thăng trầm của thời gian, chùa Phật Tích bị tàn phá nặng nề. Cho đến năm 1686 chùa mới được xây dựng tu sửa lại với quy mô lớn và đổi tên là Vạn Phúc tự.

Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Nội công ngoại quốc, tổng thể chùa sở hữu đến 7 gian tiền đường – nơi này dùng vào việc đón tiếp khách, cùng với đó là 5 gian bảo thờ Phật, đức A Di Đà cùng các vị tam thế, 8 gian nhà Tổ và 7 gian nhà thờ Mẫu. Các gian sắp xếp một cách khéo léo tạo nên một tổng thể hài hòa.

Tham quan chùa Phật Tích du khách còn được chiêm ngưỡng khối kiến trúc độc đáo của thời Lý. Đặc trưng của lối kiến trúc này thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi có kè bằng đá tảng dựng đứng như bức tường dài 58m, cao từ 3 – 5m, ở khoảng giữa tường là lối đi bằng đá rộng 5m có 80 bậc.

Chùa Phật Tích - Bắc Ninh
Chùa Phật Tích – Bắc Ninh

Ngoài ra, chùa Phật Tích còn nổi tiếng với một công trình hết sức hoành tráng và hùng vĩ đó là bức tượng Phật A di đà cao 27m nằm trên đỉnh núi. Tượng được đánh giá là một trong những bức tượng đá lớn bậc nhất Đông Nam Á với nhiều đường nét chạm khắc rất công phu và tinh xảo. Giữa khoảng không bao la, núi non trùng điệp, mây trời lồng lộng, sự hiện diện của tượng Phật đã khoác lên cho khung cảnh nơi đây vẻ đẹp thần tiên tựa chốn bồng lai tiên cảnh.

Chùa Phật Tích còn làm bước chân du khách chậm lại nhờ sự hiện diện của 32 ngọn tháp phía sau sân chùa. Tất cả các ngọn tháp được xây bằng gạch và đá với lối kiến trúc độc đáo. Bên trong tháp chính là nơi cất giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì ở đây, phần lớn được dựng vào thế kỷ 17. Trong tất cả các ngọn tháp thì Tháp Phổ Quang có độ cao lên đến 5,10 m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp tròn.

Dù cho trải qua bao nhiêu thế kỷ thì chùa vẫn giữ được nét kiến trúc sơ khai, ở mỗi nơi bạn đi qua ở ngôi chùa đều thấy những vết tích thời gian, rêu xanh phủ lối. Chính bức tranh cổ tích huyền diệu này đã làm cho bước chân du khách thêm chậm lại. Không chỉ đẹp mà ngôi chùa này còn rất linh thiêng, là nơi để gửi gắm niềm tin và hy vọng về một năm mới bình an, vui vẻ và hạnh phúc.

Ngoài ra, du khách tham quan chùa Phật Tích vào mùa xuân sẽ được hòa mình vào lễ hội chùa Phật Tích diễn ra từ mồng 3 – mồng 5 tết vô cùng đặc sắc và vui nhộn. Tham gia lễ hội là dịp để bạn hiểu hơn về nguồn gốc và lịch sử hình thành của chùa, cùng với đó là những nét văn hóa đặc trưng được truyền từ đời này sang đời khác.

4 Văn Miếu – Bắc Ninh

Bắc Ninh là một trong số rất ít địa phương trong cả nước hiện có Văn Miếu. Văn Miếu Bắc Ninh từ lâu đã trở thành niềm tự hào, là biểu tượng của vùng đất, vùng người Kinh Bắc hiếu học và khoa bảng.

Văn Miếu - Bắc Ninh
Văn Miếu – Bắc Ninh

Theo sử liệu ghi chép, vào năm 1893, cách đây đúng 120 năm, quan Đốc học Đỗ Trọng Vĩ đã bàn bạc và cho dời chuyển Văn Miếu Bắc Ninh từ núi Châu Sơn, Thị Cầu, khi ấy đã cũ nát về núi Phúc Đức-nơi trung tâm của tỉnh, cảnh quan thiên nhiên đẹp (nay thuộc Khu 10, phường Đại Phúc). Để chuẩn bị cho việc này, trước đó, vào năm Kỷ Sửu (1889) cụ Đỗ Trọng Vĩ đã cho khắc 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương”, ghi danh 677 vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc là những người làm rạng rỡ truyền thống hiếu học khoa bảng, có công lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Toàn bộ công trình được xây dựng bằng gỗ lim được bào trơn đóng bén. Tại đây thờ Khổng Tử, Tứ Phối (4 học trò giỏi của Khổng Tử) và 12 tấm bia lưu danh 677 vị tiến sĩ quê hương Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về huyện Gia Lâm, Đông Anh thuộc Hà Nội và Văn Giang thuộc Hưng Yên). Điều đó khẳng định tinh thần hiếu học, bề dày truyền thống khoa bảng của vùng đất Kinh Bắc xưa, đồng thời cho thấy giá trị tiêu biểu, độc đáo của Văn Miếu Bắc Ninh. Cùng với đó là những nghi lễ truyền thống, tưởng nhớ đến các bậc tiên hiền tiên triết, tôn vinh những người có học vấn và cổ vũ tinh thần hiếu học vẫn được các thế hệ người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc bảo lưu, duy trì vào ngày Tết Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng) hàng năm.

Bia tiến sĩ Văn Miếu - Bắc Ninh
Bia tiến sĩ Văn Miếu – Bắc Ninh

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh dành nhiều sự quan tâm tới di tích Văn miếu qua việc đầu tư kinh phí, các công trình kiến trúc được trùng tu tôn tạo, tài liệu hiện vật, đồ thờ tự được bổ sung, đường xá, cảnh quan được đầu tư mở rộng làm cho khu di tích ngày một khang trang tố hảo. Vào ngày tết Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng) hàng năm, tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ dâng hương hết sức nghiêm cẩn, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành tại Văn miếu.

Ngày nay, Văn Miếu Bắc Ninh là điểm đến thường xuyên của nhiều khách tham quan, các nhà khoa học về tham quan, nghiên cứu; nhiều ấn phẩm sách được xuất bản, các bài báo được in trên các tạp chí chuyên ngành góp phần đưa hình ảnh, giá trị của di tích tới nhân dân cả nước. Tại Văn Miếu Bắc Ninh nhiều tổ chức, cá nhân, các dòng họ, các trường học… thường xuyên về dâng hương, trao thưởng về thành tích học tập, khuyến học và tưởng niệm các bậc tiên hiền, tiên triết nhằm giáo dục và phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng cho thế hệ trẻ của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc.

5 Làng Diềm – Bắc Ninh

Làng Diềm là ngôi làng cổ mang đậm nét lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng quê Kinh Bắc. Không chỉ vậy, nơi đây còn là cái nôi thủy tổ của những làn điệu dân ca quan họ nức tiếng đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Làng Diềm - Bắc Ninh
Làng Diềm – Bắc Ninh

Làng Diềm, tên chữ là Viêm Xá, thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong. Một ngôi làng cổ, nơi có đền thờ Đức Vua Bà – Thuỷ tổ Quan họ. Cảm giác thân quen, gần gũi giữa một không gian thoáng rộng, tĩnh lặng, yên bình của vùng thôn quê sẽ là ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đầu làng Diềm…

Hàng cây xanh rủ bóng xuống hồ nước trong vắt, xung quanh là cụm di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng với Đền thờ Vua Bà trầm mặc, uy nghiêm, ngôi Đình Diềm rêu phong cổ kính cùng vẻ đẹp huyền ảo, linh thiêng của Giếng Ngọc, Đền Cùng… Chính cảnh sắc “sơn thuỷ hữu tình” như thế đã khơi nguồn cảm hứng cho không ít thế hệ văn nghệ sỹ và rồi từ đó, họ chắt lọc, kết tinh, nảy nở ra những áng thơ văn ngập tràn cảm xúc, những khúc ca đi cùng năm tháng.

Với lợi thế nằm ấp mình bên dòng sông Cầu hiền hoà, vừa qua, Bến du lịch làng Diềm đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trên bến là bãi mía, nương dâu – nơi các liền anh liền chị vẫn dùng dằng, ngân nga câu quan họ “người ơi người ở đừng về”. Hơn thế, nếu ai đó muốn được tận mắt nhìn những con tằm nhả tơ, kéo kén thì cứ theo chân cô thôn nữ hái dâu…

Làng Diềm - Bắc Ninh
Làng Diềm – Bắc Ninh

Thế nhưng, nét đặc trưng, độc đáo nhất của du lịch làng Diềm chính là “nghề chơi” quan họ. Đó mới thật sự là sức hút để lôi cuốn du khách. Truyền rằng, Vua Bà chính là người đã sáng tác ra các làn điệu dân ca quan họ đầy tình tứ và quyến rũ. Nhưng không chỉ có đền thờ Thuỷ tổ Quan họ, người dân làng Diềm còn luôn tự hào vì nghệ thuật và phong cách ca hát Quan họ vừa cổ xưa, độc đáo vừa phong phú, điêu luyện. Trong số 49 làng Quan họ của Bắc Ninh hiện nay, hiếm làng nào còn duy trì được đội Quan họ đông tới gần 100 người gồm đủ các thế hệ liền anh liền chị với nhiều lứa tuổi. Từng bọn Quan họ, mỗi nhóm liền anh, liền chị, hễ có dịp gặp gỡ là họ có thể cất giọng hát tuỳ theo nhu cầu, tâm trạng cảm xúc.

Thêm một điều đặc biệt khác nữa, làng Diềm có tới 4 ngày hội làng trong năm. Ngày hội đền Vua Bà (6/2 âm lịch) hay còn gọi là lễ hội Quan họ làng Diềm luôn trở thành điểm hẹn của đông đảo du khách thập phương. Chen vai đi trẩy hội Lim để đắm mình trong các làn điệu dân ca Quan họ nhưng du khách vẫn chưa thoả mãn nên khi ra về rất nhiều du khách đã nhắc nhớ, hò hẹn gặp lại nhau ở Lễ hội Thuỷ tổ Quan họ. Có lẽ bởi, đến đây họ mới thực sự có không gian để thưởng thức đầy đủ và trọn vẹn các hình thức sinh hoạt trong nghề chơi quan họ.

Ngày nay, kinh tế làng Diềm phát triển nhanh theo đà đổi mới, đường làng ngõ xóm phong quang, các di tích được tôn tạo, khách thập phương tấp lập kéo về… và mỗi lần làng mở hội lệ (đình, chùa, đền) tiếng hát Quan họ thiết tha, nghĩa tình của dân làng cùng liền anh, liền chị mọi nơi đến góp vui lại thâu đêm suốt sáng. Đó chính là vẻ đẹp thuần mỹ truyền thống trong đời sống văn hóa mới của quê hương thủy tổ quan họ.

6 Làng gốm Phù Lãng – Bắc Ninh

Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với những tấm áo tứ thân gắn với hình ảnh liền anh liền chị trong những làn điệu quan họ tha thiết, ngọt ngào. Về vùng đất Kinh Bắc, du khách còn được khám phá và chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm đẹp và độc đáo tại làng gốm Phù Lãng.

Làng gốm Phù Lãng - Bắc Ninh
Làng gốm Phù Lãng – Bắc Ninh

Làng Phù Lãng nằm ở phía đông của huyện Quế Võ. Phù Lãng nằm ngay bên bờ sông Cầu, ở đây có nhiều bến đò ngang ngày ngày chở khách qua lại. Phù Lãng còn là địa điểm có nhiều ngọn núi đẹp, tạo nên một phong cảnh sơn thuỷ hữu tình ít có ở trên đất Bắc Ninh.

Sản phẩm chính của nghề gốm Phù Lãng thường là chum vại, chậu nồi, ấm đất, chậu sành, tiểu sảnh. Gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp và khác biệt với những sản phẩm gốm nơi khác. Khi du lịch Phù Lãng, du khách có thể tận mắt nhìn thấy những lò gốm cũng như được tìm hiểu cách làm Gốm ở đây.

Vào cuối thời Lý, ộng được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp đi này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này dược truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ 13) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung.

Làng gốm Phù Lãng - Bắc Ninh
Làng gốm Phù Lãng – Bắc Ninh

Với khung cảnh thiên nhiên hữu tình, làng gốm Phù Lãng đã làm say đắm không biết bao nhiêu du khách xa gần. Tới đây bạn không chỉ được đắm chìm trong phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn được tham quan quy trình sản xuất ra các sản phẩm gốm sứ như chén, ấm, chậu cảnh, nồi đất…

Nếu bạn là người yêu gốm sứ và muốn tìm hiểu về nghệ thuật cũng như nghề làm gốm thì đừng bỏ qua làng gốm Phù Lãng. Nằm ở huyện Quế Võ, ngay bên bờ sông Cầu thơ mộng và cách sông Lục Đầu 4km, làng gốm Phù Lãng được nhiều du khách lựa chọn khi đến Bắc Ninh.

7 Làng tranh Đông Hồ – Bắc Ninh

Làng tranh Đông Hồ là làng nghề nổi tiếng về dòng tranh dân gian, đồng thời cũng là điểm du lịch nổi tiếng nhất Bắc Ninh. Làng thuộc địa phận xã Song Hồ, huyện Thuận Thành cách Hà Nội khoảng 35 km. Đến với làng tranh Đông Hồ, du khách sẽ được tìm hiểu về quy trình sản xuất tranh hết sức thú vị.

Làng tranh Đông Hồ - Bắc Ninh
Làng tranh Đông Hồ – Bắc Ninh

Làng tranh Đông Hồ tọa lạc tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội chừng 35 km về hướng đông. Ngôi làng nằm ngay trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay được gọi với cái tên cầu Hồ.

Làng tranh Đông Hồ có lịch sử truyền thống đến hơn 400 năm, bắt đầu từ những năm thế kỷ thứ 16. Cuối thế kỷ 18 đến năm 1944 là thời gian phát triển cực thịnh của làng tranh Đông Hồ, thời đó có 17 dòng họ làm tranh khắc gỗ.

Chợ tranh hoạt động tấp nập bắt đầu từ tháng Chạp với 5 phiên chợ. Phiên chợ cuối cùng kết thúc vào 26/12 (Âm lịch). Tranh Đông Hồ được bán cho các lái buôn, gia đình để treo chủ yếu trong ngày Tết nhằm cầu chúc những điều tốt đẹp.

Trong thời chiến tranh, làng tranh bị tàn phá dữ dội, hàng ngàn bản khắc gỗ làm tranh cũng bị thiêu rụi. Năm 1967, vì niềm khao khát muốn khôi phục lại làng tranh dân gian mà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cùng 50 thợ cả trong làng thành lập “Hợp tác xã sản xuất tranh”. Đến cuối thập niên 90 thế kỉ XX, làng tranh bắt đầu suy tàn, tranh rất khó bán, người dân trong làng không còn mặn mà với nghề làm tranh nữa.

Vào năm 2007, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế – đời thứ 20 của dòng họ làm tranh nổi tiếng tại Đông Hồ đã xây dựng “Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống” và từ đó nơi đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách thập phương. Hiện làng Đông Hồ có nhà làm tranh nổi tiếng là gia đình cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Làng tranh Đông Hồ - Bắc Ninh
Làng tranh Đông Hồ – Bắc Ninh

Đến với làng tranh Đông Hồ bạn không thể bỏ qua “Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ”, tại đây bạn sẽ được giao lưu cùng với gia đình các nghệ nhân, nghe họ kể về lịch sử của ngôi làng, quy trình để làm ra một bức tranh cũng như ý nghĩa của chúng. Mỗi một bức tranh được vẽ ra đều chứa đựng những tinh hóa văn hóa truyền thống qua từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Và nếu may mắn, bạn sẽ được tham gia làm tranh Đông Hồ cùng các nghệ nhân.

Làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh không chỉ là điểm tham quan dành cho những du khách đến tìm hiểu về tranh mà nơi đây còn có những lễ hội hấp dẫn như: rằm tháng Ba âm lịch, thi tranh, thi mã, ngày hội tế thần… Đặc biệt, lễ hội mùa xuân là thời gian lí tưởng để du khách chiêm ngưỡng nét đẹp của những bức tranh Đông Hồ.

Bắc Ninh có gì? Trên đây là một số chia sẻ mà chúng tôi gửi đến bạn để bạn hiểu rõ hơn về vùng đất Bắc Ninh. Hy vọng bài viết sẽ đem đến cho bạn nhiều thông tin thú vị cũng như là nguồn tham khảo dành cho bạn nếu bạn có dịp đến với vùng đất Bắc Ninh giàu danh lam thắng cảnh văn hóa này nhé!

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.