Bắc Ninh vốn là cái nôi của vùng văn hóa Kinh Bắc trước kia, của những làn điệu dân ca quan họ trữ tình mượt mà, của những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc lâu đời. Đây cũng là nơi lưu giữ rất nhiều những phong tục tập quán, trong đó có những lễ hội đặc sắc và được lưu giữ từ ngàn đời nay. Bắc Ninh có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi điểm danh những lễ hội truyền thống đặc sắc tại Bắc Ninh nhé.
1 Hội chùa Bút Tháp – Bắc Ninh
Lễ hội chùa Bút Tháp là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại chùa Bút Tháp, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, lễ hội góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các hoạt động trong lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, trang trọng và phù hợp với cuộc sống đương đại gồm 2 phần:
Phần Lễ, diễn ra chủ yếu trong khu nội tự với các nghi lễ truyền thống như: Lễ cúng Phật, Lễ dâng hương Lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, Lễ cúng Tổ…với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương
Sau phần Lễ đến phần Hội, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao: Cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu và biểu diễn nghệ thuật Chèo… Các hoạt động này không chỉ thu hút nhân dân trong tỉnh, mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao ở các tỉnh khác như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên…
Chùa Bút Tháp là một trong những di tích Phật giáo độc đáo của đồng bằng Bắc Bộ Việc tổ chức lễ hội truyền thống Chùa Bút tháp đã phần nào đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và khách thập phương.
2 Hội đền Đậu – Bắc Ninh
Nằm ven sông Đuống thuộc phía nam huyện Quế Võ là một vệt các làng cổ, trong đó có Mộ Đạo tên nôm làng “Đậu”. ở đây có ngôi đền cổ được gọi là đền Đậu, là nơi chính đền của 3 tổng 9 làng xã xưa, tương truyền thờ danh tướng có công đánh giặc vào thời Hùng Vương. Cũng từ lâu đời, hội của 9 làng vùng ven sông Đuống này đã trở thành hội vùng nổi tiếng. Theo tục lệ, cứ 3 năm một lần vào các năm (Tý, Mão, Dậu), ngày 16 đến ngày 20 tháng 3 (âm lịch) 9 làng trên lại mở hội đền Đậu.
Những làng thuộc về hội đền Đậu, xưa thuộc 3 tổng (Mộ Đạo, Đại Toán, Quảng Lãm) và nay thuộc 3 xã (Mộ Đạo, Chi Lăng, Yên Giả) gồm các làng sau: Mộ Đạo, Đức Tái, Đô Đàn, Tập Ninh, Trúc Ổ, Mai Ổ, Trạc Nhiệt, La Miệt, Yên Giả. Trong 9 làng cùng thờ thánh trên thì đền Mộ Đạo là nơi chính đền (anh Cả), 8 làng còn lại được gọi là hàng từ và phân thành 3 “tích”: Tích nhất gồm 3 làng (Mộ Đạo, Trạc Nhiệt, Mai Ổ), tích nhì (Tập Ninh, Đức Tái, Đô Đàn), tích ba (Trúc Ổ, La Miệt, Yên Giả).
Căn cứ vào thần tích, sắc phong thì thần được thờ của 9 làng trên là “Bình Thiên hiển đức đại vương” là một danh tướng có công đánh giặc vào thời Hùng Vương 18, thần thường linh ứng phù giúp các triều vua đánh giặc và nhân dân người khang vật thịnh, nên các triều vua đều gia phong mỹ tự và có sắc lệnh cho 9 làng xã nơi đây phải thờ phụng.
Để chuẩn bị cho lễ hội, từ trong chức sắc của 9 làng phải tổ chức họp bàn với nhau. Làng Mộ Đạo có chính đền, thuộc tích nhất, phải chuẩn bị những lễ vật để tế thần tại đền Đậu như: Lễ Tam sinh (lợn, dê, ngỗng trắng), lợn tượng (lợn tạ) và các loại rượu, bánh trái, hoa quả đặc sản của địa phương (rượu Hoàng tửu, bánh đường, chè kho, chè lam, kẹo lạc…).
Những làng còn lại, mỗi làng phải lo một lợn tượng để tế thần. Sáng ngày 16 tháng 3, tất cả 9 làng đều phải rước kiệu thần từ đình làng mình đến tập trung tại đền Đậu để tế lễ và mở hội. Đoàn rước kiệu của các làng, vai cờ kiệu là “giai trần” (trai tráng cởi trần, đóng khố), đầy đủ cờ kiệu, tàn lọng, siêu đao, bát bửu, trống chiêng và còn phải có đội “quân cờ”. Đội quân cờ có tướng cờ và quân cờ, mặc trang phục màu đỏ, tướng cờ có lọng che và đội quân cờ này là tượng trưng cho nghĩa binh của thần khi đánh giặc.
Khi các đoàn rước của các làng tập trung đông đủ tại đền Đậu, theo thứ tự kiệu của các làng được rước vào đền trong, đền ngoài các quan viên tế của các làng cùng tế. Trong khi tế lễ có hát ca trù để thờ thần. Làng Mộ Đạo là một trong cái nôi của hát ca trù, các nghệ nhân không những tham gia hát thờ, mà còn tham gia hát hội. Lễ hội đền Đậu kéo dài đến ngày 20, sau khi tế “rã đám” thì kiệu thần của làng nào lại được rước về làng ấy.
Trong những ngày lễ hội đền Đậu, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi, giải trí như: Tuồng, chèo, ca trù, đu cây, thi vật, thi dệt vải, nhảy phỗng, bắt vịt, bắt trạch… thu hút hàng ngàn người đến lễ hội. Lễ hội đền Đậu đã trở thành một nét văn hiến tiêu biểu của xứ Kinh Bắc – Bắc Ninh.
3 Hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích – Bắc Ninh
Lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích là một trong những lễ hội lớn của huyện Tiên Du và được khai hội vào ngày Mùng 4 tháng Giêng và là lễ hội sớm nhất trong các lễ hội diễn ra trong năm của huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đây là lễ hội có từ lâu đời gắn liền với chùa Phật Tích và chuyện tình cảm động “Từ Thức gặp tiên”. Đến hẹn lại lên, năm nay hàng vạn du khách thập phương lại tấp nập về chùa Phật Tích để dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn. Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức về mọi mặt, lễ hội diễn ra trong sự kỷ cương, văn minh và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Hội Khán hoa mẫu đơn được tổ chức từ ngày 4 – 5 tháng Giêng, trong đó ngày mùng 4 là chính hội nhưng ngay từ những ngày mùng 1 Tết, đã thu hút đông đảo du khách đến chùa thắp hương, lễ phật.
Lễ hội Phật Tích gồm có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu Quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân, phật tử vào tối mùng 5. Phần hội gồm các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tại trung tâm lễ hội.
Lễ hội Khán hoa mẫu đơn là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh. Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, khơi dậy lòng tự hào của nhân dân địa phương về di sản văn hóa; đồng thời cổ vũ động viên nhân dân thi đua yêu nước, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
4 Hội đền Cao Lỗ Vương (Hội làng Đại Than) – Bắc Ninh
Lễ hội tưởng niệm Cao Lỗ Vương được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm, tại làng Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình. Lễ hội nhằm tưởng nhớ, ghi khắc công lao muôn đời của các bậc tiền nhân- những người có công đánh giặc giữ nước, giữ yên bờ cõi.
Theo những sử liệu, thần tích còn lưu truyền, Cao Lỗ người quê vùng Lục Đầu- Bình Than, trong cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc Triệu Đà bảo vệ nhà nước Âu Lạc, ông đã anh dũng hy sinh ở chân thành Cổ Loa, thi hài được hổ tha về quê. Dân làng trông thấy liền kéo nhau ra đánh đuổi hổ và làm lễ an táng ông, dấu tích xưa còn đó là lăng mộ ông tại làng Tiểu Than. Đền thờ ông tại làng Đại Trung, đình làng Tiểu Than và lăng mộ Cao Lỗ Vương đều được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá Quốc gia.
Vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch- ngày sinh của Cao Lỗ Vương, người dân 7 làng quanh vùng cùng phối hợp tổ chức tế lễ ở đền Đại Trung, sau đó mỗi làng đều tổ chức lễ hội theo tục lệ để bày tỏ lòng tri ân công đức vị danh tướng của quê hương. Với làng Tiểu Than, lễ hội có những nét độc đáo riêng. Ngày mùng 9 tháng 3 dân làng tổ chức rước Long Đình cùng nhiều lễ vật ra lăng mộ Ngài làm lễ tuyên văn, sau đó vào nhà cụ Thủ sắc (người chuyên giữ sắc thờ của làng) rước văn ra đình.
Sáng ngày mùng 10 tiến hành rước song hành kiệu và lễ vật xuống đền làm lễ tế chung. Đám rước uy nghiêm gồm trống khẩu, lọng, quạt, chiêng trống cùng long đình, bát bửu, cờ hội, súng lệnh…
Trong những ngày hội, làng tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi dân gian như vật, tam cúc điếm, hát cô đầu; đặc sắc nhất là trò múa bông, đuổi bệt, tạo nét hấp dẫn riêng trong không gian lễ hội nơi thôn quê.
Lễ hội tưởng niệm Cao Lỗ Vương ngày nay vẫn được người dân 7 làng cùng tôn thờ ông phối hợp tổ chức nhiều nghi thức tế lễ, rước sách uy nghiêm tại đền, mở nhiều hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian tại đình chùa làng, thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình đoàn kết gắn bó bền chặt của các làng xã vùng sông nước Lục Đầu- Bình Than- nơi ghi dấu ấn nhiều chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống xâm lược của nước Đại Việt xưa.
5 Hội Đền Đô – Bắc Ninh
Lễ hội đền Đô được tổ chức trong các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch hằng năm tại làng Ðình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, âm vang tiếng gọi cội nguồn nhằm kỷ niệm ngày Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở cho một vương triều hưng thịnh, tạo dựng, phát triển quốc gia và nền văn hoá Đại Việt rực rỡ.
Lễ hội Đền Đô diễn ra trong 3 ngày (từ 14 – 16 tháng 3 âm lịch) nhưng chính hội là ngày 16/3 – ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, có lễ trình thánh, rước kiệu long trọng. Ðám rước với hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Ðài đến đền Ðô (khoảng 3 km). Ði đầu đám rước gồm có một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm truỳ đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời.
Bên cạnh phần lễ, phần hội trong lễ hội Đền Đô gồm có các trò vui như chọi gà, thả chim bồ câu, thi đấu vật, hát Quan họ và nhiều trò vui khác.
Lễ hội Đền Đô là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục được nhân dân Đình Bảng tự nguyện lưu giữ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, lễ hội Đền Đô như tiếng gọi cội nguồn nhắn nhủ các thế hệ mai sau hãy biết trân trọng và gìn giữ tinh hoa cha ông bao đời xây đắp.
6 Hội Chen làng Nga Hoàng – Bắc Ninh
Hội Chen Nga Hoàng diễn ra tưng bừng từ 6-15/1 âm lịch tại xã Nga Hoàng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Hội Nga Hoàng là người chen người, chen ngã dúi ngã dụi, chen văng xuống ruộng xuống ao cho hết “nam nữ thụ thụ bất thân”.
Hội Chen Nga Hoàng chia làm 4 giai đoạn. Ngày 6/1, cử hành tế lễ tại miếu làng. Giữa cuộc tế, trai làng và cả ông lão chạy đến chen lấn giữa gái làng và các bà lão, trẻ chen với trẻ, già dong với già. Xô đẩy, chen nhau rồi giằng co nhau. Nhiều chàng trai trong lúc xô đẩy có những cử chỉ mạnh bạo, đưa tay sờ soạn cô gái. Cố gái chống cự, chen lại. Cuộc chen lấn diễn ra hỗn loạn, tự do, phóng túng không câu nệ gì đạo đức. Chen lấn xong, dân làng bắt đầu phần rước bắt đầu từ miếu. Trong đám rước, bà lão và những cô gái tấn công, chen lấn lại trai làng và ông lão cho đến khi đám rước kết thúc. Sau đó, những cô gái trong làng tìm tới các chàng trai thiên hạ tới xem hội mà chen. Gặp khách xem hội là gái làng rủ nhau chen, có khi xô cả khách xuống ao bùn, xuống ruộng. Khách nào không muốn bị chen thì phải trốn lên cây hoặc trốn vào buồng kín một nhà nào đó trong làng. Các cô gái có thể vào nhà xin phép chủ nhà để chen khách: “thưa cụ, nhất niên nhất lệ. Hôm nay, chúng cháu được phép chen, xin phép cụ cho chúng cháu được chen với khách quý.” Rồi các cô gái vào chen cho khách ngã dúi ngã dụi.
Qua ngày 6/1, trong làng vẫn còn hội nhưng chỉ để dân làng lễ bái. Đến ngày 11/1, dân làng tổ chức tế lễ tại đình. Sau buổi tế, trai gái trong làng lại chen lấn nhau, đùa nghịch ngay trong sân đình. Những cặp có cảm tình với nhau tìm nơi tình tự hoặc tính chuyện đình Giáp non Vu.
Đến ngày 15/1, dân làng làm lễ tại miếu trên núi. Giữa cuộc lễ, trai gái trong làng lại xổ đẩy, cùng nhau chen. Sau phần tế lễ là đám rước từ núi về đình. Dọc đường, nam nữ lại tự do chen lấn và đùa nghịch với nhau.
Hội Chen Nga Hoàng là một lễ hội mang đậm màu sắc tín ngưỡng phồn thực với một nét riêng không lẫn vào đâu được của người dân nơi đây.
7 Hội đền Bà Chúa Kho – Bắc Ninh
Hằng năm vào dịp đầu xuân năm mới, hàng nghìn người từ khắp mọi nơi lại đổ về Bắc Ninh tham dự lễ hội đền Bà Chúa Kho để cầu mong may mắn, tài lộc, làm ăn tấn phát. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất tại Bắc Ninh với nhiều hoạt động thú vị mà bạn không nên bỏ lỡ nếu có dịp tới Bắc Ninh.
Lễ hội Đền Bà Chúa Kho được diễn ra vào ngày 25/2 (tức ngày 12 tháng giêng), tưởng niệm Ngày giỗ Bà Chúa Kho (12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ 1077 – 12 tháng Giêng năm Canh Dần 2012) được tổ chức tại đền Bà Chúa Kho, thôn Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Có người cầu an, cầu lộc, nhưng đa phần đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho, mong cho một năm vốn liếng dồi dào, làm ăn phát đạt… Tâm lý “vay vốn” của người dân cũng bắt nguồn từ những huyền tích xưa, và được củng cố thêm rằng “dù trải qua kháng chiến ác liệt thì ngôi đền này vẫn trụ vững”.
Nghi thức “vay vốn” cũng rất rõ ràng, người ta ghi trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và bao lâu sẽ trả. Thậm chí có người còn hứa là vay 1 trả 3, trả 10… với quan niệm đã vay thì phải trả, nên dù có làm ăn tốt hay không, người ta vẫn giữ đúng lời hứa, tức là tạ lễ cuối năm ở đền Bà Chúa Kho.
Trong dịp lễ hội, xung quanh đền có hàng trăm cửa hàng bán đồ cúng tế, đông đúc người vào ra. Mâm lễ được khách hành hương mua sắm tùy tâm, khi đơn giản là thẻ hương, bông hoa với vài ba tập tiền âm phủ, cầu kỳ thì con gà đĩa xôi, hay một mâm ngũ quả đủ đầy… chủ yếu là thành tâm cầu khấn.
Hằng năm, mặc dù ngày 14 tháng Giêng mới là ngày chính của Lễ hội, nhưng từ nhiều năm nay ngay từ những ngày đầu xuân và kéo dài trong cả tháng Giêng, dòng người đã đổ về đền Bà Chúa Kho rất đông.
Lễ hội đền Bà Chúa Kho là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa tín ngưỡng của người dân Bắc Ninh. Nếu có dịp đến Bắc Ninh dịp đầu năm mới, bạn đừng bỏ qua mùa lễ hội Bà Chúa Kho để hiểu rõ hơn về truyền thống và vẻ đẹp của văn hóa tín ngưỡng nơi đây.
8 Hội làng Long Khám – Bắc Ninh
Hội làng Long Khám được tổ chức ngày 20/8 tại làng Long Khám, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đặc trưng của hội làng Long Khám là cục cướp cây mộc tất (cây gỗ đỏ) dành cho trai đinh trong làng. Cuộc cướp có thể diễn ra thâu đêm suốt sáng.
Long Khám là vùng đất có truyền thống võ vật nổi tiếng, tục cướp cây mộc tất trong hội làng thể hiện tinh thần thượng võ của Thành hoàng làng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Hàng năm, người dân lấy ngày mất của Đức thành hoàng Trần Quốc Tuấn là ngày mở hội làng.
Hội làng Long Khám diễn lại chiến tích của thành hoàng làng, đặc sắc nhất là nghi thức cướp cây mộc tất. Cuộc cướp diễn ra từ đêm hôm trước tới sáng ngày hôm sau dành cho trai đinh của làng Long Khám. Nghi thức cướp cây mộc tất diễn ra như sau: làng Long Khám chia 8 giáp ra làm 2, mỗi bên 4 giáp với đại diện các gia đình đứng ra đăng cai tổ chức lễ hội. Mỗi gia đình được cấp 3 sào ruộng để cấy lấy tiền sắm sửa lễ hội gồm: hương hoa, trầu cau, rượu ngon, đặc sản địa phương trám đen…
Đêm ngày 20/8, 8 giáp soạn lễ gà, lợn, xôi, rượu, trầu mang ra đình tế lễ. Rượu được đổ ra chum. Trám đen được nấu chín với giá rồi đổ ra chậu Phù Lãng để những người tham gia lễ hội được ăn uống no say. 8h tối, kỳ mục, tư văn tề tựu ở đình để tế thần. Sau phần tế lễ, toàn dân hội họp ăn uống ngay tại đình. Đến 12h đêm, khi chủ tế ra hiệu lệnh, mỗi bên chọn ra những trai đinh khỏe mạnh từ 20-50 tuổi của 4 giáp. Chủ tế cởi trần đóng khố, đồng thời cử hai ba người đánh trống lớn liên thanh rồi ném cây gỗ sơn đỏ ra sân đình. Trai đinh hai bên cùng vỗ tay, miệng la lớn “cướp cướp” và tranh giành nhau cây gỗ đỏ hòa trong tiếng trống và tiếng hô khiến đám hội trở nên náo nhiệt hơn. Bên nào cướp được thì bên ấy giành phần thắng. Sau khi cướp được, dân làng kéo cây gỗ từ sân đình ra ngoài đồng rồi ai về nhà đấy. 10h sáng hôm sau, viên kỳ mục trong xã ra đồng lấy cây gỗ này mang về ao trước đình rửa rồi cất vào hậu cung. Bên nào giành chiến thắng thì năm đó gặp may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Ngoài nghi thức cướp cây mộc tất, lễ hội còn có lệ tiến nộp phụ nữ cho Thần để kỷ niệm lúc sinh thời Thần giúp nhà Lý đánh đuổi giặc Man khi chúng đốt phá đồn Đại Lịch, bắt phụ nữ của đồn.
Lễ hội được tổ chức tại đình làng Long Khám. Với người dân nơi đây, lễ hội là dịp gắn kết toàn dân, tục cướp cây mộc tất cũng như tinh thần thượng võ sẽ trường tồn mãi cùng đất nước.
9 Hội làng Đông Hồ – Bắc Ninh
Nếu hội Lim nổi tiếng với những liền anh liền chị khăn đóng áo dài, chiếc nón quai thao, tấm yếm lụa đào tình tứ trong câu hát ngọt ngào, đằm thắm thì lễ hội làng Đông Hồ với những bức tranh dân gian được nhiều du khách quan tâm.
Nhắc đến làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, người ta nhớ ngay đến nghề làm tranh dân gian truyền thống của làng. Làng Đông Hồ nằm ngay sát bờ sông Đuống, ngày xưa chỉ cách sông một con đê, đó là ý trong câu “Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. Ngày nay, do sự bồi lấp của dòng sông nên từ đê ra đến mép nước giờ khá xa. Hội làng Đông Hồ cũng có từ rất lâu đời, được tổ chức hàng năm. Cũng giống như các làng khác, hội làng Đông Hồ tế lễ, tưởng nhớ thành hoàng làng. Ngoài ra, hội làng còn giống ngày giỗ tỗ nghề làm trang ở làng. Tại lễ hội, các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, đàm đạo về nghề làm tranh.
Nghề tranh gắn bó với Đình làng, đó là một ngôi đình cổ kính, làm nơi thờ cúng Thành Hoàng làng, nhưng đáng chú ý hơn cả, ngôi đình tuy vẫn giữ vai trò mái nhà chung của cộng đồng làng xã, nhưng đã trở nên độc đáo vì nó gắn bó chặt chẽ với nghề sản xuất tranh. Do vậy, thường được gọi bằng cái tên đầy gợi cảm “Đình tranh” và được chính những nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ xây dựng ước chừng trên dưới ba trăm năm.
Trong Đình còn lưu giữ khá nhiều di vật quý như: Đồ thờ cúng, Hương án, Đại tự, hoành phi, Bộ bát bửu sơn son thiếp vàng lộng lẫy… Trên sân đình còn dựng hai tấm bia đá, văn bia ghi về những tiên hiền của làng, những người có nhiều công đức trong việc xây dựng đình làng… Đặc biệt, theo kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh, đây cũng là nơi diễn ra các phiên chợ tranh trong năm với những sản phẩm đa dạng, đầy màu sắc dân giã nhưng không kém phần hấp dẫn, độc đáo. Du khách về đây đều mua cho mình những bức tranh ưng ý làm kỷ niệm.
Lễ hội của làng thường được tổ chức trong ba ngày 14, 15 và 16 tháng Ba âm lịch. Tại sân đình làng, những người phụ nữ mặc áo dài thực hiện một nghi thức của lễ hội. Tiến vào phía trong, một số du khách trầm trồ khi thấy những đồ mã có kích cỡ “khủng” là con ngựa và chiếc thuyền được đặt ở vị trí dễ quan sát. Trong đình, có khá nhiều đồ vàng mã, từ những vật phẩm được làm rất tinh xảo như cây vàng, cây bạc đến các đồ vàng mã thông dụng để cúng lễ.
Từ đầu tháng 3, người dân làng Đông Hồ bắt đầu làm những sản phẩm vàng mã để trưng bày tại lễ hội. Chuẩn bị cho lễ hội, mỗi dòng họ được phân công làm một vật phẩm. Quá trình làm vật phẩm là dịp để các dòng họ quây quần bên nhau, chia sẻ với nhau những điều thường nhật trong cuộc sống đến công việc làm ăn, buôn bán. Ngày xưa làng Đông Hồ có 17 dòng họ khác nhau cùng sinh sống và đều theo nghề làm tranh. Nhưng ngày nay, do tranh không tiêu thụ được, hầu hết các dòng họ đã chuyển sang làm hàng mã, chỉ còn số ít ra đình còn giữ ghề truyền thống.
Trong ngày hội, người dân trưng bày và bán tranh dân gian Đông Hồ trong sân đình. Dựng một cầu bằng tranh trong đình tượng trưng cho sự giao lưu, hòa hợp. Hội làng cũng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ.
Có thể nói, hội thi mã ở đình tranh Đông Hồ là một sinh hoạt văn hóa dân gian hết sức độc đáo. Thông qua lễ hội, đã thể hiện được cả về nghi lễ tôn giáo và nghề nghiệp của một làng nghề, đồng thời là một bằng chứng sinh động về sự hình thành và phát triển lâu đời của nghề sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Giá trị đặc biệt của đình tranh càng được nhân lên là vì vậy.
10 Hội Vua Bà làng Diềm – Bắc Ninh
Trong số các lễ hội trên miền quê hương quan họ, chúng ta không thể không nhắc tới lễ hội Vua Bà tại thôn Viêm Xá, hay còn gọi là làng Diềm, thuộc xã Hòa Long, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong bốn lễ hội quan trọng nhất của tỉnh Bắc Ninh, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2016.
Lễ hội thường được tổ chức vào ngày mùng 5, mùng 6 tháng hai âm lịch hàng năm thể hiện sự tri ân tưởng nhớ Vua Bà – Thủy tổ Quan họ, người có công khai sinh ra làn điệu dân ca Quan họ. Có lẽ nhiều bạn vẫn cho rằng lễ hội Lim nổi tiếng mới là lễ hội quan họ lớn nhất, vậy nhưng để có thể khám phá, tìm hiểu được toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển quan họ thì bạn phải tới thăm lễ hội Thủy Tổ Quan Họ làng Diềm. Bởi lẽ đây mới thực sự là không gian để bạn thưởng thức đầy đủ và trọn vẹn các hình thức sinh hoạt trong nghề chơi quan họ. Cũng chính vì vậy mà lễ hội Vua Bà luôn là điểm hẹn của đông đảo du khách thập phương tới tham dự hàng năm.
Lễ hội Vua Bà thường diễn ra vào hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 2 âm lịch. Trong đó mùng 6 là ngày hội chính, lấy theo ngày Vua Bà giáng xuống thôn. Ngay từ chiều ngày mùng 5, dân làng đã rục rịch tổ chức lễ mở cửa đền, lễ dâng hương và lễ cầu mưa rửa đền. Sáng ngày mồng 6 là chính hội.
Đại diện các làng Quan họ Bắc Ninh đều tề tựu về đây dâng hương hoa phẩm vật lên Đức Vua Bà. Lễ tế thần bao giờ cũng có tiết mục hát Quan họ ca ngợi công đức Vua Bà và cầu cho một năm sung túc an bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt hát thờ ở hội đền Vua Bà chỉ được sử dụng giọng người làng Diềm để thể hiện lòng thành kính. Người dân tự hào gọi đây là giọng “A Rằng” chính gốc quan họ. Sau khi lễ tế kêt thúc, dân làng dựng rạp và diễn lại tích “Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân” ngoài trời.
Tiếp đến là lễ rước kiệu Vua Bà quanh làng. Đây là nghi lễ truyền thống lâu đời tượng trưng cho chuyến du ngoạn Vua Bà đã đặt chân lên vùng đất làng Diềm ngày nay. Đám rước dừng lại ở đền Cùng, nơi các cụ trong làng xuống giếng Ngọc lấy nước giếng để làm lễ tắm Vua Bà. Tương truyền đây là giếng thần không bao giờ cạn, nước sạch trong nhìn cả đáy và có thể uống nước mà không cần đun sôi. Giọng hát đặc trưng của người làm Diềm cũng nhờ uống nước giếng này thường xuyên mà có. Tất cả các nghi lễ được tiến hành nghiêm trang và thành kính, với ước mong Vua Bà che chở cho dân làng làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành.
Bên cạnh các nghi lễ trang nghiêm là phần lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động như đu tiên, vật, cướp cầu, chọi gà, thi đấu cờ tướng, cầu lông…, nhưng đặc sắc và được mong chờ nhất vẫn là các hội giao lưu Quan họ. Dân làng vui chơi hết ngày mùng 6 sang đến ngày 7 mới tan hội. Người dân lại tổ chức lễ tế và đóng cửa đền Vua Bà. Giữa không gian hồ nước mênh mang, trong nhà chứa mới phục dựng, những lời ca mộc mạc, luyến láy, rung hơi, nảy hạt của các nghệ nhân Quan họ làng Diềm cứ ngân nga, níu bước chân du khách chẳng cho về…
11 Hội Lim – Bắc Ninh
Hội Lim là lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc, được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng giêng hàng năm ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Có giả thuyết cho rằng, hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mị Nương.
Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. ông còn cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Do có nhiều công lao với hàng tổng và việc ông đặt hậu ở chùa Hồng ân, nên khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậu Phật hàng tổng. Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) hiện giữ ở đình thôn Đình Cả đã cho biết khá rõ lai lịch, công trạng và việc thờ phụng hậu hàng tổng Nguyễn Đình Diễn mỗi năm hai dịp vào “ngày sinh” và “ngày hóa” của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng ân trên núi Lim. Song trải tháng năm lịch sử, hội Lim đã có nhiều lớp văn hóa, trong đó người ta chỉ tổ chức tế lễ hậu thần vào một dịp là ngày 13 tháng giêng trùng với hội chùa Lim. Chính vì vậy mà có hội Lim và đây là hội hàng tổng.
Phần lễ:
Ngày 13/1 Âm lịch, ngày hội chính,. Vào 8h sáng, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km.
Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Buổi sáng ngày 13 tháng giêng toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các bọn quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần
Phần hội:
Có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội
Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.
Hội Lim lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc ,với những hoạt động phong phú của lễ và hội đã có nội dung và tầm cỡ lễ hội văn hóa dân gian Kinh Bắc, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh – mảnh đất được coi là vương quốc của lễ hội dân gian Việt Nam
12 Hội rước pháo làng Đồng Kỵ – Bắc Ninh
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ là hoạt động tiêu biểu nhất mà người dân làng nghề giàu có nhất vùng Bắc Ninh còn lưu giữ được đến ngày nay, là nghi thức truyền thống được nhiều người dân mong đợi nhất trong suốt 3 ngày hội từ mùng 4 đến 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Công tác chuẩn bị Hội làng được nhân dân chuẩn bị từ rất sớm khoảng 20 tháng Chạp. Làng phải huy động đến khoảng 400 người phục vụ trong đó có tới khoảng 300 trai tịnh dưới 50 tuổi phù giá để có được lễ rước hoành tráng và đầy đủ nghi thức.
Từ sớm ngày mùng 3 tháng Giêng, lễ rước thỉnh Đức Thánh Thiên Cương từ Ninh Từ lên Đền Trung đã được thực hiện trang trọng. Hôm sau, mọi công việc cho Lễ rước pháo được chuẩn bị từ sớm ngày mùng 4 nhưng phải đến đúng 9 giờ sáng hai quả pháo lớn mới được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người trong sự chứng kiến và háo hức của hàng nghìn khách thập phương.
Pháo rước được gò bằng tôn, bên ngoài dán giấy màu nhiều sắc. hai quả pháo lớn cùng có đường kính 60cm, 1 quả dài 6m, 1 quả dài 5,8m tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì. Trang trí rực rỡ với hình tứ linh: Long-lân-quy-phụng,
Đám rước đông mà người xem cũng chật cứng hai bên đường trong khi không gian làng nghề ngày càng thu hẹp nên quãng đường từ nhà ông đám trưởng ra đến đình làng cũng mất đến hơn 2 giờ đồng hồ. Những người lần đầu tiên đi hội Đồng Kỵ không khỏi ngạc nhiên khi thấy, mỗi chặng đường đám thanh niên lại hò reo rộn rã.
Với màu sắc và nét văn hoá riêng có, đây cũng là một trong những lễ hội vùng Bắc Ninh thu hút đông đảo du khách nước ngoài. Tưng bừng nhất là tục rước pháo nhưng các hoạt động văn hoá thể thao xung quanh khu vực diễn ra hội làng cũng không kém phần sôi nổi.
Đến Đồng Kỵ những ngày vào hội có thể nghe hát Quan họ trên thuyền cả ngày mùng 4 và các buổi sáng mùng 5, 6. Đây cũng là dịp để đội Tuồng làng thoả sức biểu diễn phục vụ bà con. Các vở Tuồng được diễn ngay trong sân đình, tối nào sân khấu làng cũng đỏ đèn, có khi buổi chiều tiếng trống Tuồng lại vang vang giục giã mọi người đến xem. Đặc biệt, cả Quan họ và các tích Tuồng cổ đều do người làng thể hiện. Giải Vật cổ truyền thu hút hàng chục đô vật từ 7 tỉnh về tranh tài; các môn Cầu lông, bóng chuyền, Cờ tướng, Chọi gà… thể hiện nét văn hoá lành mạnh trong lễ hội làng Đồng Kỵ
Về với lễ Hội Đồng Kỵ đầu xuân, du khách còn có dịp tham quan các di tích lịch sử cách mạng như Đình, Chùa Đồng Kỵ, đồng thời mua các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng nơi đây.
Ngày 19/01/2016, Lễ Hội làng Đồng Kỵ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, đây là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân Đồng Kỵ nói chung và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói riêng.
13 Hội chùa Dâu – Bắc Ninh
Dường như, trong tâm thức người dân Bắc Ninh, lễ hội chùa Dâu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, là nơi người dân gửi gắm niềm tin của mình với các đấng thần linh. Không biết tự bao giờ, những câu thơ trên đã lưu truyền trong dân gian và trở nên vô cùng gần gũi, tự hào đối với những người dân miền quê quan họ.
Chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu, nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Đây được coi là ngôi chùa hình thành sớm nhất ở Việt Nam khi Phật Giáo mới du nhập, lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ như thành cổ Luy Lâu, lăng mộ Sĩ Nhiếp, hệ thống chùa chiền, đền đài, dinh thự, bảo tháp…
Lễ hội chùa Dâu được tổ chức rất long trọng và quy mô vào ngày 8 – 9/4 Âm lịch với quy mô rộng lớn của ba xã thuộc vùng Dâu – Luy Lâu (Thuận Thành) là: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn với 5 ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Tổ thờ bà Man Nương – mẹ của Tứ Pháp, lấy chùa Dâu làm trung tâm.
Đây là lễ hội được coi là cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Sử sách cho biết các vua chúa thường về đây dự lễ hội, lễ Phật, cầu đảo, thậm chí tượng Pháp Vân nhiều lần được rước về kinh đô Thăng Long để cầu đảo. Lễ hội được tổ chức với những nghi lễ trang nghiêm, trọng thể theo đúng phong tục truyền thống kỷ niệm ngày Phật mẫu Man Nương hạ sinh nữ nhi.
Hoạt động chính của hội là các làng tổ chức rước các tượng Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) từ các chùa của làng mình về tụ hội tại chùa Dâu, đám rước gồm ngựa thờ, cờ quạt, tàn lọng, kiệu bát cống, từ các ngả kéo về…. Điều đặc sắc, ấn tượng nhất là khi tới chùa Dâu thì diễn ra trò “mẹ đuổi con”. Kiệu bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn, mỗi kiệu được rước chạy 03 vòng rồi trở về chỗ cũ. Sau đó diễn ra trò “cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, khi có hiệu lệnh, kiệu bà Sấm, bà Đậu, bà Mưa đua nhau rước chạy ra tam quan. Kiệu rước bà nào đến trước thì bà đó được nước, là thắng. người dân quan niệm rằng, nếu là bà Đậu thì năm ấy được mùa, nếu là bà Tướng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.
Bên cạnh đó, dân xã còn tổ chức rước “Phật Thạch Quang” và “Phật Tứ Pháp” về chùa Mãn Xá (quê mẹ Man Nương để bái tổ), rước “tuần nhiễu”…
Lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Bởi nó không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động và tiêu biểu mà còn với ý nghĩa quan trọng là cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa – một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Bắc Ninh mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Bắc Ninh có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Bắc Ninh vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.