Bình Định có gì?

Du lịch Bình Định từ lâu đã luôn nổi tiếng với những địa điểm địa điểm du lịch bình định mang những nét đẹp lãng mạn của miền đất đầy nắng gió. Bình Định không chỉ nổi tiếng với tên gọi là miền đất võ mà còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nhiều danh lam thắng cảnh khác. Bình định có gì? Trong bài viết này chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn những danh lam thắng cảnh đẹp ở Bình Định, hãy cùng khám phá nhé!

1 Biển Quy Hòa – Bình Định

Nằm dọc theo con đường Quy Nhơn – Sông Cầu, biển Quy Hòa như một bức tranh thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng với những bãi biển xanh ngắt, sạch đẹp, chạy dài tít tắp. Du khách có thể thỏa thích vui đùa cùng sóng nước hay chỉ mất khoảng 30 phút đi thuyền máy sang các hòn đảo ở ngoài khơi để tận hưởng không gian yên tĩnh và trong lành.

Biển Quy Hòa - Bình Định
Biển Quy Hòa – Bình Định

Đường đi đến đây đơn giản vô cùng, bạn chỉ chạy xe theo đường Quy Nhơn – Sông Cầu trên quốc lộ 1D khoảng chừng 3km là sẽ thấy biển Quy Hòa hiện ra rồi đấy. Bạn nên đến vào thời điểm từ tháng 2 cho đến tháng 8 bởi đây là thời điểm rất lý tưởng để bạn tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp, còn những tháng khác trong năm thì vùng biển có nhiều bão lũ lắm nha.

Một vùng mênh mông với nước biển xanh mát, bạn có thể thỏa thích vùng vẫy, đùa nghịch với những con sóng đánh xô vào bờ, nhìn từng đợt sóng đến rồi nhảy người lên, để sóng đánh dạt dần vào bờ, rồi lại đi bộ ra xa hơn, cứ thế, cứ thế nô đùa hoài àm không biết chán. Bạn cũng có thể thảnh thơi đi dạo dọc bờ biển, trên những dải cát mềm mịn, nhặt cho mình những con sò biển làm kỷ niệm, đi hoài mới thấy biển dài lắm, hoặc không thì nằm ườn ra bãi cát, ngắm mây trời xanh cao vời vợi, nghe tiếng sóng đánh, tiếng gió thổi vi vu mang theo hơi biển mằn mặn.

Biển Quy Hòa - Bình Định
Biển Quy Hòa – Bình Định

Nếu không thích vùng vẫy nơi biển khơi, bạn có thể tản bộ đến tham quan khu vườn tượng danh y với 40 bức tượng bán thân của rất nhiều những bậc danh y nổi tiếng biết Đông Tây kim cổ. Chân dung của các bậc danh y khắc họa rất tài tình qua những bức tượng thể hiện được sự khéo tay của người nghệ sĩ, bạn sẽ thấy Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác, GS Tôn Thất Tùng đến Hippocrate, A.Yersin, L.Pasteur hay H.Dunant,…vô cùng sống động. Những con người với tấm lòng quảng đại ấy đã giúp ích cho đời, chữa khỏi bênh cho không biết bao nhiêu con người.

Đến với vùng đất miền biển có phần oi ả ở dải dất miền Trung này, bạn chắc chắn sẽ khám phá được nhiều điều thú vị, từ cảnh sắc thiên nhiên, món ăn đặc sản hay sự mến khách của con người nơi đây và nếu cần được nghỉ ngơi thư giãn, cần một không gian bình lặng thì hãy đến với bãi biển Quy Hòa để thực sự đắm mình trong khung cảnh mây trời non nước thanh bình nhé!

2 Ghềnh Ráng – Tiên Sa – Bình Định

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về phía Đông Nam, Ghềnh Ráng – Tiên Sa là một trong những danh thắng bậc nhất của tỉnh Bình Ðịnh. Du lịch Ghềnh Ráng, bạn không chỉ đắm chìm trong không gian thơ mộng, hoang sơ của những bãi biển trải dài, dãy núi trập trùng, mà còn là nơi ghi dấu một quãng đời của thi sĩ tài danh bạc mệnh Hàn Mặc Tử.

Ghềnh Ráng - Tiên Sa - Bình Định
Ghềnh Ráng – Tiên Sa – Bình Định

Điểm đặc biệt của nơi đây chính là quần thể những bãi đá nằm liền kề nhau và những bãi đá tập trung theo đường cong của eo núi Xuân Vân. Nhờ vào vẻ đẹp độc đáo mà Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia.

Cái tên Ghềnh Ráng đủ lạ lẫm để khiến người ta tò mò tìm hiểu, tương truyền xưa kia, mỗi khi đi qua những gành rạn, người dân chài phải tìm cách hãm bớt gió để thuyền đi chậm lại, để tránh không cho thuyền va chạm vào những bãi đá nhọn nhô ra biển, ngôn ngữ bình dân của những người dân chài gọi là ráng. Lâu dần, người ta đọc thành Ghềnh Ráng. Cái tên mộc mạc, chân chất nhưng cũng hàm chứa cả nét đặc trưng của con người nơi đây.

Không nơi nào ngắm bình minh hay hoàng hôn Quy Nhơn lý tưởng như nơi này, khi đứng ngay trên đỉnh ghềnh, đồi, bạn sẽ thu cả thành phố Quy Nhơn vào tầm mắt. Vòng cung thành phố dù tinh mơ hay chạng vạng, trong cái ráng trời nền nã sẽ khiến du khách chỉ ước ao có thể lưu giữ khoảnh khắc vĩnh hằng thiên nhiên ấy vào trong chiếc máy ảnh cầm tay.

Ghềnh Ráng - Tiên Sa - Bình Định
Ghềnh Ráng – Tiên Sa – Bình Định

Nhưng Ghềnh Ráng không chỉ là bản giao hưởng thiên nhiên, hãy lắng tai nghe những câu thơ tài hoa đồng vọng của chàng thi sỹ Hàn Mặc Tử: “Họ đã xa rồi khôn níu lại/ Lòng thương chưa đã mến chưa bưa/ Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” hay “Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ…” sẽ thấy một hình ảnh khác của vùng đất này. Một Ghềnh Ráng hiện hữu với đầy vẻ khoan dung độ lượng, chở che cho tâm hồn thi sỹ bế tắc đớn đau của Hàn Mặc Tử. Chàng trai trẻ chưa bước qua tuổi 30 Nguyễn Trọng Trí – Hàn Mặc Tử ấy, đã náu thân mình lại bên một trảng cỏ xanh, bờ cát trắng, để rồi, những cơn gió ngàn xưa cứ vọng về dư ba của biển, của trăng… Câu chuyện về cuộc đời huyền thoại của chàng thi sỹ tài hoa ấy, đã đi vào lòng bao thế hệ và làm nên những cơ duyên thú vị cho nơi này.

Ngày nay, người ta gọi ngọn đồi nơi Hàn Mặc Tử nằm là Đồi Thi Nhân, con dốc dẫn lên ngọn đồi ấy là dốc Mộng Cầm, đặt theo tên của một trong những nàng thơ nổi tiếng lúc sinh thời của chàng thi sỹ. Khúc tráng ca của sóng biển hòa cùng gió núi, trong vằng vặc trăng luôn in dấu đậm nét trong lòng những ai đã đặt chân đến đây, đã trót nâng chén rượu đọc những vần thơ cùng chàng thi sỹ, đã đắm mình vào làn nước mát xanh khi xưa Hoàng hậu tẩy trần. Khúc tráng ca ấy sẽ còn vang vọng mãi, như cái tên Ghềnh Ráng luôn vang vọng trong tâm thức Quy Nhơn.

3 Đầm Thị Nại – Bình Định

Đầm Thị Nại thênh thang như đại dương thu nhỏ giữa lòng Quy Nhơn. Đầm Thị Nại là hội tụ dòng chảy của các nhánh sông Kôn, sông Hà Thanh. 2 dòng sông này đã vun đầy dòng nước ở đầm Thị Nại, vẽ lên bức họa thủy mặc hữu tình hấp dẫn khách du lịch gần xa.

Đầm Thị Nại - Bình Định
Đầm Thị Nại – Bình Định

Nằm về phía đông Bắc Quy Nhơn, với diện tích trên 5.000ha mặt nước, chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng tới gần bốn cây số, đầm Thị Nại là một trong những đầm nước mặn lớn nhất ở Bình Định. Đầm này đã có thời gian mang tên chữ là Hải Hạc Đàm, nhưng trong dân gian thì từ lâu vẫn gọi là đầm Thị Nại. Đó là cách gọi tắt của một địa danh Chàm, nguyên gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya đã được phiên âm qua tiếng Hán thành Thị-lị-bì-nại.

Đến đầm Thị Nại, du khách có cơ hội lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ, dập dờn xuôi cùng sóng nước, nhìn ngắm khung cảnh bao la của đầm và khám phá cuộc sống ngư dân với nhiều trải nghiệm thú vị.

Trong quần thể này có khu sinh thái Cồn Chim – ‘lá phổi xanh của Quy Nhơn’. Cồn chim rộng gần 1.000 ha, là nơi tập trung hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển có tới 25 loài, hệ động vật có 64 loài phù du, 76 loài cá, có hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loài chim rừng. Trong đầm còn có một núi nhỏ, trên có ngôi miếu nhỏ do dân chài lập ra để thờ thủy thần, hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là tháp Thầy bói.

Có người kể rằng nơi đây đã từng xuất hiện tháp do một ông thầy bói xây nên. Sau khi ông qua đời, không ai coi sóc nên tháp đã bị gió bão phá sập. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng nơi đây vốn không có tháp. Gọi là tháp chẳng qua vì khóm đá trông xa hình thuôn như cái tháp mà thôi, còn Thầy Bói là tên một giống chim ăn cá, ngoài Bắc gọi là chim Bói Cá.

Đầm Thị Nại - Bình Định
Đầm Thị Nại – Bình Định

Bắc ngang qua đầm là cầu Thị Nại – cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Cầu Thị Nại nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội).Từ nơi này du khách có thể thưởng ngoạn trọn vẹn phong cảnh của đầm Thị Nại với nhiều góc độ khác nhau.

Nước đầm Thị Nại thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã, thông thường cửa này vẫn thường được gọi là cửa Thị Nại. Cửa được tạo bởi Mũi Rùa bên bờ phía Tây và Gành Hổ thuộc dãy núi Phương Mai bên bờ Đông, trong thế “thủy khẩu giao nha”.

Khoảnh khắc nào trong ngày, đầm Thị Nại cũng đẹp, cũng mộng thơ để tâm hồn lữ khách phiêu diêu cùng cảnh sắc ‘ngọt như mật’ ấy. Là lúc nắng mai hắt luồng sáng ấm áp để mặt trời hệt quả cầu lửa dần dần nhô lên từ dãy Triều Châu. Là ánh hoàng hôn ma mị tím đỏ tựa thảm lụa khổng lồ phủ lên đầm phá, hư hư thực thực. Là những đêm trăng tròn thanh vắng, đầm bỗng trở nên huyền ảo hệt chốn thần tiên. Bắc ngang qua đầm Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam lúc nào cũng lộng gió, đứng trên cầu, du khách có thể thưởng ngoạn trọn vẹn phong cảnh của đầm Thị Nại với nhiều góc độ khác nhau.

4 Biển Nhơn Lý – Cát Tiến – Bình Định

Biển Nhơn Lý (dân chài lưới vẫn gọi là biển Cát Tiến) hiện là một trong những bãi biển đẹp nhất Nam Trung Bộ, đông đảo khách du lịch đến đây mỗi năm vào dịp hè. Đến đây, bạn tha hồ hoà mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, biển cả bao la với những cồn cát, hải đảo từ bãi biển lấp lánh cát vàng, sóng xanh và thưởng thức các món hải sản nổi tiếng của địa phương.

Biển Nhơn Lý – Cát Tiến - Bình Định
Biển Nhơn Lý – Cát Tiến – Bình Định

Cách trung tâm phố Quy Nhơn 30km, băng qua cầu Thị Nại là xã Nhơn Lý. Xã Nhơn Lý đã có lịch sử lâu đời, bề dày về truyền thống văn hóa với những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Xã Nhơn Lý hiện nay đã phát triển nhưng vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên với những bãi cát trắng trải dài, nhà mái ngói đỏ tươi, biển vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Người dân trong xã vẫn sống với những nghề liên quan đến biển như đánh bắt thủy hải sản, chế biển hải sản. Đây là một xã đảo vẫn còn lưu giữ nhiều di tích của văn hóa Champa, với lễ hội Cầu ngư được tổ chức hàng năm, nơi còn lưu giữ 6 sắc phong của các triều đại Vua…

Là một trong những bãi biển đẹp nhất Nam Trung Bộ với những bãi tắm lý tưởng như: Trung Lương, Cát Tiến, Nhơn Hội, Nhơn Lý, Hải Giang,… thu hút đông đảo khách du lịch đến đây hoà mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, biển cả bao la với những cồn cát, hải đảo ngập tràn gió lộng, xen giữa những bãi biển lấp lánh cát vàng, sóng xanh và thưởng thức các món hải sản nổi tiếng của địa phương. Dọc biển Nhơn Lý – Cát Tiến đang được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia.

Đến với biển Nhơn Lý – Cát Tiến du khách sẽ được tận hưởng một không khí trong lành đầy sức sống của nơi đây. Nếu bạn muốn lắng nghe tiếng rì rào sóng vỗ, cảm nhận luồng gió trong lành luồn trong mái tóc hay ngắm nhìn một kiệt tác hùng vĩ nên thơ của thiên nhiên ban tặng thì hãy đến với biển và thiên nhiên nơi đây.

5 Đảo Yến – Bình Định

Nằm trên địa phận bán đảo Phương Mai, Dãy Triều Châu cùng với Hòn Mai, hòn Chóp Vung, Núi Đen,… Hòn Yến đã tạo nên dãy núi dài khoảng 15km. Đảo Yến Bình Định hay Hòn Yến là nơi chim yến bay về khi mỗi độ xuân đến, tạo nên những hình ảnh thật đẹp.

Đảo Yến - Bình Định
Đảo Yến – Bình Định

Với những hang động được tạo thành bởi tự nhiên có niên đại hàng vạn năm, những hòn đá cao tới cả trăm mét khiến đảo Yến trở nên hấp dẫn, kỳ lạ. Những chú chim Yến bay lượn tìm bạn đời, làm tổ vào thời tiết xuân chính là cảnh tượng mà bạn sẽ ấn tượng khi bước chân lên đảo yến Quy Nhơn.

Nơi đây không chỉ được thiên nhiên tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Mà dành cho nơi đây một kho báu ít nơi nào có được, đó là yến sào. Một đặc sản vô cùng quý giá được cả thế giới ưa chuộng.

Đặc biệt ở trong lòng hang động sâu, khá hiểm trở, là nơi rất thích hợp cho loài chim yến đến làm tổ. Có hơn 30 hang động lớn nhỏ trên đảo, tập trung ở hai xã Nhơn Hải và Nhơn Lý. Mỗi hang nhỏ cũng được đặt tên như hang Dơi, hang Ba Nghé, hang Cạn,…ở đây có thể thu về từ 100 đến 300 tổ yến. Với những hang lớn hơn như hang Cả, hang Đôi Trong, hang Đôi Ngoài,…đặc biệt những hang có cửa quay về hướng Đông – Nam có thể thu được trên 10 ngàn tổ.

Đảo Yến - Bình Định
Đảo Yến – Bình Định

Vào bên trong hang động, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoành tráng, kỳ vĩ mà thiên nhiên đã tạo ra. Những tổ yến đan khít vào nhau cùng những giọt nước tí tách rơi trên vách đá tạo nên những đốm trắng le lói như bầu trời sao. Bạn sẽ nghe thấy những tiếng chim non ríu rít và tiếng vỗ cánh bay của chim yến.

Nếu đến đảo Yến vào mùa Xuân, bạn sẽ thấy hàng trăm chim yến bay rợp trời, gọi nhau ríu rít. Dù sống theo bầy đàn nhưng chim yến lại là loài sống thành từng đôi với nhau không hề nhầm lẫn.

Trên đảo Yến chủ yếu có hai loài là yến cỏ và yến sào. Yến cỏ lớn hơn yến sào, làm tổ bằng cỏ hoặc rác xung quanh núi. Còn yến sào là loài chim quý. Chúng làm tổ bằng chính nữa dãi của mình, chim yến tự tiết ra nước dãi kéo thành sợi đan lại thành tổ. Khi đủ vừa để nằn lọt thân mình, thì yến sào bắt đầu sinh sản.

Ngoài phong cảnh đẹp đảo Yến Bình Định còn có những di tích lịch sử văn hóa từ thời vương quốc Chăm Pa từ thời Tây Sơn đến thời Nguyễn. Bạn có thể ghé qua Chùa Phật Lồi, nơi có pho tượng Chàm huyền bí. Hay đến với núi Tam Hòa và những di tích Uy Minh Vương Lý Nhật Quang thời Lý. Còn đó pháo đài Hổ Ky và nơi đặt súng thần công, nơi phòng thủ bờ biển thời xưa. Hãy đến với đảo Yến để được xem những hang động, được thấy chim yến làm tổ và những di tích cổ Bình Định.

6 Làng rượu Bàu Đá – Bình Định

Bạn cũng biết rượu Bầu đá là đặc sản của xứ Bình Định rồi đúng không? Vị rượu đậm đà, mặn nồng, dễ níu chân người nhưng cũng “kén” người uống nếu tửu lượng không cao. Ngày nay ở Bình Định có rất nhiều nơi nấu rượu Bầu đá, nhưng được nhiều người biết đến nhất và là nơi nấu thơm, ngon nhất vẫn là xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Làng rượu Bàu Đá - Bình Định
Làng rượu Bàu Đá – Bình Định

Một trong những đặc biệt của rượu Bầu đá là sự hòa quyện gần như hoàn hảo giữa thứ gạo lên men đúng lúc, đúng thời điểm và ứng với thứ nước suối ngầm dưới lòng đất tại làng này. Thế mới nói, cái bí mật của thứ rượu mà không nơi nào có thể bắt chước làm được, nếu làm cũng nửa vời, không bằng hương vị từ nước, từ gạo, từ bàn tay những người dân nơi đây.

Tương truyền, ngày xưa để mưu sinh, người dân ở gò Cù Lâm, thôn Bàu đá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn đã nấu rượu, sử dụng nguồn nước ngầm rỉa ra từ bàu đá tại thôn Bàu Đá. Những mẻ rượu đầu tiên này đã cho ra một mùi hương vừa thơm, vừa đậm, vừa miệng thưởng thức, nâng chén chuyện trò, tâm sự.

Làng rượu Bàu Đá - Bình Định
Làng rượu Bàu Đá – Bình Định

Uống Bàu đá vừa phải, mỗi ngày một ly nhỏ sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh, độ ngà ngà, mềm môi thấm với tâm thế của người trong cuộc vừa an nhiên, vừa thoải mái thì còn gì bằng. Rượu Bàu đá, rót ra sủi tăm, chỉ nhấp một nhấp nhỏ thôi, người xứ Bình Định chính hiệu có thể đoán định được đâu là rượu Bàu đá chính cống.

Nếu đã đặt chân đến Bình Định, các làng nghề cũng là nơi bạn nên đến để hiểu thêm về văn hóa, cách sống và tiện đường thăm thú ruộng đuồng, những đường làng nhỏ nhẻ, những màu sắc riêng biệt của từng làng nghề. Để cảm nhận rõ hơn, bạn hãy thử một lần đến đây để hiểu thêm về tinh hoa rượu Bàu Đá. Chắc chắn bạn sẽ phải nhớ mãi không quên hương vị rượu làm say đắm lòng người này đó!

7 Thành cổ Hoàng Đế – Bình Định

Thành Hoàng Đế là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bình Định gắn với ba thời kỳ lịch sử: Vương quốc Chămpa, Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn. Thành tọa lạc trên địa phận xã Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá, Thị xã An Nhơn cách Tp. Quy Nhơn khoảng 20km về hướng Tây Bắc. Thành Hoàng Đế đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1982.

Thành cổ Hoàng Đế - Bình Định
Thành cổ Hoàng Đế – Bình Định

Trong lịch sử tòa thành này từng là kinh đô của vương quốc Chămpa với tên gọi là thành Đồ Bàn. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, kinh đô Chămpa đóng ở thành Đồ Bàn. Đến năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục Chămpa, sát nhập vùng đất Bình Định vào lãnh thổ của Đại Việt thì thành Đồ Bàn không còn giữ được vai trò là kinh đô của vưong quốc Chămpa. Cho đến khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra vào thế kỷ XVIII thì tòa thành này một lần nữa phát huy vai trò lịch sử của mình. Sau khi chiếm được thành Qui Nhơn (nay là phường Nhơn Thành, Thị xã An Nhơn) Nguyễn Nhạc quyết định chọn thành Đồ Bàn làm đại bản doanh cho phong trào Tây Sơn. Ông xây dựng vào năm 1775 trên cơ sở thành Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa để lại. Năm 1778, cũng tại tòa thành này, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Từ đây, thành Đồ Bàn chính thức mang tên Thành Hoàng Đế và trở thành kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc.

Thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành. Thành ngoại có chu vi là 7400m, hiện nay phần còn lại của tường thành cao từ 3 – 6m, trên mặt bờ thành phía Nam còn lưu giữ hai thanh đá cắm thẳng đứng cao 3m, đó là dấu tích của thành Đồ Bàn của người Chăm, cho đến nay vẫn chưa xác định được ý nghĩa của hai thanh đá đó đối với kinh đô Đồ Bàn.

Thành cổ Hoàng Đế - Bình Định
Thành cổ Hoàng Đế – Bình Định

Thành nội còn được gọi là Hoàng Thành có hình chữ nhật dài, với chu vi 1600m, dài 430m, rộng 370m. Thành Nội bị phá hủy hoàn toàn, hầu như không còn gì, những dấu vết còn lại cho thấy tường thành được xây bằng đá ong và đắp đất, có 3 cửa ở 3 mặt Nam, Đông, Tây, cửa chính hướng về phía Nam gọi là cửa Tiền. Trước cửa Tiền hiện còn hai tượng voi đá gồm một voi đực và một voi cái. Voi cái cao 1,7m, dài 2,2m, thân rộng 0,7m tạc trong tư thế tĩnh, mang bành và đồ trang sức thể hiện những yếu tố của nghệ thuật Chăm. Voi đực cao 2m, dài 2,2m, thân rộng 1m, tạc trong tư thế động, vòi uốn cong như đang nhổ một vật gì đó. Đây được cho là hai tượng voi thể hiện dạng tượng tròn có kích thước lớn nhất của người Chăm còn hiện còn.

Bên trong Thành Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật với chu vi 600m, dài 174m, rộng 126m, cửa chính quay về hướng Nam, gọi là Nam Lâu. Tường thành đắp đất và đá ong hai mặt dày 1,5m, bờ tường cao nhất hiện còn khoảng 3m. Nơi đây hiện còn lưu giữ 3 tượng sư tử đá có niên đại từ thế kỷ XII; hai hồ bán nguyệt (thủy hồ) dài 17m, rộng 10m và sâu 1,6m; lầu Bát Giác và khu lăng thờ hai viên quan nhà Nguyễn chết ở đây là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Đây là một khu lăng mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn nằm trong quần thể của di tích. Đứng từ đây có thể chiêm ngưỡng Tháp Cánh Tiên từ xa xa.

Với những dấu tích, hiện vật và kiến trúc còn sót lại cũng như giá trị về một tòa thành đã hai lần giữ vai trò là kinh đô trong lịch sử, thành Hoàng Đế xứng đáng là một điểm đến kỳ thú trong hành trình đi qua những vùng kinh đô việt cổ của đất nước.

8 Chùa Thập Tháp Di Đà – Bình Định

Chùa Thập Tháp Di Đà nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 28km, được hòa thượng Nguyên Thiều dựng vào năm 1683, trên gò đất có mười ngôi tháp Chàm. Đây là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần vào các năm 1820, 1849, 1877 và 1924. Đến nay chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm, cổ kính. Nằm khuất trong vườn cây cổ thụ sum suê cành lá và quanh năm đắm chìm trong mầu xanh của ao đầm, của cây cỏ, chùa Thập Tháp từ lâu đã trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định, thu hút nhiều khách thập phương về hành hương, cúng tế, lễ bái hoặc tham quan, khảo cứu vì đây là ngôi cổ tự xưa nhất ở miền trung.

Chùa Thập Tháp Di Đà - Bình Định
Chùa Thập Tháp Di Đà – Bình Định

Chùa nằm phía bắc thành cổ Đồ Bàn, kinh đô của nước Chiêm Thành ngày xưa, gần Quốc lộ 1A và cách thành phố Quy Nhơn độ 28km. Thời xa xưa, trên gò đất cao ấy có đến mười ngôi tháp Chàm cổ kính nằm án ngữ mặt bắc Đồ Bàn cho nên người ta mới gọi là gò Thập Tháp. Kể từ khi vào trấn đất Thuận Hóa và mở mang bờ cõi xa dần về phía nam, ngoài việc chăm lo về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa trong hơn hai trăm năm, các chúa Nguyễn đều coi trọng đạo Phật cho xây dựng nhiều chùa chiền, đúc nhiều chuông, nhiều tượng Phật.

Bấy giờ có Tế Viên Hòa thượng, Giác Phong lão tổ đều là người Trung Hoa tham gia truyền bá đạo Phật ở Việt Nam. Năm Ất Tỵ (1665) đời chúa Nguyễn Phước Tần, có vị thiền sư người Trung Hoa đến Việt Nam, ở lại đất Quy Ninh (Bình Định ngày nay) để tìm đất cất chùa. Ông cho phá hủy mười ngôi tháp Chàm đã bị sụp đổ để lấy gạch xây dựng chùa thờ Phật gọi là chùa Thập Tháp.

Qua nhiều lần trùng tu, tái tạo, cái cũ và cái mới đan xen, nhưng chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm cổ kính. Chùa được trùng tu cả thảy bốn lần. Lần trùng tu đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), lần thứ hai vào năm Kỷ Tỵ (1849) dưới thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, lần thứ ba vào năm Bính Tuất (1877) dưới thời vua Tự Đức và lần thứ tư vào năm Giáp Tý (1924) dưới triều vua Khải Định. Năm 1924, hòa thượng Phước Huệ là tổ thứ 40 phái Lâm Tế và là tổ thứ 13 của phái Nguyên Thiều đứng ra xây dựng, mở rộng chùa và dựng thêm cổng Tam quan như ngày nay.

Hòn đá chém tại Chùa Thập Tháp Di Đà - Bình Định
Hòn đá chém tại Chùa Thập Tháp Di Đà – Bình Định

 

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ “hòn đá chém”. Tương truyền, sau khi Nguyễn Ánh đánh chiếm thành Hoàng Đế, đã mở cuộc trả thù tàn khốc. Đao phủ nhà Nguyễn dùng một tảng đá đặt ngay cổng thành và kê đầu nạn nhân lên đó mà chém. Oan hồn của các nạn nhân ngày đêm đòi mạng. Một ngày nọ, vị cao tăng trụ trì chùa Thập Tháp đến thành xin được lập đàn cầu siêu để giải nỗi oan khuất tày trời, lấy lại sự yên bình cho người dân trong vùng. Sau 3 ngày đêm kinh kệ, nhà sư cho người mang hòn đá về chùa Thập Tháp. Hòn đá được đặt cạnh cây thị cổ thụ 300 năm tuổi nằm phía nam tường thành của nhà chùa và được đặt tên là Hòn đá chém.

Từ trong chùa nhìn ra, lối vào tỏa bóng mát bởi cây bồ đề cổ thụ. Mùa hè, hồ sen phía trước chùa rực rỡ hoa và tỏa mùi hương thơm ngát. Trong tất cả chùa chiền ở miền Trung được xây cất từ thời các chúa Nguyễn thì chùa Thập Tháp Di Đà được xem là chùa tổ. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Đây được coi là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung.

9 Hầm Hô – Bình Định

Hầm Hô – ‘hang động xanh’ ngút ngàn đầy mê hoặc ở xứ Nẫu Bình Định. Hầm Hô mở ra một ‘vương quốc xanh’ đẹp đến ngỡ ngàng, tiếng chim hót nỉ non và hồ nước trong lành róc rách bên dải đá như được sắp đặt sẵn nên thơ quyện vào nhau rất hòa hợp giữa núi rừng, hệt xứ sở bồng lai. Cứ như thế, hạnh phúc được đong đầy, người lữ hành có được những khoảnh khắc tuyệt vời, quên đi hết tất cả tất bật ngoài kia, trải lòng mình giữa thiên nhiên xanh ngát xanh.

Hầm Hô - Bình Định
Hầm Hô – Bình Định

Hầm Hô là khu du lịch sinh thái thuộc địa phận xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 50km theo hướng Tây Bắc, một điểm đến nhất định không thể bỏ qua ở xứ Nẫu Bình Định. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Hầm Hô là căn cứ địa quan trọng của của nghĩa quân Cần Vương bởi địa thế độc đáo của mình. Và vẻ đẹp ấy cho đến bây giờ vẫn khiến bao người xao xuyến, mỗi lần đứng ở Hầm Hô, hít hà bầu không khí trong lành và ngọt ngào là mỗi lần trái tim bồi hồi vì hạnh phúc.

Hầm Hô là một đoạn sông khoảng 3km chạy men theo chân dãy núi Trường Sơn huyền thoại. Với vô vàn những tảng đá có kích thước lớn nhỏ khác nhau, hình thù muôn hình muôn vẻ dọc hai bên bờ sông cùng những cánh rừng tự nhiên đa dạng sinh thái, Hầm Hồ sở hữu vẻ đẹp “sơn thuỷ hữu tình” vô cùng kỳ bí, hoang sơ.

Tại khu du lịch Hầm Hô, bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước sự tạo hoá của thiên nhiên trong những dãy đá dưới lòng sông. Đá tiếp đá trùng trùng điệp điệp dựng thành hàng cao chót vót. Khi được những tia nắng chiều vào, những khối đá trở nên lung linh, ánh lên nhiều màu sắc rực rỡ trông tựa như những viên kim cương lấp lánh dưới làn nước trong xanh.

Hầm Hô - Bình Định
Hầm Hô – Bình Định

Một trong những dấu ấn nhất định không thể bỏ qua khi du lịch Hầm Hô ở xứ Nẫu Bình Định chính là các trụ đá hoa cương muôn hình vạn trạng, khi được nắng trải lên bỗng chốc trở nên lung linh rực rỡ, hệt như kim cương lấp lánh. Ngồi thuyền xuôi theo dòng nước thưởng ngoạn bức tranh mơ mộng của Hầm Hô, du khách như được đón chào bởi hàng cây xanh hai bên sà xuống toả bóng mát rượi, nhìn chẳng khác hang động xanh chút nào. Người lữ hành mơ hồ tưởng đang lạc vào vương quốc thần thoại hư ảo, tự dưng chỉ muốn ở mãi, chẳng cần quay về với thực tại.

Đến với khu du lịch Hầm Hô, hãy kết hợp thăm quan các di tích lịch sử như: hang Bảy Cử, dinh Tiên Hiền,… Ngoài ra, bạn còn có thể tham gia những hoạt động trên nước vô cùng sôi nổi hấp dẫn như đi kayak, câu cá,… cùng các hoạt động lửa trại, xem biểu diễn văn nghệ, nghe hát bài chòi và thưởng thức nhiều món ăn ẩm thực đặc sắc như chim mía rô ty, cá mương chiên cuốn bánh tráng, bánh ít,…

Mặc dù chưa được nhiều du khách biết đến nhưng chính nét hoang sơ ấy đã đem đến cho khu du lịch Hầm Hô sức thu hút riêng. Hãy đến với Khu du lịch Hầm Hô để được đắm mình trong không gian thiên nhiên hùng vĩ, cảnh sắc “bồng lai tiên cảnh” đẹp tuyệt diệu và trút bỏ đi bao lo toan, muộn phiền của cuộc sống.

10 Tháp đôi – Bình Định

Tháp Đôi (hay tháp Hưng Thạnh) là khu tháp của Chăm Pa gồm có hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau có cổng chính nằm trên đường Trần Hưng Đạo ở thành phố Quy Nhơn. Đây là một khu tháp Chăm không quá lớn, cũng không đồ sộ và đẹp bằng một số khu tháp ở Nha Trang hay Ninh Thuận… nhưng cũng là một địa điểm rất nên đến khi tới Quy Nhơn. Bởi, cái đẹp của bất kì một công trình tháp Chăm nó nằm ở kiến trúc, ở lịch sử và ở nét văn hóa ở bên trong nó.

Tháp đôi - Bình Định
Du lịch tháp đôi

Tháp Đôi có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, có cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài dũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc. Quanh tường phía ngoài, các góc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc các hình tượng thần, chim, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm rất sinh động. Tháp Đôi một lớn một nhỏ đứng gần kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít. Tháp đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá khá nặng nề, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Ba Lan và các chuyên gia khảo cổ trong nước, tháp Đôi đã được khôi phục lại dáng vẻ ban đầu.

Tháp Đôi được coi là một trong những tháp đẹp nhất của nghệ thuật kiến trúc Chămpa – một công trình kiến trúc độc đáo gồm 2 tháp: Tháp chính cao 20m và tháp phụ cao 18m. Cả hai ngôi tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống của tháp Chămpa cổ mà được tạo thành gồm 2 phần chính: Khối thân vuông và phần đỉnh tháp mặt cong, các góc tháp hiện lên những tượng chim thần Garuda, hai tay đưa cao như đang nâng đỡ mái tháp bề thế.

Tháp đôi - Bình Định
Tháp đôi – Bình Định

Vòm trên của cửa tháp cao vút như những mũi lao sắc nhọn, đứng trong lòng tháp nhìn lên dường như thấy được cả một “lỗ đen của vũ trụ” bao la. Những chi tiết điêu khắc được thực hiện cực kỳ tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao. Kiến trúc này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Ấn Độ giáo. Đây cũng là tháp được xây dựng không nằm trên khu vực đồi núi như thường thấy mà được bao bọc xung quanh bởi khu dân cư đông đúc.

Do chịu ảnh hưởng của nghệ thuật của kiến trúc Khmer, bộ diềm mái của tháp Đôi được làm bằng đá và được trang trí bằng hình các con khỉ đang múa, hình các con vật tạp chủng mình sư tử đầu voi (gajasimha). Bốn góc của bộ diềm mái là hình bốn chim thần điểu bằng đá. Tháp Đôi Quy Nhơn không chỉ là nơi để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Chăm tiếp tục công việc mà còn là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Bình Định.

11 Tháp Bánh Ít – Bình Định

Nhắc đến quần thể kiến trúc Chăm còn sót lại khắp Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Hay đền tháp tại Ninh Thuận mà quên mất trên khúc ruột miền Trung còn có Bình Định. Nơi ẩn giấu dòng thời gian đã qua của một đất nước Cham-pa hùng mạnh. Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp lâu đời nhất và là điểm dừng chân mà khách du lịch Bình Định nhất định không thể bỏ qua.

Tháp Bánh Ít - Bình Định
Tháp Bánh Ít – Bình Định

Tháp Bánh Ít nằm tại thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Toàn bộ quần thể có tất cả 4 tháp, nằm trên một ngọn đồi thoai thoải cách mực nước biển chỉ chừng 100 mét. Nhìn từ xa, cụm tháp trông giống như bánh ít – một loại đặc sản ở Bình Định. Ấy thế nên người dân địa phương gọi nơi đây là tháp Bánh Ít. Ngoài ra, tháp còn có tên gọi khác là tháp Bạc. Tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ 10. Mới đây, một nhóm tác giả người Anh đã đưa tháp Bánh Ít vào 1001 công trình kiến trúc mà bạn nhất định phải ghé thăm một lần trong đời. Thật đáng tự hào đúng không nào?

Có thể nói công trình này là niềm tự hào của người Bình Định nơi đây. Bởi công trình này là một trong những tháp Chăm sở hữu những nét kiến trúc vô cùng độc đáo và phong phú, vẫn đậm nét nghệ thuật, văn hóa Chăm-pa cổ nhưng vẫn mang những nét rất riêng của vùng đất nơi đây. Sẽ rất dễ dàng để ghé thăm quần thể di tích này, bởi lẽ nó nằm gần khu vực đường Quốc lộ 1A chạy qua nên trong chuyến hành trình khám phá Bình Định bạn có thể dễ dàng đến thăm nơi đây.

Tháp Bánh Ít - Bình Định
Tháp Bánh Ít – Bình Định

Nếu để ý bạn sẽ thấy hầu hết các tháp của người Chăm đều được xây hướng về phía Đông, tháp Bánh Ít ở Bình Định cũng không ngoại lệ. Vì thế để lên khu vực này bạn có thể bắt đầu từ cổng phía Đông Bắc ngọn đồi, rồi đi trên con đường được xây bậc tam cấp sẽ lên tới nơi. Con đường dẫn lên những ngọn tháp cũng là hành trình khá thú vị cho những ai yêu thích du lịch khám phá.

Tháp chính có kích thước lớn nhất và nằm ở vị trí trung tâm trên ngọn đồi, xung quanh là 3 tháp nhỏ, tạo thành một thế giới khác lạ mà lỡ lạc chân bước vào, du khách như có cảm tưởng như đang quay ngược thời gian để hòa mình vào xứ sở Cham-pa đầy bí ẩn. Tháp chính cao chừng 20 mét, riêng phần cổng đi vào nhô ra bên ngoài thêm 2 mét, được trang trí khá công phu và đẹp mắt. Dù là những cột rãng trên bức tường hay mái vòm trên cao thì bàn tay của những nghệ nhân vẫn cố gắng giữ cho dáng vẻ của tháp mềm mại, thanh thoát chứ không hề cứng nhắc. Các bức phù điêu của tháp chính đều được tạc ở tư thế đang nhảy múa vô cùng sống động, thu hút.

Cạnh tháp chính là tháp yên ngựa, có chiều cao khoảng 12 mét, rộng 5 mét. Vì mái tháp cong như yên ngựa nên người dân cũng vì thế mà thành quen, gọi thành tên dân dã tự lúc nào chẳng biết. Điểm đặc biệt ở tháp yên ngựa chính là phần đế nhô ra so với phần thân, xung quanh được trang trí bằng nhiều hình tượng đang giơ tay lên đồng lòng cùng sức nâng tháp. Phải chăng đây là ngụ ý của cha ông? “Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Với vẻ đẹp cổ kính, rêu phong, cùng những giá trị văn hóa, tín ngưỡng to lớn mà nó đem lại tháp Bánh Ít đang dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn tại Bình Định. Nếu có dịp du lịch tới Bình Định, bạn hãy ghé thăm quần thể di tích này, chắc chắn chuyến đi này sẽ để lại trong bạn những kỉ niệm đáng nhớ.

12 Đàn tế trời – Bình Định

Là khu di tích lịch sử mang giá trị cao với người dân nơi đây và đất nước, đó cũng là nét đẹp văn hóa vùng miền nơi đây. Đàn tế trời đất hay còn gọi là Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, tỉnh Bình Định sẽ là điểm đến hấp dẫn với những khách hành hương.

Đàn tế trời - Bình Định
Đàn tế trời – Bình Định

“Tương truyền, Hoành Sơn là nơi đại địa, còn non nước cẩm tú linh thiêng Ấn Sơn cũng là nơi trời đất đã ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” cho ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn được khởi công xây dựng vào tháng 11/2011 và khánh thành vào tháng 9/2012, gồm các hạng mục: Đàn tế Trời Đất, Đền Ấn và các công trình phụ trợ, được bố trí theo trục thần đạo hướng Nam – Bắc, trên khu đất rộng 46 ha”.

Ấn Sơn nằm trong dãy núi Hoành Sơn cao 364 m nằm ngang theo hướng Bắc – Nam, ở phía Tây xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Theo Quách Tấn, trong “Nước non Bình Định” các thầy địa lý Việt Nam cũng như Trung Hoa đều công nhận cuộc đất Hoành Sơn là đại địa, vì có nào bút (Bút Sơn – Hòn Trưng), nào nghiêng (Hợi Sơn – Hòn Dũng), nào ấn (Ấn Sơn – Hòn Giải), nào kiếm (Kiếm Sơn – Hòn Hóc Lãnh), nào cổ (Cổ Sơn – Hòn Trống), nào chung (Chung Sơn – Hòn Chuông) ở hai bên tả hữu.

Đàn tế trời đất, được xây dựng cảnh quan phong thủy của vùng Hoành Sơn, nơi tương truyền ba anh em Nguyễn Nhạc đã làm chủ được long huyệt, để từ đó khởi phát cả văn tài lẫn võ hiệp.

Đúng là dãy Hoành Sơn ở đây trông kỳ bí thật, dù tính về độ cao thì chưa chắc đã hơn nhiều dãy núi khác ở Trường Sơn. Núi ở đây như tìm về đồng bằng, cứ quanh quất giữa những cánh đồng như muốn đánh bạn với dân làng trong xóm mạc, như muốn nói điều gì đó với con người.

Đàn tế trời - Bình Định
Đàn tế trời – Bình Định

Đàn tế trời tọa lạc ở trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng, tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính 27m, tượng trưng cho Trời, được xây bao bằng đá ong, lan can đá có màu đỏ bao quanh, nền đất nện chặt, một lối lên từ hướng Nam có 5 bậc, chính giữa Viên Đàn đặt sập đá và nhang áng đá là áng thờ Trời – Đất.

Tầng thứ hai gọi là Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 54m, tượng trưng cho Đất, cũng được xây bao bằng đá ong, lan can đá màu vàng bao quanh, 4 lối lên theo 4 hướng Nam, Bắc, Đông, Tây, mỗi lối lên có 9 bậc, nơi đây khi tế lễ sẽ bố trí các áng thờ thần như: Thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm…

Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bao bằng tường đá ong có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng Nam với cổng tam quan, 2 tầng, lối đi chính có 2 tầng mái, bên trong tam quan là 1 bức bình phong bằng đá, 3 hướng còn lại là 3 nghi môn kiểu tứ trụ thẳng hàng, là nơi chuẩn bị và một số nghi thức diễn ra ở đây trước khi tế lễ.

Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn gồm 3 hạng mục: Tiền tế có kiến trúc mặt bằng chữ Nhất, 5 gian, mái chái, có đầu đao. Nhà Tiền tế có bàn thờ chung các tướng lĩnh và quân sĩ thời Tây Sơn. Tiếp sau Tiền tế là Phương Đình – nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hòa giữa Trời và Đất, giữa Âm và Dương. Ở đây sẽ đặt bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn.

Phía trong cùng là kiến trúc Hậu cung, mặt bằng chữ Nhất, 3 gian, mái chái là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Phía trước cổng Tam quan ngoài cùng của trục chính là hồ nước hình bán nguyệt vừa tạo phong thủy vừa tốt cho hướng chính diện của Đàn tế vừa tạo điểm nhấn cho tổng thể quy hoạch Đàn thiêng. Ngoài hồ nước còn có một “nghi môn ngoại” ngăn cách giữa không gian tâm linh với bên ngoài.

Đàn tế trời đất Tây Sơn nay đã trở thành một trong những điểm đến nổi bật của du lịch Tây Sơn Bình Định, là niềm tự hào của người dân Tây Sơn bên cạnh những địa danh nổi tiếng như tháp Thủ Thiện, Hầm Hô…

Bình Định có gì? Trên đây là những địa điểm danh lam thắng cảnh tại Bình Định nổi tiếng, hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng để bạn có những giây phút thư giãn ngắm cảnh đẹp, chụp hình làm kỷ niệm và có chuyến đi đáng nhớ. Chúc bạn có chuyến du lịch Bình Định vui vẻ và nhiều kỉ niệm đẹp.

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.