Cao Bằng là miền đất sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp với những thác nước ẩn mình trong cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, những hang động huyền ảo, kỳ bí, những con đèo Phia Oắc – Phia Đen “bước ra gặp dốc, nhìn lên thấy rừng” như mời gọi, giục giã du khách yêu thiên nhiên, yêu trải nghiệm về với vùng đất này. Cao Bằng có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Cao Bằng trong bài viết sau đây nhé.
Thác Bản Giốc – Cao Bằng
Thác Bản Giốc là một trong số những thác thiên đường tuyệt đẹp trên thế giới với vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, hấp dẫn. Giữa bốn bề đại ngàn rừng núi xanh thẳm, ngọn thác này hiện ra đẹp như miền cổ tích, làm xốn xang con tim bao du khách đến với nơi này.
Bản Giốc là một thác nước mang đậm nét hùng vĩ của thiên nhiên, nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn. Con thác này mang trên mình hai nhiệm vụ, vừa là “món quà” của thiên nhiên, vừa là “đường biên giới” tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Một cách để ta phân định chủ quyền của thác Bản Giốc là nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía Tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía Đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả.
Tại khu vực Đông Nam Á, đây là một trong những thác nước tự nhiên được công nhận là lớn nhất. Để chứng minh cho điều này, chỉ cần đứng từ phía xa cách vài chục mét, bạn đã dễ dàng nghe thấy tiếng thác nước đổ xuống ầm ầm. Thác Bản Giốc ở Việt Nam được chia thành hai nhánh. Đầu tiên, với nhánh lớn có độ cao thấp, dòng nước sẽ chảy qua từng bậc đá vôi có độ cao tương ứng. Nhánh còn lại tuy nhỏ hơn nhưng lại cao hơn, dòng chảy nhẹ dịu, hiền hòa giống tựa suối tóc óng ả của nàng thiếu nữ tuổi cập kê đang e lệ.
Phần thác chính rộng khoảng 100m, cao 70m và sâu 60m. Với góc độ toàn cảnh từ xa, thác nước đổ xuống tạo một vùng bọt nước trắng xoá, mang cho ta cảm giác hoang sơ nhưng vô cùng tráng lệ. Phần giữa con thác, một mô đá nhô lên, được bao phủ bởi những cành cây khô đã xẻ dòng nước thành ba luồng như ba dải lụa trắng vắt ngang núi rừng. Vào những hôm nắng đẹp trời, những tia sáng ấy chiếu vào dòng thác cộng hưởng với làn nước bụi mịt mờ tạo nên những chiếc cầu vồng sắc màu, lung linh huyền ảo.
Dưới chân thác là một dòng sông rộng, mặt nước phẳng lặng như gương. Nơi hai bên bờ là những thảm cỏ trong trẻo còn đọng hơi sương, từng vạt rừng rậm xanh ngắt. Thắng cảnh này quả thật là một chốn tiên bồng có thực tại trần gian. Du khách có thể dễ dàng đi dạo xung quanh chân thác, ngắm nghía và cho ra đời những bức ảnh đậm chất nghệ thuật cùng núi rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, ngay dưới chân thác Bản Giốc phụ còn có một chiếc đập nhỏ. Dòng nước trong vắt, không vướng chút bụi trần từ thác sẽ chảy vào đây. Ngoài ra, để có thêm nhiều sự trải nghiệm độc đáo và trực tiếp với dòng nước, bạn có thể ngồi trên những chiếc bè nổi du ngoạn sông Quây Sơn.
Ngày đêm thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn. Thác Bản Giốc lúc nào cũng vậy, sự dữ dội, hùng vĩ luôn đan xen với nét mộng mơ đầy hiền hòa. Đối với những người ưa mạo hiểm, thích ngắm nhìn những cảnh oai hùng của thiên nhiên thì mùa mưa, mùa nước đổ tại nơi con thác này quả là một sự trải nghiệm cần có trong cuộc sống. Hãy đến với thác Bản Giốc một lần, bạn sẽ thu thập thêm cho mình một trải nghiệm thú vị khi tận hưởng tiên cảnh chốn nhân gian.
Đèo Mã Phục – Cao Bằng
Nằm cách thành phố Cao Bằng hơn 20km về phía Đông, thuộc địa phận xã Quốc Toản (Trà Lĩnh), giữa ranh giới của huyện Trà Lĩnh và Hòa An, đèo Mã Phục với chiều dài hơn 3,5km, ở độ cao 700m so với mực nước biển, quanh co với 7 tầng dốc uốn lượn và được mệnh danh là một trong những con đèo hiểm trở, kỳ vĩ nhất Cao Bằng.
Đèo là điểm dừng chân đầu tiên của tuyến du lịch cụm phía Đông của Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng, đồng thời là tâm điểm của nhiều cung đường, từ đây có thể tỏa ra các nhánh chính của toàn tỉnh Cao Bằng. Từ điểm dừng chân này, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá tuyến đường đi bộ vào núi thủng Nặm Trá, hồ Thang Hen (Trà Lĩnh); tham quan làng hương Phja Thắp, làng rèn xã Phúc Sen (Quảng Uyên); trải nghiệm mô hình “homestay”, thưởng thức sản vật địa phương tại làng đá cổ Khuổi Ky của người Tày, hay khám phá hệ thống hang động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), Hang Dơi (Hạ Lang); hoặc chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ đầy mê hoặc của thác Bản Giốc.
Đến tham quan đèo, du khách ấn tượng bởi thấy hai bên đường là hai khối đá vôi dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đỉnh đèo Mà Phục bị kẹp bởi hai ngọn núi tựa như một cổng thành trước khi ra khỏi Thành phố đi về 5 huyện phía Đông của tỉnh gồm: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa. Khung cảnh xung quanh đèo Mã Phục đẹp hút hồn, một bên là vách núi cheo leo, một bên lại là vực sâu thăm thẳm. Chính độ hiểm trở tạo nên nét kỳ thú có một không hai ở đây.
Đến đây, mọi người sẽ được nghe kể về huyền tích thủ lĩnh người dân tộc Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân địa phương chống lại nhà Tống xâm lược vào thế kỷ XI. Trong một lần tuần tra biên giới trở về, đến đây gặp đèo cao quanh co, dốc đứng án ngữ trước mặt, ngựa của Nùng Trí Cao bị khuỵu chân không thể đi tiếp được nữa. Từ đó dãy núi được đặt tên là Án Lại và con đèo được đặt tên là Mã Phục (ngựa quỳ).
Theo các chuyên gia địa chất, đèo Mã Phục là điểm di sản địa chất độc đáo. Khoảng 260 triệu năm trước, khu vực này có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau với nhiều kích thước và màu sắc. Tại đèo Mã Phục, chỗ tiếp xúc với đá vôi (màu trắng) có thể thấy một loại đá khác màu xanh đen hình cầu (bazan cầu gối) là minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất.
Con đèo quanh co và hùng vĩ, ở mỗi thời điểm trong ngày với thời tiết khác nhau để ngắm cảnh đẹp phía xa với những dãy núi điệp trùng. Du khách cũng có thể dừng chân lưng chừng đèo ngắm nhìn những bản làng nhỏ đẹp như tranh vẽ nép mình dưới chân núi hay những thửa ruộng bậc thang đậm sắc màu nông thôn miền núi. Chinh phục đèo Mã Phục, ngắm nhìn thiên nhiên toàn cảnh và mua đặc sản địa phương là một trải nghiệm thú vị đối với du khách.
Động Ngườm Ngao – Cao Bằng
Động Ngườm Ngao nằm trong lòng một quả núi thuộc bản Gun (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) cách thác Bản Giốc gần 5 km. Động được phát hiện năm 1921, đưa vào khai thác du lịch năm 1996 và được công nhận là danh thắng cấp quốc gia năm 1998.
Động có tên gọi rất lạ là Ngườm Ngao nhưng ẩn dưới cái tên này là sự tích kì thú. Ngườm Ngao trong tiếng Tày có nghĩa là “Hang hổ”. Tương truyền rằng, xưa kia trong động có rất nhiều hổ dữ sinh sống, chúng thường vào các bản xung quanh để bắt gia súc của dân địa phương. Người dân đã đặt bẫy bắt hết được hổ và từ đó được sống yên lành. Vì vậy, người dân tộc Tày mới đặt tên động là Ngườm Ngao. Tuy nhiên cũng có truyền thuyết kể rằng những tiếng gầm rú được phát ra nhờ tiếng suối nước chảy trong động tạo lên nghe giống tiếng gầm của hổ dữ vì vậy người dân đặt tên động là Ngườm Ngao.
Ngườm Ngao là một món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng. Hang động có tổng chiều dài 2144 mét, gồm 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, hang động này là hang động đá vôi được hình thành cách ngày nay khoảng 400 triệu năm. Vào mùa hè, nhiệt độ trong hang động tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, vào mùa đông thì lại rất ấm áp.
Bước vào trong động, cảnh quan thiên nhiên với nhiều khối nhũ đá lạ mắt sẽ làm du khách cảm thấy choáng ngợp. Vô vàn măng đá mọc từ dưới lên, nhũ đá từ trên các vòm đá cao rủ xuống với nhiều hình dạng, phản chiếu ánh sáng lung linh, huyền ảo. Đặc biệt nhũ đá trong động có màu khác hẳn với những hang động ở địa phương khác bởi lượng canxi pha nhiều tạp chất. Các khối đá vô tri nhưng lại cho phép trí tưởng tượng của con người thỏa sức bay bổng, phiêu du với những khối đá giống hình người, cây rừng, con vật, nàng tiên đang chải tóc, búp sen, bầu sữa mẹ…
Hai điểm thu hút du khách chụp ảnh nhất là đài sen úp ngược và cột đá cô đơn. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một vị phật ngồi trên đài sen tu mãi mà không thành chính quả. Vì quá buồn chán, nản chí nên ngài đã úp ngược đài sen xuống, còn mình thì biến thành cột đá đứng bên cạnh. Và từ đó, tương truyền rằng nếu như hứng được những giọt nước từ bàn tay Phật rớt xuống, rồi xoa lên mặt, người đó sẽ gặp được nhiều điều may mắn.
Càng đi sâu vào trong lòng động, vẻ đẹp càng lung linh, quyến rũ. Nhiều ngóc ngách chỉ một người đi lọt, hay có đoạn nhũ đá từ trần hang đột ngột chắn ngang lối đi, phải cúi gập người mới qua được. Nét độc đáo tạo thành điểm nhấn của danh thắng Ngườm Ngao là những thửa ruộng bậc thang do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa nhiều triệu năm tạo thành. Đôi khi, du khách sẽ bắt gặp những con suối nhỏ trong động và tiếng nước chảy róc rách nghe rất vui tai.
Tất cả đều hoàn toàn tự nhiên, không có bàn tay của con người can thiệp, vì vậy động Ngườm Ngao càng trở nên cuốn hút, mang vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ. Mặc dù tỉnh Cao Bằng mới chỉ đưa vào khai thác khoảng 1km phục vụ khách du lịch khám phá, tham quan nhưng động Ngườm Ngao vẫn là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với Cao Bằng.
Khu Di tích lịch sử Pác Bó – Cao Bằng
Khu Di tích lịch sử Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sát biên giới với Trung Quốc. Đây là khu di tích gồm nhiều điểm di tích gắn với một thời kỳ lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam những năm 1941- 1945, thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Khu Di tích được Nhà nước công nhận ngày 21-1-1975. Ngày 10-5-2012 Khu Di tích Pác Bó được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Pác Bó thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng), nằm sát biên giới Việt – Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50 km. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc qua cột mốc 108. Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong nhiều năm tháng của những năm 1941 – 1945. Người vạch ra nhiều chủ trương và quyết định quan trọng chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945: Chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám tại lán Khuổi Nặm – Pác Bó từ ngày 10 – 19/5/1941. Hội nghị đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược và sách lược, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta.
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó trở thành một trong những khu di tích quan trọng của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Sau khi Bác mất, để tỏ lòng thành kính đối với công lao vĩ đại của Bác và để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư, tôn tạo Khu di tích để phục vụ khách tham quan. Tháng 2/1971, Nhà bảo tàng Pác Bó được khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Ngày 21/2/1975, Khu di tích Pác Bó đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng.
Ngày 29/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1146/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án xây dựng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó tỉnh Cao Bằng. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Từ đó đến nay, Đề án đang từng bước triển khai và thực hiện. Ngoài việc bảo tồn giá trị di tích gốc, hàng loạt các công trình phụ trợ cũng từng bước được thực hiện, một trong những công trình quan trọng trong Đề án, đó là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi tưởng nhớ, khắc ghi công lao to lớn của Người đối với dân tộc, đồng thời cũng là nơi để nhân dân thể hiện lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước đối với mọi thế hệ người Việt Nam.
Cùng đó là công trình Nhà trưng bày của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó được khởi công xây dựng từ tháng 12/2015 và hoàn thành vào tháng 8/2017, với nhiều kỷ vật gắn với Bác, như: chiếc máy chữ, chiếc làn mây cũ, đôi dép cao su… và nhiều công trình cơ sở hạ tầng cũng đang dần được hoàn thiện.
Trên hành trình trở về cội nguồn cách mạng, du khách có thể đến thăm cột mốc 108 (nay là mốc 675) – nơi Bác đặt bước chân đầu tiên sau 30 năm bôn ba nước ngoài; hang Cốc Bó – nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc; bàn đá “chông chênh dịch sử Đảng”; suối Lê-nin, núi Các Mác, lán Khuổi Nặm…
Núi Các Mác – Cao Bằng
Núi Các Mác thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là một ngọn núi nổi tiếng nằm trong khu di tích Pác Bó. Đây là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc sau khi trở về nước vào ngày 8 tháng 2 năm 1941. Bác đã đặt tên cho ngọn núi khi sống trong hang Cốc Bó bên trong khe núi Các Mác.
Đây là một ngọn núi có rừng cây xanh tốt với địa thế vừa thông thoáng mà vừa bí mật. Người sống bên trong có thể dễ dàng nhìn ra bên ngoài nhưng người bên ngoài thì không thể nhận biết bên trong. Với vị thế như vậy, núi Các Mác không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp.
Với vị thế như vậy, núi Các Mác không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp. Dưới chân núi, bên ngoài hang Cốc Bó chính là nơi Bác Hồ vẫn thường bắc bếp nấu cơm.
Men theo con đường đá rêu dọc sông Lê Nin, du khách còn có thể thấy vườn trúc Bác đã trồng hay vườn ổi nơi bác thường hái lá đun nước uống. Núi Các Mác sở hữu những vách đá lớn, những bãi cỏ xanh rờn, những bụi cây dại um tùm cùng với nhiều cây rừng cổ thụ xum xuê leo qua những đoạn đá sỏi.
Bên cạnh núi Các Mác, du khách có thể tham quan một số địa điểm du lịch cũng như di tích lịch sử quanh đó như suối Lê Nin, hang Cốc Bó, hang Diêm Tiêu, khu di tích lịch sử Pác Pó và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Suối Lê Nin – Cao Bằng
Không chỉ nổi tiếng với thác Bản Giốc hay động Ngườm Ngao, du lịch Cao Bằng còn thu hút du khách với vô vàn những cảnh đẹp và nơi có ý nghĩa đối với lịch sử. Ghé tới đây, nhiều người kết hợp tham quan suối Lê Nin Cao Bằng, núi Các Mác hay hang Pác Bó bởi chúng đều khá gần nhau.
Nằm trong quần thể khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt Pác Bó, suối Lê Nin mà một trong số những cái tên nổi bật thu hút được đông đảo khách du lịch thập phương. Chỉ cách thành phố Cao Bằng khoảng 55km về phía Bắc, suối Lê Nin thuộc địa phận bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Trước đây suối Lê Nin được người dân địa phương gọi là suối Khuổi Giàng có nghĩa là Suối Trời. Tên gọi suối Lê Nin được chủ tịch Hồ Chí Minh đặt khi người trở về nước sống và làm việc tại hang Cốc Bó sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Khi nhìn dòng suối chảy ngang Bác đã nói rằng dòng suối này đẹp quá, trong xanh như ngọc nên đặt là suối Lê Nin. Bác cũng đặt tên cho ngọn núi hùng vĩ ở phía sau suối là núi Các Mác.
Thời điểm đẹp nhất để du lịch suối Lê Nin là mùa hè, lúc này nước suối trong vắt, thời tiết đẹp và không gian quanh suối cũng rất quyến rũ. Ngoài ra, nếu muốn kết hợp thăm thú những địa điểm du lịch khác, ngắm nhìn thác Bản Giốc vào mùa đẹp nhất hay ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín vàng bạn có thể ghé thăm suối vào mùa thu.
Du lịch suối Lê-Nin bạn sẽ lập tức ngỡ ngàng bởi khung cảnh quá đẹp và ấn tượng, nơi này sẽ mang đến cho bạn cảm giác như đang lạc bước vào một cốc tình giữa thiên nhiên hùng vỹ đầy quyến rũ.
Đặc biệt, bạn sẽ phải cảm thấy ngỡ ngàng vì độ trong của nước suối, trừ tháng 7 và tháng 8 hằng năm nước ở đây có màu hơi đục, còn lại vào các thời gian khác trong năm nước suối vô cùng trong và sạch, nếu nhìn từ xa, nước suối tựa như màu ngọc bích. Từ trên bờ nhìn xuống, bạn có thể thấy tận đáy với những đàn cá bơi lội, những cây thủy sinh.
Cá ở suối Lê Nin rất được nâng niu và chăm sóc, ở đây người ta không bắt cá ăn bao giờ, thay vào đó người ta thường cho cá đồ ăn sạch, chúng khá dạn dĩ nên bạn có thể ngắm nhìn thoải mái và thậm chí có thể cho cá ăn.
Suối Lê Nin vỗ về du khách bởi vẻ đẹp vừa mềm mại lại vừa kỳ vỹ, giữa thiên nhiên tươi mát con suối như một dải lụa màu thiên thanh tuyệt đẹp tô điểm cho không gian tươi mát tự một bức tranh thủy mặc khiến du khách phải lưu luyến.
Đã trải qua bao thăng trầm trong lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, suối Lê Nin vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ vốn có và ngày càng trở thành điểm đến được du khách yêu thích.
Khu di tích đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo – Cao Bằng
Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía tây nam. Đây là nơi lưu giữ một hệ thống các di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và đến nay đã trở thành địa chỉ đỏ trên hành trình về nguồn Cao Bằng.
Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Đội VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu di tích gồm 5 điểm quan trọng: Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo (gồm Địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Lán nghỉ và bếp ăn, mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt, Đỉnh Slam Cao); Hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim) – từng được sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng; Đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) – nơi diễn ra trận đầu ra quân của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (25/12/1944); Đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám) – nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (26/12/1944); di tích Vạ Phá (xã Tam Kim).
Với những giá trị lịch sử này, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là di tích quốc gia đặc biệt. Từ đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được địa phương đặc biệt quan tâm thông qua việc nâng cấp tuyến đường từ đèo Cao Bắc và tuyến đường từ tỉnh lộ 34 vào khu di tích, xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình nhà đón tiếp, nhà tưởng niệm.
Đặc biệt, Nhà trưng bày tại khu di tích sau khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần tôn vinh và tri ân thế hệ đi trước, đồng thời bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích. Các hiện vật tại đây được trưng bày tập trung, đảm bảo tính khoa học và giá trị lịch sử chân thực theo 3 chủ đề: Cao Bằng – Đất nước, con người và truyền thống; Quá trình hình thành, ra đời và hoạt động của Đội VNTTGPQ; Quân đội anh hùng truyền thống vẻ vang.
Nằm sâu dưới những tán cây cổ thụ là nhà bia 34 chiến sĩ của Đội VNTTGPQ, lán nghỉ và bếp ăn mô phỏng lại cuộc sống đời thường giản dị của các chiến sĩ. Men theo con dốc nhỏ chừng 50m là mỏ nước tự nhiên, cũng là điểm lấy nước sinh hoạt của các chiến sĩ, trải qua nhiều năm vẫn cho ra những dòng nước mát lạnh và trong vắt. Cũng tại rừng Trần Hưng Đạo, cây sấu cổ thụ 300 năm tuổi từng gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của Đội VNTTGPQ đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Trải qua 75 năm, những dấu tích từ thuở đầu thành lập Đội VNTTGPQ luôn được đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng trân trọng và gìn giữ, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ sau này. Khu rừng nguyên sinh rộng lớn xòe từng tán cây, bao bọc những di tích thiêng thiêng trong tháng ngày hoạt động cách mạng gian khó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội VNTTGPQ.
Đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo chúng ta không những được tìm hiểu truyền thống lịch sử với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh. Nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, thu hút hàng ngàn khách du khách trong và ngoài nước đến tham quan di tích lịch sử, thưởng ngoạn thắng cảnh và du lịch sinh thái đầy thú vị và ý nghĩa.
Động Dơi – Cao Bằng
Nằm trên lưng chừng một ngọn núi đá vôi cách đường dân sinh khoảng 700m, động Dơi (thôn Lũng Súm, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) là hang động mang vẻ đẹp kỳ thú và còn rất hoang sơ.
Từ thành phố Cao Bằng, theo tỉnh lộ 207 về phía đông khoảng 91km đến xã Đồng Loan rồi rẽ trái đi thêm khoảng 3km du khách sẽ đến động Dơi.
Động Dơi còn có tên là “Ngườm Ca Khào”, theo tiếng địa phương nghĩa là hang Con Dơi. Đây là một hang động khá lớn, có kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm với chiều dài khoảng 930m, cao trung bình từ 60 – 80m. Cửa động hình vòng cung cao khoảng 4m, rộng khoảng 7m. Đứng từ đây, du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên xung quanh, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy thấp thoáng những nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, Nùng…
Động gồm 3 khoang được ngăn cách nhau bởi những vách đá. Khoang thứ nhất có những nhũ đá hình thù kỳ thú, nhiều màu sắc và nhiều hồ nước nhỏ. Khoang thứ hai dài 200m với những khối thạch nhũ hình ngọn núi, ruộng bậc thang, thác vàng, thác bạc… Khoang thứ ba khá lớn, được kiến tạo uốn lượn theo hình bán nguyệt. Khoang này có điểm đặc biệt là có những cây măng đá từ trần động rủ xuống cân xứng hài hòa với những cây măng đá nhô lên khỏi nền động. Đi sâu vào phía trong, du khách sẽ thấy nhiều khối thạch nhũ màu vàng khổng lồ trông như những cột đá chống đỡ trần động.
Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định xếp hạng động Dơi là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Hồ Thang Hen – Cao Bằng
Hồ Thang Hen nơi có thác nước, có đồng cỏ xanh mênh mông, có không gian yên tĩnh lãng mạn đúng chuẩn tên “Tuyệt Tình Cốc”.
Nằm ở vùng núi cao hơn 1000 mét so với mực nước biển, quần thể hồ Thang Hen bao gồm 36 hồ nước ngọt tự nhiên, mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét. Hồ này có dáng hình thoi, chiều rộng từ 100m – 300m, chiều dài từ 500m- 1000m, độ sâu từ 10m – 40m. Quanh năm nước hồ không cạn.
Nơi đây, có tiếng đẹp như tranh, mặt hồ được ví như một chiếc gương long lanh màu ngọc bích, nằm gọn gàng giữa những tán rừng phủ xanh triền núi, cảnh quan non nước rất hữu tình. Bạn sẽ phải đắm chìm trong khung cảnh xung quanh, với những tán rừng già, trám trắng, trắm đen, xen lẫn những mỏm đá tai mèo,…
Mỗi một mùa trong năm hồ Thang Hen lại mang một vẻ đẹp khác nhau, nhưng đẹp nhất có lẽ là mùa xuân, thời điểm mà các loại hoa nở đủ các loại màu sắc ven bên hồ. Vào mùa Hạ, do mưa nhiều nên hồ nước dâng cao rộng mênh mông tạo nên dáng vẻ hình thoi của hồ khá đẹp. Vào mùa đông và mùa thu, nước ở hồ cạn có những nơi chỉ sâu 5m, vào mùa này mặt nước tĩnh lạng soi bóng rừng xanh tươi tốt.
Độc đáo hơn là hàng ngày mực nước hồ có 2 đợt dâng lên và hạ xuống như thủy triều. Trong khi, vào mùa lũ các hồ khác chuyển màu đỏ lựng những hồ Thang Hen vẫn giữ màu xanh biếc như ngọc. Nếu bạn ở lại qua đêm, vào khoảng tháng 9-10, bạn sẽ chứng kiến nước hồ rút cạn chỉ trong vài giờ đồng hồ rồi lại đầy sau đó.
Vào sáng sơm tinh mơ, những dải mây trắng bồng bềnh vắt ngang sườn núi, mặt hồ Thang Hen ẩn hiện sắc xanh sau lớp sương mở huyền ảo. Những ven bờ, thảm cỏ xanh mướt, điểm xuyết những sắc hồng, tím, trắng của những cây hoa dại vướng sương mai.
Tên của Hồ Thang Hen còn được hiểu là “đuôi ong”, sở dỉ có tên gọi này là khi nhìn từ trên cao phóng tầm nhìn xuống bạn sẽ liên tưởng ngay đến hình dáng của đuôi con ong. Hồ có chiều rộng chừng từ 100m – 300m, chiều dài từ 500m – 1.000m tùy theo mực nước lên xuống vào mùa mưa hay mùa khô trong một năm.
Tại hồ còn có sự thú vị nhờ phong cảnh sơn thủy hữu tình của Thang Hen khi nơi đây gắn liền với những truyền thuyết, sự tích, kỳ bí là một trong những lý do giải mã cho hiện tượng “dân phượt cuồng chân” khi muốn đến đây để khám phá và ghi dấu chân mình.
Những khi mặt trời lên cao, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh những tia nắng vàng rót mật xuống mặt hồ lấp lánh, phản chiếu những bóng cây vươn mình trên vách đá cheo leo, tô điểm bóng thuyền neo đậu yên bình trên mặt nước.
Khi đến du lịch hồ này, bạn sẽ có dịp đi thuyền trên mặt hồ xanh biếc, thỏa thích ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp, khám phá hang Thang Hen, sâu chừng 200m, thông thẳng lên đỉnh núi. Hay đơn giản chỉ là tản bộ dạo chơi quanh hồ, tận hưởng bầu không khí trong lành. Sau đó thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc được chế biến từ sản vật từ lòng hồ và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày sinh sống.
Di tích lịch sử Đông Khê – Cao Bằng
Cách trung tâm thành phố Cao Bằng 45 km về hướng Nam, khu Di tích lịch sử Đông Khê nằm trên quốc lộ 4A, thuộc địa phận thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An.
Khu di tích lịch sử Đông Khê gắn liền với Chiến thắng Đông Khê, trận đánh mở đầu cho Chiến dịch Biên giới 1950 toàn thắng, tạo tiền đề vững chắc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Di tích gồm các hạng mục chính: Khu nghĩa trang và nhà bia tưởng niệm; Di tích Đồn Đông Khê; Di tích nằm trong hệ thống bố phòng của địch bảo vệ cứ điểm Đông khê. Trong đó, di tích Đồn Đông Khê là cụm di tích chính được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1975.
Ngày 25/7/1950, Ban Thường vụ Trung ương (TW) Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng uỷ Mặt trận Biên giới, do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Thường vụ TW Đảng trực tiếp làm Chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận; đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên TW Đảng làm Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp. Ngày 12/8/1950, Trung ương Đảng chỉ thị cho cấp uỷ Đảng và nói rõ tầm quan trọng của Chiến dịch Biên giới, đồng thời nhắc nhở các địa phương toàn quốc phối hợp kiềm chế và tiêu hao sinh lực địch khi chúng tiếp viện cho Đông Khê. Trong bức thư gửi cho các chiến sỹ ngoài mặt trận, Hồ Chủ tịch đã nhắc nhở phải dũng cảm, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt địch “chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”.
Cuối tháng 8 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Cao Bằng để cùng Bộ Chỉ huy trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch. Sau đó, Người ra Sở Chỉ huy tiền phương trực tiếp quan sát đồn Đông Khê. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra trận gây xúc động mạnh mẽ trong lòng cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là với nhân dân các dân tộc Cao Bằng, khắp mặt trận nô nức thi đua “giết giặc lập công”. Đêm 16/9/1950, quân ta nổ súng đánh đồn Đông Khê. Đến sáng 18/9/1950, ta hoàn toàn làm chủ đồn Đông Khê, đẩy địch vào tình thế nguy khốn: Thất Khê bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập, thế phòng thủ của địch trên đường số 4 lung lay.
Nối tiếp chiến công đồn Đông Khê, quân ta tiếp tục tiến công, diệt gọn 2 binh đoàn Lơ Pagiơ và Sác tông của Pháp, làm sụp đổ hoàn toàn kế hoạch rút quân của địch, đưa Chiến dịch tới thắng lợi hoàn toàn. Kết thúc Chiến dịch, ta đã tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên địch gồm tiêu diệt 10 tiểu đoàn Âu – Phi và ngụy, bằng 41% lực lượng cơ động chiến lượng toàn Đông Dương, giải phóng 350.000 dân, với diện tích rộng 4.500 km2.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới có một ý nghĩa chiến lược quan trọng đã làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và Pháp, tạo bước chuyển biến mới về chiến lược tiến công, phản công, góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến tới đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cụm di tích đồn Đông Khê bao gồm các di tích chủ yếu là hệ thống lô cốt hầm ngầm của địch: Lô cốt số I (nằm ở phía Bắc đồn, bị tiêu diệt bởi mũi tiến công phía Bắc do đồng chí La Văn Cầu chỉ huy); Lô cốt số II (nằm ở phía Nam đồn bị tiêu diệt bởi mũi tiến công Phía Nam do đồng chí Trần Cừ chỉ huy); Hệ thống hầm ngầm phía Tây đồn (bị tiêu diệt bởi mũi tiến công phía Tây do đồng chí Lý Viết Mưu chỉ huy). Cùng với các di tích trên còn có các di tích: Hầm ngầm phía Nam đồn, hầm ngầm nửa chìm nửa nổi nằm ở giữa Đồn, nền nhà phía Nam đồn, hệ thống hàng rào và công sự, cổng đồn có ụ súng đặt hoả lực 12. Ngoài ra các địa điểm đóng quân và đồn trú của dịch gồm: nhà thương, khu nhà cũ, Khau Áng, Phủ Thiện… Tuy nhiên, theo thời gian, những địa điểm này đã không còn nhiều dấu tích.
Những năm qua, Khu di tích lịch sử Đông khê luôn được nhân dân và chính quyền huyện Thạch An quan tâm gìn giữ và tôn tạo. Từ năm 2000 – 2002, một số di tích trong cụm di tích được phục hồi và tôn tạo, gồm: Lô cốt, hệ thống hầm ngầm phía Tây và phía Nam Đồn, khu nhà binh, hệ thống hàng rào công sự, nền nhà phía Nam đồn, cổng đồn có ụ súng đặt hỏa lực.
Nhà trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong Chiến dịch Biên giới được đầu tư xây dựng. Hiện nay, nhà trưng bày có 54 hình ảnh, tư liệu về Chiến dịch Biên giới 1950, 1 cụm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát trận đánh Đông Khê (16/9/1950) và một thùng xăng phụ máy bay của địch (sưu tầm trong nhân dân). Tuy nhiên, số lượng hình ảnh, hiện vật này còn khá ít so với tầm vóc giá trị lịch sử của chiến dịch Biên giới. Khu nghĩa trang được nâng cấp, chỉnh trang sạch đẹp, quy tập 314 mộ liệt sĩ 3 thời kỳ: kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1979).
Với những giá trị lịch sử to lớn, Khu di tích lịch sử đồn Đông Khê là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc huyện Thạch An nói riêng và nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung, nhắc nhở thế hệ trẻ về một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc; phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cao Bằng có gì? Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và bề dày lịch sử – văn hoá hiếm có, vùng non nước Cao Bằng là địa chỉ về nguồn, là điểm đến lý tưởng cho những ai ham hiểu biết, nghiên cứu và khám phá về một vùng đất còn hoang sơ, chất chứa nhiều bí ẩn thú vị ở địa đầu Tổ quốc.