Đồng Nai thuộc miền Đông Nam Bộ, miền đất trù phú đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển trai qua nhiều biến cố lịch sử với những thăng trầm biến động đã tạo ra cho tiểu vùng văn hoá này một nét độc đáo về bản sắc văn hoá. Đồng Nai có nhiều dân tộc sinh sống, phần lớn là người Việt. Ngoài ra còn có người Hoa, Xiêng, Chơ Ro, Chăm, Mạ… Đồng Nai có một truyền thống văn hóa dân gian khá phong phú, được thể hiện qua các lễ hội gắn với đời sống tâm linh của người dân dộc của đồng bào ít người. Đồng Nai có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Đồng Nai nhé.
1 Lễ hội Kỳ yên – Đồng Nai
Lễ Kỳ yên (Cầu an) là một trong những lễ hội chính ở các đình của Đồng Nai. Lễ thường diễn ra vào hai mùa xuân và thu hoặc gắn với những ngày liên quan đối với đối tượng được thờ tự. Dân làng đóng góp công của để cúng tế vị thành hoàng bổn cảnh với mục đích cầu xin mưa gió thuận hòa (phong điều vũ thuận), mùa màng tốt tươi (phong đăng hòa cốc), quê hương đất nước bình yên (quốc thái dân an). Lễ hội kỳ yên qua nhiều thế hệ đã trở thành tập quán tín ngưỡng, hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt. Lễ hội được tổ chức long trọng với những nghi thức cúng tế chặt chẽ thể hiện lòng cung kính đối với thần linh (mà cụ thể là vị thành hoàng) được thờ nơi đình và các thế hệ có công mở mang, khai phá, phát triển của làng xã ( tiền hiền khai khẩn, hậu hiện khai cơ).
Một số đình làng ở Đồng Nai tôn thờ những con người có công với làng xã thành những phúc thần của làng như: đình Bình Kính thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên, đình Mỹ Khánh thờ Danh tướng Nguyễn Tri Phương, đình Tam Hiệp thờ anh hùng kháng pháp Đòan Văn Cự…
Thông thường, đáo lệ 3 năm, thì đình làng tổ chức Đại lễ Kỳ yên. Đại lễ Kỳ yên thường được các đình làng với nguồn vật, lực lớn tổ chức. Trong đại lễ Kỳ yên, các nghi thức cùng tế trong Lễ được tổ chức chu đáo, đảm bảo theo tuần tự. Đặc biệt, trong đại lễ Kỳ yên có sự phối hợp giữa các nghi thức cúng tế và hình thức diễn xướng do các đoàn hát bội được mời đảm trách. Quan trọng trong hình thức diễn xướng phục vụ lễ Kỳ yên là Lễ Xây chầu – Đại bội và Hát tuồng. Lễ này thường được tiến hành sau khi nghi thức Đàn cả hoàn tất. Đây được xem là phần hội của trong đại lễ Kỳ yên của đình.
Trong các kỳ đại lễ, người dân tham gia khá đông đảo. Nhiều nghi thức lễ và hội diễn ra. Trong lễ Kỳ yên những quy tắc nghi thức lễ được tuân thủ nghiêm ngặt. Các nghi lễ trong Kỳ yên ở đình thường thấy là Túc yết, Đòan cả, Tế tiền hiền, hậu hiền, Thỉnh sắc, Tỉnh sanh, Hồi sắc, Tống ôn….Mỗi nghi tế được Ban quý tế, các học trò lễ trong sự phân công tuân thủ thực hiện trang trọng.
Trong phần hội, thường tại các ngôi đình lớn tổ chức các sinh hoạt văn hóa rất phong phú: hát bộ, múa lân, đua thuyền, đầu võ, xô giàn….được nhiều người hưởng ứng, tạo nên không khí náo nhiệt. Ở Bến Gỗ thường tổ chức đua thuyền trên sông. Người dân hào hứng đứng trên hai bờ sông cổ vũ sôi động. Một số đình có tổ chức hạt bộ cho dân làng xem ba đêm liền với những tuồng tích xưa ca ngợi những con người nghĩa hiệp, anh tài, giúp dân, giúp nước. Ở đình Mỹ Khánh, dân làng thức đợi nghi thức tống ôn (gió độc, dịch bệnh) vào canh ba dưới ánh trăng dìu dặt. Với chiếc thuyền trang trí lộng lẫy, lung linh hàng trăm ngọn nến, cờ hoa và lễ vật cúng được hạ thủy, đẩy ra giữa dòng chảy của sông cho trôi đi xa trong cảnh tượng vừa đẹp và linh thiêng…
Tham gia trong lễ hội, người dân như quên hết những âu lo, cực nhọc thường nhật, hội nhập vào không khí thiêng liêng của lễ, náo nhiệt của hội. Qua đó, họ thể hiện lòng biết ơn của mình với thần linh, tổ tiên và thể hiện tinh thần gắn bó cộng đồng, hướng đến những ước vọng tốt đẹp. Hiện nay, trong những đêm lễ hội kỳ yên tại các đình làng Biên Hòa, loại hình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử được các đoàn biểu diễngiao lưu cuốn hút đông đảo người xem, trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo.
2 Lễ hội Tài Phán – Đồng Nai
Cộng đồng người Hoa sống trên đất Long Khánh khá đông, tuy cuộc sống chung đã được hoà nhập nhưng lễ hội truyền thống của người Hoa vẫn thường xuyên được duy trì. Lễ hội Tả Tài Phán còn gọi là Vạn Nhân Duyên nó mang ý nghĩa nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, xua đi mọi ưu tư, phiền muộn, đem lại những điều tốt lành cho cả cộng đồng.
Theo định kỳ 3 năm lễ hội mới tổ chức một lần khoảng trong tháng 12; thời gian diễn ra lễ hội kéo dài 3 đến 4 ngày. Ngày đầu cúng phong sơn định vị và hồi đàn an vị phật, rước các bàn thờ các họ tộc; ngày thứ hai khai kinh, cầu an cho mọi người; ngày thứ ba dựng nêu, lập đoàn hành hương viếng các chùa, đình, miếu, mạo ở địa phương; ngày thứ tư lễ hội mới chính thức. Mọi người đến dự lễ phải chay trường trong ngày để tâm hồn thư thả vào hành lễ.
Ở các chùa người Hoa trên địa bàn Long Khánh thường xoay vòng tổ chức lễ hội này( chùa ở xã Bình Lộc, phường Xuân Trung, phường Xuân Thanh), Lễ hội Tả Tài Phán thường thu hút đông đồng bào người Hoa cả ở ngoài tỉnh về dự, vừa xem lễ, vừa ủng hộ tiền của để gây quỹ giúp đỡ người nghèo và xây dựng trường học. Hình thức bán đấu giá đèn lồng trong lễ hội là nét đặc trưng của đồng bào người Hoa, họ dùng số tiền bán được để công khai gây quỹ từ thiện ở địa phương.
Lễ hội Tả Tài Phán (Vạn Nhân Duyên) nét văn hóa đặc thù của đồng bào người Hoa trên đất Long Khánh vẫn được các cấp chính quyền tạo điều kiện để duy trì, nhằm giúp cho đồng bào phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, vừa động viên tinh thần của bà con yên tâm lao động sản xuất làm giàu cho bản thân gia đình, xây dựng quê hương đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3 Lễ hội ăn nhang – Đồng Nai
Lễ hội ăn nhang là lễ hội của đồng bào dân tộc Châu ro, lễ hội chỉ còn tồn tại ở ấp Bầu Trâm (xã Bàu Trâm-Long Khánh) do ông Thổ Đực làm chủ lễ.
Lễ hội được diễn ra trong một năm hoặc 3 năm một lần, thường được tổ chức ở một cụm dân cư, do một trưởng họ hoặc già làng làm chủ lễ, thời gian diễn ra lễ hội vào rằm tháng hai âm lịch, lúc này mùa màng đã gặt hái xong đang chuẩn bị cho mùa lúa mới, đồng bào làm lễ cúng thần lúa, cúng Yàng để mùa màng năm sau no đủ hơn.
Khi vào lễ hội, đồng bào đã phải chuẩn bị trước hàng tháng để làm rượu cần, chuẩn bị lúa gạo, thức ăn, tất cả đều do những người xung quanh đóng góp cho chủ lễ. Chuẩn bị ngày lễ chính thức mọi người rũ nhau đi vào rừng chặt ống nứa, hái lá lùng về làm bánh ống, giã bánh dày suốt cả ngày, trong không khí vui tương nói cười rôm rã.
Lễ hội diễn ra trong buổi chiều tối đến sáng (trước đây lễ hội kéo dài đến vài ngày, tốn kém rất nhiều gạo, thịt và rượu). Vật cúng tế trong lễ hội là bánh dày, bánh ống, cành phan, bồ lúa, 1 con heo, gà vịt, xôi nếp, rượu cần.
Dụng cụ hành lễ gồm có cồng chiêng, trống lớn nhỏ đủ bộ, đồng phục dân tộc. Thành phần chủ lễ gồm có một ông thầy cúng, một thầy Chan phục vụ thày cúng, một chủ nhang.
Nghi lễ gồm cúng cầu nguyện các thần linh, thỉnh nguyện các thần linh về nhận lễ vật cúng và nguyện xin các thần linh phù hộ độ trì cho cả gia đình xóm làng vuii vẻ, hạnh phúc; cầu xin cho mưa thuận gió hòa, làm lúa trúng mùa, hoa quả tốt tươi.
Thời gian cúng gần suốt cả đêm, trong thời gian này vừa cúng vừa hát Ladưng rồi ăn uống rượu thịt, uống rượu cần, đánh cồng, chiêng, nhảy múa thâu đêm đến sáng hôm sau là phần cúng bồ lúa. Sau đó tất cả dân làng vào nhà chia tay nhau, tiễn bạn và hò hẹn mùa lễ hội năm sau.
Lễ hội ăn Nhang là bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc Châuro ở Long Khánh, rất cần các cấp chính quyền, ngành chức năng nghiên cứu, quan tâm đầu tư để lễ hội hàng năm được về với đồng bào trong không khí vui tươi, an lành và hạnh phúc.
4 Lễ hội trái cây Long Khánh – Đồng Nai
Đến hẹn lại lên, thành phố Long Khánh sẽ tổ chức Lễ hội trái cây Long Khánh. Nhằm giới thiệu, quảng bá các trái cây đặc sản của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Lễ hội sẽ chính thức diễn ra trong 4 ngày, kể từ ngày 03/6 đến ngày 06/6/2020.
Được biết, năm nay lễ hội tổ chức quy mô hoành tráng với 60 gian hàng, trong đó có: 2 gian hàng triển lãm thành tựu văn hóa, du lịch; thông tin kết nối tour du lịch; 06 gian hàng giới thiệu nông sản tiêu biểu và sản phẩm vật tư nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn và 52 gian hàng giới thiệu các mô hình du lịch sinh thái vườn, kết nối các hộ nhà vườn và trưng bày trái cây, nông sản địa phương.
Ngoài ra, đến tham gia Lễ hội trái cây Long Khánh, du khách còn được khám phá nhiều hội thi đặc sắc như: Hội thi Vườn cây kiểu mẫu, Hội thi cắm trái cây nghệ thuật, Cuộc thi Sáng tác ảnh Marathon Lễ hội Trái cây Long Khánh. Đặc biệt còn có các chương trình nghệ thuật đặc sắc hàng đêm.
Qua 2 năm tổ chức lễ hội đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút rất đông lượng khách tham quan để thưởng thức nhiều loại trái cây đặc sản của vùng trái cây nổi tiếng nhất tỉnh Đồng Nai. Đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp du lịch và nhà vườn nhằm kết nối trong việc giới thiệu và đưa khách du lịch đến với các điểm tham quan du lịch của địa phương.
5 Lễ hội Chùa Ông – Đồng Nai
Đến hẹn lại lên, lễ hội Chùa Ông sẽ diễn ra từ ngày mùng 10 đến 13 tháng Giêng âm lịch. với nhiều hoạt động phong phú như: Lễ nghinh các vị thần; khai lễ, mở hội; lễ cúng trời và thả phúc khí cầu; lễ cầu an và thả hoa đăng trên sông Ðồng Nai… Riêng phần hội, sẽ diễn ra nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; hội thi trò chơi dân gian (kéo co, nhảy bao bố); biểu diễn tuồng cổ, lân – sư – rồng; giao lưu thư pháp; trưng bày tranh thủy mặc…
Nét mới của Lễ hội chùa Ông là lễ nghinh các vị thần có công mở mang, bảo vệ vùng đất Biên Hòa – Ðồng Nai như: Tứ đại Thiên Vương, Phúc Ðức Chánh Thần, Thần tài gia gia, Na Tra thái tử sẽ do các nghệ nhân thực hiện bằng mô hình rất sống động như thật.
Ngoài ra lễ rước thần diễu hành quanh khu vực chợ Biên Hòa sẽ có thêm biểu diễn tạp kỹ, phát bao lì xì cho người dân, các tiết mục múa hoa trên đường phố sẽ được các thiếu nữ người Hoa biểu diễn; tăng cường nhạc công biểu diễn nhạc cổ truyền trên đường phố… tạo thành “lễ hội đường phố” nhiều màu sắc.
Trải qua nhiều lần tổ chức, lễ hội Chùa Ông được xem là lễ hội lớn của tỉnh Đồng Nai. Thông qua Lễ hội nhằm tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của di tích quốc gia Chùa Ông; giáo dục truyền thống, tri ân những bậc tiền nhân đã có công trong việc mở mang, bảo vệ vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai; nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; củng cố, thắt chặt và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam; thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, vui chơi, giải trí lành mạnh cho nhân dân và du khách trong dịp đón mừng năm mới – Tết cổ truyền của dân tộc.
6 Lễ cúng thần Lúa của người Chơro – Đồng Nai
Chơro là tên gọi của một trong những tộc người bản địa sinh sống ở vùng rừng núi Đồng Nai. Lễ hội mừng lúa mới là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơro. Người Chơro gọi lễ hội này là SaYangva (cúng thần Lúa). Có nơi gọi là OpYangva. Xưa kia, lễ hội này kéo dài nhiều ngày đêm, thu hút cả cộng đồng tham gia.
Ngày nay, tại một số nơi, người Chơro vẫn duy trì lễ hội SaYangva nhưng không còn kéo dài như xưa do tác động nhiều mặt của xã hội. Có nhiều yếu tố, địa điểm, nghi thức, diễn sự, vật tế… để tạo nên một lễ hội SaYangVa.
Trước sân nhà người Chơro dựng một cây nêu. Nơi gốc cây nêu cột heo cỏ, gà chuẩn bị làm thịt cúng tế. Buổi sáng, những người phụ nữ Chơro đi rước hồn lúa – vốn là chùm lúa rẫy được bó để dành sau mùa thu hoạch trên nương. Rước về, họ chia bông lúa trang trí trên bàn thờ, làm thịt gà, heo bôi huyết trên cây nhang và chuẩn bị rượu cần, các lễ vật để cúng thần. Nghi thức cúng chính là cúng thần nhà trước, sau đến cúng tổ tiên, thần lúa. Già làng hoặc chủ nhà đảm trách việc đọc lời khấn, trình bày tấm lòng thành của gia chủ, cầu mong được thần linh hộ trì cho sức khoẻ, ban cho mùa màng tươi tốt, cây lắm trái, lúa nhiều hạt. Sau khi cúng thần nhà, người Chơro đem lễ vật ra kho lúa. Tại đây diễn ra những nghi tế và khấn riêng cho thần lúa.
Trong lễ hội, sau những nghi thức cúng thần linh, cầu bình an cho bản làng, mùa màng, người Chơro vui chơi, uống rượu cần, nhảy múa ca hát trong không khí náo nhiệt của một hội lễ sau những ngày nhọc sức lên nương, làm rẫy, đi rừng săn bắn.
Trong khi khách tham dự tiệc, uống rượu cần, cồng chiêng được tấu lên. Một số phụ nữ, trẻ em Chơro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau cho đến khi kết thúc. Mọi người vui hoà trong không khí hội với men rượu cần cho đến khi đống lửa tàn, thường vào lúc nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn ngày cúng SaYangVa.
7 Lễ hội đâm trâu của người Mạ – Đồng Nai
Dân tộc Mạ là một trong bốn cư dân bản địa của vùng đất Đồng Nai. Trong năm, người Mạ có nhiều lễ cúng. Lễ cúng thần Lúa là lễ lớn nhất trong năm với hình thức hiến sinh bằng việc đâm trâu.
Lễ hội này còn gọi là lễ Đâm trâu, vì có tục đâm trâu để thực hiện nghi thức đầu tiên của buổi cúng và chia thịt trâu cho cộng đồng cùng ăn. Thời gian cúng thường được tổ chức vào tháng hai đến tháng ba âm lịch, khi mùa màng thu hoạch xong. Người Mạ dựng khoảng ba cây nêu trước khoảng sân theo hình tam giác. Cây nêu lớn dùng để cột trâu, các cây nêu nhỏ cột dê hoặc heo hoặc bò. Trước đây, lễ thường kéo dài nhiều ngày, nhiều đêm nhưng ngày nay rất ít được tổ chức.
Lễ đâm trâu thường được tiến hành vào buổi xế chiều. Cộng đồng người Mạ khi tổ chức thường mời các buôn làng khác đến dự. Nghi thức tiếp đón bằng cách già làng đem rượu trong ống tre (cây tre được trang trí sặc sỡ, gắn thêm nhiều hình vẽ về lồng chim, đầu trâu, cùng uống rượu và cúng) ra ngoài cổng mời khách. Đoàn khách vừa đi đến vừa đánh cồng chiêng. Khi mời rượu xong, già làng đọc lời cúng trong bàn thờ và làm nghi thức tẩy uế để đâm trâu.
Những người có uy tín trong cộng đồng, khoảng ba người được chọn để đâm trâu. Trong khi đoàn người đi xung quanh các cây nêu hát múa thì những người đâm trâu lựa thế dồn trâu vào để đâm cho trâu nhanh chết. Khi đâm trâu, bò và heo (hoặc dê) xong họ xẻ thịt ngay và nướng trên đống lửa được đốt sẵn, rồi chia cho cộng đồng tham gia ăn, uống rượu cần.
Trong buổi lễ, các thanh niên nam nữ Mạ vui múa, nhảy hát, người già thì tập trung uống rượu cần và hát kể cho nhau nghe về cộng đồng của mình. Cồng chiêng được đánh cho tới thâu đêm suốt sáng. So với trước đây, lễ Đâm trâu của người Mạ ngày nay có nhiều sự giản lược nhưng khi được tổ chức, những nghi thức, lễ vật, tiến trình đúng nghĩa của lễ hội vẫn được bảo lưu.
Đồng Nai có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội tại Đồng Nai đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Đồng Nai thật thú vị nhé.