Đồng Tháp có gì chơi?

Đồng Tháp là một tỉnh ở miền Tây Nam Bộ thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi nổi tiếng với những ao sen tỏa hương thơm ngát và những cánh rừng tràm xanh tươi trải dài. Nếu bạn muốn tận hưởng nét đẹp dân dã, mộc mạc mà yên bình thì Đồng Tháp chính là một lựa chọn rất tuyệt mà bạn không thể bỏ qua. Đồng Tháp có gì chơi? Dưới đây là danh sách những điểm du lịch nổi tiếng ở Đồng Tháp, khi tới đây bạn đừng nên bỏ lỡ những điểm du lịch hấp dẫn này nhé.

1 Khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười – Đồng Tháp

Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười tọa lạc tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cách thành phố Cao Lãnh 39 km.Điểm đặc biệt của Đồng Sen Tháp Mười là cánh đồng sen rộng hơn 11ha bạt ngàn, êm dịu, thanh khiết. Tại đây du khách có thể trải nghiệm dịch vụ tự mình bơi xuống giữa đồng sen bao la, được phép hái sen và các phụ kiện bình dân: nón lá, áo bà ba… chụp hình.

Khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười - Đồng Tháp
Khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười – Đồng Tháp

Trong không khí thanh bình tại khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười khách du lịch được tận hưởng các món ngon của đồng quê từ sen: cá lóc nướng cuốn lá sen non, gỏi gà ngó sen, xôi sen, chè sen… Cùng với đó là các món ngon như lẩu mắm, canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, thịt chuột đồng nướng…

Bao quanh vùng sen là các lối đi bằng gỗ từ chòi này đến chòi khác. Ở giữa Đồng Sen là tháp cao. Từ trên đỉnh tháp phóng tầm mắt ra xung quanh là cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Du khách cũng có thể dạo cảnh ngắm sen, hít thở mùi hương của sen hồng… hay có thể mượn áo dài, áo bà ba, nón lá để thỏa sức sáng tạo và lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên cánh sen cùng bạn bè, người thân.

Đến khu du lịch muốn di chuyển vào bên trong bạn phải di chuyển bằng xuồng. Chiếc xuồng trôi chầm chậm đưa bạn vào trong, vừa đi bạn vừa có thể ngắm phong cảnh cảnh hai bên ven sông và trải nghiệm các hoạt động thú vị, độc đáo như hái sen, câu cá, làm nông dân… Các bạn sẽ cảm nhận được rõ vẻ đẹp của bông sen – quốc hồn quốc túy của quê hương mình. Gió đưa hương sen ngan ngát như một thứ hương liệu thần kì giúp tinh thần thoải mái.

2 Vườn Quốc Gia Tràm Chim – Đồng Tháp

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm giữa các xã: Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thọ, Tân Công Sính, Phú Thành A và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông cách thành phố Cao Lãnh 40km. Vườn quốc gia Tràm Chim có diện tích 7.313ha, là nơi các nhà khoa học nghiên cứu về “Vùng đất lành chim đậu” và bàn về môi trường, môi sinh. Nơi đây cũng là điểm hẹn cho du khách thích trở về với thiên nhiên, cùng hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng và được xem là Đồng Tháp Mười thu nhỏ vì nó bao gồm đầy đủ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước.

Vườn Quốc Gia Tràm Chim - Đồng Tháp
Vườn Quốc Gia Tràm Chim – Đồng Tháp

Thực vật có khoảng 130 loài nổi bật nhất là sen, sung, lúa ma, cỏ ống, năng ống, mầm mốc…đồng thời nơi này cũng chính là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật có xương sống, hàng chục loài cá và hơn 198 loài chim nước, chiếm khoảng ¼ số loài chim có ở Việt Nam . Trong đó, có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như: Ngang cánh trắng, Te vàng, Bồ Nông, Gà Đãy Java và đặc biệt là Sếu đầu đỏ, chúng được xếp vào sách đỏ thế giới cần được bảo vệ vì đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Hàng năm, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 05 năm sau là lúc đàn Sếu bay về Tràm Chim cư trú. Đến đây, vào thời gian này du khách sẽ có cơ hội tận mắt ngắm được loài chim là biểu tượng văn hoá bậc nhất trong tâm thức người Việt từ xa xưa.

Ngoài ra, vào mùa nước nổi, du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của các ngư dân ở đây trên chiếc xuồng Kayak. Bên cạnh đó còn được ăn những món dân dã mang hương vị đồng quê như: cá lóc nướng trui, cá kho bông súng, ốc hấp tiêu, lẩu cua đồng, lươn um xả…

3 Chùa Lá Sen (Phước Kiển Tự) – Đồng Tháp

Chùa Lá Sen hay còn gọi là chùa Phước Kiển. Ngôi chùa này có lịch sử lâu đời hơn 150 năm. Được biết nó có từ trước thời vua Thiệu Trị (năm 1841). Chùa Lá Sen từng là cơ sở hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Chùa Lá Sen (Phước Kiển Tự) - Đồng Tháp
Chùa Lá Sen (Phước Kiển Tự) – Đồng Tháp

Chùa từng bị dội bom trong chiến tranh, do đó tại đây có nhiều hố bom được nhà chùa cải tạo thành hồ trồng sen, súng. Hiện nay trong chùa có 2 hồ, hồ trước mặt chùa nhỏ, hồ bên phải chùa to hơn và cũng là nơi có nhiều lá sen to.

Loại sen độc đáo xuất hiện ở đây là sen vua, hay còn có các tên khác như sen nong tằm, súng nia. Sen vua là một giống cây quý hiếm sống ở Nam Mỹ vùng Amazon, có lá sen với đường kính rất lớn. Kỷ lục có lá “cõng” được người nặng tới 140kg.

Vào mùa nước nổi, đường kính của lá sen vua dài từ 2m – 2.5m. Mùa khô, lá sen chỉ rộng khoảng 1.5m. Lá sen có mép lá cong lên 2 cm và dáng lá rất giống chiếc nón quai thao của phụ nữ Bắc Bộ.

Mặc dù lá sen lớn là vậy nhưng hoa sen thì lại rất nhỏ. Bông hoa này có dáng hình giống bông súng nhưng có nhiều tầng cánh. Hoa khi mới trổ thì có màu trắng, sau đó hồng và chuyển sang tím sẫm.

Chùa Lá Sen (Phước Kiển Tự) - Đồng Tháp
Chùa Lá Sen (Phước Kiển Tự) – Đồng Tháp

Tại chùa Lá Sen, người ta đặt phía trong tấm lá một tấm nhôm để tránh bị rách lá. Du khách có thể mua vé dịch vụ của người dân ở đây để bước lên cầu gỗ và ra ngồi trên tấm lá chụp hình. Đây là một trong những trải nghiệm rất thú vị mà ai ai cũng muốn ghé qua chùa để trải nghiệm. Nhiều bạn trẻ đã đến đây chụp những bộ hình xuất sắc, làm clip review hot trên mạng xã hội.

Bên cạnh các trải nghiệm này, đến đây, du khách có thể tham quan, chiêm bái ngôi chùa lâu đời. Chùa có kiến trúc rất đơn giản. Có 3 phần là cổng vào, tháp thờ Phật Quan Âm và chính điện, cột làm bằng bê tông, mái chùa nâu đỏ.

Ngoài ra trong khuôn viên chùa cũng có những “cụ rùa” trăm tuổi (6 cụ). Đặc biệt có cụ rùa thích ngủ mùng, thích ăn chay và “ghiền” nghe kinh phật. Đặc biệt các cụ dù có bị bắt trộm, có đi đâu cũng trở về chùa. Du khách đến đây sẽ nhìn thấy những “cụ rùa” đi lại tự do trong sân, tự do cho mọi người vuốt ve, bồng bế.

4 Làng Hoa Sa Đéc – Đồng Tháp

Những ngày cuối năm khi ở khắp nơi tất bật với công việc và chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết âm lịch thì ở một nơi cách Sài Gòn 140km cũng đang hối hả chờ ngày hoa nở, đó chính là làng hoa Sa Đéc hay còn gọi là làng hoa Tân Quy Đông.

Làng Hoa Sa Đéc - Đồng Tháp
Làng Hoa Sa Đéc – Đồng Tháp

Tương truyền, ngày xưa có nàng Psardek, con gái chúa đất họ Thạc, đã phải lòng một chàng trai nghèo. Phản đối mối tình này, cha nàng đã sai người trói chàng trai lại và thả trôi sông, Nàng Psardek buồn tình nên đã đi tu.

Về sau, khi cha mất, nàng dùng tài sản của gia đình để làm việc từ thiện, tu bổ đường xá, xây cất chợ búa. Từ đó người ta gọi chợ và vùng này là Psardek, lâu ngày đọc thành Sa Đéc.

Đến làng hoa kiểng Sa Đéc vào mùa hoa nở rộ khoảng gần tết âm lịch, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục với muôn loài hoa khoe sắc, nhuộm thắm cả làng hoa. Dưới đây là 1 số hình ảnh làng hoa khi vào mùa thu hoạch.

Theo lịch hàng năm thì tháng 12 âm lịch là thời gian hoa ở Sa Đéc nở rộ đây là thời điểm làng hoa Sa Đéc đẹp nhất và sôi động nhất vì vào mùa thu hoạch chính trong năm.

Bạn nên đi du lịch Sa Đéc vào dịp đầu tháng 12 âm lịch và cho tới trước 23 tháng chạp, vì sau đó hoa được thu hoạch chuyển lên Sài Gòn để phục vụ cho nhu cầu hoa Tết.

5 Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Đồng Tháp

Trong hành trình khám phá vẻ đẹp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, du khách không thể bỏ qua một nơi đến khá lý tưởng : Sa Đéc, một thị xã yên bình bên dòng sông Tiền, nơi lưu lại mối tình bất hữu Huỳnh Thủy Lê – Marguerite Duras. Và hiện nay, ở Sa Đéc vẫn còn tồn tại ngôi trường mà mẹ bà Marguerite đã từng dạy, đặc biệt hơn là ngôi nhà cổ của người tình bà – Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Một ngôi nhà với lối kiến trúc khá độc đáo: sự kết hợp hài hòa giữa hai lối kiến trúc Đông – Tây.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - Đồng Tháp
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Đồng Tháp

Vào năm 1895, ngôi nhà được xây dựng với nguyên vật liệu chính là gỗ quý mang dáng vẻ một ngôi nhà truyền thống Tây Nam Bộ( nhà ba gian). Nhưng đến năm 1917, ngôi nhà đã trãi qua một lần sửa chữa lớn, được xây dựng bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Do đó, khi quan sát phần mặt tiền nhà, du khách cứ ngỡ là một ngôi biệt thự Pháp. Nhưng khi bước vào bên trong, du khách sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp của lối kiến trúc Trung Hoa: tất cả vật trang trí bên trong đều được sơn son thếp vàng.

Chính vì vậy, hàng năm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã đón tiếp hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước, cụ thể là khách đến từ : Pháp, Anh, Mĩ, Thụy Sĩ….Đặc biệt năm 2012, Nhà cổ đón trên 25.000 lượt khách đến tham quan, trong đó 85% là khách quốc tế. Năm 2013, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê sẽ đón trên 30.000 lượt khách tham quan, tăng 20% so với cùng kỳ.

Từ năm 2006 đến nay, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, đã giao cho Công ty CP Du Lịch Đồng Tháp quản lý, đưa vào hoạt động du lịch làm điểm tham quan, được các Công ty lữ hành và khách du lịch quan tâm nhiều nên hàng năm lượt khách tăng trên 30%.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - Đồng Tháp
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Đồng Tháp

Nhà cổ đã được chứng nhận là di tích cấp Tỉnh-Thành Phố năm 2008. Vào năm 2009, nhà cổ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Để thu hút và làm vừa lòng du khách, Cty CP Du Lịch Đồng Tháp đã trang bị đội ngũ hướng dẫn Anh- Pháp, đồng thời còn mở thêm dịch vụ ăn uống tại nhà cổ để tạo điều kiện cho du khách có thời gian khám phá vẻ đẹp của căn nhà cũng như sống lại trong mối tình tuyệt vời ấy.

Ngoài ra, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã đón nhận trên 100 đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan, trong đó có các hãng tàu: Du lịch Cái Bè (tàu Pandaw), Công ty Du lịch Phượng Hoàng (tàu L’amant), Mekong Queen, Saigontourist, Mekong Travel., Cái Bè Princess….

Sắp tới, Cty CP Du Lịch Đồng Tháp sẽ đầu tư thêm để nhằm tôn thêm vẻ đẹp tiềm ẩn của ngôi nhà cổ, đồng thời tăng cường thêm dịch vụ cho thuê xe đạp, xe xích lô để du khách thỏa sức khám phá cuộc sống cũng như tình yêu của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras và người tình Huỳnh Thủy Lê trên vùng đất Sa Đéc trù phú này.

6 Khu di tích Xẻo Quýt – Đồng Tháp

Khu di tích Xẻo Quýt là một trong những điểm dừng chân độc đáo du khách không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp. Nơi đây đã từng là căn cứ cách mạng của tỉnh ủy Đồng Tháp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ từ năm 1960 đến 1975.

Khu di tích Xẻo Quýt - Đồng Tháp
Khu di tích Xẻo Quýt – Đồng Tháp

Khu di tích Xẻo Quýt với phong cảnh nguyên sinh tuyệt đẹp. Khu sinh thái Xẻo Quýt rộng khoảng 50 ha, có hệ động thực vật đa dạng và phong phú với những loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ.

Xẻo Quýt có cả hệ thống các di tích được bảo tồn và phục chế như: Công sự chiến đấu và tránh bom đạn – pháo, hàng rào mìn, chống bảo vệ các đường hầm bí mật, khu văn thư, khu điện đài của Tỉnh ủy Kiến Phong đã bền bỉ lãnh đạo lực lượng vũ trang và đồng bào địa phương anh dũng đánh giặc suốt từ năm 1960 đến ngày giải phóng miền Nam.

Từ một khu căn cứ quân sự, Xẻo Quýt trở thành một khu du lịch nổi tiếng Các bạn sẽ tha hồ thích thú khi tham quan khu di tích, du khách có hai phương tiện để di chuyển. Nếu thích len lỏi dưới những tán cây rừng, du khách có thể đi bộ theo con đường độc đạo trong khu di tích, dài khoảng 1,5 km. Nếu không, bạn có thể trải nghiệm cảm giác sông nước miền Tây, bằng cách ngồi thuyền ba lá, chầm chậm len theo các con lạch nhỏ để khám phá toàn bộ khu di tích này.

Bên cạnh đó, ngoài hoạt động thăm quan, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian như đá gà, chọi chim, thăm phiên chợ quê đậm chất Nam Bộ và thưởng thức những món ngon nức tiếng Đồng Tháp.

7 Khu du lịch Phương Nam – Đồng Tháp

Tọa lạc tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam là quần thể công trình văn hóa – tâm linh, phụng thờ các nhân vật lịch sử trên vùng đất phương Nam, thờ cúng tổ tiên họ Đặng và bậc tiền nhân của các dòng họ khác đã khai phá ra vùng đất mới.

Khu du lịch Phương Nam - Đồng Tháp
Khu du lịch Phương Nam – Đồng Tháp

Nét độc đáo và giá trị thẩm mỹ cao về kiến trúc là các hạng mục công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc nhà cổ – gỗ mới với phong cách nhà rường truyền thống Huế, mang đậm dấu ấn cung đình triều Nguyễn, có cải tiến theo cách xây nhà ở Nam Bộ.

Quần thể công trình bao gồm: Nam Phương Linh Từ, đền thờ Đặng tộc, Bảo tàng Đặng tộc, Bảo tàng Đất Phương Nam được bao bọc bởi dãy trường lang dài hơn 675m, với 240 cột (tượng trưng cho 5 châu). Ngoài ra, Khu du lịch còn có 4 hồ nuôi trồng thực vật và các loài thủy sinh (tượng trưng cho 4 biển), có 63 chậu mai vàng (tượng trưng cho 63 tỉnh, thành của Việt Nam) và 54 loài hoa kiểng, cây xanh (tượng trưng cho 54 dân tộc anh em).

Khu du lịch Phương Nam - Đồng Tháp
Khu du lịch Phương Nam – Đồng Tháp

Tính đến nay, Nam phương Linh Từ đã đạt 3 kỷ lục Việt Nam: đền đầu tiên thờ các vị danh nhân có công trong quá trình khai mở, gìn giữ và làm rạng danh đất phương Nam; đền thờ có nhiều tượng đồng danh nhân lớn nhất về các nhân vật lịch sử đất phương Nam; có chiếc trống độc mộc bằng gỗ sến lớn nhất Việt Nam.

Ngoài tổ chức phục vụ khách tham quan, vãng cảnh, dâng hương tưởng nhớ tiền nhân, khu du lịch còn có các hoạt động du lịch để : tái hiện hoạt động sản xuất lúa nước, liên kết với các nhà vườn lân cận phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, tổ chức trò chơi dân gian, đàn ca tài tử, ẩm thực Nam bộ, nghỉ dưỡng và bán hàng đặc sản, quà lưu niệm. Đây là công trình do doanh nhân Đặng Phước Thành (hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị VI- NASUN CORP) cùng chi tộc Đặng phát tâm công đức xây dựng để tỏ lòng tri ân, tôn vinh sự xả thân của các bậc tiền nhân vì quốc thái dân an, xã tắc đời đời hưng thịnh.

8 Cầu Vàm Cống – Đồng Tháp

Chính thức đưa vào sử dụng kể từ ngày 19/5/2019, Cầu Vàm Cống nối liền Cần ThơĐồng Tháp trở thành một trong những công trình quan trọng đối với giao thông của Tây Nam Bộ nói riêng và toàn miền Nam nói chung.

Cầu Vàm Cống - Đồng Tháp
Cầu Vàm Cống – Đồng Tháp

Sự xuất hiện của Cầu Vàm Cống mang đến rất nhiều phấn khởi cho người dân An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… Ngoài những lợi ích về giao thông và kinh tế, Cầu còn là địa điểm du lịch Đồng Tháp rất đáng để tham quan bởi thiết kế xinh đẹp và góc nhìn ra sông Hậu cực kỳ thú vị.

Sau khi đưa vào khai thác và sử dụng, công trình sẽ nối liền hai bờ sông Tiền trên địa phận tỉnh Đồng Tháp, đáp ứng mong mỏi bao năm của người dân ĐBSCL nói chung và người dân Đồng Tháp nói riêng.

9 Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc – Đồng Tháp

Nằm cách trung tâm TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) khoảng 1 km, Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dù luôn tấp nập người tìm đến tham quan, vẫn giữ được sự tĩnh lặng, thanh bình của vườn cây xanh mát và những đóa sen tỏa hương thơm ngát. Với diện tích gần 10 ha, Khu di tích có các hạng mục chính: Mộ, đền thờ, tượng chân dung bằng đá trắng, nhà trưng bày giới thiệu về thân thế sự nghiệp, một góc làng Hòa An xưa (nay là TP. Cao Lãnh), nơi cụ sinh sống ở Đồng Tháp và nhà sàn Bác Hồ được phục dựng lại.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - Đồng Tháp
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc – Đồng Tháp

Ðiểm nhấn nổi bật của khu di tích là khu vực mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Vòm mộ quay về hướng đông cao hơn 10 m, có mái hình cánh hoa sen cách điệu như bàn tay xòe ra úp xuống, trên đắp nổi chín đầu rồng cách tân đậm nét dân gian tượng trưng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở, bảo vệ nơi yên nghỉ của cụ Phó bảng. Mộ được ốp đá hoa cương, núm mộ có hình chữ nhật mầu xám nổi bật trên nền mộ bằng đá mài mầu trắng, có hình lục giác mở rộng dần sang hai bên. Cách mộ không xa là đỉnh trầm hình búp sen được làm bằng đá cẩm thạch. Phía trước vòm mộ là hồ nước hình ngôi sao năm cánh tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam, giữa có đài sen trắng vươn cao là biểu tượng của quê hương Kim Liên (Nghệ An) và Cao Lãnh (Ðồng Tháp), đồng thời cũng là biểu tượng về một cuộc đời thanh bạch, yêu nước, thương dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái được nhân dân trong cả nước mang tới trồng lưu niệm. Chếch về phía trái vòm mộ là khu vực đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Mái đền lợp ngói âm dương đỏ, nền nhà lót đá hoa cương sẫm mầu. Giữa gian thờ đặt tượng cụ Phó bảng, gần đó là chiếc bàn gỗ được chạm khắc công phu đặt các dụng cụ thờ, cúng. Toàn bộ kiến trúc và thiết kế trang trí của khu vực đền thờ toát lên vẻ đẹp hài hòa, ấm cúng, thiêng liêng.

Rời khu lăng mộ và đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc, khách đến tham quan khu nhà trưng bày những hiện vật, tư liệu liên quan cuộc đời, sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc. Nhà trưng bày được lợp ngói với tường gạch, phản ánh chân thực từng giai đoạn gắn liền cuộc đời cụ Phó bảng theo những chủ đề lớn như: Quê hương và gia đình, Những năm tháng khổ luyện thành tài, Chốn quan trường-từ quan vào nam hoạt động, Tình cảm của cụ Nguyễn Sinh Sắc với nhân dân Hòa An và tình cảm của nhân dân Hòa An cùng cả nước đối với cụ. Cũng từ những trưng bày và nguồn tư liệu, hình ảnh giới thiệu tại đây, càng thêm hiểu tầm ảnh hưởng của cụ Nguyễn Sinh Sắc đến nhân cách và cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - Đồng Tháp
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc – Đồng Tháp

Khuôn viên khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thêm phần hấp dẫn với một góc tái hiện không gian làng cổ Hòa An trước đây. Những đường làng nhỏ bé, những con rạch nhỏ, những ngôi nhà cổ với nếp ăn, nếp mặc và những nghề truyền thống của Hòa An xưa như nghề rèn, mộc, đờn ca tài tử… hiện lên đầy sống động giúp thế hệ trẻ có thể cảm nhận, hiểu hơn về hình ảnh và cuộc đời của một nhân sĩ yêu nước. Bên cạnh đó là hình ảnh nhà sàn Bác Hồ được thiết kế theo đúng tỷ lệ ngôi nhà sàn của Người trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, để du khách có thể phần nào hình dung và tìm hiểu về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội…

Với kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc, đến nay, khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành địa điểm du lịch về nguồn nổi tiếng của miền đất sen hồng. Hằng năm, khu di tích lại đón hàng chục nghìn lượt khách tới viếng thăm, nhất là vào ngày 27-10 âm lịch hằng năm, tức ngày giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

10 Chùa Kiến An Cung – Đồng Tháp

Kiến An Cung là một ngôi chùa cổ có niên đại gần trăm năm. Lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Trung Hoa đã tạo nên nét đặc trưng riêng của một ngôi chùa Hoa ở Nam Bộ

Chùa Ông Quách - Đồng Tháp
Chùa Kiến An Cung – Đồng Tháp

Kiến An Cung là một ngôi chùa cổ có niên đại gần trăm năm. Lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Trung Hoa đã tạo nên nét đặc trưng riêng của một ngôi chùa Hoa ở Nam Bộ. Chùa có diện tích trên 1.000m2, tọa lạc tại phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Mặt chùa hướng ra bờ sông Cái Sơn.

Chùa Kiến An Cung được xây dựng từ năm 1924 đến năm 1927 thì hoàn thành, do nhóm người Hoa Phước Kiến cùng đóng góp xây dựng. Lúc bấy giờ, có một thương gia tên là Huỳnh Thuận đã vận động đông đảo người Hoa Phước Kiến ở Sa Đéc hùn tiền để lập chùa. Thứ nhất là để duy trì tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, thứ hai là có nơi để liên kết cộng đồng, hội họp, bàn bạc việc buôn bán, trao đổi thông tin… Kiến An Cung thờ nhiều vị thần nhưng vị thần chính ở đây là Ông Quách.

Nóc chùa lợp ngói âm dương, đầu mái lợp ngói lưu li hình ống. Trên nóc mái có đặt bốn tháp nhỏ nằm ngang, trong tháp đó có tượng các vị tiên, phật, thánh thần. Giữa nóc mái có hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên lối vô cửa chính có hai con kỳ lân bằng đá xanh to lớn. Hai bên tả hữu có hình vẽ hai ông thần đứng giữ cửa. Kế đến là một sân thiên tỉnh dùng để đón lấy ánh sáng mặt trời. Hai bên là 12 hàng cột to tròn chống đỡ mái chùa nên càng tạo được vẻ uy nghiêm hơn.

Chùa Ông Quách - Đồng Tháp
Chùa Kiến An Cung – Đồng Tháp

Xung quanh cột được chạm trổ tinh vi, được ốp gỗ với những liễn đối được viết bằng chữ Hán. Xung quanh là những hoành phi, võng lọng được chạm khắc rất tinh xảo và tạo được sự lung linh, lộng lẫy cho ngôi chùa. Trước gian chính điện có hai hàng binh khí cổ hai bên. Gian chính điện được chia làm ba gian. Gian giữa thờ vị thần chính là Quảng trạch tôn vương, mặt đỏ hồng, tay nâng đai ngọc. Hai bên có hai vị cầm ấn kiếm, tướng diện oai phong lẫm liệt, bên trái là bàn thờ của Thanh Thủy đại sư, bên phải thờ Bảo Sanh đại đế. Mé ngoài thờ bàn Hội đồng, huyền thiên thượng đế và Quan thánh đế quân.

Cạnh bên có đông lang và tây lang để làm chỗ tiếp tân khi cúng kiến. Mỗi vị thần được đặt trong một cái khánh thờ, khánh thờ rất to, được chạm trổ tỉ mỉ, trang trí đầy màu sắc với những võng lọng xung quanh nên tạo được không khí trang nghiêm. Phía trên các khánh thờ có một hoành phi đề bốn chữ Hán “Phú bảo an đông”. Hai bên cột có đôi liễn:

Đông thôn chúc thánh đức thànhcung hách trạc thạnh trùng tu
Phú Mỹ tạ thần án, khánh hạ nguy nga hưng miếu tự

Đặc biệt xung quanh ngôi chùa, ở hai bên vách tường có rất nhiều bức họa theo lối thủy mạc hết sức sắc sảo, nét vẽ uyển chuyển, sắc bén trông thật linh động, với các nội dung khuyến thiện trừ tà, nội dung truyện Phong thần, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký… ý vị, thâm trầm.

Hầu hết những vật liệu trong ngôi chùa này đều được chuyên chở từ Trung Quốc sang, ngay cả thợ xây cất, các họa sư cũng đều được rước từ Trung Quốc. Đã qua lớp bụi thời gian gần cả trăm năm mà ngôi chùa trông vẫn bề thế và nét vẽ vẫn không phai mờ. Quả là tài nghệ của những người thợ lành nghề thuở xưa.

Chùa Ông Quách - Đồng Tháp
Chùa Ông Quách – Đồng Tháp

Hằng năm, chùa có hai kỳ cúng lớn. Ngày 22 tháng 8 âm lịch là ngày vía thành đạo, còn ngày 22 tháng 2 âm lịch là vía ngày sinh. Trong các ngày vía này, Ban trị chùa có mời chính quyền địa phương đến dự, đồng thời khách thập phương cũng tới chùa cúng đông đúc, vui như ngày hội, thu hút được một lượng lớn du khách từ mọi nơi kéo về.

Với lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa, với một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, Kiến An Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào ngày 27-4-1990

11 Bảo tàng tỉnh – Đồng Tháp

Bảo tàng Đồng Tháp nằm trên địa bàn phường 4, thành phố Cao Lãnh, nơi đây mỗi ngôi nhà, mỗi thước đất, mỗi hàng cây đều mang dấu tích lịch sử cách mạng trong hai thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Đồng Tháp. Đến tham quan Bảo tàng Đồng Tháp du khách nhìn thấy những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp. Đây là nơi có bề dầy lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng, năm 1978 Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết định chọn nơi đây để xây dựng cơ quan bảo tồn Bảo tàng tỉnh nhằm làm cho cụm di tích này trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bảo tàng tỉnh - Đồng Tháp
Bảo tàng tỉnh – Đồng Tháp

Bảo tàng Đồng Tháp là nơi để du khách tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, con người Đồng Tháp trong cuộc sống, sinh hoạt cũng như trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nằm trong khuôn viên khoảng 11.000m², bảo tàng được chia làm 2 khu.

Nhà trưng bày: gồm 2 tầng với diện tích sử dụng trưng bày hơn 1.400m² với hàng nghìn hiện vật gốc và nhiều tài liệu khoa học thể hiện các chuyên đề chính:

  • Thiên nhiên
  • Đất nước
  • Con người Đồng Tháp trong quá trình khai hoang mở đất.
  • Hình ảnh anh hùng của quân và dân trong cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ.
  • Nét sinh hoạt văn hóa của cư dân đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó đây còn là nơi lưu giữ nhiều di chỉ văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam được khai quật tại Gò Tháp và nhiều cổ vật, hiện vật các loại, được nhân dân đóng góp, tặng bảo tàng cất giữ, trưng bày như: cổ vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XI – XX, hòm tiền thời Gia Long thông bảo và Minh Mạng thông bảo.

Khu ngoài trời: trưng bày chiến lợi phẩm trong thời kỳ chiến tranh như máy bay, các loại súng lớn. Bảo tàng Đồng Tháp với lối kiến trúc Đông – Tây kết hợp, nằm hòa quyện trong không gian cây xanh, mặt tiền hướng ra bờ sông Cao Lãnh, yên tĩnh và thơ mộng, làm tăng thêm sự thư giãn, thoải mái cho du khách khi tham quan bảo tàng.

12 Vườn quýt hồng Lai Vung – Đồng Tháp

Lai Vung là vùng đất nằm giữa hai con sông lớn ở Nam bộ là sông Tiền và sông Hậu, được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt và lượng phù sa mầu mỡ, nên từ lâu đã trở thành vùng cây lành, trái ngọt, đặc biệt có vườn quýt hồng nổi tiếng, trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Có dịp du lịch Đồng Tháp, bạn đừng quên ghé thăm vườn quýt Lai Vung sum xuê cây trái, chín mọng, vàng rượm khắp vườn và thưởng thức quýt hồng tươi ngon.

Vườn quýt hồng Lai Vung - Đồng Tháp
Vườn quýt hồng Lai Vung – Đồng Tháp

Lai Vung nằm phía Nam tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Sa Đéc chỉ hơn chục cây số về phía Tây. Từ TP Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1 qua cầu Mỹ Thuận đến tỉnh Vĩnh Long rồi tiếp tục đi trên quốc lộ 80 là tới địa phận huyện Lai Vung – nơi được mệnh danh là “vương quốc” quýt hồng. Quýt được trồng chủ yếu ở 3 xã dọc bờ sông Hậu là xã Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành thuộc huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Hiện nay có hàng ngàn ha với hàng triệu gốc quýt hồng được trồng trên 3 xã này.

Điều làm nên thương hiệu cho quýt hồng Lai Vung ngoài chất lượng ngon ngọt, đẹp mắt, là những năm gần đây các nhà vườn ở Lai Vung còn trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân theo quy trình khiến cây trái ít bệnh, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, khiến quýt hồng Lai Vung càng là trái cây đặc sản được ưa chuộng.

Mùa quýt hồng Lai Vung thường rơi vào khoảng nửa cuối tháng chạp, đầu tháng giêng. Đến với những vườn quýt hồng vào thời điểm cận Tết, tận mắt chứng kiến những hàng cây trĩu quả vàng ươm rực rỡ dưới nắng và căng mọng mới cảm nhận được hết không khí Tết. Với những du khách muốn ngắm và chụp ảnh cùng những vườn quýt sai quả, nở rộ hoặc xem cảnh thu hoạch quýt của người dân thì có thể đến vườn quýt Lai Vung gần tết nguyên đán.

Bên cạnh đó, nếu du khách yêu cái đẹp, ngoài mùa quýt chín, có thể tìm đến nhà vườn tham quan vào dịp cuối xuân, đầu hạ (khoảng tháng 3-4) để thăm vườn quýt ra hoa. Hoa quýt có màu trắng tinh khôi, hương thơm dịu rất giống với hoa bưởi, hoa cam, chanh,…

Hiện tại ở huyện Lai Vung có hơn 10 nhà vườn quýt hồng Lai Vung mở cửa đón khách du lịch. Đến thăm vườn quýt hồng vào thời điểm thu hoạch, miền quê Lai Vung như nhộn nhịp, rộn ràng hơn. Những chủ nhà vườn, thương lái, nông dân các nhà vườn vừa hái trái, vừa phân loại, đưa đi tiêu thụ.

Vườn quýt hồng Lai Vung - Đồng Tháp
Vườn quýt hồng Lai Vung – Đồng Tháp

Đến Lai Vung, du khách như cảm thấy lạc vào khung cảnh của những câu chuyện cổ tích. Dạo quanh vườn quýt, khách không chỉ được hít thở không khí trong lành tươi mát, mà còn có thể tự tay hái, thưởng thức trái quýt đặc sản vừa hái, một cảm giác dễ chịu hiếm khi có được.

Du khách còn có cơ hội trải nghiệm cảm giác làm người nông dân thu hoạch quýt, tìm hiểu quy trình trồng, vui đùa cùng bạn bè, chụp ảnh kỉ niệm cùng vườn quýt.

Đặc biệt, tại các điểm tham quan, ngoài việc được tham quan, chụp ảnh lưu niệm, thưởng thức quýt hồng, du khách còn được thưởng thức đặc sản nem Lai Vung, các món ăn đặc sản miền Tây, nghe đờn ca tài tử…

Đến với Đồng Tháp, trải qua những trải nghiệm ở vùng đất Lai Vung, khách mới cảm nhận hết sự trù phú và vẻ đẹp chân tình mến khách của người dân vùng đất Lai Vung.

13 Khu di tích Gò Tháp – Đồng Tháp

Khu di tích Gò Tháp nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Tổng thể khu di tích Gò Tháp có diện tích quy hoạch khoảng 290ha. Với những giá trị về văn hóa, khoa học, lịch sử và kiến trúc, Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1989 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 cho loại hình di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật.

Khu di tích Gò Tháp - Đồng Tháp
Khu di tích Gò Tháp – Đồng Tháp

Khu di tích Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối thế kỷ 19 với tên gọi là Chùa năm gian (theo tiếng Pháp là Prasat Pream Loven) do các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện. Nơi đây xuất hiện nhiều dấu tích, di vật, hiện vật cổ gắn với nền văn hóa Óc Eo.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại địa điểm này có nhiều di tích kiến trúc xuất hiện ở các gò cao như Gò Minh Sư, Gò Tháp Mười… Hầu hết các di tích kiến trúc được tìm thấy sâu trong lòng đất, được xây dựng công phu có tường thành bao bọc xung quanh.

Các di tích cư trú được phân bố rộng khắp vùng đất trũng, được phát hiện ở tầng văn hóa tiếp giáp với đáy biển cổ xưa. Di tích cư trú được tìm thấy với các di vật như bếp lửa, những mảnh nồi, bình có vòi, thanh củi, cọc nhà sàn, tượng Phật bằng gỗ và các đồ vật thờ phụng và sinh hoạt như xúc xắc bằng gốm, chì lưới, bàn nghiền…

Riêng di vật, hiện vật được tìm thấy ở đây chủ yếu là các tượng thần Visnu, Siva bằng đá sa thạch, cột đá có chốt, các phiến đá có chạm khắc hoa văn và minh văn.

Khu di tích Gò Tháp - Đồng Tháp
Khu di tích Gò Tháp – Đồng Tháp

Ngoài giá trị về khảo cổ học, khu di tích Gò Tháp còn chứa đựng giá trị lịch sử cách mạng. Được biết, nơi đây đã từng là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong thời kỳ đầu chống Pháp. Trong khoảng thời gian từ năm 1946 – 1948, Gò Tháp còn là căn cứ địa của xứ Ủy Nam Bộ, Ủy ban Hành Chính kháng chiến Nam Bộ, Khu Ủy Khu 8 và nhiều cơ quan đầu não khác.

Trong kháng chiến chống Mỹ, khu di tích này là nơi đánh dấu thắng lợi của tiểu đoàn 502 (quân và dân Đồng Tháp) đánh sập Viễn Vọng Đài của quân địch. Ngoài ra, khu di tích Gò Tháp còn là một địa điểm chứa đựng các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng lâu đời. Nơi đây có chùa Tháp Linh, Miếu Bà Chúa Xứ, đền thờ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

Ngoài giá trị khảo cổ, khu di tích Gò Tháp còn là một điểm danh lam thắng cảnh của vùng sinh thái ngập nước. Nơi đây còn lưu giữ nét hoang sơ của thiên nhiên với những thảm thực vật phong phú đặc trưng của vùng sông nước miền Tây như tràm, sen, sậy, năng, lúa trời…

Ngoài các thảm thực vật, môi trường sinh thái trong khu di tích Gò Tháp còn là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật như trăn, rắn, các loài chim, cá… Đến với khu di tích Gò Tháp, du khách còn được tận hưởng bầu không khí trong lành, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hữu tình.

Hiện nay, khu di tích Gò Tháp đang được chính quyền tỉnh Đồng Tháp quy hoạch tổng thể với diện tích khoảng 300ha, được chia thành 4 khu chức năng chính. Trong đó khu di tích bảo tồn, bảo tàng là 53ha; khu rừng sinh thái là 166ha, khu dịch vụ là 54ha, khu nuôi thú hoang dã Đồng Tháp Mười là 27ha.

Đặc biệt, chính giữa Gò Tháp sẽ xây dựng Tháp Sen cao 110m, phỏng theo ý nghĩa câu nói quen thuộc của người dân vùng Đồng Tháp Mười “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

14 Chùa cổ Bửu Hưng – Đồng Tháp

Chùa Bửu Hưng (còn được người dân địa phương gọi là chùa Cả Cát) tọa lạc tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Đây là ngôi chùa cổ bật nhất tại huyện Lai Vung có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao, đã được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 2007.

Chùa cổ Bửu Hưng - Đồng Tháp
Chùa cổ Bửu Hưng – Đồng Tháp

Theo lịch sử ghi chép tại chùa thì Bửu Hưng tự được thiền sư Nguyễn Đăng thành lập vào giữa thế kỷ 18, khoảng những năm 1777 -1780. Tuy nhiên, do buổi đầu lập chùa còn khó khăn nên chùa được dựng lên từ cây lá địa phương là chủ yếu. Đến đời tổ trụ trì thứ ba là Thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm tiếp quản, khoảng năm 1820 thì chùa Bửu Hưng được đại trùng tu. Cũng trong năm này, ngôi chùa được vua Gia Long phong Sắc tứ Bửu Hương tự. Sau đó, nhà sư đã cho xây dựng ngôi chùa đơn sơ thành một ngôi đại tự kiên cố bằng cây gỗ quý. Mãi đến đời trụ trì thứ 8 là Đại sư Như Lý Thiên Trường (1887 – 1969), chùa lại được trùng tu lớn. Trong những năm 1909 – 1911, sư đã cho sửa sang chánh điện, chạm trổ thêm bao lam thần vọng, biển thờ, hoành phi, câu đối… Đồng thời, nhà sư cũng cho chỉnh sửa lại khu mộ tháp và trồng thêm cây cảnh nên ngôi chùa càng thêm đẹp đẻ và uy nghiêm.

Trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1947, chùa bị máy bay Pháp ném bom làm hư hại rất nhiều, trong đó phần nhà Hậu Tổ bị sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 1950, tăng chúng góp công, góp của trùng tu các chỗ bị hư hại, dựng lại nhà Hậu Tổ, đồng thời thu gọn lại Đông lang và Tây lang.

Chùa cổ Bửu Hưng - Đồng Tháp
Chùa cổ Bửu Hưng – Đồng Tháp

Chùa Bửu Hưng được xây dựng trong một khu vườn rộng, phía trước là một con rạch nhỏ. Chùa xây dựng theo kiểu chữ “tam”, ngang 15m, dài 50m gồm Tiền đường, Chánh điện và nhà Hậu Tổ. Tiền đường và Chánh điện nối liền nhau. Chánh điện gồm 3 gian, 2 chái rộng lớn kiểu tứ trụ, có bao lam, Thần vọng chạm trổ tứ linh rất tinh xảo và công phu.

Một trong những điểm thú vị trong kiến trúc xây dựng ngôi chùa này chính là những vật liệu xây dựng. Đại đức Thích Thiện Bửu, chùa Bửu Hưng cho biết: “Buổi sơ khai, các loại vật liệu như xi măng vẫn chưa xuất hiện, tiền nhân thời đó đã dùng một thứ vữa đặc biệt được kết hợp từ nhựa cây ô dướt và mật mía đường để xây dựng chùa. Tuy trải qua gần 200 năm, gạch nền bắt đầu mục, song loại vữa này vẫn còn kết dính khá tốt”.

Ngoài nét kiến trúc cổ kính, điểm đặc biệt của chùa Bửu Hưng chính là phần lớn các tượng Phật trong chùa đều được làm bằng nhiều loại gỗ quý có niên đại hàng trăm năm tuổi. Trong đó đáng chú ý là tượng Phật A Di Đà được làm bằng gỗ cao 2,5m do triều đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm Minh Mạng thứ 2 (năm 1821 ), được đặt giữa chánh điện. Bên cạnh tượng Phật A Di Đà, 2 tượng Hộ pháp, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, bao lam, hoành phi, câu đối,… được chạm trổ rất tinh xảo. Hiện chùa vẫn còn hơn 100 cây cột gỗ to và quý, ba bộ cửa gỗ lớn (mỗi cửa 4 cánh) có chạm hình rồng và hoa lá rất mỹ thuật. Ba bộ cửa này được làm ở đầu thế kỷ 20 và được dựng ở vách sau Chánh điện vào những năm 1909 – 1911.

15 Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng – Đồng Tháp

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (hay mọi nguời thường quen gọi là vườn chim Gáo Giồng) từ lâu đã nổi tiếng là “ốc đảo xanh” với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, vùng đất được ví như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ của miền Tây Nam Bộ bởi những nét hoang sơ, mộc mạc do thiên nhiên ban tặng.

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng - Đồng Tháp
Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng – Đồng Tháp

Được ví như 1 “Lá phổi xanh” của Đồng Tháp, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng với diện tích 1700 ha là nơi tuyệt vời dành cho du khách thích không khí yên bình, thiên nhiên tại miền Tây. Khu du lịch sở hữu có gần 2.000ha rừng tràm, 1 quần thể 40 ha với hơn 15 loài chim muông quý hiếm sinh sống như trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, vịt trời…

Những hoạt động đặc sắc ở Gáo Giồng: Hòa hợp với thiên nhiên thanh bình của rừng tràm, ngắm cảnh chim cò làm tổ. Thỉnh thoảng, bạn có thể bắt gặp những con thú hoang dã hưu, khỉ đi lại kiếm ăn trong rừng. Thích thú khi được chèo xuồng lênh đênh xuyên các con kênh rạch. Chạy xe đạp trong rừng tràm. Nghỉ mát và thư giãn tại chòi của người dân.

Ẩm thực, chắc chắn là điều mê hoặc không thể bỏ qua khi đến Gáo Giồng. Với lợi thế có nhiều hệ thống kênh rạch chằng chịt nên đây cũng là thiên đường để bạn thoải thích khám phá hương vị đồng quê với nhiều món ngon được chế biến từ cá lóc, cá rô, cá linh, cá sặc, cá thác lác, rắn, lươn, rùa, ba ba, trăn, chuột đồng…

Đến đây, chắc hẳn bạn đã hết thắc mắc “Đồng Tháp có gì chơi” rồi phải không? Nếu bạn đến với Đồng Tháp thì hãy ghé thăm những địa điểm du lịch trên đây để khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này nhé. Bạn sẽ không phải thất vọng đâu. Chúc các bạn có một chuyến đi du lịch tại Đồng Tháp thật vui vẻ và nhiều ý nghĩa.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.