Du lịch Bình Thuận mua gì về làm quà là điều mà nhiều người thắc mắc khi chuẩn bị vi vu đến thành phố biển. Đến đây, bạn không chỉ được thưởng thức những món ăn đậm hương vị biển mà còn có rất nhiều món mua về làm quà ý nghĩa. Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá hết danh sách đặc sản Bình Thuận làm quà hấp dẫn dưới đây nhé.
1 Đặc sản thanh long – Bình Thuận
Thành phố Phan Thiết – Bình Thuận không chỉ được mệnh danh là phố biển mà còn là vương quốc thanh long của Việt Nam. Khi du lịch Phan Thiết vào mùa thanh long, du khách hẳn sẽ được chiêm ngưỡng vườn thanh long độc đáo và đẹp miên man bên những con sóng biển. Du khách có thể dọc theo Quốc lộ 1A trên đường đến đỉnh Tà Cú để tham quan cung đường rợp bóng vườn thanh long cả 2 bên đường nhé! Vẻ đẹp hiếm có của loài cây này có thể sánh vai với những con sóng biển ngày đêm vổ về.

Chẳng hiểu vì sao vùng đất Bình Thuận bấy lâu nay được xem là nơi có điều kiện khó khăn trong việc trồng trọt các loại cây ăn quả. Mà chẳng biết tại sao thanh long loại trái cây này lại có cơ duyên với mảnh đất tỉnh Bình Thuận đến tận bây giờ. Với diện tích rộng lên tới 20.500 ha, tới đây đã lý giải tại sao Phan Thiết – “Vương quốc” thanh long của Việt Nam được mệnh danh như vậy.
Thanh long là loại cây ăn quả, có dòng họ với xương rồng, dạng thân leo, có hình trụ tam giác với 3 góc cạnh. Mỗi năm, cây ra cành từ 3 – 4 đợt, cây càng nhiều tuổi thì cành càng nhiều. Thân cây mọng nước, là điều kiện tất yếu để có thể chịu hạn trong một thời gian dài ở mảnh đất khô cằn, sỏi đá tựa như tiểu sa mạc. Chính những đặc điểm ấy đã tạo điều kiện cho loài cây này được phát triển tốt như vậy.
Trong nắng sớm, vườn thanh long được soi rọi những vạt nắng bắt đầu ngày mới, vào những trưa nắng gắt rực cháy cả khu vườn. Và không gian càng lung linh sắc màu khi hoàng hôn dần buông xuống.Vườn thanh long xứ Bình Thuận được chiếu rực rỡ bởi những ánh đèn lung linh vào những đợt trái mùa, như một khu vườn cổ tích mà ai cũng muốn được một lần đắm chìm trong không gian ấy.

Vào mùa hoa thì cả vườn thanh long lại rạng ngời khoe sắc trắng tinh khôi. Hoa thanh long khá giống hoa quỳnh, khi nở thường bung xòe rộng cánh hoa đến 30 cm, có hình dáng như đuôi rồng và tỏa hương thơm đặc trưng, lan tỏa khắp vườn mùi hương vani.
Mảnh đất khô cằn lại tao nên những con người sáng tạo, người dân nơi đây đã sáng tạo, lai ghép để cho ra những loại trái thanh long hai da, ruột đỏ phục vụ quý khách. Thanh long đã trở thành niềm tự hào của người dân phố biển Phan Thiết, góp phần tạo nên bản sắc du lịch cho miền đất này để rồi khi du khách đến đây đều bị chinh phục bởi vẻ đẹp tuyệt hảo ấy.
2 Bánh rế – Bình Thuận
Bánh rế có nguồn gốc từ Phan Rang, Ninh Thuận, nhưng nay phổ biến và trở thành đặc sản của vùng đất Phan Thiết, Bình Thuận. Nghề bánh rế chỉ tập trung nhiều ở những khu vực nội thành, là nghề truyền thống của mỗi gia đình, nên mỗi nơi cho ra lò những chiếc bánh mùi vị có khác nhau đôi chút, nhưng vẫn hòa quyện tạo nên nét đặc trưng riêng, hương vị thơm ngon.

Bánh rế trông có vẻ đơn giản, nhưng để chế biến thành công đòi hỏi người làm phải khéo léo. Khoai mì (sắn) hay khoai lang là một trong những nguyên liệu chính của loại bánh này. Phải chọn những củ khoai lang, khoai mì thật tươi, không non cũng không già và phải trải qua 6 công đoạn chế biến khác nhau mới có thể chế biến được những chiếc bánh rế đậm đà.
Khoai sau khi chọn xong, bỏ vào thau nước ngâm vài tiếng cho bớt nhựa, sau đó lột sạch vỏ và bào thành sợi nhỏ đều. Tiếp theo, trộn khoai đã bào với một xíu hương vani rồi mới mang đi chiên.
Tiếp đến, bắc chảo dầu lên lò than hồng và thêm một ít dầu dừa vào chảo. Chờ đến khi dầu sôi, bốc một nắm khoai bào sẵn bỏ vào muỗng cán dài, rồi nhúng vào chảo dầu. Dùng đũa đảo sợi khoai lên xuống liên tục cho chín đều và tránh bị dính vào thành cục quá dày, gây mất thẩm mỹ.
Dầu nóng làm cho khoai chín và kết dính, đan xen vào nhau, tạo nên những chiếc bánh có hình dạng trông như cái rế để lót xoong nồi niêu của người dân vùng quê, nhưng lại có kích thước nhỏ hơn, từ đó cái tên bánh rế ra đời. Khi thấy bánh rế đã kết dính với nhau và chín đều, ta nên dùng vá vớt bánh ra vỉ cho khô dầu.
Công đoạn tiếp theo là thắng đường trên một chảo khác. Khi đường tan chảy hết, gấp từng chiếc bánh rế nhúng sâu vào chảo đường rồi vớt ra, cứ tiếp tục cho đến hết, sau đó rưới thêm một ít mè trắng rang sẵn lên trên bề mặt bánh vừa nhúng đường để khi dùng tạo hương thơm và có vị đặc biệt hơn.
Bánh lúc này sẽ có màu vàng ươm, khi ăn sẽ giòn tan cùng với đó là hương vị ngọt, béo hòa quyện của mè, khoai, đường…

Những chiếc bánh được xếp chồng lên nhau, khi đã nguội, y hệt như đồ chơi con nít. Nhìn, rất thích mà ăn lại càng thích hơn. Bánh cho ta một hương vị rất là đặc biệt. Đó là sự hòa lẫn, quyện chặt của một hỗn hợp những hương vị: cái bùi bùi của tinh bột, cái beo béo của dầu, cái ngon ngọt của đường mật và không thể thiếu độ giòn tan.
Du khách có thể tìm mua những chiếc bánh rế ở hầu khắp các quán đặc sản ở Phan Thiết, những gánh hàng rong ở các khu du lịch, ở các làng nghề truyền thống, chợ Phan Thiết, các trạm dừng chân… với giá khoảng 15.000-20.000 đồng một bịch khoảng 10 cái.
Du khách muốn trải nghiệm, tìm hiểu thêm về nghề làm bánh rế có thể đến các lò làm bánh truyền thống ở phường Lạc Đạo, Đức Thắng, Phú Tài hay Đức Nghĩa.
Những ngày tiết trời se lạnh, nhai chiếc bánh rế giòn tan rôm róp, thưởng thức cùng tách trà nóng sẽ tạo cho bạn cảm giác ngon miệng và thoải mái hơn. Những du khách có dịp dừng chân hay ngang qua Phan Thiết, đừng quên bỏ qua món đặc sản dân dã này để lót dạ cho chặng đường dài sắp tới nhé.
3 Nước mắm – Bình Thuận
Bình Thuận mang vẻ đẹp trong trẻo, hiền hòa trong mắt du khách bởi những miền cát trải dài và biển mênh mông sóng. Có dịp ghé thăm mảnh đất này, bạn chỉ ngắm cảnh và nghỉ dưỡng thôi là chưa đủ. Những khám phá thú vị tại làng nghề nước mắm Phan Thiết nổi tiếng sẽ khiến chuyến đi của bạn ý nghĩa hơn.

Nghề làm nước mắm đã có từ xa xưa và trở thành một nghề truyền thống ở Bình Thuận. Nước mắm Phan Thiết đã hình thành và phát triển suốt chiều dài 200 năm. Nghề này khá đặc biệt đòi hỏi kỹ thuật riêng cầu kỳ nên không phải nơi nào cũng sản xuất được. Ngay từ khi mới ra đời, nước mắm Bình Thuận đã dần tạo tiếng vang bởi chất lượng hảo hạng nhất nhì trong cả nước.
Nghề làm nước mắm không đòi hỏi máy móc hay công nghệ tân tiến, hiện đại mà quan trọng nhất là kinh nghiệm và lòng yêu nghề. Biết bao thế hệ, bao gia đình ngư dân ở Bình Thuận no đủ nhờ kỹ nghệ làm nước mắm thơm ngon. Bởi trong tất cả các bữa ăn của người Việt không thể thiếu được thứ gia vị đậm đà này.
Sở dĩ nước mắm Bình Thuận nổi tiếng với hương vị đặc trưng, mặn mòi vị biển vì từng khâu chế biến đều được đảm bảo đúng chuẩn. Nguyên liệu được tuyển chọn rất cầu kỳ và kỹ lưỡng. Nước mắm Phan Thiết chủ yếu được làm từ những con cá cơm và cá nục nhỏ nhắn, tươi nguyên. Mặc dù có nhiều loại cá cơm như cá cơm đỏ, cơm than, sọc tiêu, sọc phấn, phấn chì, cơm lép… nhưng nước mắm được làm từ cơm than và sọc tiêu là thơm ngon và tròn vị hơn cả.

Mỗi năm loài cá cơm nhỏ này chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch. Theo chia sẻ của những ngư dân làm nghề lâu năm thì thời gian đánh bắt cá cũng rất quan trọng. Cá được thu bắt vào tháng 8, đảm bảo béo ngậy sẽ cho ra những giọt nước mắm mới ngon và đạt độ đạm cao nhất.
Sau khi tuyển chọn nguyên liệu đạt chuẩn ngư dân sẽ bắt đầu giai đoạn ủ cá. Dụng cụ dùng trong sản xuất nước mắm rất đơn giản gồm 3 loại thùng gỗ có kích thước khác nhau là thùng trổ, thùng phơi và thùng chứa. Đặc biệt, mỗi thùng muối cá đều có một lỗ lù để rút nước mắm ở ngang mặt đáy thùng. Thùng phải được vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, khô ráo trước khi muối cá.
Công việc đắp lù cũng rất được chú ý. Những người làm nước mắm lâu năm thường sử dụng vỏ ốc, vỏ ken ken hoặc đá bạc ở phía bên trong lỗ lù. Tiếp theo, một lớp trấu đựng trong bao tải sẽ được đặt lên trên và sau cùng là phủ một lớp muối hạt lên trên.
Mỗi gia đình làm nước mắm Bình Thuận sẽ sở hữu công thức muối cá khác nhau. Tùy từng loại cá mà cho lượng muối ít hay nhiều nhưng thông thường sẽ là 3 phần cá kết hợp với 1 phần muối. Thời gian rút lù, tháo nước cho ra nước bổi ít nhất là 3 ngày sau khi muối cá. Người ta thường trải một lớp lá dừa lên trên mặt cá và sử dụng vỉ nén ngay khi lấy nước bổi ra.
Cá muối bị ép xuống tạo ra phần nước bổi chảy xuống lỗ trổ ở phía dưới. Khi hứng đầy thùng, ngư dân lại múc nước bổi đổ lên thùng cá, thực hiện ít nhất mỗi ngày 2 lần cho tới khi cá chín và thấm muối. Đủ thời gian, cá đến kỳ chín khi đó công đoạn rút lù được tiến hành để cho nước mắm chảy ra với một lỗ rất nhỏ được hứng bởi một thùng trổ.
Cũng giống như giai đoạn ủ cá, mỗi khi thùng đầy lại được múc đổ lên, lặp lại nhiều lần cho đến khi nước mắm chảy ra trong và không vẩn đục mới có thể dùng được. Đây chính là nước mắm nhất cực kỳ thơm ngon và hấp dẫn. Một lý do đặc biệt khiến cho nước mắm Phan Thiết nổi danh cả trăm năm nay chính là nhờ khâu ủ mắm và đem phơi ngoài trời. Có lẽ, cái nắng cái gió đặc trưng của xứ này đã mang lại hương vị riêng biệt, độc đáo này.

Nghề làm nước mắm ở Phan Thiết phổ biến đến độ bạn có thể cảm nhận được dư vị mặn mà của biển ngay khi vừa chạm tới cửa ngõ Phan Thiết. Đặc biệt, trong những ngày mùa đi đến bất cứ đâu, du khách cũng dễ dàng bắt gặp những sân mắm trải dài hun hút. Địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên tươi đẹp này chính là quê hương của thức quà đặc sản nổi tiếng đó đây.
Đặc sản nước mắm Phan Thiết vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam. Ngoài ra, sản phẩm còn được Sách kỷ lục Việt Nam vinh danh trong top 10 nước chấm gia vị nổi tiếng Việt Nam. Không có gì ngạc nhiên khi nước mắm Phan Thiết được xem là một trong những món quà đặc biệt và ý nghĩa nhất của người dân miền biển gửi tặng lữ khách bốn phương.
4 Chả cá Phan Thiết – Bình Thuận
Phan Thiết từ xa xưa đã nổi tiếng với nhiều món ngon vật lạ, nhờ các nguồn sản vật từ biển, từ rừng, từ những miền quê trù phú quanh vùng mang lại. Trong đó chả cá là một đặc sản của địa phương đã nức tiếng từ trước đến nay. Chả cá với nguồn nguyên liệu lấy từ thịt của các loài cá biển, nạo ra đem xay nhừ, trộn đều với những gia vị đặc trưng.

Trước đây, nguồn cá biển dồi dào, người ta làm chả chỉ lấy thịt từ một hay hai loài cá là cá rựa hoặc cá thu ảo, để giữ nguyên được mùi thơm nguyên thủy của loài cá đó. Sau lâu dần, do cá càng ngày càng ít đi, nên phải làm thêm từ các loài cá khác như: cá mối, cá nhồng, cá chai và các loại cá nhiều thịt khác. Loại thịt cá tổng hợp này không được thơm mùi nguyên vị như cá rựa, cá thu ảo, nhưng được cái là khi giã nhuyễn, thịt cá rất dai, mềm, ngọt, làm chả ăn rất ngon. Để có được một miếng chả cá ngon đúng điệu Phan Thiết, người làm nghề phải tuân thủ một quy trình đặc biệt của cách làm. Phần gia vị thêm vào cho có nét đặc biệt là tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng lò làm chả. Cá tươi được thu mua từ sáng sớm ở bến cảng Cồn Chà, phải có đầu nậu hoặc mối quen dặn trước để có cá với giá cả phải chăng, nếu không có khi sẽ không mua được cá, dẫn đến làm trễ mối đặt cọc lấy chả của khách hàng.
Phần chế biến đầu tiên là rửa sạch rồi làm cá, cắt để riêng phần đầu đuôi, mổ bụng bỏ ruột. Phần hai là lạn cá lấy thịt hai bên lưng rồi đến phần nạo lấy thịt. Phải thật khéo tay và lanh mắt để vừa nạo cho hết phần thịt cá trên hai miếng da lưng và trên phần xương cá, vừa phải lanh tay lượm cho hết những cọng xương còn sót lại trong thịt cá. Từng mâm thịt cá nạo được chuyển sang máy xay, rồi đến máy giã, trộn đều cùng các loại gia vị, để cho ra một loại hỗn hợp thịt cá nguyên liệu dùng để chiên, hấp hay vò viên.

Chả chiên: Cân thịt cá thành từng phần bằng 1 kg. Từ 1 kg chia thành 5 phần đều nhau. Từng phần được vo ép bằng tay để cho ra từng miếng tròn có độ dày chừng 1 phân rồi thả vào chảo dầu đang đun nóng kế bên, trở qua lại vài lần, chả vàng da là được.
Chả hấp: Phần thịt cá nguyên liệu được thêm mỡ miếng xắt hạt lựu trộn đều, cũng chia từng kg thành 5 phần, vo ép từng miếng tròn dày cỡ 3 – 4 phân, gọi là chả miếng rời. Còn chả dề là chả được làm từ 2 – 4 kg thịt cá, vo ép lại thành từng dề lớn, dày độ 3 – 4 phân, để chả lên trên từng miếng lá chuối cắt tròn có thoa dầu mỡ, xong tất cả rồi mang đi hấp chín. Lúc chả gần chín, đánh một chén trứng vịt cho đều, mở nắp nồi, thoa một lớp trứng lên trên miếng chả rồi hấp lại cho đến chín. Khi mang ra chả sẽ có màu vàng tươi trên lớp mặt và phần thịt cá trắng phau bên dưới nhìn rất bắt mắt.
Chả vò viên: Rứt từng miếng thịt cá vo tròn trong mấy ngón tay, thả vào chảo dầu chiên sơ cho cá khỏi nát, vớt ra cho vào nồi nước lèo được nấu từ phần đầu, da, xương cá đã được lọc lại. Chỉ cần nêm nếm và thêm bún vào là thành món bánh canh chả cá tuyệt hảo.
Chả ngon là loại chả ăn dai dai không bở, không xương, mềm ngọt, thơm mùi cá mà không tanh, kể cả hai loại chiên và hấp. Với hai loại chả này có thể chế biến thành nhiều món ăn khác rất đặc biệt.

Bánh mì chả cá: Bánh mì nóng, xắt chả cho vào trong, chan thêm ít nước mắm ngọt ớt, đường, ăn ngon đến lạ lùng, vị béo của mỡ, vị ngọt của cá, hòa quyện với nước mắm ngọt, ớt cay làm ta khi đã ăn là không làm sao quên được.
Bún chả cá hay bánh tráng cuốn cùng chả với bún, với rau, chấm với nước mắm giã tỏi ớt, chanh đường. Đúng là một món để đời của quê hương Phan Thiết.
Có khi chỉ ăn chả không, không kèm thứ gì để thưởng thức cho trọn vẹn hương vị đặc biệt của món chả. Thơm thơm mùi cá, dai dai ngọt ngọt, không phải vị ngọt của đường mà là vị ngọt của cá, vị béo của tóp mỡ hòa với mùi gia vị hành, tiêu, tỏi, muối, đường.
Phan Thiết hôm nay, người làm chả cá rất nhiều, tập trung ở 2 phường Lạc Đạo và Đức Nghĩa, nhưng quy mô hơi lớn chỉ có một vài lò, còn lại là làm nhỏ theo kiểu gia đình. Lò lớn làm ra nhiều chuyên bán cho khách du lịch, có thương hiệu hẳn hoi, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và cũng là một niềm kiêu hãnh cho đặc sản Phan Thiết. Ngày xưa, chả cá hoàn toàn làm bằng thủ công, số lượng không nhiều, giờ đây các lò làm chả đã cải tiến cách làm, công đoạn xay và giã toàn bằng máy nên nguyên liệu làm chả được hoàn chỉnh tương đối nhanh hơn nhiều, số lượng cũng đủ để đáp ứng cho các đơn đặt hàng từ khách phương xa.
5 Bánh cốm sữa – Bình Thuận
Bánh Cốm Sữa là một trong những món đặc sản Phan Thiết – Bình Thuận, đã trở thành nét ẩm thực truyền thống nơi đây. Bánh Cốm gắn liền với người dân nơi đây đến nỗi, mỗi dịp Tết đến Xuân về trên bàn thờ tổ tông của người dân Phan Thiết đều có một hộp bánh cốm sữa.

Nằm trong danh sách các món ngon Bình Thuận nên thử một lần, bánh cốm sữa hay còn gọi là bánh cốm hộc được làm bằng gạo nếp rang nở bung cùng với đường, sữa, dứa và gừng. Tuy nghe có vẻ đơn giản những món bánh này đòi hỏi sự tỉ mỉ trong công đoạn chế biến và chọn lọc.
Bắt buộc khi làm bánh cốm, người dân phải chọn gạo nếp phùng ngon dẻo để giúp bánh có hương vị thơm ngon hơn. Sau đó được hòa cùng đường, sữa, dứa và gừng trên chảo gang lớn cho đến khi cốm bắt đầu đặc và dính lại với nhau.
Cuối cùng là đợi cốm khô thì đóng gói trong túi ni lông để bảo quản. Thông thường món bánh này có thể bảo quản trong thời gian dài từ 1 đến 3 tháng. Nên các bạn hoàn toàn có thể an tâm khi lựa chọn món đặc sản này cho người thân và bạn bè.

Ngày nay, bánh cốm sữa không chỉ sử dụng trong những dịp lễ tết mà ngày thường người ta cũng dùng đến nó như 1 món ăn rất quen thuộc. Bánh có hương vị ngọt ngọt, cay cay, thơm mùi của sữa hoặc sầu riêng, ăn rất mềm.
Vì là những đặc sản thông dụng nên bạn có thể tìm mua cốm sữa ở hầu hết các cửa hàng đặc sản, chợ nào tại Phan Thiết. Còn nếu muốn tận mắt xem công đoạn chế biến các loại bánh này, bạn có thể ghé đến các cửa hàng bán đặc sản Phan Thiết trên đường Trưng Trắc.
6 Hải sản khô – Bình Thuận
Hải sản khô trên thị trường thì rất nhiều nhưng để có chất lượng và vị ngon ngọt nguyên chất thì hãy đến với vùng biển Bình Thuận. Nơi được thiên nhiên ban tặng cho vùng biển này nhiều loại hải sản với đặc thù vùng nước mặn, mang lại cái chất riêng của hải sản nơi này.

Với vị trí ven biển cùng nhiều bãi biển đẹp, không lạ gì khi Bình Thuận có nhiều món đặc sản cá khô dủ loại chẳng hạn như cá thu, cá basa, khô cá đuối, cá chỉ vàng, cá bò, v.v. Những loại cá này thường được người dân phơi khô theo phương pháp thủ công nên hương vị mặn của muối ở từng lát thịt rất đậm đà, khác hoàn toàn với những loại khô làm bằng máy móc đấy!
Bên cạnh đó, còn có khá nhiều loại khô cá được tẩm ướp với nhiều gia vị khác nhau để tạo nên hương vị thơm ngon hấp dẫn. Chẳng hạn như khô cá rim me, cá rim nước mắm,… những món này đều có vị khá lạ miệng khó có thể chối từ được. Chắc chắn món cá khô này sẽ là lựa chọn rất thích hợp để bạn mua về làm quà đấy.
7 Tranh cát Phi Long – Bình Thuận
Những ai đã đến và du lịch Phan Thiết một lần không thể không ghé qua cơ sở làm tranh cát Phi Long một lần. Bởi đây đã trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn nhiều du khách.

Cơ sở làm tranh cát nghệ thuật Phi Long nằm ở 444 đường Thủ Khoa Huân, phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đến với nơi đây, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên với những bức tranh cát đẹp mắt với nhiều chủ đề khách nhau.
Đến với tranh cát Phi Long, các du khách sẽ ngắm nhìn những bức tranh được tạo ra từ những đôi bàn tay đầy nghị lực của những người khuyết tật tại đây. Gắn với từng bức tranh là những mồ hôi, công sức của chàng trai khiếm thính Đỗ Đặng Phi Long. Với niềm đam mê với cát anh đã tạo ra nhiều bức tranh cát nghệ thuật đẹp mắt. Không những thế, anh còn mở lớp dạy học giúp đỡ những người khuyết tật giống như mình. Nơi đây được coi như là một mái ấm tình thương giúp hàng trăm người khuyết tất có thể chia sẻ những khó khăn với nhau, vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

Trong nhiều năm qua, từ một lớp dạy vẽ tranh cát đơn thuần, tranh thành một công ty và được nhiều khách du lịch Phan Thiết biết đến. Những tác phẩm tranh cát nghệ thuật tại đây đều rất đẹp và sống động chất chứa tình yêu quê hương, đất nước. Từng bức tranh cát Phi Long đều được vẽ một cách tỉ mỉ và tinh tế từ những bàn tay của những người khuyết tật nơi đây. Ngày nay, với sự đam mê lớn mạnh không ngừng xưởng tranh cát Phan Thiết này đã trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Vì thế, nếu bạn đang có kế hoạch muốn đi du lịch Phan Thiết thì tranh cát Phi Long là một trong những điểm đến bạn không nên bỏ qua.
Ngày nay, tranh cát Phan Thiết được rất nhiều người biết đến và thường chọn làm quà lưu niệm mỗi chuyến đi du lịch Phan Thiết. Tùy theo từng đối tượng mà bạn có thể đặt vẽ một bức tranh cát Phi Long cho phù hợp. Việc chọn tranh cát giống như giúp bạn lưu giữ lại những kỉ niêm khi đến Phan Thiết. Đồng thời, nó cũng giống lời tôn trọng, gắn kết và thể hiện tình cảm thay cho lời nói gửi tới người được tặng.

Những bức tranh cát nghệ thuật tại đây đều được vẽ rất sống động và bắt mắt. Đối với người cao tuổi bạn có thể lựa chọn tranh thư pháp làm quà tặng, rất ý nghĩa. Thế nhưng, đối với những người thích khám phá yêu thích cái đẹp thì khi đi du lịch Phan Thiết bạn có thể lựa chọn những bức tranh cát phong cảnh. Vừa có thể trưng bày trong phòng làm việc, vừa gợi nhớ chút kí ức về chuyến đi.
Vậy nếu bạn đang đang tìm kiếm cho bạn bè, người thân một món quá vô cùng ý nghĩa khi đi du lịch Phan Thiết thì tranh cát Phi Long sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo của bạn. Bởi nơi đây là một trong những xưởng làm tranh cát Phan Thiết nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm.
8 Các món quà lưu niệm từ biển – Bình Thuận
Ngày nay, du lịch ở Bình Thuận mọi người có xu hướng mua đồ lưu niệm mang giá trị về mặt tinh thần nhiều hơn cho người thân yêu của mình, chứ không quan tâm nó có giá trị nhỏ hay lớn. Ví dụ như: Cha mẹ muốn thưởng quà cho con cái, bạn bè muốn mang đến niềm vui cho nhau, đôi lứa muốn tạo bất ngờ cho nửa kia của mình.

Nếu không muốn mang vác nhiều thì đơn giản nhất chính là các sản phẩm lưu niệm từ biển. Vỏ sò, vỏ ốc được người dân tận dụng để chế tác thành các sản phẩm độc đáo như chuông gió, vòng tay, móc khóa, giỏ xách,… Hơn nữa giá thành của những món này lại cũng rất hợp túi tiền.

Tuy nhiên để tạo ra được một sản phẩm ốc mỹ nghệ hoàn chỉnh, thực sự không phải là điều dễ dàng, vì phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Làm sạch, đánh bóng, cắt, lắp ráp theo mẫu, phun keo thành phẩm. Mỗi khâu đều cần sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận của nguời thợ. Để làm ra một sản phẫm mỹ nghệ từ vỏ ốc quan trọng nhất là ý tưởng và sự sáng tạo thật độc đáo, mới lạ, có như vậy sản phẩm mới được khách hàng đón nhận.
Bên cạnh đó, hàng lưu niệm ở đây cũng khá đa dạng về chủng loại. Đáp ứng thị hiếu của tuổi teen với những món quà lưu niệm nhỏ xinh, độc đáo… đối tượng dân công sở với nhiều mặt hàng đa dạng như túi xách, ví, dây lưng,… rất tinh tế ; cao cấp hơn có các shop chuyên làm hàng lưu niệm chuyên phục vụ khách du lịch nước ngoài với chất lượng rất tốt mà giá cả cũng phải chăng. Nhưng tất cả đều chung một tiêu chí “độc” và “lạ”.
Những sản phẩm mỹ nghệ được hoàn thành nhờ tận dụng từ phế phẩm của biển đã giúp cho những người yêu thích cái đẹp được sở hữu những món đồ đẹp mắt, độc đáo và thú vị, góp phần mang lại một nét đặc trưng cho các mặt hàng du lịch ở Bình Thuận, khiến cho du khách thêm lưu luyến mỗi khi nhớ về du lịch nơi này.
Hy vọng với danh sách đặc sản Bình Thuận mà chúng tôi đã gợi ý, bạn đã biết được đi du lịch Bình Thuận mua gì về làm quà ý nghĩa cho bạn bè, người thân rồi đó. Hy vọng với bài viết chia sẻ ở trên, thì các bạn hãy ghi thêm vào danh sách đặc sản – quà lưu niệm du lịch bình Thuận để du lịch tha hồ mà chọn quà mua tặng cho bạn bè, người thân nhé!