Huế chính là một trong ba vùng du lịch lớn nhất của Việt Nam. Với rất nhiều những danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử quốc gia cùng với một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc. Mỗi năm du lịch Huế thu hút hàng triệu lượt khách du lịch không chỉ trong nước mà cả khách quốc tế. Đặc sản Huế thì có rất nhiều tuy nhiên để chọn ra những món đặc trưng nhất để mua về làm quà thì không phải ai cũng biết. Nếu bạn còn đang loay hoay tìm hiểu Du lịch Huế mua gì về làm quà? Dưới đây là một vài gợi ý để giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn các đặc sản Huế làm quà, cùng tham khảo nhé.
1 Bánh ép – Huế
Bánh ép là đặc sản không thể bỏ qua nếu có dịp thăm cố đô. Món ăn này có nhiều cách chế biến đa dạng nhờ sự sáng tạo của người bán. Bánh được làm từ những nguyên liệu dân dã là thịt heo, trứng, hành lá… , bột lọc.

Trước khi ép, nghệ nhân đã viên sẵn bánh thành từng cục bột nhỏ, phía trên điểm thêm một ít thịt lợn rim, ớt và hành lá. Sau khi khách gọi món, cục bột được chủ quán đặt vào giữa hai tấm gang nóng đỏ rực đã được bôi dầu, đóng lại và dùng hai tay ép khuôn thật chặt trong khoảng 5 – 6 giây. Tiếp đó, họ mở khuôn ra, thêm 1 quả trứng cút sống rồi tiếp tục ép lần 2 trong khoảng vài giây nữa. Trong quá trình ép bánh, chủ quán sẽ lật tấm gang khoảng 2 – 3 lần để bánh được chín đều.
Chiếc bánh ép Huế nhỏ nhưng có vị béo ngậy, dai của bánh, chua giòn rau củ, mùi thơm của hành lá, thịt, trứng, mùi dậy của hải sản mực tôm cá… tất cả làm nên một món ăn trứ danh đất Cố Đô! Loại bánh này dòn rụm, ăn chơi rất nghiện. Mỗi người có thể ăn rất nhiều cái như một món đồ ăn vặt.
Món ăn này được xem là món ăn tuổi thơ đối với nhiều người Huế trong thế hệ 8x trở về sau, bởi nhiều học sinh, sinh viên thường lựa chọn bánh ép làm món ăn vặt mỗi khi chiều về vì giá thành rẻ. Trước đây, bánh truyền thống chỉ có bột lọc, trứng, ăn kèm rau sống và mắm ngọt. Tuy nhiên với sự biến tấu đa dạng ở thời nay món bánh ép Huế đã có thêm nhiều loại nhân ăn kèm như thịt, tôm, pate, xúc xích… tùy khẩu vị.
2 Đặc sản tôm chua – Huế
Huế là vùng đất được thiên nhiên ưu ái với nhiều biển cả, đầm phá. Một trong những đặc sản mà người dân nơi đây tận dụng điều kiện thiên nhiên thuận lợi đó để chế biến là mắm tôm chua.

Mắm tôm chua có hương vị pha trộn giữa sự tươi ngon, mát lành của tôm, sự dẻo thơm của cơm nếp, vị cay, màu vàng đỏ nhạt của các gia vị như măng, riêng, tỏi,… Vì thế mà khi ăn, mắm tôm chua có đủ các vị từ chua, cay, ngọt, bùi,… và có thể ăn kèm, dùng chung với rất nhiều món ăn, hoặc chỉ ăn với cơm trắng thôi cũng đã rất hao cơm rồi đó. Đây cũng là đặc sản mà các chị, các bà thường mua về sử dụng và làm quà.
Mắm tôm chua thường xuất hiện trong những bữa ăn gia đình tại Huế. Tùy vào từng mùa mà tôm dùng để chế biến cũng khác nhau, nhưng nhìn chung, loại tôm được lựa chọn rất kỹ càng, phải có màu đỏ đậm, còn tươi sống và kích thước vừa. Để làm ra mắm tôm chua cũng rất kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo của người làm, bởi, tôm phải được làm sạch, cắt đi những phần thừa, khử mùi tanh rồi tráng hoặc ngâm tiếp trong rượu trắng để tham gia vào quá trình lên men, giúp tôm mau chín và tăng mùi thơm của mắm, cho đến khi con tôm ửng đỏ và bay mùi rượu thì vớt ra để ráo.
Sau đó, tôm được trộn chung với hỗn hợp gồm cơm hoặc cơm nếp, măng vòi (phần non), tỏi xắt lát mỏng, củ riềng gọt bỏ phần vỏ rồi xắt rối hoặc thái chỉ, ớt trái xắt lát dài (hoặc xắt sợi), muối, một ít ớt bột Huế theo tỷ lệ vừa phải. Trong quá trình lên men, tôm sẽ tự tiết ra chất nước, hòa cùng với cơm hoặc cơm nếp để trở thành hỗn hợp mắm tôm chua dần trở nên sền sệt, chuyển màu và có mùi thơm.
Tôm chua là một loại mắm nêm nên để hương vị của nó ngon và thắm vị nhất thì nên dùng chung với thịt ba chỉ heo luộc thái mỏng và một ít đồ ăn kèm như: rau sống, dưa chuột, xoài,… (món bánh tráng cuốn thịt heo). Hoặc, đơn giản là ăn kèm với cơm nóng, bún. Tất cả đều rất đậm vị và thể hiện rõ tâm tình và sự tinh tế của người dân xứ Huế.
3 Mắm sò Lăng Cô – Huế
Ngoài mắm tôm chua thì một loại mắm nêm nữa được nhiều du khách yêu thích là mắm sò Lăng Cô. Để chế biến ra mắm sò thơm ngon thì đòi hỏi người bắt sò phải có sự bền bỉ, kiên trì (sò dễ bắt nhưng lâu và phải tùy thời điểm) và người làm phải có sự tỉ mẩn và đặt trọn cái tâm, công sức vào trong đó.

Sò được lựa chọn để làm nguyên liệu là những con sò tươi, chắc chắn, rồi tách được vỏ ra và rửa thật sạch các tạp chất bên trong. Sò sẽ được giã mịn với muối hột theo tỷ lệ nhất định, sau đó trộn với ớt bột và riềng xắt nhỏ. Trong vòng khoảng 8 – 10 ngày, khi sò đã nổi lên trên và phần nước chuyển sang màu đục như màu mắm, tức là mắm đã chín và bạn có thể thưởng thức nó thật ngon lành.
Cũng giống như mắm tôm chua, mắm sò có thể ăn kèm với bún, cơm nóng dẻo. Hoặc, để ăn trọn hương vị thơm ngon nhất của nó có lẽ là dùng để chấm món bánh tráng cuốn thịt heo – một sự kết hợp hoàn hảo của vị dai, thơm của sò, vị mặn của mắm, vị chua của khế và vị béo của thịt ba chỉ. Nếu có dịp đến Huế thì bạn đừng quên mua mắm sò về cho gia đình và bạn bè mình thưởng thức nhé.
4 Trà Đình Viên – Huế
Bạn đang tìm món quà tặng đặc sản Huế gì mới lạ để mang về làm quà cho người thân hay bạn bè hãy xem qua sản phẩm Trà Đình Viên nhé! Sản phẩm được kết hợp các loại thảo mộc khác nhau và đường mía, hương vị của các loại thảo mộc được giữ nguyên vẹn, làm nền bởi vị ngọt thanh của đường mía, mang lại trải nghiệm khá thú vị cho người thưởng thức.

Trà viên là một sản phẩm rất phù hợp để làm quà tặng du lịch bởi hội đủ nhiều yếu tố như nhỏ gọn, mẫu mã bắt mắt, có nhiều vị thảo mộc chọn lựa, dễ pha chế, chỉ cần thả một viên vào cóc (bình giữ nhiệt hay ấm) nước sôi là dùng được ngay. Trà Đình Viên uống rất tốt cho sức khỏe và đặt biệt là sản phẩm được làm từ các sản vật nổi tiếng của địa phương như gừng tiến vua, tim sen Huế, hoa Atiso đỏ, hoa đậu biếc…
Đặc biệt, các sản phẩm đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc thông qua camera trên điện thoại thông minh, để thấy rõ “bản đồ” của sản phẩm được sản xuất như thế nào giúp người dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm.
5 Trà vả – Huế
Trà vả Huế cũng là một đặc sản mua làm quà ở Huế vô cùng nổi tiếng. Loại trà này được chế biến từ quả vả 100% mà không thêm bất cứ hương liệu hay chất phụ gia nào khác. Điều này giúp trà giữ nguyên được bản chất của mình và đảm bảo an toàn sức khỏe. Trà vả còn có rất nhiều công dụng như làm giảm nguy cơ gây bệnh tim mạch, ổn định đường huyết, chữa các bệnh về hô hấp, …

Giá của món đặc sản này là khoảng 90.000 đồng/ 1 gói 150 gram. Ở Huế, thương hiệu trà vả nổi tiếng nhất là trà vả Lộc Mai. Do đó, nếu có ý định mua quà Huế làm quà cho người thân và bạn bè thì đừng bỏ qua trà vả nhé.
6 Trà Cung Đình – Huế
Trà Cung Đình Huế là một đặc sản cực kỳ tốt cho sức khỏe bởi thành phần của nó được chế biến từ hơn 16 loại thảo dược thiên nhiên: Atiso, cúc hoa, cỏ ngọt, hoài sơn, đẳng sâm, đại táo, hồng táo, hồi hoa, cam thảo bắc, hoa lài, hoa hòe, thảo quyết minh, khổ qua, kỷ tử, vối nụ, tim sen,…

Mỗi thảo dược lại có một công dụng riêng, nên khi được dùng chung với nhau đã tạo nên một Trà Cung Đình có vô số lợi ích, có thể kể đến như: giảm cao huyết áp, đau đầu, tim hồi hộp, mất ngủ; giúp tăng cường sức đề kháng, giảm cholesterol, bổ khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, mát gan, đẹp da, hết mụn. Ngoài ra, sản phẩm này còn tốt cho những người mắt yếu, tiểu đường, sỏi thận, đặc biệt rất thích hợp với phụ nữ.
Trà Cung Đình từng là một trong những ẩm thực xa hoa của Vua Chúa thời xưa. Hiện nay, người ta thưởng trà như một nét đặc trưng, một trải nghiệm mới mẻ ở thành phố Huế. Trà Cung Đình được phân làm nhiều loại: Loại dùng chung trong gia đình G8, G9, G10; Loại dùng cho cá nhân; Loại dùng cho phái nữ (trà cung đình Quý Phi); Loại dùng cho phái nam (trà cung đình Minh Mạng) và Trà Mẫu Hậu. Bạn có thể thưởng thức trà nóng, hoặc lạnh, tùy vào sở thích mỗi người nhưng chắc chắn là, dùng bằng cách nào thì nó cũng sẽ mang đến bạn một mùi vị cực kỳ thơm ngon và bổ dưỡng.
7 Mè Xửng – Huế
Nhắc đến đặc sản Huế người ta sẽ nghĩ ngay đến mè xửng, một sản phẩm truyền thống vô cùng nổi tiếng của vùng đất cố đô. Ở xứ Thần Kinh này, mè xửng xuất hiện trong mọi dịp, từ những ngày quan trọng như cưới hỏi, lễ hội cho đến những giây phút đời thường nhất. Đặc biệt với hương vị thơm ngon và dễ ăn, từ người già cho đến trẻ nhỏ hầu như ai ai cũng thích món ăn này.

Mè xửng ở Huế khá đa dạng và phong phú với đủ thương hiệu như: mè xửng Thiên Hương, mè xửng Song Hỷ, mè xửng Thông Hương, mè xửng Song Nhân, mè xửng Hồng Thuận,… Tùy vào từng loại, thương hiệu và khối lượng mà mức giá mè xửng sẽ có sự khác nhau, nhưng nhìn chung nó chỉ dao động trong khoảng 15k – 25k/gói.
Vì là thức quà đặc sản của Huế nên mè xửng được bán rất phổ biến và có ở hầu hết mọi nơi. Để mua du khách có thể ghé vào các quầy hàng bánh kẹo ở chợ, các cửa hàng tạp hóa, gian hàng ở siêu thị, cửa hàng đặc sản Huế hoặc đến trực tiếp tại xưởng nhé!
8 Kẹo cau – Huế
Sở dĩ người Huế gọi là kẹo cau là bởi vì nó có hình dạng giống như múi cau, nên gọi là kẹo cau. Tuổi thơ của nhiều người con Huế chắc không thể quên được món kẹo đã một thời gắn bó, là món kẹo dân dã của trẻ em cố đô. Trong khi phần kẹo màu vàng là do đường đông đặc lại, giống như phần nhân cau, thì phần vỏ ở ngoài lại được làm từ hỗn hợp của bột gạo và đường, tượng trưng cho phần vỏ cau.

Khi thưởng thức, chỉ cần cho kẹo vào miệng là tự khắc kẹo sẽ tan ra. Hương vị ngọt thanh của đường cùng vị bùi của bột như tan vào nhau, như khơi dậy bao nhiêu giác quan. Đặc biệt, người lớn tuổi ở Huế thường có sở thích uống trà trong khi ngậm kẹo cau, cảm giác rất thú vị. Trước đây, kẹo được các mệ, các o gói trong lá chuối khô hoặc giấy báo, rồi bán cho lũ trẻ con trong làng. Nhưng giờ đây, chúng được bọc trong những chiếc túi nilon và xuất đi nhiều nơi.
9 Bánh đậu xanh trái cây – Huế
Cũng giống như chè cung đình, trà cung đình thì bánh đậu xanh trái cây vốn là món ăn chỉ được sử dụng trong các bữa yến tiệc của vua chúa ngày xưa. Giờ đây, món bánh này đã trở thành đặc sản Huế, được du khách gần xa mua về làm quà cho các em nhỏ. một phiên bản của những loại trái cây thu nhỏ, chắc hẳn sẽ không thể nào không khiến bạn phải mê mẩn, xuýt xoa nó.

Vốn là một món ăn quý tộc, nhưng bánh đậu xanh trái cây lại được tạo nên một cách cực kỳ đơn giản. Chỉ là những nguyên liệu dễ tìm như đậu xanh, bột rau câu cùng với một ít bột rau củ để tạo màu. Sau khi đem đậu xanh đãi vỏ, đem hấp cho chín, xay nhuyễn mịn thì người nghệ nhân sẽ tận dụng những màu sắc từ trong thiên nhiên để tạo màu cho bánh. Màu tím từ củ dền, màu xanh từ lá dứa, màu cam từ cà rốt, màu vàng từ nghệ. Tùy vào sự sáng tạo của mình mà các nghệ nhân sẽ tạo hình cho bánh thành những loại trái cây nổi tiếng của xứ Huế như là măng cụt, xoài, lựu, đào, ớt, khế,…
10 Nem chua – Huế
Nếu như nem chua đã là một món ăn phổ biến ở các tỉnh thành khác thì nem chua Huế lại có một hương vị rất đặc trưng. Vị nem chua rất đậm đà, có vị cay nhiều bởi người Huế có sở thích ăn cay, vì thế mà nem cũng được làm cay hơn bình thường. Và đặc biệt hơn, không phải gói bằng lá ổi hay nilon như nem chua Thanh Hóa hay nem Bình Định, mà nem Huế thường sử dụng lá dong và lá chuối.

Nguyên liệu làm nem chua Huế gồm thịt nạc, da heo, tỏi ớt, gia vị, đường phèn. Sau khi xay nhuyễn, kèm thêm một lát tỏi, ớt và tiêu vào thì gói lại bằng lá dòng, ở bên ngoài thêm một lớp lá chuối. Đợi 2-3 ngày thì nem chín, khi ấy nem có màu hồng nhạt, có vị chua thơm của thịt cùng với vị cay của ớt, tỏi. Khi nem chín phải ăn ngay, để tủ lạnh có thể trữ đến 3-4 ngày nhưng không nên để quá lâu nem sẽ bị chua.
Nem Huế được bán rất phổ biến ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên để mua được loại nem chính hiệu thì du khách nên đến đường Đào Duy Từ, góc giao lưu múi cầu và cửa Đông Ba, nơi nổi tiếng với nghề làm nem tré lâu năm của cố đô Huế.
11 Tré – Huế
Không chỉ là gợi ý hoàn hảo cho câu hỏi đến Huế ăn gì, tré Huế còn là một lựa chọn làm quà mang về vô cùng hoàn hảo. Bởi nếu nem là món ăn của nhiều vùng miền thì tré lại là đặc sản riêng có của người Huế. Tré cũng được làm từ các nguyên liệu có nguồn gốc của động vật là thịt, da của bò hoặc lợn cùng riềng thái nhỏ, tỏi, ớt cùng các gia vị cần thiết. Việc làm tré cũng khá phức tạp vì nó đòi hỏi người làm phải thật công phu và tỉ mỉ ngay từ khâu chuẩn bị cho đến nêm nếm gia vị.

Trước đây tré thường gói bằng nhiều lớp lá chuối nhưng bây giờ nó có thể được gói trong các bọc nilon hoặc hộp nhựa để dễ vận chuyển hơn. Lọn tré sau khi bóc ra thường có màu đỏ hồng hoặc hơi ngả trắng tùy từng cách nêm nếm gia vị. Tuy nhiên hầu hết tré Huế đều có màu đỏ đặc trưng của ớt bột pha chút màu vàng nhạt của riềng và thính giã nhỏ. Tré khi ăn có vị cay cay của ớt, hắt nồng của riềng, chút thơm thơm của thính, dai dai của thịt và da heo vô cùng hấp dẫn.
12 Mắm ruốc – Huế
Nếu như ở thành phố du lịch Đà Nẵng nổi tiếng với mắm nêm, mắm cái, miền Tây có mắm cá linh, cá sặc thì ở Huế đặc sản là mắm ruốc. Đây chính là gia vị tạo nên nét riêng cho các món ăn xứ Huế, bạn có thể thấy hương vị của mắm ruốc luôn thoang thoảng trong những món ăn như bún bò, cơm hến, canh rau. Hay đơn giản là người Huế cũng dùng ruốc như một loại nước chấm rất đỗi quen thuộc trong những bữa ăn hằng ngày.

Vì người Huế thường tận dụng ruốc trong khi nấu, nên vì thế mà ẩm thức ở vùng này bao giờ cũng đậm đà và đặc biệt hơn những nơi khác. Hương thơm ngào ngạt và có phần nồng của mắm ruốc, vì thế mà có bao người mê mẩn, cũng có người ăn không quen. Để tạo nên mắm ruốc, người dân ở đây sử dụng nguyên liệu chính là con ruốc biển, hay con khuyết, đem ướp với muối theo một tỉ lệ riêng. Sau đó, đem ủ đợi cho ruốc lên men, tầm 10 ngày là ăn được.
Mắm ruốc Bà Duệ, mắm ruốc Cô Ri, mắm ruốc Sông Hương là những thương hiệu mắm ruốc ngon, được nhiều người yêu mến nhất.
13 Rượu Cung Đình Nhất Dạ Đế Vương – Huế
Rượu cung đình Huế Nhất Dạ Đế Vương có giá khá cao nhưng “đắt xắt ra miếng” bởi đây được xem như một loại thuốc quý, đặc biệt dành cho quý ông, quý bà, hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, yếu sinh lý, nhức mỏi, bồi bổ khí huyết, tráng dương, bổ thận, tăng cường sinh lực.

Rượu cung đình Huế có 2 loại là: Liên hoa huyết tửu và Hoàng triều ngự tửu – đều được chế biến cầu kỳ, công phu và phục chế lại theo công thức và toa thuốc được ghi chép bởi Thái Y Viện Triều Nguyễn. Rượu Cung Đình Huế Nhất Dạ Đế Vương được chế biến từ gạo lứt đỏ làng Chuồn ngâm với thang thuốc Minh Mạng Thang.
Rượu Minh Mạng (Minh Mạng Thang) chỉ có ở Huế và là món quà ý nghĩa để du khách biếu, tặng cho người thân sau chuyến trở về từ Huế.
14 Dầu tràm – Huế
Rất nhiều người mải miết nghĩ đến các món ngon đặc sản ở Huế mà quên mất rằng xứ này dầu tràm cũng là một vật lạ. Với những vị khách đi từ Đà Nẵng đến Huế, qua khu vực đều Hải Vân, đều Phước Tượng sẽ thấy người Huế có cả một nghề hẳn hoi, đó là nghề sản xuất dầu tràm. Dầu tràm là loại dầu được chiết xuất từ cây tràm, được trồng rất nhiều ở Huế, nó khác với dấu gió vì không mang tính nóng.

Dầu tràm không bỏng rát, vì thế không chỉ được sử dụng cho người lớn mà còn rất tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Đối với trẻ thì giúp giữ ấm, chống gió độc, trị cảm cúm, sổ mũi, đuổi muỗi, còn với bà bầu, sau khi sinh thì trị cảm, trị nhức xương khớp, các vết côn trùng cắn. Theo kinh nghiệm mua tinh dầu tràm Huế, thì loại thứ thiệt luôn có màu xanh trong, không tan trong nước, thấm ngay vào da không để lại nhờn rít.
15 Phấn nụ hoàng cung – Huế
Du lịch Huế mua gì về làm quà cho mẹ, cho bạn gái? Hãy chọn phấn nụ hoàng cung nhé, một loại phấn có hình hệt như một bông hoa rất đẹp mắt, mà lại được làm từ cao lanh hảo hạng cùng 10 vị thuốc bắc, không chứa chất độc hại, có tác dụng làm mát da và dưỡng da vô cùng to lớn.

Phấn nụ hoàng cung là món mỹ phẩm mà chỉ hoàng hậu, phi tần trong cung đình Huế thời xưa mới được sử dụng, nên nó rất quý hiếm và không phải ai cũng có được công thức để làm ra nó.
16 Hạt sen – Huế
Nếu chưa biết nên đi du lịch Huế mùa nào tháng mấy, ở mấy ngày bạn có thể đến Huế vào tháng 5, vì đây là tháng đầu tiên trong chuỗi mùa du lịch cao điểm ở Huế. Lúc này, không khí ở Huế không chỉ nhộn nhịp hẳn, các khu du lịch, sự kiện cũng nhiều hơn. Đặc biệt, tháng 5 cũng là tháng thu hoạch sen ở Huế, những hạt sen tươi như thế này để nấu chè hay làm thuốc cũng rất tốt cho việc điều trị chứng mất ngủ, giúp an thần, chống suy nhược cơ thể.

Dù không to như sen Đồng Tháp hay sen Hưng Yên, sen Huế nhỏ nhưng lại hạt nào hạt nấy chắc đều, có màu trắng đục và thoảng lên mùi rất là dễ chịu. Khi nấu chè, hạt không bị hát, ăn vào cảm nhận vị bùi bùi, dẻo dẻo lại ngọt thanh, đúng chất sen xứ Huế. Bạn có thể mua sen tươi hoặc sen khô. Sen tươi không qua sấy khô, vì thế giữ gần nguyên vẹn hàm lượng chất dinh dưỡng, thích hợp để nấu chè, cháo, sữa hoặc là sôi.
17 Bưởi Thanh Trà – Huế
Bưởi Thanh Trà là một giống bưởi rất nổi tiếng ở Huế, cũng là một đặc sản Huế rất nổi tiếng, để mang về làm quà thì quá là hợp ý. Trước đây, bưởi Thanh Trà cũng được biết đến là “của ngon vật lạ” để tiến vua, vì thế mà nó cũng trở thành một nét biểu trưng cho ẩm thực cố đô. Và chỉ có vùng đất phù sa nằm dọc ở bờ sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu mới cho ra những quả bưởi ngọt thanh, sai quả như thế này.

Mùa bưởi Thanh Trà thường sẽ bắt đầu chín vào mùa thu, khoảng tháng 7 âm lịch và chỉ nở rộ trong khoảng 2 tháng. Vì vậy, nếu như du lịch Huế vào những thời điểm khác trong năm bạn sẽ không thể mua đúng loại bưởi Thanh Trà xứ Huế về làm quà.
18 Tranh thêu tay – Huế
Khi xã hội ngày càng phát triển, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, cũng là lúc các làng nghề thủ công dần mất đi vị thế vốn có. Nghề thêu tranh thủ công cũng là một trong số đó. Mua một bức tranh thêu kết tinh từ những thứ giản dị mà giàu nghệ thuật, vừa để trang trí nhà, vừa là cách ủng hộ, giữ gìn nghề truyền thống của người dân nước mình từ thời xa xưa.

Huế là nơi gốc, rễ của nghề thêu tranh, và để đạt được bức tranh có sự tinh tế và mang yếu tố mỹ thuật cao thì các nghệ nhân phải thật sự dày dặn kinh nghiệm và cực kỳ tài hoa. Tranh thêu được “vẽ” từ kim và những sợi chỉ màu sắc nên mỗi tác phẩm không chỉ là nghệ thuật mà còn chứa đựng sự tỉ mỉ và tâm hồn giản dị của những người thợ thêu.
19 Áo dài hoặc vải áo dài – Huế
Phải khẳng định rằng áo dài Huế mang nét đẹp riêng của Huế. “Áo nàng như nước sông Hương. Thơm sen hồ Tịnh mát đường Kim Long” (Là tà áo em – Nguyệt Đình). Huế nổi tiếng bởi may áo dài nhanh, đẹp và độc đáo chính vì vậy chiếc áo dài thêu may tinh tế, sắc sảo trở thành món quà cho du khách gần xa khi đến Huế. Nếu muốn tặng một món quà độc đáo hoặc lưu giữ kỉ niệm Huế các bạn cũng có thể mua vải áo dài về làm quà. Vải áo dài Huế kiểu dáng hết sức đa dạng, trên nhiều chất liệu, giá cả cực kì phải chăng nên đây là lựa chọn thông minh cho nhiều người.

Còn nếu có một sản phẩm áo dài may tinh tế, nhanh thì bạn có thể may trực tiếp ở các nhà may uy tín, chất lượng như:
- Nhà may, shop vải Trương Anh Hào: địa chỉ 61 – Bến Nghé – Tp Huế
- Nhà may Minh Tân: 57 Nguyễn Sinh Cung – Tp Huế
- Doanh nghiệp tư nhân dệt may Đoan Trang: 02 Kiệt – 56 Bạch Đằng – Tp Huế
- Áo dài Huế Bích Thủy: 15 Chu Văn An – Tp Huế
Và nhiều địa chỉ may uy tín khác, trước khi may khách hãy chọn những cơ sở uy tín để có sản phẩm đẹp và chất lượng cho mình. Một chiếc áo dài may ở đây có giá khoảng 250.000 – 700.000 đồng tùy kiểu dáng và chất liệu.
20 Nón bài thơ – Huế
Khi nói về Huế mộng mơ người ta thường nhớ đến hình ảnh của cô thiếu nữ trong tà áo dài màu tím, trên tay là chiếc nón bài thơ duyên dáng. Ở Huế, nón bài thơ không chỉ là vật che mưa che nắng, mà nó còn là biểu tượng cho con người, văn hóa và cả truyền thống của vùng đất này.

Nón bài thơ ở Huế có rất nhiều kiểu dáng và kiểu trang trí khác nhau. Nhưng nhìn chung chúng đều có một điểm chung đó chính là sự thanh thoát, nhẹ nhàng giống như nét dịu dàng của người con gái Huế. Nếu có cơ hội đến đây đừng quên sắm cho mình những chiếc nón xinh đẹp và mang về làm quà cho bạn bè, người thân nhé!
Bạn có thể đến làng Tây Hồ nổi tiếng bên dòng sông Như Ý để tìm mua, tìm hiểu về cách làm nón lá cũng như nhìn ngắm bức tranh sinh hoạt bình dị của người dân địa phương. Người ta thường sử dụng nón lá để che mưa, che nắng, làm quà, chụp ảnh, hoặc đơn giản là phụ kiện đi kèm với những tà áo dài thướt tha. Ngoài ra, nón lá bài thơ thường được bày bán rất nhiều ở những lễ hội lớn của Huế.
Mong rằng với những thông tin tư vấn ở trên, có thể giúp bạn giải đáp được thắc mắc du lịch Huế nên mua gì làm quà? Ngoài ra, để có thêm thông tin cho chuyến đi các bạn có thể tham khảo thêm: Ăn gì khi đến Huế, Huế có gì chơi & Huế Có lễ hội gì. Hãy lưu lại vào sổ tay du lịch của mình để có thêm nhiều lựa chọn hơn khi du lịch đến Huế nhé! Chúc bạn có chuyến đi thật vui vẻ và ý nghĩa!