Hà Giang là một tỉnh biên giới phía Bắc tổ quốc Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng. Không chỉ thế Hà Giang cũng là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch với phong cảnh hùng vĩ cùng với những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, những cánh đồng hoa tam giác mạch phủ tím những quả đồi hòa quyện với bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao là những điều thu hút du khách khắp nơi đến với Hà Giang. Hà Giang có gì chơi? Dưới đây là danh sách những điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang, khi tới đây bạn đừng nên bỏ lỡ những điểm du lịch hấp dẫn này nhé.
Cột cờ Lũng Cú – Hà Giang
Kỳ quan thứ ba là Cột cờ Lũng Cú – “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”. Nói cách khác, nơi đây chính là điểm du lịch ở Hà Giang nơi mà bất kỳ ai là con lạc cháu hồng đều muốn được chinh phục một lần điểm cực Bắc thiêng liêng.
Quãng đường 1,5 cây số lên cột cờ Lũng Cú, vượt qua 389 bậc thang đá và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, ta sẽ đặt chân được tới đỉnh cột cờ Lũng Cú, Hà Giang – điểm cực bắc của Tổ quốc. Nơi có lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2, ẩn dụ của 54 dân tộc anh em, phần phật tung bay trong gió. Trải qua lịch sử thăng trầm, qua thời gian bồi lấp, cho đến ngày nay, cột cờ Lũng Cú vẫn là một địa điểm du lịch Hà Giang thiêng liêng.
Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang
Cao nguyên đá Đồng Văn (hay sơn nguyên Đồng Văn) là một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, Việt Nam.
Ngày 3 tháng 10 năm 2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Trước năm 2018, đây là địa danh duy nhất của Việt Nam đạt được danh hiệu này. Sau đó lần lượt Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng được công nhận năm 2018, Công viên Địa chất Đắk Nông được công nhận năm 2020.
Cao nguyên đá Đồng Văn còn là nơi có cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo và lưu dấu nền văn hóa hết sức độc đáo của các dân tộc H’Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao. Nơi đây cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, núi Đôi Quản Bạ v.v.
Phố cổ Đồng Văn – Hà Giang
Khu phố cổ nằm ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn nhỏ bé, lọt thỏm giữa bốn bề núi đá bao bọc xung quanh. Chỉ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá cũng làm cho phố cổ trở nên rộn ràng và kỳ ảo. Với kiến trúc cổ, hầu hết các căn nhà vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ từ nhiều năm trước. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm rõ nét về đời sống hàng ngày của người dân tộc thiểu số rất ấn tượng.
Lưu giữ ở đây là những ngôi nhà tường trình đã từ nhiều đời nay của người dân thị trấn Đồng Văn. Chỉ khoảng 30 – 40 mái nhà đặt cạnh khu chợ Đồng Văn đã tạo nên một điểm tụ tập nhộn nhịp mang đến cảm giác ấm cũng và gần gũi cho du khách. Khu phố vừa mang nét kiến trúc của người Hoa khi họ từ phương Bắc du nhập nước ta, vừa mang hơi hướng của Pháp là những ngôi nhà bằng gạch thời kì Pháp đô hộ Việt Nam.
Nếu tới phố cổ vào tối 14,15,16 âm lịch hàng tháng bạn sẽ thấy một phố cổ rất khác với đèn lồng đỏ, ngoài ra còn có một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc vô cùng vui nhộn. Sáng sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.
Từ trên cao nhìn xuống, bên ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường. Sáng sớm, ngồi dưới một mái nhà nhỏ, thưởng thức ly cà phê nóng giữa miền sơn cước là một trải nghiệm thú vị vô cùng.
Vườn Quốc Gia Du Già – Hà Giang
Đây là một điểm đến tương đối hấp dẫn nhưng không nhiều người biết đến do đường xá đi lại hơi khó khăn. Trước kia, mỗi khi trời mưa thì tuyến đường này gần như thuộc dạng ác mộng với các bạn thích du lịch bụi. Sau này, cùng với sự phát triển của du lịch, đường vào Du Già đã tương đối dễ đi hơn nhiều, hầu hết các phương tiện đều có thể di chuyển tới đây.
Du Già với những cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ tốt, nằm trong quần thể Vườn quốc gia Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn; hệ sinh thái động, thực vật lên tới hàng nghìn loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm được bảo tồn. Nơi đây cũng có những thửa ruộng bậc thang và những dãy núi đá hùng vĩ, kiến tạo địa chất đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Thung lũng Sủng Là – Hà Giang
Sủng Là được biết đến như một trong những địa điểm du lịch Hà Giang nổi tiếng với các vườn hoa khoe sắc. Thung lũng Sủng là được mệnh danh là bông hoa giữa cao nguyên đá, Sủng Là cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, yên bình của những mái nhà tường trình nhỏ nhắn, những ruộng ngô xanh mướt, những dải hoa tam giác mạch dịu dàng.
Khung cảnh của Sủng Là là nét đẹp đặc trưng của miền sơn cước. Trong thung lũng Sủng Là có làng Lũng Cẩm, nơi mà cuộc sống vẫn còn nguyên vẹn bản sắc như: đeo gùi đi lấy rau, địu con, dệt lanh,..
Lũng Cẩm hiện là nơi cư trú của hơn 60 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Lô Lô, Mông và Hán. Trong đó, bản Lô Lô là nơi mang màu sắc mộc mạc, xưa cũ hơn cả. Nơi đây còn được biết đến bởi đã từng làm bối cảnh cho bộ phim “chuyện của Pao” trong ngôi nhà gần 100 năm tuổi. Ngôi nhà trải qua quá nhiều thăng trầm của thời gian nên vừa qua đã được tu sửa lại. Tuy vậy, ngôi nhà trăm tuổi của bản Lô Lô vẫn giữ nguyên nét đẹp mộc mạc bình dị bởi cuộc sống của người dân nơi đây.
Đến bản Lô Lô, tới “ngôi nhà của Pao” sẽ băng qua một con đường trải dài hoa tam giác mạch, vào tháng 1,2 hàng năm xung quanh nhà của Pao là hoa đào hoa mận, hoa lê,.. thấp thoáng sau tán hoa là ngôi nhà trình tường nhuốm màu của thời gian. Lối vào nhà của Pao cũng có 1 thung lũng hoa hồng rất đẹp.
Phó Bảng – Yên Minh – Hà Giang
vèo mãi từ dãy núi này sang dãy núi khác, nắng cứ nhảy nhót nơi lưng chừng trời và thung lũng thăm thẳm không một bóng người cho mãi đến khi bất ngờ Phó Bảng hiện ra bằng một thung lũng hoa hồng. Giữa cao nguyên đá trơ trụi, những bông hoa hồng tỏa hương thơm dìu dịu khiến bạn thấy bất ngờ.
Sau những dải mây hoa hồng, Phó Bảng nhỏ nhắn nằm khép mình bên những dãy núi đá tai mèo. Cả thị trấn chỉ có vài chục nóc nhà, nằm rải rác trên con đường chính và một vài nhánh nhỏ. Theo suốt dọc con đường chính, những ngôi nhà nhuốm màu sắc thời gian. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là người Mông và người Hoa.
Những ngôi nhà trình tường có tuổi đời đã hơn trăm năm, cánh cửa gỗ cũ kỹ dán những câu đối chữ Hán đã cũ màu, tường nâu rêu mốc, mái ngói âm dương. Cuộc sống giản dị trôi qua từng ngày.
Đồi thông – Yên Minh – Hà Giang
Cung đường Yên Minh dài khoảng 50km tính từ Quản Bạ đầy quanh co nhưng khung cảnh hai bên đường lại rất đẹp và thơ mộng. Nếu cứ chạy men theo Quốc lộ 4C để tới thị trấn, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy chất thơ của rừng thông Yên Minh. Nơi đây được mệnh danh là Đà Lạt của Hà Giang.
Khu rừng này trải dài trên những ngọn đồi thấp, nhìn từ xa, ngọn đồi được sương mù bao phủ, tạo nên một vẻ đẹp khó cưỡng. Khi bước vào rừng, du khách sẽ bị ấn tượng bởi sự mát mẻ, thoáng đãng và trong lành mà nơi này mang lại. Còn khi lên tới đỉnh núi, nhìn xuống phía con đường mình vừa đi qua, du khách sẽ phải ồ lên vì bất ngờ, bởi cảm giác như bạn vừa di chuyển trên một con sóng dài với những khúc cong, uốn lượn hoàn hảo.
Đến rừng thông Yên Minh, du khách có thể tự do thả mình giữa không gian bao la bạt ngàn núi đồi, ngắm nghía non nước, mấy trời. Và hơn thế nữa, bạn còn có thể lặng lẽ quan sát và thăm hỏi cuộc sống của đồng bào người Mông hiếu khách đang sinh sống bên triền dốc.
Ngoài ra, trên đường đến đây, du khách còn có thể dừng chân tại một điểm đến khá thú vị khác, đó là thảo nguyên xanh ở Lao Và Chải. Đây là một khoảng không rộng lớn với những ngọn cỏ xanh mướt. Đứng ở đây, bạn có thể thả hồn mình theo gió, khung cảnh lãng mạn và tình tứ vô cùng. Chính vì thế, thảo nguyên này đã trở thành một điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên đường lên rừng thông Yên Minh.
Hoàng Su Phì – Hà Giang
Không nổi tiếng như những vùng khác ở miền núi Tây Bắc. Nhưng những thửa ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì lại mang một vẻ đẹp rất riêng. Tới mùa gặt từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, du khách lại nườm nượp kéo đến. Ai cũng muốn một lần ngắm nhìn khung cảnh đẹp mê hồn khi lúa trên những thửa ruộng bậc thang chuyển sang màu vàng óng ả.
Tại Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang như bắc lên tận trời mây, lác đác xen giữa các thửa ruộng xanh ngắt, vàng óng là những mái nhà của đồng bào dân tộc ẩn trong lùm cây. Mỗi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, sắc mây trời quyện với khói bếp tỏa ra từ mái nhà khiến cảnh sắc nơi đây hiện lên bình yên, mộc mạc nhưng hùng vĩ tới khó tả.
Khu vực nhiều lúa nhất ở Hoàng Su Phì là: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Nậm Ty, Hồ Thầu và Thông Nguyên. Đến địa điểm du lịch này, du khách sẽ được chụp ảnh thoả thích giữa những thửa ruộng bậc thang, bạn còn được đi chợ vùng cao, thưởng thức rượu cần hấp dẫn.
Núi đôi Quản Bạ – Hà Giang
Núi Đôi Quản Bạ với hai quả núi có hình dáng tròn trịa, đầy quyến rũ, trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá. Tới đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng mà còn được nghe truyện kể về câu chuyện truyền thuyết cảm động về núi đôi này.
Dưới chân của Núi Đôi là cánh đồng lúa Quản Bạ. Cảnh sắc nơi đây thay đổi suốt bốn mùa, giống như cô Tiên thay áo: áo xanh là khi cánh đồng bắt đầu thì con gái, khi đến mùa lúa chín lại khoác lên mình một chiếc Hoàng bào đầy lộng lẫy; vào vụ cày ải là bộ nâu sồng để bắt tay vào mùa lúa mới,…nhưng cặp nhũ hoa thì lúc nào cũng thế, luôn căng tràn sự sống. Chính vì vậy mà cảnh quan khu vực Núi Đôi lúc nào cũng hút hồn các du khách gần xa.
Thác Thí – Hà Giang
Thác Thí cách trung tâm huyện Xín Mần khoảng 1,5km theo hướng tây bắc. Thác được tạo thành bởi con suối bắt nguồn từ điểm cuối cùng của dãy núi Tây Côn Lĩnh trập trùng. Đây là thác nước bốn tầng đổ từ lưng chừng núi xuống như suối tóc của các tiên nữ trong truyện cổ của đồng bào sinh sống nơi đây. Thác Thí được đánh giá là một trong những thác nước đẹp và thơ mộng nhất của Hà Giang.
Thác Thí với vẻ đẹp mong manh, uyển chuyển, được ví như một dải lụa trắng vắt hờ hững bên những cảnh rừng nguyên sinh Nà Chì của huyện Xín Mần, Hà Giang.
Đến khám phá Thác Thí, bạn không chỉ được chơi đùa dưới làn nước trong veo, mát lạnh, khám phá khu rừng nguyên sinh đầy điều thú vị và bí ẩn mà còn tậu về cho mình được những tấm ảnh check in vô cùng đẹp và long lanh nữa đấy!
Chùa Sùng Khánh – Hà Giang
Tọa lạc trên đỉnh một quả đồi nhỏ thuộc thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên cách thị trấn Vị Xuyên 11km về phía Đông Bắc và cách thành phố Hà Giang 9km về phía Tây Nam, chùa Sùng Khánh hay chùa Làng Nùng tuy khá nhỏ, chỉ với 26m² nhưng có một vị thế khá đẹp với lưng tựa vào dãy núi thấp, mặt quay về hướng Đông có cánh đồng rộng và dòng suối Thích Bích chảy qua làm yếu tố minh đường, hai phía trái, phải có hai ngọn núi theo thế rồng chầu, hổ phục, xa xa phía trước mặt là dòng sông Lô uốn mình cùng với quốc lộ 2 chạy ngang qua.
Nguyên chùa do chú của viên Phụ Đạo (tù trưởng) Nguyễn Ẩn dựng lên từ tháng Giêng năm 1356 (thời Thiệu Phong), đến tháng Tư thì hoàn thành. Tháng 3-1367, Thư Sử – Trực Phủ Tạ Thúc Ngao (hiệu Sở Khanh) vi hành qua chốn này đã được mời soạn và viết bài minh trên bia đá cho nhà chùa. Đến tháng 8-1707, quan Phó Tuần phủ đồn Hà Giang, xứ Tuyên Quang tên là Nguyễn Văn Trân đã có công vận động quên góp để đúc một quả chuông lớn. Bài minh trên quả chuông đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhân văn, nhắc nhở đồng bào các dân tộc đoàn kết, chăm lo sản xuất, giữ vững bờ cõi…
Cho đến thời gian gần đây, chùa Sùng Khánh không có tượng Phật mà chỉ có một ban thờ ở gian giữa, 2 gian hai bên dựng 2 bia đá: 1 bia thời Trần và một bia thời Lê, di vật qúy ở đây còn có quả chuông đồng. Văn bia thời Trần được dựng vào năm Đại Trị thứ mười (1367) ghi lại lịch sử xây dưng chùa. Văn bia thời Lê được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705) ghi lại việc trùng tu chùa vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 được thực hiện bởi hoàng tộc nhà Mạc lánh nạn ở Cao Bằng. Chuông đồng cao 0,9m, miệng rộng 0,67m được đúc vào năm Vĩnh Thịnh thứ ba (1707).
Cho đến thời gian gần đây, chùa Sùng Khánh không có tượng Phật mà chỉ có một ban thờ ở gian giữa, 2 gian hai bên dựng 2 bia đá: 1 bia thời Trần và một bia thời Lê, di vật qúy ở đây còn có quả chuông đồng. Văn bia thời Trần được dựng vào năm Đại Trị thứ mười (1367) ghi lại lịch sử xây dưng chùa. Văn bia thời Lê được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705) ghi lại việc trùng tu chùa vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 được thực hiện bởi hoàng tộc nhà Mạc lánh nạn ở Cao Bằng. Chuông đồng cao 0,9m, miệng rộng 0,67m được đúc vào năm Vĩnh Thịnh thứ ba (1707).
Hàng năm vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, tại chùa Sùng Khánh thường diễn ra lễ hội Lồng Tồng của người Tày để mở mùa gieo trồng mới, tạ ơn trời, đất, thần Nông, thần Phục Hy, Thành hoàng làng bản…, cầu xin cho một năm mới mưa thuận gió hòa và cuộc sống yên lành, hạnh phúc…
Bãi đá cổ Nấm Dẩn – Hà Giang
Bãi đá cổ Nấm Dẩn thuộc xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, Hà Giang nằm chênh vênh trên triền núi cao quanh năm mây phủ, khu di tích đá cổ chạm khắc các hình vẽ có cách đây cả nghìn năm. Khác với di tích đá cổ ở Sa Pa Lào Cai, bãi đá cổ Nấm Dẩn còn được ít người biết đến nhưng về mức độ tập trung của di tích và vẻ đẹp các hình vẽ cùng những điều bí ẩn quanh các phiến đá thì không kém phần hấp dẫn.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn được phát hiện vào năm 2004 bởi các nhà khoa học Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Giang. Nhiều tảng đá trầm tích lớn nằm dọc bờ suối với hình thù đa dạng và độc đáo. Bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá vẫn giữ được nguyên trạng.
Các hình khắc vẽ rất đa dạng, mang vẻ đẹp riêng. Mỗi tảng đá là một điều bí ẩn, gắn với những câu chuyện ly kỳ mang dấu ấn tín ngưỡng, thể hiện sự linh nghiệm cầu ứng các đấng thần linh của nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng.
Bạn nên tới đây vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm. Thời điểm này những cánh hoa dã quỳ vàng rực và những dải bậc thang chín luôn là thời điểm đẹp nhất để khám phá. Vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 8, khám phá bãi đá cổ khá khó khăn vì rất dễ trơn trượt.
Đến đây, du khách thường thích thú bởi vẻ đẹp nên thơ của khu vực này. Dòng suối Nậm Khoòng nhẹ nhàng, trong vắt và những dải ruộng bậc thang chín vàng luôn là ấn tượng mạnh mẽ với du khách. Bên cạnh đó, du khách còn được khám phá những giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng, những bí ẩn của bãi đá cổ nơi đây.
Núi Cấm Sơn – Hà Giang
Núi Cấm Sơn là một trong những danh thắng nổi tiếng nhất, được nhiều người ghé thăm nhất khi đi du lịch tới Hà Giang. Núi Cấm Sơn hiện lên sừng sững hiên ngang như để chở che bao bọc lấy thành phố Hà Giang xinh đẹp.
Bên cạnh là một điểm du lịch hấp dẫn thì núi Cấm Sơn còn là một vùng đất vô cùng linh thiêng đối với người dân Hà Giang nói riêng và người dân sinh sống ở vùng cao nói chung.
Núi Cấm Sơn tọa lạc ngay giữa lòng thành phố Hà Giang – sở hữu vẻ đẹp ấn tượng và kỳ vĩ. Đến với Cấm Sơn, du khách sẽ bị ấn tượng và cuốn hút bởi những vách núi cao ngút trời như chạm mây.
Đặc biệt, khi nhìn toàn cảnh Cấm Sơn xuất hiện cạnh thành phố nhộn nhịp, đông đúc thì lại mang một vẻ gì đó rất trầm mặc, bí hiểm nhưng lại có sức hút kỳ lạ, khiến bất cứ ai cũng muốn một lần ghé thăm và khám phá
Khu du lịch Thác Tiên – Đèo Gió
Nằm giữa rừng già nguyên sinh Đèo Gió (thuộc địa phận xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, Hà Giang), thác Tiên mang một vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, vừa hoang sơ vừa tươi trẻ.
Thác Tiên là thác đôi, nguồn nước của thác chính là dòng suối Tả Ngán bắt nguồn từ xã Tả Củ Tỷ, Bắc Hà, Lào Cai ở độ cao trên 1.403m so với mực nước biển. Suối Tả Ngán chảy qua 9 thôn, xã của huyện Xín Mần với chiều dài 45km. Đến địa phận thôn Ngam Lâm, từ độ cao trên 70m dòng suối chảy theo vách núi Đèo Gió tạo ra hai dòng thác lớn song song, đổ xuống diện tích mặt nước dưới chân thác gần 130m2.
Từ trung tâm huyện lỵ Xín Mần – thị trấn Cốc Pài, chạy xe 17km qua những con đèo lắt léo, uốn lượn quanh co cao dần, bạn sẽ đến thác Tiên.
Theo tiếng Nùng, thác được gọi tên Văng Táng Tinh, có nghĩa nước từ một hố nước lớn chảy ra. Thác Tiên còn được gọi là thác Gió vì dưới chân thác lúc nào cũng có gió thổi rất mạnh, đưa làn hơi nước mỏng nhẹ bay lơ lửng khắp không gian xung quanh. Thác có lưu lượng nước lớn và khá ổn định, cung cấp và điều hòa nước tưới tiêu cho người dân quanh vùng và là nơi phòng hộ đầu nguồn quan trọng.
Trước đây, thác Tiên ít được biết đến do không có đường đi xuống, người dân phải bám cây rừng rậm rạp tìm đường đi. Từ khi những bậc thang ximăng rộng được xây nên, việc đi lại rất dễ dàng. Ngay khi đặt chân lên bậc thang đầu tiên xuống thác, không khí mát lạnh ùa đến, cảm giác như đang bước vào một không gian hoàn toàn khác.
Du khách chỉ mất vài phút để men theo những bậc thang dốc dần, và trước mắt, giữa màu xanh ngút ngàn của rừng già hoang sơ là dòng thác đôi trắng xóa, đổ dốc thẳng xuống vách đá nhưng không ầm ào, hung dữ mà mềm mại, réo rắt. Hơi lạnh tràn ngập khắp không gian và luồng hơi nước trong lành, tươi mát từ con thác chốc chốc lại được gió thổi đi, ngỡ như mưa bụi.
Nước suối dưới chân thác lặng, yên bình và trong vắt quanh năm, nhìn thấu tận đáy. Suối nông nên du khách cứ thế ùa xuống chơi đùa, chụp ảnh thoải mái nhưng nước rất lạnh nên chỉ đứng một lúc là phải lên ngay. Một cây cầu cong cong được xây vắt qua suối, từ đây có thể men theo lối đi ximăng có tay vịn để tham quan một vòng suối và chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ nơi rừng già rậm rạp.
Ở cuối dòng suối là con đập chắn ngang, nơi dòng nước lặng lờ trôi qua rồi bất ngờ đổ ào xuống dưới. Có những ụ tròn để khách tham quan có thể đi qua đập dễ dàng, nhưng nếu muốn bạn hãy cởi giày ra và đi chân trần trong làn nước mát lạnh, cảm giác sẽ rất thích thú.
Khu du lịch sinh thái hồ Quang Minh
Hồ Quang Minh thuộc xã Quang Minh, Bắc Quang có diện tích mặt nước rộng gần 40ha. Nằm ở vị trí giữa thị trấn Việt Quang và xã Quang Minh, với giao thông từ huyện lỵ đi vào khá thuận lợi, cùng với tiềm năng du lịch rất lớn nên những năm qua, nơi đây đã được quy hoạch trở thành một điểm đến du lịch.
Có thể nói, hồ Quang Minh là một thắng cảnh rất đẹp, đặc biệt là vào buổi sáng sớm hoặc lúc hoàng hôn. Phục vụ nhu cầu phát triển du lịch hồ Quang Minh, những năm qua huyện Bắc Quang đã không ngừng đầu tư quy hoạch, xây dựng hạ tầng xung quanh hồ như việc làm đường du lịch quanh hồ, cho đấu thầu xây dựng nhà hàng nổi trên hồ với các dịch vụ ăn uống, bơi thuyền khá hấp dẫn.
Cùng với việc xây dựng làng văn hóa tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới, xã Quang Minh đã vận động xã hội hóa và với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng một nhà sàn truyền thống ở khu vực gần hồ, phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng và du lịch, gắn với việc bảo tồn các giá trị truyền thống dân tộc. Cùng với đó, việc bảo lưu các giá trị truyền thống của người dân ở xung quanh hồ khá tốt. Hiện nay, cơ bản các hộ gia đình đều ở nhà sàn, những nếp nhà sàn truyền thống ở quanh khu vực hồ Quang Minh thường khá đẹp và hài hòa với cảnh quan gồm ao, vườn, đồi và ruộng.
Dinh Thự Họ Vương – Hà Giang
Nằm giữa thung lũng Sà Phìn, xây dựng trong 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc tương đương 150 tỷ đồng. Với tuổi đời gần 100 năm, dinh thự vua Mèo là nơi ở của Vương Chính Đức (1865-1947). Ông là người duy nhất được dân tộc Mông tôn sùng làm vua Mèo và cai quản huyện Đồng Văn ( Đồng Văn lúc bấy giờ bao gồm cả Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ).
Nằm giữa thung lũng Sà Phìn, đứng từ trên cao nhìn xuống, dinh thự bề thế, nguy nga. Nằm trên một quả đồi hình mai rùa, xung quanh được che phủ bởi những cây thông sa mộc cổ thụ đứng hiên ngang. Một không gian vô cùng lý tưởng.
Ông vua mèo Vương Chính Đức là người từng cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Ông cũng được biết đến như ông trùm thuốc phiện ở Hà Giang. Dinh thự này được ông xây bằng đá và gỗ trong suốt 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng đông dương, tương đương với 150 tỷ thời bây giờ. Một địa điểm không thể bỏ qua khi đi Hà Giang.
Di tích lịch sử Căng Bắc Mê – Hà Giang
Di tích lịch sử Căng Bắc Mê được người Pháp chọn xây dựng có địa thế khá lý tưởng ở xã Yên Cường nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang.
Căng được xây dựng gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà thông tin của thực dân Pháp, trước kia, đây là đồn binh của thực dân Pháp. Năm 1938, khi phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển lên đỉnh cao mới thì thực dân Pháp biến nơi này thành địa điểm giam giữ cán bộ cách mạng, chúng chuyển một số tù nhân chính trị từ Sơn La, Hoả Lò, Phú Thọ…lên đây giam giữ.
Từ năm 1938-1942, thực dân Pháp đã 2 lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây với số lượng khoảng hơn 300 người, trong đó có các đồng chí Xuân Thuỷ, Lê Giản, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyên Hồng . Trong số những tù nhân đó, đa số các đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặc cho gông cùm khổ cực, khí hậu khắc nghiệt nhưng các đồng chí vẫn tìm cách vận động đấu tranh, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong Căng, dạy văn hoá, bồi dưỡng cho nhau về tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng. Các đồng chí còn tranh thủ giác ngộ thanh niên, quần chúng trong và ngoài Căng.
Tới cuối năm 1942, lo sợ phong trào cách mạng đang lan rộng ở các tỉnh biên giới và đấu tranh của anh em tù chính trị trong Căng, sợ sự ảnh hưởng của anh em tù nhân đến bà con quanh vùng, thực dân Pháp đã phải giải tán Căng Bắc Mê.
Đèo Mã Pí Lèng – Hà Giang
Mã Pì Lèng (hay Mã Pí Lèng) được gọi theo tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen chỉ “Sống mũi ngựa”, nghĩa bóng chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi mà những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hay đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi mèo”.
Đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn với Mèo Vạc. Đây được coi là cung đường đẹp nhất của vùng cao nguyên đá. Nếu đến Hà Giang, bạn hãy một lần thử được cầm lái chạy chênh vênh giữa một bên là núi đá cao ngút trời, một bên là vực sâu thăm thẳm và ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn như một dải lụa sẽ khiến bạn trải qua những cung bậc cảm xúc vô cùng tuyệt vời. Đó như một thử thách lớn đối với những ai yêu thích sự mạo hiểm.
Nơi đây, đặc biệt còn có một mỏm đá nhô ra, mà nhiều người nói rằng chính là nơi dể cảm nhận một cách trọn vẹn nhất sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía bắc. Đứng ở nơi đây, bạn mới thấy mình thật nhỏ bé biết bao và cảm nhận được rằng quê hương mình thật hùng vỹ, tươi đẹp.
Động Lùng Khúy – Hà Giang
Khi giới thiệu hang Lùng Khúy, rất nhiều du khách đã đặt cho địa danh này một cái tên rất oách: đệ nhất hang động ở Hà Giang. Tạo được ấn tượng mạnh trong lòng du khách như vậy có lẽ chính là bởi vẻ đẹp độc đáo, hoang sơ và cô cùng ma mị mà hang động này mang lại.
Hang động này thuộc địa phận quốc lộ 4C, huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang. Hang động này được UBND huyện Quản Bạ chính thức đưa vào khai thác du lịch từ năm 2015. Cho đến nay hang vẫn giữ được nguyên vẹn nét đẹp từ thuở nguyên sơ.
Hang động này rộng hơn 300m, gây ấn tượng với du khách bởi những khối nhũ đá khổng lồ mang nhiều hình thái khác nhau, một điều đã luôn kích thích trí tưởng tượng của con người. Những khối đá nhũ lúc thì mang hình ngọn tháp, lúc lại có dáng hình của một bông hoa vô cùng đẹp mắt. Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của đệ nhất hang động này bằng những ánh đèn luôn được thắp sáng trong hang
Động Én – Hà Giang
Càng tìm hiểu kỹ về Hà Giang mới thấy nơi đây quả thật ưu ái vô cùng khi ban tặng rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Động Én chính là một trong số đó. Hang động được ví như chốn “thâm sơn cùng cốc” này thuộc địa phận huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Nơi đây là nơi cư trú hàng ngàn con én nhỏ.
Hành trình khám phá Động én quả thực có chút không dễ dàng. Du khách sẽ phải đi một quãng khá xa khoảng 60km từ thị xã Hà Giang vượt qua những rừng thông và phải xuyên qua cổng trời Quản Bạ. Hành trình tuy có xa nhưng bù lại nếu được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ của động én chắc chắn sẽ làm bất cứ du khách nào thỏa mãn.
Hang động này còn là một biểu tượng tâm linh của người dân tộc. Theo quan niệm dân gian, loài én với họ chính là sự kết nối với thần linh và các vị tổ tiên. Loài chim này tuy nhỏ bé nhưng lại hết sức dẻo dai và có khả năng sống lâu nhất trong số các loài chim. Chính vì thế mà nó còn được mệnh danh là loài chim của sự trường tồn. Các du khách khi đến đây thường sẽ cắm trại và nghỉ qua đêm để vừa có thể nghỉ ngơi vừa có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của hang động.
Hang Phương Thiện – Hà Giang
Nằm cách thành phố Hà Giang 7km về phía nam, hang Phương Thiên là một trong những điểm đến thú vị dành chô những ai thích khám phá và đam mê mạo hiểm bởi sự nguyên sơ và hầu như chưa có sự tác động của con người nhiều.
Gọi là Hang Phương Thiện nhưng nơi đây là một quần thể hang động, bao gồm hang Dơi, hang Lăng Cô, hang Phương Thiện. Không giống như các hang động ở trên, hang Phương Thiện mang đến cho bạn cảm giác nhẹ nhàng, với dòng suối nhỏ uốn lượn bên trong và không khí tươi mát, trong lành. Đó là bức tranh xanh mát vốn có của núi rừng Tây Bắc với đặc trưng là những dãy núi đá tai mèo hùng vĩ mà độc đáo không nơi đâu có được.
Vào sâu trong hang động du khách sẽ bị thu hút bởi vẻ đẹp kì bí, không gian của những cuộc phiêu lưu bắt đầu tại đây. Với hình dạng xoắn ốc đẹp mắt với lớp nhũ đá, măng đá với nhiều hình thù khác biệt. Nơi đây dường như tạo ra một không gian tĩnh lặng, nhưng đầy cuốn hút. Đây chắc chắn sẽ là một địa danh hấp dẫn đối với bất cứ ai.
Hang Tùng Bá – Hà Giang
Bất kì ai khi đến thăm nơi đây đều sẽ cảm nhận được vẻ đẹp kì bí mà rất đỗi dịu dàng nên thơ của hang động này. Tùng Bá là một hệ thống những hang động lớn nhỏ nối liền với nhau, có tổng chiều dài là gần 900m. Trong hang là hệ thống nhũ đá, măng nhũ với nhiều tạo hình ấn tượng, toát lên vẻ kì bí của thiên nhiên. Ngoài hang là những dãy núi đá vôi trùng trùng điệp, khiến du khách không khỏi choáng ngợp bởi sự kì vĩ của thiên nhiên.
Để có thể đến tham quang hang Tùng Bá, du khách sẽ phải tìm đến địa bàn thôn Hồng Tiến xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Hang có một vị trí vô cùng đặc biệt, nó xuất hiện ở giữa lưng chừng triền núi, cách mặt đất khoảng 10m. Đứng ở ngoài nhìn vào, miệng hang rất lớn có dáng tựa như miệng của một con rồng oai phong lẫm liệt.
Hang Nặm Pạu – Hà Giang
Nặm Pạu sẽ là cái tên mà chúng tôi muốn gợi ý cho bạn đọc khi du lịch Hà Giang. Hang động này tuy không nổi tiếng như các hang động kể trên nhưng nơi đây vẫn được dân du lịch vô cùng yêu thích.
Hang nằm kín đáo giữa khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Nơi đây gây ấn tượng với khách tham quan bởi vẻ đẹp của hệ thống thạch đá bên trong được nhiều người ví như động Phong Nha của đất trời Tây Bắc.
Hang Bách Sơn – Hà Giang
Hang Bách Sơn nằm ở độ cao trên 200 m so với mực nước lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, ẩn mình trong khu vườn nguyên sinh của dãy núi đá Bách Sơn. Xung quanh được bao bọc bởi những khu rừng cây nghiến, cây đinh và hệ động vật phong phú như các loài linh dương, linh trưởng, chim chóc quý hiếm làm nhiều du khách say mê.
Cửa hang chỉ cao 20m, nhưng bên trong lại rộng và sâu đến hàng ngàn mét, với vô số hũ đã có nhiều hình khối kì lạ, cùng các dòng thạch chảy lách rách ngày đêm, tạo nên vẻ đẹp quyến rũ và hoang sơ cho hang động này.
Hang Nà Luông – Hà Giang
Với nhiều du khách khi khám phá Nà Luông, hang động này lại là hang động đẹp nhất Hà Giang bởi nét đẹp tráng lệ mà rất đỗi dịu dàng. Trong số tất cả những hang Hà Giang được khám phá, Nà Luông chính là hang động rộng nhất và sâu nhất, mang vẻ đẹp vô cùng đa dạng và độc đáo.
Về vị trí, Nà Luông nằm cách thị trấn Yên Minh khoảng 25km, gần bản Nà Luông và thuộc địa phận 2 xã Mậu Long huyện Yên Minh và xã Sủng Trái huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang. Nà Luông cũng là hang động thuộc quần thể Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và chính thức được công nhận trở thành di tích quốc gia năm 2014.
Hang Nà Luông nổi tiếng với địa hình và hệ thống thạch nhũ vô cùng phong phú với nhiều hình dáng khác nhau. Du khách sẽ bị ấn tượng bởi những phiến đá lúc mang hình con lợn, khi hình con cá, lúc lại mang hình của những cột đá sừng sững khổng lồ. Cửa hang cao hơn 30 được che phủ bởi rất nhiều loại gỗ quý như lát, nghiến, đinh. Bên trong hang bao gồm quần thể thạch nhũ rộng hàng nghìn mét và 3 hồ nước sâu cung cấp nước cho khu vực này.
Nà Luông chắc chắn là một trong những hang động nổi tiếng ở Hà Giang, nơi mà bất cứ ai có tình yêu với hang động Việt Nam cũng muốn đến để tham quan về thưởng ngoạn.
Hồ Noong – Hà Giang
Hồ Noong có diện tích 80ha vào mùa mưa. Khi mùa khô nước cạn rút, diện tích mặt hồ vào khoảng 20ha. Để ngắm cảnh hồ đẹp nhất các bạn nên đi Hà Giang vào khoảng tháng 5-6, tháng 8-9. Vào mùa nước đổ, mặt hồ trở nên lớn hơn, nước trong hơn. Cây cối quanh hồ phát triển tươi tốt tạo thành cảnh quan vô cùng đẹp mắt.
Là hồ trên núi, bao quanh là khu rừng nguyên sinh rậm rạp đến 700 ha nên không khí ở đây lúc nào cũng trong lành mát mẻ. Thiên nhiên hoang sơ sống động, khiến ai cũng phải thốt lên ngạc nhiên khi đặt chân tới đây.
Vườn hoa tam giác mạch – Hà Giang
Nhắc đến Hà Giang, chắc chắn ai cũng nhớ đến hoa tam giác mạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, xã Thải Phìn Tủng mới là nơi có nhiều vườn hoa tam giác mạch đẹp nhất tại đây. Mùa tam giác mạch ở Hà Giang kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12. Vì vậy, dịp này Hà Giang thường đông vui nhộn nhịp hơn bởi sự tham quan khám phá của du khách.
Sủng Là: Sủng Là được biết đến là điểm ngắm hoa tam giác mạch đẹp nhất tại Hà Giang. Đặc biệt đây cũng là địa điểm lấy bối cảnh của bộ phim “Nhà của Pao” – một bộ phim đình đám từng gây sốt một thời. Tới đây bạn sẽ cảm thấy như lạc vào chốn thần tiên và hoàn toàn bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của loài hoa ở cao nguyên đá. Nếu đến Sủng Là bạn cũng đừng quên ghé thăm nhà của Pao hoặc cũng có thể tham dự chợ phiên họp vào sáng chủ nhật rất nhộn nhịp cùng bà con dân tộc nơi đây nhé.
Lũng Cú: Lũng Cú là nơi địa đầu Tổ quốc thiêng liêng. Đây là nơi có rất nhiều cánh đồng trồng hoa tam giác mạch bạt ngàn, bạn có thể vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy và dừng chân lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng trong mùa hoa cao nguyên đá.
Ngay bên trên cánh đồng hoa là cột cờ Lũng Cú – một cột mốc đánh dấu điểm đầu của cực Bắc Việt Nam, bạn cũng có thể kết hợp tham quan hai địa điểm này.
Phó Bảng: Phó Bảng gây ấn tượng với du khách bởi những ngôi nhà có lịch sử lâu đời lên tới hàng trăm năm. Ngoài chiêm ngưỡng và tìm hiểu về cuộc sống của người dân, Phó Bảng cũng là một sự lựa chọn không tồi khi bạn muốn ngắm hoa tam giác mạch. Không những thế nơi đây còn nổi tiếng với những vườn hoa hồng trải dài với vẻ đẹp đơn sơ mà hoang dã của núi rừng Tây Bắc.
Lũng Táo: Hoa tam giác mạch ở Lũng Táo được trồng rải rác bên sườn đồi chứ không thành đồng hay phủ kín cả thung lũng. Vậy nên muốn ngắm hoa có thể bạn phải leo lên cao để phóng tầm mắt đi xa và ngắm được trọn vẹn cảnh sắc nhé.
Chợ lùi (chợ Phiên) – Hà Giang
Hà Giang giữ nguyên bản sắc dân tộc do vậy những phiên chợ lùi (chợ Phiên) vẫn diễn ra theo đúng lịch có từ trước đến nay. Tham gia những phiên chợ du khách sẽ phần nào cảm nhận đc hơi thở và cái hồn của đồng bào dân tộc nơi đây. Tuy vậy, chúng ta quen dùng lịch dương nên việc tính đúng ngày các phiên chợ diễn ra tính theo lịch mặt trăng khá khó khăn. Vì thế nếu lên Hà Giang và tình cờ gặp một trong những phiên chợ dưới đây thì bạn sẽ là người khá may mắn.
Chợ lùi Phố Cáo (qua Yên Minh gần tới Phó Bảng, họp vào ngày Thìn và Tuất) – Chợ lùi Phố Bảng (ngã 3 Sủng Là đi vào, họp vào ngày Tý và Ngọ) – Chợ lùi Sà Phìn (ngay gần dinh họ Vương, họp vào ngày Tỵ và Hợi) – Chợ lùi Lũng Phìn (họp vào ngày Dần và Thân). Các phiên chợ đều họp từ sớm và sẽ kết thúc vào xế trưa, hàng quán được bày bán thành các khu khác nhau đa dạng như: váy áo thổ cẩm, rau quả, thuốc Bắc, đồ ăn, giày dép, lợn cắp nách, chó của người Mông,…
Ngoài ra còn có chợ Đồng Văn ở thị trấn Đồng Văn, chợ diễn ra vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Khu chợ Đồng Văn được xây bằng đá trong những năm 1920 do vậy tới nay đã mang nhiều nét cổ kính, xưa cũ góp phần thêm vào sự mộc mạc cho phố cổ Đồng Văn. Chợ cũng bày bán các mặt hàng như: vải, khăn của người Mông, áo chàm của người Tày, hồi, quế, dép, giày, các loại rau quả, đồ ăn như thắng cố, xôi ngũ sắc, bánh rán, bánh tam giác mạch, bánh ngô, và đặc biệt là khu rượu ngô có một dãy dài.
Ngoài ra còn chợ Tình Khâu Vai ở Mèo Vạc, nhưng mình thấy chợ đã không còn được đẹp như ngày trước nữa, bạn nào đi vào dịp 27 tháng 3 âm lịch hàng năm thì ghé qua cho biết.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám – Hà Giang
Làng dệt lanh Lùng Tám ở cao nguyên đá là một điểm đến ở Hà Giang được du khách trong nước lẫn nước ngoài yêu thích. Đến với làng dệt lanh Lùng Tám ngoài mua những món quà đặc sắc mang về thì bạn còn có thể tìm hiểu nét độc đáo của một làng nghề dệt thổ cẩm lâu đời của mảnh đất sơn cước Hà Giang.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám Hà Giang nằm cách cổng trời Quản Bạ không xa, bản Hợp Tiến của xã Lùng Tám là nơi sinh sống của đồng bảo H’mông (Mông) với nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Đất Lùng Tám là một thung lũng nhỏ nằm giữa bốn bề núi đá và có dòng sông Miện (Miệm) chảy qua.
Nghề dệt lanh ở Lùng Tám Hà Giang là một nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời, không chỉ đem lại thu nhập cho các hộ gia đình ở làng Lùng Tám mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.
Bởi đây là một làng dệt thủ công nên du khách có thể ghé đến bất kì thời điểm nào trong năm. Để cảm nhận được nét đẹp lao động của đồng bào nơi đây, du khách nên ghé vào ban ngày từ 7h sáng đến 5h chiều.
Bên cạnh đó, du khách nên kết hợp du lịch những địa điểm du lịch khác của Hà Giang vào mùa xuân từ tháng 12 đến tháng 3 và mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Đến với làng dệt lanh Lùng Tám du khách thường khám phá và tìm hiểu hoặc ngồi dệt hay khâu tay cùng những chị em phụ nữ phụ nữ Mông. Du khách sẽ thấy đầy đủ từng công đoạn vất vả và khó nhọc để làm nên một sản phẩm đặc biệt. Tới đây, du khách cũng có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm được dệt thủ công từ lanh để mua về làm quà.
Làng văn hóa Lũng Cẩm – Hà Giang
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim và là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điển hình, Làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong phim nhựa “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Đặc biệt, ngôi nhà của Pao đã trở thành một trong các điểm du lịch ở Hà Giang mà bất cứ ai đến đây cũng không thể bỏ qua. Nếp nhà rêu phong, ngôi nhà vách gỗ đã nhuốm màu cổ kính, tuy mộc mạc, đơn sơ, nhưng lại có một sức hút lạ lùng. Ngôi nhà càng đẹp hơn khi mùa hoa đến, giữa sắc hoa lung linh đầy sức sống của sắc vàng hoa cải, sắc hồng hoa tam giác mạch, sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hay màu hồng thơ mộng của mùa hoa đào. Tất cả hòa quyện vào nhau, đẹp tựa bức tranh sơn mài sắc màu độc đáo.
Đến đây, chắc hẳn bạn đã hết thắc mắc “Hà Giang có gì chơi” rồi phải không? Nếu bạn đến với Hà Giang thì hãy ghé thăm những địa điểm du lịch trên đây để khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này nhé. Bạn sẽ không phải thất vọng đâu. Chúc các bạn có một chuyến đi du lịch tại Hà Giang thật vui vẻ và nhiều ý nghĩa.