Kiên Giang nằm tận cùng về phía Tây Nam Bộ của Việt Nam, nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền cả nước, bản sắc văn hoá cũng vì thế mà rất phong phú, đa dạng, thể hiện qua các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, ẩm thực. Bên cạnh đó những lễ hội ở Kiên Giang cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự hấp hẫn của nơi này. Kiên Giang có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Kiên Giang nhé.
1 Lễ hội Kỳ Yên – Kiên Giang
Lễ Kỳ yên có nghĩa là lễ cầu an, là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thần ở Nam Bộ, Việt Nam. Lễ hội chỉ diễn ra trong mùa xuân khi vụ mùa đã thu hoạch xong, lúc này thời tiết đẹp, việc đi lại thuận tiện để toàn thể dân làng đều có thể tham dự.
Lễ diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống như: hát bội, thi tìm hiểu danh lam thắng cảnh, trò chơi dân gian… Kết thúc lễ hội là nghi lễ “tống ôn” với ý nghĩa nhằm loại bỏ những điều xấu, điều xui đi xa để mọi người được hưởng lấy những sự tốt đẹp và sự may mắn trong một năm, người nông dân trúng mùa, người kinh doanh phát tài, phát lộc. Lễ hội Kỳ Yên đã trở thành một nét văn hóa tâm linh của con người vùng đất này.
2 Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương – Kiên Giang
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch chính thức trở thành ngày Quốc lễ, ngày hội lớn quy tụ cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở Kiên Giang, hàng năm cứ đến ngày 10/3, hàng chục ngàn người con đang sinh sống, học tập, làm việc ở mảnh đất Kiên Giang và các tỉnh, thành trong khu vực đều hội tụ về Tân Hiệp dâng một nén nhang thành kính lên Quốc Tổ Vua Hùng.
Đền Hùng quốc tổ huyện Tân Hiệp do người dân ấp Đông Bình tự nguyện đóng góp thành lập từ năm 1957. Đền ban đầu chỉ bằng vật liệu đơn sơ, nơi thờ cúng các vị Vua Hùng và nhớ về đất tổ. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 30-31/3 (mùng 9-10/3 ÂL). Phần hội được tổ chức vào ngày 30/3 với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và nhiều trò chơi dân gian. Hoạt động diễn ra tưng bừng, náo nhiệt trong khuân viên đền.
Buổi sáng ngày 31/3 nghi lễ tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức trang trọng theo ghi thức hàng năm. Qua các hoạt động trên, nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ trẻ và ý chí đoàn kết tự lực vươn lên xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng giàu đẹp.
3 Lễ hội Nguyễn Trung Trực – Kiên Giang
Nguyễn Trung Trực, vị anh hùng dân tộc mà tên tuổi gắn liền với những chiến công vang dội đã đi vào trang sử hào hùng, đó là: trận đốt cháy tàu Espérance trên vàm Nhật Tảo năm 1861 và lần đầu tiên tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá vào năm 1868. Nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt đã tự hào ca ngợi khí phách anh hùng của Nguyễn Trung Trực “hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”, thể hiện ý chí độc lập tự do của người dân phương Nam nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Ở tỉnh Kiên Giang có khoảng 20 đền thờ Cụ Nguyễn tại thành phố Rạch Giá, xã Mỹ Lâm (huyện Hòn Đất), đình Tà Niên (huyện Châu Thành)…
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, vào ngày 26, 27 và 28 tháng Tám (âm lịch), nhân dân Kiên Giang và đồng bào khắp nơi lại hội tụ về đây tổ chức kỷ niệm ngày hy sinh của Cụ để bày tỏ lòng tri ân, thành kính đối với người con bất khuất, kiên trung của đất nước. Nhiều năm qua, Lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực đã có sức lan toả ngày càng rộng, từ một lễ giỗ bình thường đã được nâng lên thành lễ hội.
Lễ hội gồm hai phần, phần nghi lễ trang trọng và thành kính theo nghi thức cổ truyền như: lễ dâng hương, lễ thượng đài kỳ, lễ tế đàn cả, rước sắc thần; phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi động, hấp dẫn: trò chơi dân gian, đua xuồng, đập nồi, biểu diễn võ thuật, chơi cờ người, thi múa Lân – Sư – Rồng, thả đèn hoa đăng, thi ẩm thực, triển lãm thư pháp, triển lãm ảnh đường phố, giao lưu văn nghệ giữa 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer… Mỗi năm số lượng người dân về dự lễ hội ngày càng tăng. Năm 2006 có hơn 500 ngàn, năm 2007 có gần 600 ngàn, năm 2008 có hơn 600 ngàn và năm 2009 có 750 ngàn, năm 2011 có trên 1 triệu lượt người tham dự.
4 Lễ hội Phan Thị Ràng (Chị Sứ) – Kiên Giang
Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của AHLLVTND Phan Thị Ràng sẽ diễn ra từ ngày 07 đến ngày 09/01 dương lịch hàng năm tại khu di tích lịch sử Hòn Đất.
Phần hội sẽ diễn ra trong hai ngày 07-08/01, với nhiều hoạt động như: chương văn nghệ của các đoàn nghệ thuật, thi tìm hiểu “Lịch sử Hòn Đất Kiên Giang” và “Nữ anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng”; hội chợ; triển lãm ảnh; chiếu phim phóng sự về Hòn Đất; tọa đàm; các trò chơi dân gian; giải bóng chuyền, giải Việt dã và giải đua bò… Đêm ngày 08/01 là chương trình sân khấu hóa khai mạc lễ hội để phục vụ công chúng trong tỉnh.
Phần lễ dâng hương diễn ra vào sáng ngày 09/01, với màn trống hội khai lễ. Sau đó là sự tham gia của các đoàn đại biểu mang theo mâm ngũ quả, đọc diễn văn chào mừng và ôn lại truyền thống lịch sử của Hòn Đất cùng nữ Anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng. Kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của AHLLVTND Phan Thị Ràng (9/1/1962-9/1/2012) lần đầu tiên huyện Hòn Đất tổ chức nâng cấp quy mô cấp lễ hội và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trong khu vực về dự.
5 Lễ hội Đình Thần Dương Đông – Kiên Giang
Được tổ chức vào ngày 10-11/01 AL, lễ hội Đình Thần Dương Đông trở thành nét văn hóa không thể thiếu của người dân nơi đây mỗi năm. Chính vì vậy, cứ vào dịp lễ hội, người dân đổ về đây rất đông. Lễ hội này được tổ chức nhằm tưởng nhớ những người đã có công khai khẩn, lập xóm làng.
Vào ngày diễn ra lễ hội, tất cả bà con trên đảo cùng đông đảo du khách thập phương từ khắp nơi đều có mặt tại đây cùng nhau thắp hương, cầu lễ thần ước nguyện một năm mới nhiều sức khỏe, công việc thuận lợi. Ngoài ra, tại ngày lễ nhiều hoạt động vui chơi múa hát diễn ra trong không khí sôi nổi với sự tham gia của thanh niên trai gái trong vùng.
Mặc dù chỉ mang tính chất địa phương nhưng lễ hội này đã và đang càng ngày phát triển. Thể hiện rõ tín ngưỡng và nét văn hóa đặc trưng của người miền biển. Đến với lễ hội, ngoài cầu khấn, người tham gia còn được thưởng thức những tiết mục văn hóa đặc sắc của dân đảo. Đây sẽ là dịp tìm hiểu văn hóa địa phương lý tưởng đối với các du khách trong và ngoài nước.
6 Lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự – Kiên Giang
Sùng Hưng cổ tự là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Đây là ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc truyền thống trước miếu, sau chùa và có nhiều khu thờ cúng linh thiêng phía trong chùa.
Hàng năm cứ đến cuối tháng 7 âm lịch nơi đây sẽ diễn ra Đại lễ Trai Đàn với những nghi lễ như thỉnh tiêu diện thượng giàn, động đàn, công phu, thí cổ… Đến với Lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự không chỉ để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của quần thể văn hóa tâm linh này mà du khách còn được tham gia các nghi lễ trang trọng và thưởng thức những món chay do chính các Phật tử thiết đãi.
7 Lễ hội Dinh Bà Ông Lang – Kiên Giang
Lễ hội Dinh Bà Ông Lang là một lễ hội truyền thống của người dân trên đảo Phú Quốc, cũng giống như những lễ hội văn hóa khác, nó thể hiện những giá trị văn hóa lịch sự truyền thống của cha ông chúng ta để lại từ bao đời nay. Đến du lịch tại Phú Quốc và khám phá lễ hội Dinh Bà Ông Lang sẽ là một trong những chuyến du lịch đầy thú vị và vô cùng ý nghĩa, mang đến cho du khách thêm hiểu biết hơn về hòn đảo xinh đẹp này, cũng như biết thêm về văn hóa của dân tộc.
Hàng năm lễ hội Dinh Bà Ông Lang tại Phú Quốc lại được người dân địa phương tổ chức vào hai ngày 18 và ngày 19 tháng giêng âm lịch và đây cũng là một trong những lễ hội truyền thống ở đảo Phú Quốc thu hút rất đông các du khách thập phương đến để thắp hương, hành lễ cầu mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, thuận buồm xuôi gió,…. Không chỉ đối với những người lớn tuổi, những đôi bạn trẻ hay những cặp đôi trai gái yêu nhau cũng thường đến đây cầu mong được sống chọn đời bên nhau.
Trước khi diễn ra lễ hội, người dân nơi đây đã có nhũng khâu chuẩn bị vô cùng chu đáo, kỹ lưỡng để đảm bảo cho du khách đến với một lẽ hội văn minh nhất. Những du khách đến với lễ hội cũng sẽ thắp hương hành lễ để cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình mình. Đặc biệt, đến vào ngày lễ hội người dân và du khách đến đây thắp hương hành lễ còn được thưởng thức các món ăn chay và mặn của Dinh, đây là một bữa ăn chay vô cùng thú vị và có ý nghĩa.
Ngoài ra du khách còn được tham quan toàn bộ khu Dinh và tham gia vào các trò chơi đang được tổ chức tại đây, được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng trên đảo Phú Quốc, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức trên đảo. Tất cả tạo nên một bức tranh sống động về những hoạt động và khám phá vô cùng thú vị dành cho những du khách cả trong và ngoài nước khi đến du lịch Phú Quốc vào dịp lễ hội độc đáo và có ý nghĩa này.
8 Lễ hội đua thuyền Phú Quốc – Kiên Giang
Du lịch Phú Quốc vào dịp lễ 30/4 – 1/5 bạn sẽ được tham gia lễ hội đua thuyền cực kỳ sôi động và hấp dẫn. Lễ hội đua thuyền Phú Quốc được tổ chức hàng năm với quy mô lớn thu hút nhân dân trên đảo, đặc biệt là các bạn nam thanh nữ tú tham gia rất tích cực. Hoạt động này thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân vùng biển đảo như ở Phú Quốc.
Đối với những người dân Phú Quốc là dịp để gắn kết cộng đồng, thể hiện tình đoàn kết, đồng thời để tập luyện, rèn luyện ý chí, thử thách sự dẻo dai và nhớ đến truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo. Còn đối với du khách thì đây là dịp để chiêm ngưỡng những màn thi đấu sôi nổi, náo nhiệt, có một không hai.
9 Lễ hội Dinh Cậu Phú Quốc – Kiên Giang
Là một trong những lễ hội lớn của ngư dân tại vùng biển Phú Quốc, Lễ hội Dinh Cậu được diễn ra vào ngày 15,16 tháng 10 âm lịch hàng năm và được tổ chức rất tôn nghiêm với sự thành kính, cầu mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, đánh bắt tôm các bội thu.
Dinh Cậu là một ngôi chùa được xây dựng từ khoảng thế kỉ 17, bên trong thờ Chúa và hai cậu (cậu Tài và cậu Quý), là những người bảo vệ cuộc sống của những người ngư dân Phú Quốc. Dinh Cậu nằm bên cạnh bờ cát trải dải bên bờ biển, đứng trên Dinh Cậu bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh biển cả rất đẹp.
Trong những ngày diễn ra lễ hội Dinh Cậu, ngoài phần lễ tôn nghiêm thì còn có phần hội với nhiều cuộc thi, trò chơi diễn ra ngay trên bãi biển, thu hút sự tham gia của rất nhiều khách du lịch như đua thuyền trên biển, đi cà kheo, nhảy bao bố, đập nồi, bắt vị trên biển,…
10 Lễ kỷ niệm ngày hy sinh Mai Thị Nương – Kiên Giang
Lễ kỷ niệm ngày hy sinh Mai Thị Nương là hoạt động ý nghĩa được bà con nhân dân huyện Giồng Riềng tổ chức nhằm tri ân những công lao của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương đã bỏ xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Lễ kỷ niệm được tổ chức vào ngày 12/10 hằng năm tại Nhà bia tưởng niệm Mai Thị Nương của huyện Giồng Riềng. Ngày lễ diễn ra trang trọng với các nghi thức Chánh bái – Tế lễ, lễ dâng hương và các hoạt động như: Hội chợ thương mại Nông nghiệp, Hội trại ẩm thực, Giải đua ghe ngo mở rộng, Triển lãm ảnh ngoài trời, chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian, giải bóng chuyền, Hội thi tiếng hát Nông dân…
11 Lễ hội Nghinh Ông – Kiên Giang
Lễ hội nghinh Ông có nguồn gốc từ rất xa xưa và là cội nguồn của các ngư dân miền biển. Đây được coi là lễ hội lớn nhất của các ngư dân với các tên gọi khác nhau.
Lễ rước gồm 2 giai đoạn: Rước ông từ ngoài biển và rước ông về lăng. Dưới nước, ngư dân cùng với hàng trăm chiếc thuyền, ghe cùng thuyền rồng sẽ rước cá Ông vào đất liền. Sau đó, đoàn người cùng lần, sư tử, rồng sẽ rước ông vào lăng.
Tiếp theo đó là phần lễ tế. Cuối cùng, người dân sẽ tổ chức ăn mừng cho lễ nghinh Ông thành công. Các nghi thức được thực hiện đặc biệt trang trọng. Thể hiện tín ngưỡng của dân biển với cá Ông. Nếu có dịp tham gia lễ cầu ngư này, chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm mới lạ, khó quên nhất.
12 Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các – Kiên Giang
Đã nhiều năm qua, mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, rằm tháng Giêng hàng năm, tại Lăng Mạc Cửu, Hà Tiên lại tổ chức Lễ hội kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh những thành quả lao động sáng tạo của các bậc tiền nhân trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, đồng thời tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức tránh nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Vào mùa xuân năm Bính Thìn 1736, tại trấn Hà Tiên xưa, Tổng binh đại đô đốc Mạc Thiên Tích, hiệu Sĩ Lân đã cùng 32 danh sĩ tài hoa đương thời lập nên Tao Đàn Chiêu Anh Các. Không chỉ là nơi tập trung sáng tác, đàm luận văn thơ mà còn là nơi đào tạo nhân tài, cổ vũ tinh thần yêu nước, mở mang văn hóa của một trấn xa xôi. Hình thành trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Hà Tiên xưa, Tao đàn Chiêu Anh Các sản sinh ra một khối lượng văn chương khá đồ sộ, trong đó có tuyệt tác “Hà Tiên Thập vịnh” với hơn 300 bài thơ bằng chữ Nôm. Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: dâng hương tế Trời Đất, thi họa thơ Chiêu Anh Các, thi ứng tác câu đối, thi sáng tác thơ mới, viết thư pháp… Lễ hội trùng với Ngày thơ Việt Nam nên có rất đông những người yêu thơ, văn nghệ sĩ Nam Bộ và du khách về đây dự lễ.
13 Lễ giỗ Đức Khai Trấn Mạc Cửu – Kiên Giang
Lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu được tổ chức hàng năm vào tháng 5 âm lịch, tại thị xã Hà Tiên, Kiên Giang. Lễ hội này thu hút được đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia, khơi dậy được tình yêu quê hương, tình yêu đất nước và ý thức tự lực, tự cường dân tộc; ra sức làm việc và cống hiến, góp phần xây dựng quê hương Hà Tiên ngày càng giàu đẹp.
Về phần lễ được diễn ra tại đền thờ họ Mạc vẫn giữ theo thông lệ với các lễ cúng, tế. Lễ thỉnh sắc được tổ chức vào ngày 27/5 âm lịch, bắt đầu từ đền thờ họ Mạc đến tượng đài Mạc Cửu dưới chân núi Tô Châu. Trong phần lễ thỉnh sắc là tiết mục độc sắc phong của Vua Minh Mạng phong tặng tước vị cho Mạc Cửu và lãnh đạo thị xã phát biểu tóm lược những công lao của vị Tổng trấn trong quá trình hình thành nên vùng đất Hà Tiên ngày nay.
Trong phần hội có nhiều hoạt động như thi điền kinh, cầu lông, cờ tướng, bóng đá… với sự tham gia của hàng trăm vận động viên. Ngoài ra còn có hội chợ ẩm thực, đoàn diễu hành xe hoa và chương trình biểu diễn văn nghệ với các tác phẩm có nội dung ca ngợi đất nước, con người quê hương, ca ngợi công đức của Mạc Cửu…
Bên cạnh đó, lễ hội giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu còn có tổ chức hội chợ ẩm thực Hà Tiên. Đây là hoạt động kết hợp do Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã kết hợp Trung tâm xúc tiến thương mại du lịch thị xã tổ chức. Tại hội chợ ẩm thực này đã huy động các gian hàng ẩm thực nhằm giới thiệu những món ăn đặc sản truyền thống ở Hà Tiên cho du khách.
Lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu đã trở thành món ăn tinh thần của người dân Hà Tiên, ca ngợi quê hương, công đức của Mạc Cửu. Ngoài ra, lễ hội ở Hà Tiên còn mang tính nhân văn cao, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đậm nét bản sắc dân tộc.
14 Lễ hội Ok om bok của người Khmer – Kiên Giang
Hà Tiên là nơi nhiều người Khmer tập trung sống và làm việc nên ở đây lễ hội rất đa dạng trong đó tiêu biểu là Ok om bok. Hằng năm vào ngày mùng 15 tháng 10 âm lịch lễ hội được tổ chức. Thời gian tổ chức lễ hội lại là ngày cuối mùa mưa và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu, trong đó có lúa nếp.
Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng chính là vị thần giúp người dân có một mùa thu hoạch bội thu do đó lễ hội này mang ý nghĩa là tạ ơn mặt trăng. Trong phần lễ cúng tạ có các lễ vật như cốm dẹp, khoai, đậu, dừa, chuối, mía… Mọi người đứng chờ xung quanh sân chánh điện, chờ đến thời điểm khi mặt trăng lên tới đỉnh là mọi người đều khấn vái để tưởng nhớ đến công ơn đã giúp cho họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
15 Lễ hội Đôl-ta của người Khmer – Kiên Giang
Lễ hội Đôl ta được tổ chức hàng năm vào ngày 30 tháng 8 âm lịch. Lễ được tổ chức để nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông, bà, cha, mẹ những người đă có công sinh thành. Lễ thường được tổ chức tại chùa.
Lễ Đôl ta nhằm 4 mục đích là: nhớ đến ông bà, cha mẹ và họ hàng; tập trung anh em, con cháu trong gia đình lại để biếu quần áo, biếu bánh trái cho những người đã có công ơn còn đang sống và làm lễ cầu phước cho những người đã quá cố; đoàn kết giữa những người trong phum sóc với nhau; tổ chức liên hoan vui chơi, gắn bó họ hàng, bè bạn thân thích và gắn bó tình làng xóm để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Ngày nay, trong mối quan hệ xã hội rộng rãi và đoàn kết lâu bền giữa 3 dân tộc Kinh- Khmer- Hoa, Lễ Đôl ta của người đồng bào dân tộc Khmer anh em, đồng bào Kinh, Hoa trong các xóm, ấp, phum, sóc lân cận cũng được mời đến để chung vui, càng thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm trong tinh thần toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Lễ Đôl ta giống như lễ Vu lan đều được xem là nét đẹp về lòng hiếu thảo, tri ân của con cháu đối với ông bà, cha mẹ đang sống và đã mất.
16 Tết Chol Chnăm Thmây – Kiên Giang
Lễ Chôl Chnăm Thmây được tổ chức hàng năm vào ngày 13 đến ngày 15 tháng 4 dương lịch. Ngoài những nghi lễ truyền thống như: lễ rước Mahaskan, lễ dâng hương hoa quả, lễ đắp núi cát, đắp núi lúa, gạo, lễ tắm tượng Phật và lễ cầu siêu cho ông bà quá cố. Lễ hội còn có những trò chơi dân gian như: thả vịt trên sông, bịt mắt dập nồi, thả thuyền rược bắt và múa hát room-vông.
Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới”, “Lễ chịu tuổi”, là lễ tết lớn nhất trong năm của người dân tộc Khmer được diễn ra vào giữa tháng 4 Dương lịch, là lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa ở vùng Nam bộ. Giai đoạn này trời đất giao hòa, cỏ cây trở nên tươi tốt đầy sức sống. Sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây được người dân tộc Khmer quan niệm như là sự khởi đầu của một năm mới. Người dân tộc Khmer chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa Ấn Độ, nên đa số đều theo Phật Giáo tiểu thừa. Vì thế, họ ăn tết khác với những nước ở trong vùng Đông Nam Á và trên thế giới. Người dân tộc Khmer ở Kiên Giang chuẩn bị ngày Tết cổ truyền của họ thật trang trọng, nhà cửa được dọn dẹp rất sạch sẽ, quần áo may mới cho mọi người trong gia đình như Tết Nguyên Đán ở nước ta.
Ở tỉnh Kiên Giang, bà con dân tộc Khmer sống xen lẫn, chan hòa và đoàn kết với những người Kinh và người Hoa, tiếng Khmer có thể nói không sõi nhưng phong tục tập quán của đồng bào Khmer thì luôn được gìn giữ và phát huy. Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây là một trong những dịp để đồng bào dân tộc Khmer đưa con cháu mình cùng đến chùa và giảng giải cho chúng phong tục của dân tộc mình. Cứ như thế, không khí ngày tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Kiên Giang đến từ rất sớm, mang đầy đủ ý nghĩa và hương vị. Một năm mới với nhiều niềm vui mới và thắng lợi mới đang được đồng bào tưng bừng chào đón.
Kiên Giang có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội tại Kiên Giang đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Kiên Giang thật thú vị nhé.