Lào Cai có gì?

Lào Cai là vùng cực Bắc của Tổ quốc, nơi đây có rất nhiều thắng cảnh đẹp khiến du khách không khỏi mê mẫn. Ngoài ra, tại Lào Cai còn có nhiều đền, chùa, di tích thể hiện được những nét văn hóa độc đáo của người Việt cũng như người Tây Bắc. Lào Cai có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Lào Cai trong bài viết sau đây nhé.

1 Nhà thờ đá Sa Pa – Lào Cai

Nhà thờ đá Sa Pa được xây dựng vào khoảng những năm 30 của thế kỉ 20. Nhà thờ này được chính bàn tay của những kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng. Công trình này là một trong số ít những dấu ấn của người Pháp còn tồn tại một cách vẹn toàn cho tới ngày hôm nay trên mảnh đất hành trình.

Nhà thờ đá Sa Pa - Lào Cai
Nhà thờ đá Sa Pa – Lào Cai

Vì được xây dựng từ khá lâu với tuổi đời không hề nhỏ, nhà thờ đá mảnh đất này là nơi chứng kiến những biến cố lịch sử của dân tộc cũng như của mảnh đất Sapa. Do ảnh hưởng của chiến tranh cùng thời gian, nơi đây đã nhiều lần được trùng tu lại thế nhưng vẫn còn giữ lại được tương đối nguyên vẹn những đường lối kiến trúc vốn có.

Nhà thờ đá Sapa được đánh giá là có vị trí đắc địa, phía sau là núi Hàm Rồng rộng lớn. Khu nhà thờ có cấu trúc gồm bảy gian chính, mỗi gian có diện tích khoảng 500m2. Nhà thờ có tháp chuông cao 20m với quả chuông nặng khoảng nửa tấn. Toàn bộ nhà thờ sử dụng chất liệu đá đẽo để xây dựng, hỗn hợp cát, vôi và mật mía được dùng làm chất kết dính để liên kết các khối đá với nhau.

Phía trước của nhà thờ là một khoảng sân rộng rãi và thoáng đãng, là nơi thường ngày bà con dân tộc nơi đây tụ tập để mua bán. Bên trong nhà thờ là khu giáo đường rộng lớn với 32 ô cửa kính đủ màu sắc, vẽ hình các màu nhiệm mân côi, các thánh và chặng đường thánh giá. Chi tiết này được xem là điểm nhấn đẹp mắt của kiến trúc nhà thờ.

Nhà thờ đá Sa Pa - Lào Cai
Nhà thờ đá Sa Pa – Lào Cai

Đã từ rất lâu, nhà thờ đá nơi này là điểm hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Nếu đến đây vào thứ 7 hàng tuần, du khách sẽ có dịp chứng kiến những phiên Chợ tình đầy độc đáo hay hoạt động cầu nguyện diễn ra vào các ngày cuối tuần với những bài hát thánh ca bằng tiếng H’mông của các em thiếu nhi.

Ai đã có dịp đến với mảnh đất này 1 lần chắc chắn sẽ không thể nào quên được hình ảnh nhà thờ đá ẩn mình trong làn sương mù dầy đặc đầy đặc trưng của phố núi nơi đây. Chụp một bức hình làm kỉ niệm nơi nhà thờ đá là điều mà hầu hết du khách đều làm khi tới Sapa. Dường như địa danh này đã trở thành thương hiệu, thành biểu tượng hình ảnh không thể thiếu của mảnh đất du lịch nổi tiếng này.

2 Núi Phan Si Păng – Lào Cai

Với chiều dài 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75km, hẹp là 45km, gồm ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Păng và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ, nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất, chính là đỉnh Phan Si Păng…

Núi Phan Si Păng - Lào Cai
Núi Phan Si Păng – Lào Cai

Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dầy tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc San (Cốc Mít)…Từ đây đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là tầng cây hạt trần như cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao khoảng 50-60m, tuổi đời tới vài trăm năm. Pơmu (ngọc am) được mệnh danh là mỏ vàng của Lào Cai. Bên cạnh pơmu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như: lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn…Các cây lá kim ken đầy với cây gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước vì càng lên cao, càng hay mưa, có năm cả Phan Si Păng mưa suốt một tháng liền. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ. Hầu như bốn mùa, cả Sa Pa đều ngập tràn trong muôn sắc các loài hoa: lay ơn, thược dược, bgônha, estcola… là những thứ hoa dưới đồng bằng hiếm có. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau. Có nơi đỗ quyên chi chít, rực rỡ cả núi rừng. Ở nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng Phan Si Păng có tới 330 loài.

Lên cao 2.400m, gió mây quyện hoà với cây rừng, có lúc xòe tay ta tưởng đã nắm được mây. Từ độ cao 2.800m, mây mù bỗng tan biến, bầu trời quang đãng, trong xanh. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25-30cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên…Đất xương xẩu trơ cả gốc, gió thổi không ngớt, khí hậu lạnh giá…

Núi Phan Si Păng - Lào Cai
Núi Phan Si Păng – Lào Cai

Trên điểm cao 2.963m có cột mốc đánh dấu năm 1905 người Pháp đã tới chinh phục đỉnh cao. Lên cao nữa là một khối đá khổng lồ, được kê lên bởi những hòn đá nhỏ tựa chiếc bàn. Đỉnh Phan Si Păng đấy! Tiếng địa phương gọi “Hua-si-pan”, nghĩa là phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phan Si Păng cao ngất giữa trời mây được kết cấu bởi những phiến đá như vậy.

Phan Si Păng được ví là nóc nhà Việt Nam và của Đông Dương sừng sững đang chinh phục lòng ham mê leo núi của các du khách ưa mạo hiểm.

3 Thắng cảnh Hang Tiên – Lào Cai

Ngược dòng sông Chảy khoảng 6km, từ trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) thuyền sẽ đưa bạn qua thành cổ Trung Đô với nhiều huyền thoại. Dòng sông Chảy đến đây thắt lại tạo thành dòng sâu, hiền hoà, len lỏi giữa hai bờ vách thành dựng đứng. Hai bên là cánh rừng nguyên sinh, phủ lên cảnh quan một miền khí hậu trong lành mát mẻ.

Thắng cảnh Hang Tiên - Lào Cai
Thắng cảnh Hang Tiên – Lào Cai

Những dòng suối nhỏ từ trên cao đổ xuống như dải lụa, mờ ảo, lất phất như mưa bay. Dòng nước như người thợ điêu khắc lành nghề đục vào vách đá tạo nên những đài sen nổi, những nhũ đá muôn hình vạn dạng. Kia là chú voi đang cúi đầu uống nước, đây là con đại bàng cất cánh bay lên… và hội tụ lại thành bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Nơi đây chính là suối Tiên.

Qua suối Tiên 200m là gặp hang lớn có sức chứa cả trăm người, cảm giác như một mê cung kỳ vĩ do thiên nhiên ban tặng, đã xếp thành tầng, thành lớp, tạo những rào luỹ tự nhiên. Ngược lên khoảng 500m là dòng nước nhỏ tí tách tạo thành nhũ đá như những tháp cổ to nhỏ với ánh sáng hiếm hoi hắt vào lấp lánh như ánh lân tinh.

Nhiều khi phải đeo mình vào bờ đá, bám vào các rễ cây mới tới đường lên trời, du khách thấy mình thực sự được trải qua cuộc thăm viếng động Tiên. Sau thời gian du ngoạn, ta được tắm mình trong ánh nắng nơi đảo hoa, một hòn đảo nhỏ đầy hoa thơm cỏ lạ, sóng nước vỗ về dập dình bên bờ đá. Hang Tiên gắn liền với huyền thoại ba nàng tiên; truyền khẩu rằng, xưa kia có ba nàng tiên được vua cha cho đi thăm thú cõi trần gian, thấy nơi đây sơn thuỷ hữu tình, các nàng không muốn trở về. Đã hết hạn, không thấy con về, Ngọc Hoàng nổi giận sai Thiên Lôi xuống trị tội. Ba nàng chốn trong hang cao hơn mặt nước khoảng 200m ngự trên vách thành. Do không chấp hành chiếu chỉ, Thiên Lôi nổi giận giẫm sạt một góc núi nơi ba nàng tiên trú ngụ.

Biết không thoát khỏi trừng phạt, ba nàng đã gieo mình tự vẫn. Xác ngược dòng nước trôi xuống hạ lưu nơi trung tâm xã Bảo Nhai hiện nay, được dân làng vớt lên làm miếu thờ mang tên miếu Ba Cô, tục truyền rất thiêng. Nhiều du khách viếng thăm, vãn cảnh tắm suối Tiên đắm mình trong ánh ban mai bên đảo hoa và đều cầu mong các nàng ban phúc cho sắc đẹp, sức dai và phú quý.

4 Núi Cô Tiên – Lào Cai

Núi cô Tiên ngược dốc về phía Tây Nam, vượt con đường cheo leo, lên đỉnh ngọn núi, một phiến đá rộng chừng 1m hình chiếc bàn, một ghế đá có hình Cô Tiên ngồi, xung quanh là 4 chiếc ghế nhỏ, 4 chàng trai tựa như hình 4 con rồng chầu quanh phóng tầm nhìn bảo vệ cả một vùng thung lũng, biên giới “Mưng Khang”.

Núi Cô Tiên - Lào Cai
Núi Cô Tiên – Lào Cai

Đến với núi Cô Tiên, bạn không những được thưởng thức những nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo của người vùng cao, mà còn được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Xa xa, bạn có thể thấy ngọn núi đơn lẻ ngất trời ở giữa những tảng mây trắng bồng bềnh. Tưởng như núi ôm trọn lấy bầu trời và tỏa cánh của mình giữa không gian bao la của vũ trụ, chiêm ngưỡng toàn cảnh ở phía dưới.

Nhìn xuống dưới, thị trấn Bắc Hà như đang tràn ngập trong biển mây khi mùa hoa mận nhỏ, phiên chợ náo nhiệt với đầy đủ với sắc màu váy áo, dinh thự Hoàng A Tưởng trầm tĩnh uy nghi và những ngôi nhà tân thời, những thảm lúa, nương ngô, cánh rừng xanh ngắt, con đường ngoằn nghèo uốn quanh các quả núi… chứng minh cho sự thịnh vượng của một vùng đất.

5 Thành cổ Nghị Lang – Lào Cai

Hiện nay thành cổ Nghị Lang còn nhiều dấu tích. Phía đông là sông Chảy – một chiến hào tự nhiên nước chảy xiết cuồn cuộn, từ ngòi Lự đến ngòi Ràng là những đoạn luỹ cổ, tre ken dày và bên kia sông Chảy là bãi soi Bầu (từ cổ nghĩa là bề trên, chỉ anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ).

Thành cổ Nghị Lang - Lào Cai
Thành cổ Nghị Lang – Lào Cai

Tương truyền đó là bến thuyền, là căn cú quân sự của các chúa Bầu, ở đó có đồi khao quân. Phía bắc thành một bên dựa vào núi cao hiểm trở, chân núi là ngòi Ràng – một con suối rộng từ 6 – 8m làm chiến hào chở che. Ngang bờ chiến hào, các chúa Bầu còn cho trồng luỹ tre theo hình tam giác ken chặt bờ thành. Phía nam và tây thành đều dựa vào các dẫy núi cao. Trong thành có lầu chỉ huy, có xưởng rèn vũ khí, sản xuất gạch ngói, có trại lính và hệ thống chợ búa trường học.

Đặc biệt, thành còn có ngôi chùa Phúc Khánh quy mô lớn nhất vùng. Chùa nằm trên một ngọn đồi. Hiện nay nền ngôi chùa vơí nhiều tảng đá kê cột chùa vẫn còn. Ở đây còn lưu giữ một bia đá lớn hình chữ nhật khổ 33x55mm có con rùa đội bia, trên bia nổi bật hàng chữ “Phúc Khánh Tự”.

Phía tây bắc thành cổ Nghị Lang có hệ thống hồ sen du ngoạn của chúa Bầu với phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình” khá đẹp. Cạnh hồ là quần thể các lò gốm, lò gạch cổ. Suốt trên vạt đồi rộng hàng ngàn m² còn ngổn ngang các hiện vật gốm cổ, nhiều nhất là ngói cổ thời Lê Trung Hưng. Ở hàng Căm Véo – một điểm chốt tiền tiêu phía tây thành tìm thấy một khẩu súng lệnh bằng đồng dài 40cm , đường kính dài 12cm, trên thân khẩu súng còn khắc hai hàng chữ “Nghị Lang thủ ngự”. Đây là khẩu súng lệnh mang số hiệu 29 của vị thủ lĩnh đơn vị bảo vệ thành Nghị Lang.

Sách “Đại nam nhất thống chí” mục cổ tích còn ghi: “ Chúa Bầu cây cối xanh tốt, những đêm thanh vắng, người địa phương thường nghe tiếng trống chiêng và ngọn lửa lúc sáng lúc tối”. Lịch sử đã sang trang, nhưng dấu tích oanh liệt hùng cứ một phương chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương của các chúa Bầu vẫn luôn in đậm trong truyền thống người dân.

6 Bãi đá cổ Sa Pa – Lào Cai

Bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bắc Cổ phát hiện vào năm 1925. Bãi đá trải rộng 8km² với gần 200 khối đá có kích thước, hình khắc khác nhau như: tranh vẽ tả thực, hoa văn trang trí, hình người đang toả hào quang, hình người cách điệu và một số mô tuýp khác về hình người, hình kiểu bản đồ mô tả thung lũng Mường Hoa… Đặc biệt, có các tảng đá được khắc trên đó những khối chữ vuông giống với chữ Nôm Dao.

Bãi đá cổ Sa Pa - Lào Cai
Bãi đá cổ Sa Pa – Lào Cai

Các nhà khoa học giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa… Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, tất cả những cách giải mã đó mới chỉ dừng lại ở giả thiết. Bãi đá cổ Sa Pa vẫn nằm đó ẩn dấu những bí ẩn của người cổ xưa, thách thức các nhà khoa học. Từ tháng 10/1994, Bãi đá cổ Sa Pa được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hiện nay, di tích này đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

7 Thác Đầu Nhuần – Lào Cai

Thác Đầu Nhuần là tên gọi được đặt theo tên địa danh thôn Đầu Nhuần – nơi di tích tọa lạc, có từ khoảng những năm 1961-1963. Nguồn gốc tên gọi Đầu Nhuần được gọi theo tên làng Nhuần của người Tày ở vùng trung và hạ lưu suối Nhuần. Vị trí thôn nằm ở phần thượng nguồn suối Nhuần nên được gọi là Đầu Nhuần.

Thác Đầu Nhuần - Lào Cai
Thác Đầu Nhuần – Lào Cai

Trong lịch sử Đảng bộ xã Phú Nhuận có ghi: Cách đây khoảng hơn 150 năm, có 6 hộ người Tày di cư từ phía Bắc về lập làng gọi tên tiếng Tày là Bản Nhùn, sau này là làng Nhuần. Do đó, về mặt lịch sử nguồn gốc tên gọi của di tích có từ khá lâu và gắn liền với các mốc son lịch sử của vùng đất anh hùng này. Người Dao gọi thôn Đầu Nhuần là “Bàn Nghìn”, ý chỉ đây là nơi vùng sâu vùng xa, ở trên cao, gần rừng tức là nơi đầu làng. Thác Đầu Nhuần còn có tên gọi khác là thác Nậm Hẹn theo tên gọi dòng suối Nậm Hẹn. “Nậm” theo tiếng Tày nghĩa là nước, sông, suối. “Hẹn” là tên của người đầu tiên đến sống ở khe suối này. Theo đó, thác “Nậm Hẹn” là thác trên suối Hẹn.

Thác Đầu Nhuần chính là sự kết hợp giữa vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên của dòng chảy đã trải qua hàng trăm hàng nghìn năm kiến tạo địa chất và cảnh quan môi trường xung quanh. Danh lam thắng cảnh thác Đầu Nhuần bao gồm tổ hợp 3 thác nước lớn và hàng chục thác nước nhỏ, cùng với khu rừng nguyên sinh rộng lớn, với vẻ đẹp của thác Đầu Nhuần có thể nói thay đổi theo độ cao.

Thác Đầu Nhuần - Lào Cai
Thác Đầu Nhuần – Lào Cai

Trước sự hùng vĩ của những dãy núi cao trùng điệp, thác Đầu Nhuần đổ từ trên xuống như những dải lụa trắng lơ lửng giữa màu xanh của núi rừng bao la. Lúc thì dữ dội tung bọt trắng xóa, ào ào như tiếng gầm rú vang vọng một góc trời. Lúc thì dịu nhẹ như dòng suối mây, lướt qua những khóm cây, những cánh đồng bao la. Lúc lại róc rách qua các khe đá như bản hòa tấu âm thanh gợi cho người nghe cảm giác mê hoặc như được đắm chìm trong không gian tĩnh lặng giữa đại ngàn mênh mông để tận hưởng món quà vô giá của mẹ thiên nhiên ban tặng.

Ẩn mình dưới màu xanh của núi rừng, thác Đầu Nhuần hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp mộng mị rất đỗi chân nguyên của mình. Cùng với không gian văn hóa đặc sắc của người Dao, người Tày sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn trong chuyến tham quan ngược dòng suối Nhuần.

8 Động Thiên Long – Lào Cai

Danh lam thắng cảnh Động Thiên Long thuộc xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích Quốc gia tại Quyết định số 3579/QĐ-BVHTTDL ngày 18/10/2013.

Động Thiên Long - Lào Cai
Động Thiên Long – Lào Cai

Danh thắng Động Thiên Long thường được người dân địa phương gọi là “Hang Rồng”. Đây là một hệ thống hang động rộng lớn, nằm sâu trong lòng Núi Rồng, ở độ cao trên 1000 m so với mực nước biển thuộc địa bàn xã Nhìu Cồ Ván B, xã Tả Van Chư – huyện Bắc Hà, còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ bí với nhiều tầng lớp thạch nhũ lớn. Tổng chiều dài của động khoảng 470 m, được chia làm 3 tầng khác nhau, mỗi tầng có một đặc thù riêng.

Tầng một có chiều dài khoảng 115 m, mặt bằng rộng, nền được tạo thành bởi những tảng đá lớn, bao phủ lên là một lớp đất trầm tích màu đen, xốp, vòm hang của tầng 1 cao thoáng (khoảng 8 m – 10 m) trên đó có những mảng nhũ đá lớn, các mảng thạch nhũ được thiên nhiên kiến tạo với nhiều hình thù đa dạng phong phú, vách động với những lớp thạch nhũ bám vào thành, trải qua thời gian dài kiến tạo đã làm nên những bức tranh thủy mặc trong sáng, mờ ảo. Tầng hai của động có chiều dài ngắn hơn tầng một, nhưng có lượng nhũ đá nhiều hơn và phong phú hơn về hình dáng, kích cỡ và màu sắc, tầng 2 có nền bằng phẳng, lòng hang rộng, vòm cao nên đi lại thuận lợi. Tầng ba của động dài và có độ dốc khá lớn, lòng hang rộng có nhiều thạch nhũ hình thù khác nhau, toàn bộ tầng 3 giống như một cái túi lớn, đặc biệt ở đây có lớp trầm tích phủ dầy lên nhau.

Động Thiên Long - Lào Cai
Động Thiên Long – Lào Cai

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Quyết định công nhận Động Thiên Long thuộc xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà là danh lam thắng cảnh – xếp hạng di tích cấp Quốc gia đã được công bố tại Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1903 – 2013).

9 Hang động Tả Phìn – Lào Cai

Bản Tả Phìn cách thị trấn Sa Pa 12km, chếch về phía bắc, nơi có hai dân tộc Dao và H’Mông cư trú. Cách trụ sở UBND xã Tả Phìn gần 1km về phía bắc có dãy núi đá vôi, là một nhánh của dãy Hoàng Liên Sơn. Trong dãy núi này có một quả núi nhỏ, dưới chân núi nứt ra một cửa hang, chiều cao khoảng 5m, rộng khoảng 3m, mở ra một lối đi xuyên xuống đất. Đi khoảng hơn 30m trong tối tăm, gập ghềnh sẽ gặp một hang động. Từ đây động chia đi rất nhiều ngả chúc xuống lòng đất chỉ vừa một người chui lọt, nhiều đoạn cheo leo phải bám vào những tai đá, đu người mà lên xuống. Đi theo những vách nhỏ này càng tỏa ra nhiều lối, thậm chí có những ngách đi vòng vèo, rích rắc và cuối cùng vẫn trở về vị trí ban đầu.

Hang động Tả Phìn - Lào Cai
Hang động Tả Phìn – Lào Cai

Đi theo đường của vách lớn, ta có thể cảm giác như xuyên lên vách núi, đường đi ngoằn ngoèo, khi lên lúc xuống, chỗ phình to chỗ giống người thiếu phụ đang bồng con, chỗ giống các nàng tiên đang tắm, chỗ giống mâm xôi khổng lồ với những mảng nham thạch xù xì phớt trắng, hệt những mảng san hô bám viền xung quanh, có chỗ giống như những dãy cột nhà trắng mịn buông từ trên nóc xuống…Đặc biệt chỗ rộng nhất lòng động trên vòm cao khoảng 8m, các nhũ đá rủ xuống, đan thành dãy “đăng ten” uốn lượn, nhấp nhô, long lanh màu ngọc bích, những giọt nước từ đỉnh núi thấm dần rồi đọng lại nơi chóp của nhũ đá thánh thót nhỏ giọt, như điểm từng nhịp trong không gian hư ảo.

Vào sâu ta gặp một tảng đá lớn nằm hơi nghiêng, trên nền đá in hình những vết chân gà, ngay chóp đá bên phải còn hằn lên những vệt lõm hệt như móng chân ngựa. Một vách đá đối diện, những dòng chữ Pháp được khắc bằng vật cứng, cho đến ngày nay mặc dù bụi thời gian phủ lên ta vẫn còn đọc được. Hang động Tả Phìn có rất nhiều bí ẩn với chúng ta, cần được bảo vệ và giữ gìn.

10 Đèo Ô Quý Hồ – Lào Cai

Nếu bạn đã từng đến Sapa thì chắc hẳn đã biết đến đèo Ô Quy Hồ, đây là một đèo dài hùng vĩ nhất miền núi phía Bắc nước ta còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên Sơn. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh. Do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.

Đèo Ô Quý Hồ - Lào Cai
Đèo Ô Quý Hồ – Lào Cai

Tương truyền ở vùng núi này, trước hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2000m này

Được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, Ô Quy Hồ là điểm đến khiến bất cứ dân phượt nào cũng muốn chinh phục. Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên (do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn) hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quý Hồ nối liền Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh này, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai.

Đèo Ô Quý Hồ - Lào Cai
Đèo Ô Quý Hồ – Lào Cai

Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50 km dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32 km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn LaĐiện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40 km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc” Vẻ đẹp của đèo Ô Quý Hồ luôn luôn biến ảo: Bên phía Lào Cai thì mù sương, bên phía Lai Châu thì nắng ấm; mùa đông thì có băng tuyết, mùa hạ thường có mây bao phủ bồng bềnh, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

11 Thung lũng Mường Hoa – Lào Cai

Thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía Đông Nam. Từ thị trấn Sapa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao (có trạm thu phí 80.000 VND/người), khách du lịch Sapa sẽ đến thung lũng Mường Hoa. Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc.

Thung lũng Mường Hoa - Lào Cai
Thung lũng Mường Hoa – Lào Cai

Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Tại thung lũng Mường Hoa còn có con suối nhỏ xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.

Dòng suối Hoa, chảy dọc thung lũng Mường Hoa, kéo dài qua suốt các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào… Chính tại nơi này, rải dọc qua các dãy núi là một khu chạm khắc đá kỳ lạ. Trải dài trên chiều dài hơn 4km, rộng 2 km, với ít nhất 159 hòn đá, chứa nhiều hình họa bí ẩn, bãi đá từng là điểm tập trung nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Việt Nam, Nga, Pháp Australia… Thung lũng Mường Hoa là điểm dừng chân của nhiều tour du lịch Sapa mỗi ngày

Lào Cai có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Lào Cai – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.