Phú Yên có gì?

Nhắc đến Phú Yên là nhắc về xứ nẫu bình dị, là về mảnh đất hoa vàng cỏ xanh xinh đẹp. Thế nhưng Phú Yên còn cất giấu nhiều điều thú vị hơn thế. Đó là rừng, là biển, là đảo, cùng những câu chuyện văn hóa – lịch sử thú vị. Phú Yên có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Phú Yên trong bài viết sau đây nhé.

Di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa – Phú Yên

Dọc bờ biển của đất nước Việt Nam có rất nhiều gành đá, song có lẽ độc đáo và hấp dẫn vào bậc nhất phải kể đến là gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa – Phú Yên

Gành Đá Đĩa với chiều rộng khoảng 50m và trải dài hơn 200m, là một thắng cảnh thiên tạo hiếm thấy. Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên mới có tên gọi là gành Đá Đĩa.

Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở gành Đá Đĩa là loại đá bazan được hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa trôi ra biển, sau đó gặp nước biển lạnh nên bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực. Chính sự ứng lực này đã gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang thành những cột đá đứng liền khít nhau nữa chìm dưới nước nữa nổi trên bờ và tạo nên một gành Đá Đĩa có một không hai của Việt Nam.

Di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa – Phú Yên

Gành Đá Đĩa nằm trong một quần thể tự nhiên vô cùng lý tưởng. Phía Đông là Vịnh Xuân Đài được xem là một trong những vịnh đẹp của Việt Nam. Phía Nam là bãi biển dài khoảng 3km với dải cát trắng mịn, sạch và nước biển luôn trong xanh, là điều kiện tốt để hình thành một khu nghỉ dưỡng biển cũng như các hoạt động thể thao trên nước. Phía Bắc là ngọn hải đăng đứng sừng sừng trên đỉnh cao của gành Đèn, làm nhiệm vụ soi sáng cho tàu truyền ra vào Vịnh Xuân Đài. Phía Tây là xóm làng trù phú với những di sản văn hóa đá nổi tiếng khắp vùng như giếng đá, chuồng gia súc đá, tường rào đá, mộ đá… Phong cảnh nơi đây còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ và môi trường thuần khiết. Gành Đá Đĩa chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng và những trải nghiệm khó quên cho du khách khi đến tham quan.

Gành Đá Đĩa được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia vào ngày 23/01/1997. Năm 2014 được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là Top 20 điểm đến được du khách yêu thích nhất khi đến Việt Nam.​​​​​​

Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan – Phú Yên

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An với diện tích mặt nước 1.300ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống Đầm Ô Loan giống như một con thiên nga đang sải cánh bay trên bầu trời quang đãng, mà một cách ở Tân Quy, Tân An (xã An Hòa), một cánh ở Hà Yến (xã An Thạch), Phú Sơn (xã An Ninh Đông), còn đuôi ở Phú Tân (xã An Cư).

Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan – Phú Yên

Những cửa sông chảy ra biển giống y hệt như những chiếc lông ngắn xòe ra, cổ vươn cao từ Tân Quy (xã An Hải) đến Phú Lương (xã An Ninh Đông), miệng mổ vào chân núi. Đầm Ô Loan được bao bọc bởi các làng mạc trù phú và những dãy núi thấp thoai thoải xa xa tạo nên một khung cảnh non nước hữu tình. Chính vì thế mà các thi sỹ đã không ngớt lời ca ngợi về vẻ đẹp, con người và những đặc sản nơi đây.

Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp

Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh.

Hay:

Ô Loan nước lặng như tờ

Thương người chí sĩ dựng cờ Cần Vương

Trải bao gối đất nằm sương

Một lòng vì nước, nêu gương anh hùng.

Đầm Ô Loan là nơi có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú như tôm cua, cá, ghẹ, sứa, hàu… đặc biệt làm nên thương hiệu Đầm Ô Loan là sò huyết. Sò huyết ở đây có hương vị đậm đà, ngon ngọt hơn sò huyết các nơi khác, được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao và cũng đã từng xuất khẩu qua các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapo… vỏ sò huyết còn được các nghệ nhân làng gốm cổ Quảng Đức dùng vào việc chế tác ra những sản phẩm mang đặc trưng riêng của dòng gốm cổ Quảng Đức mà không lẫn lộn với bất kỳ dòng gốm cổ nào khác.

Một loại đặc sản khác của đầm Ô Loan là cua Huỳnh Đế. Cua Huỳnh Đế khác với các loại cua khác ở chỗ mai có màu đỏ hoặc vàng ngay khi còn sống, đằng sau có một chúm lông vàng ngắn. Loại cua này không bò ngang mà bò thẳng, do càng và que đều mọc ở phía trước đầu.

Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan – Phú Yên

Đi về phía Bắc đầm Ô Loan có khu ẩm thực cầu An Hải với kiểu nhà hàng nổi trên mặt nước, sẵn sàng phục vụ du khách các đặc sản của đầm Ô Loan. Sẽ trọn vẹn hơn nếu đến đầm Ô Loan được theo thuyền câu ngư phủ ra chơi đầm khi màn đêm buông xuống, những sản phẩm đánh bắt được nướng ngay trên thuyền, nhâm nhi với ly rượu Quán Đế và ngắm trời mây non nước hữu tình. Đó là thú chơi tao nhã không dễ tìm kiếm được ở bất cứ nơi đâu.

“Chiều xuống Ô Loan, ai ngân một tiếng đàn, làm ngẩn ngơ mặt nước…” câu ca trữ tình của nhạc sỹ Vĩnh An cũng chính là câu thương, câu đợi, câu chờ, là lời mời gọi du khách gần xa hãy một lần ghé thăm thắng cảnh Ô Loan.

Hằng năm vào ngày mùng bảy tháng Giêng (âm lịch) tại đầm Ô Loan có diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham dự.

Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia vào ngày 27/9/1996.

Di tích thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài – Phú Yên

Vịnh Xuân Đài nằm cách thành phố Tuy Hoà khoảng 45km về phía bắc. Đường quốc lộ 1A chạy dọc men theo bờ tây vịnh Xuân Đài, đi vào Nam ra Bắc khi đến đỉnh dốc Găng du khách có thể dễ dàng ngắm một góc cảnh vịnh Xuân Đài. Tàu thuyền có thể đi vào từ cửa vịnh hoặc xuất bến từ cảng Dân Phước, Tiên Châu, Nhất Tự Sơn … để đi tham quan toàn vịnh.

Di tích thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài – Phú Yên

Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha. Cửa vịnh rộng khoảng 4,4km, vịnh có độ sâu từ 7m đến 18m; bờ vịnh dài khoảng 50km, chạy qua nhiều vùng địa hình khác nhau với những tên gọi khá thú vị như: gành Đèn, Mũi đá Ong, gành Đen, gành Đỏ, vũng Lắm, vũng Mắm, vũng Dông, vũng Sứ, vũng Chào, vũng Me, vũng La, Bãi Ôm, bãi Từ Nham, mũi Động Tranh, mũi Gành Tướng, hòn Móm, mũi Tai Mã, gành Bà, Cù lao ông Xá, đảo Nhất Tự Sơn, đám Cồn Cả…

Mặt phía Đông Nam cửa vịnh là: gành Đá Đĩa, Hòn lao Mái Nhà; phía Bắc là bãi cát Từ Nham, bãi biển Từ Nham, đầm Cù Mông, vũng Vuông, bãi Tràm, bãi Nồm…, dưới biển có nhiều loại san hô và rong biển. Phong cảnh trời, mây, non, nước Xuân Đài cùng với những đặc sản nổi tiếng ở đây như ốc nhảy, ốc hương, tôm, cua, ghẹ… đã làm say lòng biết bao thi nhân lữ khách:

Xuân Đài bốn mặt núi sông liền

Thắng cảnh nước non để dấu truyền

Thánh đế đền xưa nêu dấu tích

Tiên Châu chốn cũ hội thương thuyền

Hai sông giáp một chiều lên xuống

Ba mặt gành đôi đá nữa nghiêng

Trùng điệp dương xanh lồng cát trắng

Rừng cây nhân tạo giúp thiên nhiên.

Di tích thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài – Phú Yên

Vịnh Xuân Đài chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử: vào những năm 1775 – 1801 là cuộc thuỷ chiến giữa quân Tây Sơn với nhà Nguyễn. Trong chiến tranh thế giới thứ II, tàu hải quân của quân đội Nhật Hoàng bị phi cơ Đồng Minh bắn chìm giữa vịnh Xuân Đài. Vũng Lắm là thương cảng sầm uất bậc nhất của Phú Yên trong quá khứ, là cửa ngõ thông thương giữa Phú Yên với bên ngoài…

Gần Vịnh Xuân Đài có các thắng cảnh nổi tiếng như: gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông…, là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch thể thao leo núi, lặn biển, đua thuyền, lướt sóng và khám phá đại dương…

Hãy đến vịnh Xuân Đài để khám phá, cảm nhận nét đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Yên. Vịnh Xuân Đài được xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia ngày 20/1/2011. Năm 2014 được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là Top 10 vùng vịnh đẹp của Việt Nam.

Di tích thắng cảnh quốc gia núi Đá Bia – Phú Yên

Núi Đá Bia (còn gọi là Thạch Bi Sơn) cao 706m, sừng sững uy nghi ở phía Bắc dãy Đèo Cả. Trên đỉnh núi là một khối đá khổng lồ cao 76m, có hình thù kỳ lạ, sáng sớm hay về chiều thường có mây trắng bao phủ chung quanh, khi ẩn khi hiện.

Di tích thắng cảnh quốc gia núi Đá Bia - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia núi Đá Bia – Phú Yên

Hệ sinh thái được bảo tồn khá phong phú với những loài thực vật và động vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Đứng trên đỉnh núi Đá Bia có thể hướng tầm nhìn về những địa danh nổi tiếng như: Vũng Rô, Đèo Cả, Bãi Bàng, Bãi Môn – Mũi Điện, Hải Đăng, Núi Hiềm, Biển Hồ, Đập Hàn, vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)…

Từ xa xưa, núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng với tên gọi là Lingaparvata (có nghĩa là Linga – đấng đại sơn thần, hiện thân của thần Siva trong tín ngưỡng của người Chăm), trong các sách cổ Trung Hoa phiên âm Hán tự là Lăng-già-bát-bạt-đa.Núi Đá Bia gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết. Đặc biệt là sự kiện năm 1471, tương truyền vua Lê Thánh Tông trong hành trình mở mang bờ cõi về phía Nam, khi đến núi này vua đã cho khắc chữ vào khối đá lớn trên đỉnh núi. Từ đó núi có tên là Núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn.

Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện hình tượng dãy núi Đại Lãnh (có cả núi Đá Bia) vào Tuyên Đỉnh, một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế. Khoảng giữa thế kỷ XIX, quan đại thần triều Nguyễn là Phan Thanh Giản khi đi qua khu vực Đèo Cả – núi Đá Bia đã có bài thơ chữ Hán được dịch ra như sau:

Mảnh đá đầu non dựng
Tầng cao ngất một phương
Chia bờ nêu cột Hán
Đuổi giặc trú xe Đường
Chữ triện mây lu nét
Công thần sử rọi gương
Chạm bia người đã vắng
Lữ khách chạnh lòng thương.

Di tích thắng cảnh quốc gia núi Đá Bia - Phú YênDi tích thắng cảnh quốc gia núi Đá Bia - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia núi Đá Bia – Phú Yên

Cuộc thi chinh phục đỉnh núi Đá Bia được tổ chức vào ngày 26 và 27/3 hàng năm. Tại đây du khách có thể leo lên đỉnh núi Đá Bia qua đoạn đường dài khoảng 2011m, vượt qua một số đoạn đường bằng và 2071 bậc cấp. Trên đường đi bình quân khoảng hơn 300m có điểm dừng chân để du khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh và khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới ven biển… Hiện nay khu du lịch sinh thái Đá Bia đang hình thành, là một điểm đến của du khách trong cuộc hành trình khám phá, chinh phục đỉnh núi Đá Bia.

Núi Đá Bia được công nhận di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2008.

Di tích thắng cảnh quốc gia Bãi Môn – Mũi Điện – Phú Yên

Bãi Môn – mũi Đại Lãnh (Mũi Điện) nằm liền kề nhau, thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa. Mũi Đại Lãnh là phần cuối cùng của dãy núi Đại Lãnh, đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm thẳng ra biển, có tọa độ địa lý 12độ 53 phút 48 giây vĩ độ Bắc và 109 độ 27 phút 06 giây kinh độ Đông.

Di tích thắng cảnh quốc gia Bãi Môn – Mũi Điện - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia Bãi Môn – Mũi Điện – Phú Yên

Mũi đất này là một trong các vị trí địa lý trên đất liền của nước ta nhô ra xa nhất về phía biển. Từ Bãi Môn lội qua một suối nước ngọt đi theo bậc cấp khoảng 1000m là lên đến Trạm Hải Đăng.

Năm 1936, vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đại Lãnh vào Tuyên đỉnh – một trong chín đỉnh đặt trước Thế miếu (nơi thờ các vua nhà Nguyễn) trong đại nội kinh thành Huế.

Cuối thế kỷ XIX, đại úy sỹ quan người Pháp tên là Varella đã phát hiện và ghi nhận tầm quan trọng của mũi đất này trên bản đồ hàng hải thế giới, người Pháp gọi là Cap Varella. Năm 1890, người Pháp xây dựng ngọn hải đăng với mục đích định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển ra vào vịnh Vũng Rô. Từ đó, mũi Đại Lãnh còn được mang tên là Mũi Điện.

Trải qua chiến tranh, ngọn hải đăng đã bị đổ nát. Năm 1995, ngọn hải đăng được xây dựng và hoạt động lại. Ngọn hải đăng hình trụ tròn, cao là 25,6m, đường kính là 4,5m. Bên trong có 100 bậc thang bằng gỗ hình xoắn ốc dẫn lên đỉnh. Đèn chính phát sáng khoảng 28 hải lý, đèn chóp phụ phát sáng 18 hải lý (1 hải lý: 1.852m).

Di tích thắng cảnh quốc gia Bãi Môn – Mũi Điện - Phú Yên
Di tích thắng cảnh quốc gia Bãi Môn – Mũi Điện – Phú Yên

Đây là một trong 8 ngọn hải đăng có trên 100 năm tuổi trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động của Việt Nam; là ngọn hải đăng nằm gần hải phận quốc tế nhất. Bãi Môn được Mũi Nạy ở phía Bắc và Mũi Điện ở phía Nam che chắn, bờ biển dài hơn 400m, cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhẹ, độ dốc nhỏ và thoải dần ra xa.

Trong vòng bán kính khoảng 5km đã có 3 di tích cấp quốc gia: Bãi Môn – Mũi Điện, Núi Đá Bia, Vũng Rô và nhiều bãi biển đẹp như Bãi Gốc, Bãi Bàng ở phía bắc, rừng cấm Bắc Đèo Cả. Nơi đây có tiềm năng rất lớn phát triển các loại hình du lịch: nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, leo núi, tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái biển, rừng…;

Với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, Bãi Môn – mũi Đại Lãnh (Mũi Điện) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào ngày 22/8/2008. Năm 2014 được Tổ chức kỷ lục việt Nam công nhận là Top 5 ngọn hải đăng trên 100 tuổi nổi tiếng nhất.

Đến đây du khách có thể leo lên tận đỉnh ngọn hải đăng nhìn bao quát ra đại dương mênh mông; đặt chân lên cột mốc ghi tọa độ số 0 của Tổng cục địa chính; có thể ở lại đêm, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ; thưởng thức món hải sản tươi của biển, lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rào chờ đón những ánh bình minh đầu tiên trên dải đất liền Việt Nam.

Phú Yên có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Phú Yên – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *