Phú Yên – Vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp, con người vô cùng thân thiện và chắn chắc bạn sẽ bị cuốn hút bởi mọi thứ ở nơi đây. Kế thừa và phát huy những tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống, Phú Yên ngày nay là một trong những địa phương có nhiều lễ hội độc đáo. Đặc điểm của tỉnh có dân cư sinh sống trên nhiều địa bàn khác nhau (vùng núi, vùng biển và đồng bằng) đã tạo cho mỗi vùng những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng. Những sắc thái ấy đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của Phú Yên. Phú Yên có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Phú Yên mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
1 Lễ hội Vía Bà – Phú Yên
Tháng 3 âm lịch hằng năm, tại Tháp Nhạn lại diễn ra hội lễ vía Bà – Tạ ơn Mẹ Xứ sở. Lễ hội nhằm tri ân vị thần có công dạy người dân nghề nông, nghệ dệt, che chở và bảo vệ quê hương khỏi thiên tai, dịch bệnh. Lễ hội có sự tham gia đông đảo người dân gần xa, cả người Chăm và người kinh cùng dâng hương.
Những lễ hội lớn ở Phú Yên khác như lễ hội Đập Đồng Cam (mùng 8 tháng giêng Âm lịch, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa), hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn (15 tháng giêng Âm lịch, Núi Nhạn, Tuy Hòa), hội chùa Ông (13 tháng giêng âm lịch, phường 1, Tuy Hòa), lễ hội đền Lê Thành Phương ( 27,28 tháng giêng âm lịch, xã An Hiệp, huyện Tuy An),…cũng diễn ra hết sức long trọng, là nét văn hóa độc đáo của tỉnh Phú Yên.
2 Lễ hội Cầu Ngư – Phú Yên
Các làng ven biển, ven đầm ở Phú Yên thường tổ chức Lễ hội Cầu ngư vào khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Sáu (Âm lịch) hằng năm.
Địa điểm tổ chức lễ hội là tại các Lăng Ông (nơi thờ Cá Voi). Lễ hội gồm có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành trang nghiêm với các nghi thức: Múa siêu, nghinh thần, rước sắc, đọc văn tế…. Phần hội là các hình thức diễn xướng trò chơi dân gian như: Hát bả trạo, đua thuyền, lắc thúng… Đặc biệt, trong Lễ hội cầu ngư không thể thiếu loại hình nghệ thuật truyền thống hát bội.
Lễ hội cầu ngư là nhu cầu trong đời sống tâm linh và tinh thần của bà con ngư dân, mong muốn trời yên biển lặng, lưới nặng cá đầy, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là một lễ hội dân gian truyền thống được bảo tồn, phát huy ở Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng. Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
3 Hội Bài Chòi – Phú Yên
Vào dịp Tết Nguyên đán, ở các vùng nông thôn Phú Yên, nhân dân thường tổ chức Hội bài chòi. Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi trên một khu đất rộng. Chòi được cất bằng các loại vật liệu tranh, tre, lá dừa… Người điều khiển Hội bài chòi là một nghệ nhân dân gian, gọi là “anh hiệu”, vừa phải thuộc nhiều câu thai, vừa phải có khả năng diễn xuất và ứng biến linh hoạt để thu hút người chơi.
Hội bài chòi là một hình thức diễn xướng dân gian phổ biến ở Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng.
Hội bài chòi và các trò chơi dân gian khác được tổ chức trong những ngày Tết, trong các dịp lễ hội thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân Phú Yên. Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
4 Lễ hội mùa – Phú Yên
Lễ hội mùa Phú Yên được tổ chức vào dịp tháng 3 hằng năm. Người dân nơi đây hân hoan, náo nứt chuẩn bị thu hoạch lúa; là lúc người dân vui vẻ để thu hoạch một mùa bội thu bởi vì sau bao thời gian vất vả; cuối cùng thì người dân lại gặt hái nhũng thành quả mà mình đã gieo trồng. Nên đây được coi là lễ hội truyền thống văn hoá tại Phú Yên được mong chờ nhất năm. Trong lễ hội người dân nô nứt vui vẻ tổ chức với mong ước tạ ơn thần lúa đã cho họ một mùa bội thu và thắng lợi, trong lễ hội ngoài việc làm lễ cúng còn có các chương trình đánh trống, đánh cồng chiên, vui chơi múa hát.
5 Lễ hội Sông nước Tam Giang – Phú Yên
Lễ hội Sông nước Tam Giang là lễ hội đặc trưng của dân vùng biển và cũng là nét văn hóa của tỉnh Phú Yên. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 5 và 6 tháng giêng âm lịch tại thị xã Sông Cầu. Là dịp để người dân có cơ hội vui chơi, giải trí trong dịp tết.
Lễ thường được tổ chức với hoạt động biểu diễn nghệ thuật như hò bả trạo, hò hụi, hò kéo lưới,…Sau đó là tiến hành làm lễ cầu ngư, thể hiện nét văn hóa vùng biển Phú Yên. Và đặc biệt là phần hội trên dòng Tam Giang với hội thi đua thuyền, bắt vịt trên sông, câu cá, lắc thúng chai,…Lễ hội Sông nước Tam Giang được xem là lễ hội lớn ở Phú Yên được nhiều người tham gia nhất nhì với gần 15.000 người mỗi năm.
6 Lễ hội Sông nước Đà Nông – Phú Yên
Lễ hội Sông nước Đà Nông được tổ chức vào mùng 8 tháng giêng hằng năm tại xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Lễ hội là điểm du xuân đầu năm hấp dẫn của mảnh đất Phú Yên. Du khách thập phương và người dân ở đây sẽ được xem những cuộc tranh tài với nhiều môn thi đa dạng. Kể đến như bơi lội, lắc thúng chai, đua thuyền rồng. Cũng như các lễ hội sông nước khác, lễ hội Sông nước Đà Nông cũng diễn ra lễ cầu ngư và biểu diễn nghệ thuật.
7 Lễ hội Đầm Ô Loan – Phú Yên
Nhắc tới các điểm đến du lịch Phú Yên nổi tiếng không thể không nhắc tới Đầm Ô Loan. Đây là điểm đến mang tới cho du khách rất nhiều những trải nghiệm thú vị và độc đáo. Trong đó nếu tới đây vào dịp tháng giêng cụ thể là ngày mùng 7 hàng năm, du khách sẽ được tham gia vào một trong các lễ hội Phú Yên lớn nhất hiện nay đó chính là lễ hội Đầm Ô Loan. Đây là lễ hội do chính ngư dân của xã An Cư huyện Tuy An tổ chức. Lễ hội này mang đậm nét văn hóa truyền thống mà bao đời nay người dân nơi đây vẫn gìn giữ và bảo tồn.
Thời điểm diễn ra lễ hội, du khách sẽ được tham gia rất nhiều hoạt động thú vị như đua thuyền, bơi lội kết hợp cùng các hoạt động như hát tuồng, múa. So với các lễ hội truyền thống tại Phú Yên khác thì lễ hội Đầm Ô Loan còn chứa đựng rất nhiều nét đẹp văn hóa riêng của ngư dân vùng làng chài Tuy An. Bởi thông qua lễ hội, du khách sẽ hiểu hơn về các tín ngưỡng, thờ cúng của người dân nơi đây. Họ luôn mong muốn tìm được sự bình an với nguyện cầu một năm mới đánh bắt, chăn nuôi và trồng trọt thuận lợi.
8 Hội thơ Nguyên Tiêu Núi Nhạn – Phú Yên
Hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn được hình thành từ năm 1980, ban đầu được tổ chức ở Thư viện Hải Phú. Về sau, những người yêu thi phú, lãng mạn đã chọn núi Nhạn.
Hội thơ Nguyên tiêu ngày càng được mở rộng kết hợp một số hoạt động nghệ thuật khác để tăng thêm tính sinh động được tổ chức 2 đêm 15 và 16 tháng Giêng hàng năm. Con đường uốn lượn gần 300 m dẫn lên đỉnh núi trong đêm thơ được trang hoàng lộng lẫy cờ thơ cùng ánh trăng rằm càng thêm kỳ ảo và lãng mạn thu hút đông đảo các nhà thơ, người yêu thơ, giai nhân tài tử, tao nhận mặc khách.
Hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn là niềm tự hào của người Phú Yên, với trái tim nồng nàn đối với “nàng thơ”, là cách tôn vinh, biến thơ trở thành một lễ thức văn hóa đầy tính nghệ thuật và nhân văn. Chính tiếng vang từ lễ hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn là một trong những lý do quan trọng để Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lập Ngày Thơ Việt Nam vào rằm Nguyên tiêu hàng năm (từ năm 2003).
9 Lễ hội đua ngựa An Xuân – Phú Yên
Vào ngày mùng 9 tháng giêng, tại An Xuân, Tuy An sẽ diễn ra lễ hội đua ngựa. Đây được xem là một trong các lễ hội đua ngựa còn được tổ chức tại Việt Nam hiện nay. Lễ hội này mỗi lần tổ chức thường thu hút khoảng 10.000 lượt khách tới tham gia. Do đó, nhắc tới các lễ hội truyền thống tại Phú Yên không thể không nhắc tới lễ hội đua ngựa An Xuân.
Thông qua lễ hội đua ngựa, người dân An Xuân muốn gìn giữ và gợi lại tinh thần thượng võ của cha ông ta. Cuộc đua sẽ thể hiện cho ý chí kiên cường, bất khuất của con người Phú Yên trước thiên nhiên, biển cả bao la, hùng vĩ.
Đặc biệt, lễ hội đua ngựa Phú Yên này được tổ chức tại bãi đua là một thảm cỏ có diện tích rất rộng và bằng phẳng. Những người tham gia thi đấu sẽ ăn mặc chỉnh tề và ngồi trên lưng ngựa bệ vệ, oai phong như những kỵ sĩ dũng mãnh và oai hùnG. Họ sẽ khiến cho không khí cuộc đua thêm phần hấp dẫn và sôi nổi hơn.
10 Lễ hội đâm trâu – Phú Yên
Lễ hội đâm trâu là lễ hội truyền thống do đồng bào các dân tộc thiểu số của vùng núi Phú Yên tổ chức. Lễ hội này sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày đêm và sẽ được tổ chức vào tháng chạp cho tới tháng 3 âm lịch.
Nghi thức đâm trâu sẽ được thực hiện vào ngày thứ ba của lễ hội và trong suốt thời gian diễn ra lễ hội truyền thống tại Phú Yên này, thầy cúng sẽ tiến hành thực hiện nhiều nghi lễ như gieo quẻ, khấn vái và xin xăm…
Người dân nơi đây luôn quan niệm rằng hiến trâu tế thần sẽ là một sự thể hiện tấm lòng với Thần Nước, Thần Núi. Do đó, lễ hội đâm trâu luôn được bà con đồng bào thiểu số mong chờ. Tại lễ hội, các hoạt động nghi lễ truyền thống cũng như sinh hoạt văn hóa cộng đồng sẽ được người dân tổ chức với rất nhiều nét đẹp đặc sắc khác nhau.. Do đó, mọi người khi tới đây tham gia lễ hội sẽ được khám phá rất nhiều điều hấp dẫn mà lễ hội đâm trâu Phú Yên mang lại như múa hát, uống rượu cần, ngắm cảnh và đánh chiêng trống…
11 Lễ hội bỏ mả của đồng bào dân tộc miền núi – Phú Yên
Lễ bỏ mả sẽ gồm cả phần lễ và phần hội. Phần hội sẽ bao gồm các hoạt động như múa hát, đánh cồng, chiêng và kể khan. Phần lễ sẽ diễn ra các nghi thức để giúp linh hồn của người đã khuất về hẳn với tổ tiên. Sau khi thực hiện xong nghi thức của phần lễ, người ta sẽ tiến hành xây dựng nhà mồ. Đây được xem là công trình nghệ thuật nổi tiếng của đồng bào dân tộc miền núi Phú Yên.
Lễ bỏ mả được tổ chức với các khách mời danh dự ngoài bạn bè, người thân, hàng xóm còn có cả bà con ở các buôn làng lân cận sang tham dự. Do đó, vùng đất Phú Yên sẽ có rất nhiều điều thú vị để du khách có thể dành thời gian ghé thăm và tìm hiểu.
Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Phú Yên mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Phú Yên có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Phú Yên vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.