Quảng Nam có gì?

Quảng Nam là một tỉnh thành lớn thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, Việt Nam với diện tích 10,440 km2. Là vùng đất giàu truyền thống về văn hóa trong đó có hai di sản được thế giới công nhận đó là phố cổ Hội Anthánh địa Mỹ Sơn. Quảng Nam có khí hậu mát mẻ, địa hình đa dạng về núi trung du và đồng bằng. Có đường bờ biển dài 125km với nhiều bãi tắm đẹp nỗi tiếng… cùng cụm đảo Cù Lao Chàm với hệ thực vật phong phú đa dạng. Nơi đây còn nỗi tiếng về du lịch với nhiều địa danh đẹp và nỗi tiếng. Quảng Nam có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Quảng Nam trong bài viết sau đây nhé.

1 Phố cổ Hội An – Quảng Nam

Khu phố cổ nằm trọn trong phường Minh An, diện tích khoảng 2 km², với những con đường ngắn và hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy dọc ngang theo kiểu bàn cờ. Nằm sát với bờ sông là đường Bạch Đằng, tiếp đó tới đường Nguyễn Thái Học rồi đường Trần Phú nối liền với Nguyễn Thị Minh Khai bởi Chùa Cầu.

Phố cổ Hội An - Quảng Nam
Phố cổ Hội An – Quảng Nam

Do địa hình khu phố nghiêng dần từ Bắc xuống Nam, các con đường ngang Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ và Trần Quý Cáp hơi dốc dần lên nếu đi ngược vào phía sâu trong thành phố. Đường Trần Phú xưa kia là con đường chính của thị trấn, nối từ Chùa Cầu tới Hội quán Triều Châu. Vào thời Pháp thuộc, đường này được mang tên Rue du Pont Japonnais, tức Phố cầu Nhật Bản.

Ngày nay, đường Trần Phú rộng khoảng 5 mét với nhiều ngôi nhà không có phần hiên, kết quả của lần mở rộng khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hai con đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng hình thành muộn hơn, đều do bùn đất bồi lấp. Đường Nguyễn Thái Học xuất hiện năm 1840, sau đó được người Pháp đặt tên là Rue Cantonnais, tức Phố người Quảng Đông. Đường Bạch Đằng ra đời năm 1878, nằm sát bờ sông nên xưa kia từng có tên gọi là Đường Bờ Sông. Nằm sâu về phía thành phố, tiếp theo đường Trần Phú là đường Phan Chu Trinh, con đường mới được xây dựng thêm vào khoảng thời gian sau này. Trong khu phố cổ còn nhiều đường hẻm khác nằm vuông góc với đường chính kéo dài ra đến tận bờ sông.

2 Thánh địa Mỹ Sơn – Quảng Nam

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Từ năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất.

Thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam
Thánh địa Mỹ Sơn – Quảng Nam

Mỹ Sơn có lẽ được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ 4. Trong nhiều thế kỷ, thánh địa này được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chămpa tại Việt Nam. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực.

Dựa trên các tấm bia văn tự khác, người ta biết nơi đây đã từng có một đền thờ đầu tiên được làm bằng gỗ vào thế kỷ 4. Hơn 2 thế kỷ sau đó, ngôi đền bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ 7, vua Sambhuvarman (Phạm Phạn Chi) (trị vì từ năm 577 đến năm 629) đã dùng gạch để xây dựng lại ngôi đền còn tồn tại đến ngày nay (có lẽ sau khi dời đô từ Khu Lật về Trà Kiệu). Các triều vua sau đó tiếp tục tu sửa lại các đền tháp cũ và xây dựng các đền tháp mới để thờ các vị thần. Gạch là vật liệu tốt để lưu giữ ký ức của một dân tộc kỳ bí và kỹ thuật xây dựng tháp của người Chàm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng.

Những ngọn tháp và lăng mộ có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, nhưng các kết quả khai quật cho thấy các vua Chăm đã được chôn cất ở đây từ thế kỷ 4. Tổng số công trình kiến trúc là trên 70 chiếc. Thánh địa Mỹ Sơn có thể là trung tâm tôn giáo và văn hóa của nhà nước Chăm pa khi thủ đô của quốc gia này là Trà Kiệu hay Đồng Dương.

Tại thánh địa Mỹ Sơn có một đền xây dựng bằng đá, nó cũng là đền đá duy nhất của các di tích Chăm. Văn bia tại Mỹ Sơn cho biết, đền này được trùng tu lần cuối cùng bằng đá vào năm 1234. Ngày nay, ngôi đền này đã bị sập (có lẽ do bom Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, vì ngay sát tháp là một hố bom sâu hoắm vẫn dấu tích) nhưng hệ móng của nó cho thấy nó cao trên 30 m và đây là ngôi đền cao nhất của thánh địa này. Các tài liệu thu thập được xung quanh khu đền này cho thấy nhiều khả năng đây là vị trí của ngôi đền đầu tiên vào thế kỷ 4.

Thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam
Thánh địa Mỹ Sơn – Quảng Nam

Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Champa. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva – Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần – vua và tổ tiên hoàng tộc.

Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy hoàng của văn hóa – kiến trúc Chăm Pa cũng như của Đông Nam Á.

3 Khu di tích danh thắng quốc gia Hồ Phú Ninh – Quảng Nam

Hồ Phú Ninh là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Quảng Nam. Tại Hồ Phú Ninh có rất nhiều trò chơi và các hoạt động ngoài trời dành cho du khách trong kì nghỉ dưỡng đặc biệt vào những ngày hè nóng bức đến với Hồ Phú Ninh là một địa điểm đem đến cảm giác mát mẻ và rất sôi động.

Khu di tích danh thắng quốc gia Hồ Phú Ninh - Quảng Nam
Khu di tích danh thắng quốc gia Hồ Phú Ninh – Quảng Nam

Khu di tích danh thắng quốc gia Hồ Phú Ninh cách thành phố Tam Kỳ 7 km về phía Tây. Hồ Phú Ninh là công trình thuỷ lợi có sức chứa gần nửa tỷ mét khối nước, với diện tích mặt hồ rộng 3.433 ha cùng 23.000 ha rừng phòng hộ và 30 đảo, bán đảo nhỏ xinh đẹp. Công trình được khởi công vào năm 1977 và hoàn thành sau gần 10 năm xây dựng

Khi tham quan Hồ Phú Ninh, từ trên cao nhìn xuống, lòng hồ như một chảo nước khổng lồ với nhiều ốc đảo, được bao bọc bởi những dãy núi, những bờ đê và những cánh rừng xanh biếc. Bằng chiếc thuyền con, du khách có thể dạo chơi quanh các ốc đảo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ nhưng cũng thật hùng vĩ giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng.

Hồ Phú Ninh gắn liền với thiên nhiên, phong cảnh ở đây rất đẹp, bạn có thể dễ dàng chụp những bức hình đẹp trong suốt qua trình tham quan để lưu giữ những khoảnh khắc đó.

4 Cù Lao Chàm – Quảng Nam

Cù Lao Chàm thuộc Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam, cách biển Cửa Đại 15 km. Nơi đây gồm 8 đảo là Hòn Lao, Dài, Mồ, Khô Mẹ, Khô Con, Lá, Tai, Ông. Nhiều du khách sau khi thăm thú phổ cổ Hội An thường tới cụm đảo này để tận hưởng vẻ đẹp yên bình, hoang sơ của thiên nhiên.

Cù Lao Chàm - Quảng Nam
Cù Lao Chàm – Quảng Nam

Từ một hòn đảo hoang sơ, ngay sau khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, Cù Lao Chàm đã được đưa vào khai thác du lịch. Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, hòn đảo xanh nhanh nhanh chóng trở thành một điểm đến hấp dẫn mà hầu như ai khi đến Đà Nẵng hay phố cổ Hội An đều không thể bỏ qua.

Cù Lao Chàm không phải là hòn đảo đặc biệt so với nhiều đảo gần bờ cũng như các khu dự trữ sinh quyển khác của Việt Nam. Cũng có bãi tắm tự nhiên đẹp, cảnh quan hoang sơ, hải sản phong phú… – những lợi thế có thể bắt gặp ở bất kỳ hòn đảo du lịch nào, nhưng cái dấu ấn đặc sắc mà du khách bắt gặp ở Cù Lao Chàm không phải là những lợi thế đó mà chính là cách khai thác những lợi thế.

Điểm dừng chân đầu tiên khi thuyền cập bến tàu Cù lao Chàm chính là nhà bảo tồn biển. Tuy nhỏ nhưng khi đến đây và được nghe các hướng dẫn viên trên đảo thuyết trình, dẫn dắt người nghe từ lịch sử hình thành, các phong tục truyền thống, lễ hội cho đến những sản vật phong phú của Cù lao Chàm sẽ khiến bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

5 Tháp Bằng An – Quảng Nam

Tháp Bằng An thuộc địa phận phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nằm trên đường 14 cách đô thị cổ Hội An khoảng 14 km, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Nằm trong khuôn viên khu tháp rộng khoảng 4000 m2 ngày nay chỉ còn duy nhất ngôi tháp Bằng An mặt bằng hình bát giác.

Tháp Bằng An - Quảng Nam
Tháp Bằng An – Quảng Nam

Cấu trúc tháp Bằng An được chia làm hai phần: Tiền sảnh và điện thờ. Phần tiền sảnh khá dài, cửa ra vào ở hướng Đông, hai bên tiền sảnh có 2 cửa ra vào phụ (năm 1940 được trùng tu lại thành 2 cửa sổ). Phần đế của tiền sảnh cao 3m loe rộng hơn bằng các đường giật của khối xây, kết thúc bằng các gờ chạy ngang xung quanh. Phần thân tiền sảnh gồm những góc tường thẳng đứng, các khối viền cửa làm cho lòng Tiền sảnh có dạng chữ thập. Phía trên phần thân như một đài hoa được tạo bởi các đường giật của khối xây loe rộng ra bốn phía. Mái tiền sảnh là một khối chóp bốn mặt cong thu dần về phía đỉnh. Toàn bộ tiền sảnh còn lại đến nay khá nguyên vẹn, tuy rằng phần đỉnh đã sạt lở và mất các chi tiết trang chí ở các cạnh.

Phần Điện thờ của tháp Bằng An có mặt bằng bát giác. Nhìn xa, Điện thờ của Bằng An phân ba phần rõ rệt: đế, thân bát giác và mái hình chóp tạo bởi tám mặt cong dần về phía đỉnh. Hình dáng của điện thờ như một khối Linga khổng lồ cao gần 21m, còn mặt bằng của toàn bộ tháp lại gợi lên hình ảnh Yoni.

Bên ngoài tháp hiện nay còn 2 pho tượng Gajasimha bằng sa thạch, chiếc vòng lục lạc của Gajasimha Bằng An giống như vòng lục lạc của Gajasimha Chánh Lộ và Chiên Đàn, bộ lông gáy được cách điệu, các móng chân được thể hiện rõ, chiếc vòi ngắn và cong lên.

Tháp Bằng An là một trong những tháp Chăm cổ còn sót lại ở tỉnh Quảng Nam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 12. Bằng An được coi là một tác phẩm điêu khắc bằng gạch lớn trong lịch sử điêu khắc Chămpa và là di tích có giá trị cao về lịch sử và tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm.

6 Chùa Hải Tạng – Quảng Nam

Chùa Hải Tạng là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ phật kết hợp thờ Thánh Thần nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân trên đảo và cho thương thuyền các nước ghé vào hành lễ. Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m…

Chùa Hải Tạng - Quảng Nam
Chùa Hải Tạng – Quảng Nam

Chùa Hải Tạng là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ phật kết hợp thờ Thánh Thần nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân trên đảo và cho thương thuyền các nước ghé vào hành lễ. Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m về hướng đông bắc, sau vì do bão làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các tín đồ đến hành lễ nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa dời về vị trí hiện nay.

Toàn bộ nếp nhà chính có hệ vì kèo kết cấu kiểu “chồng rường giả thủ”chia làm 3 lòng. Ở mái hiên, dép hoành cách điệu thành hình lồng đèn với thân chạm hình hoa lá, đầu là những cánh sen lật, đỡ thẳng lên đòn tay, dưới chạm nổi hình đầu rồng. Do hiện còn giữ được gần như nguyên trạng kết cấu kiến trúc, mỹ thuật, cách bố trí tượng thờ của thời kỳ Tam Giáo đồng nguyên nên chùa còn là nơi cung cấp các thông tin về nhiều lĩnh vực khoa học, về lịch sử hình thành, phát triển của khối cộng đồng cư dân cù lao chàm và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

7 Nhà cổ Phùng Hưng – Quảng Nam

Nhà cổ Phùng Hưng – Hội An | Địa chỉ: 4 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Với tuổi thọ hơn 100 năm, nhà Phùng Hưng có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Đông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây.

Nhà cổ Phùng Hưng - Quảng Nam
Nhà cổ Phùng Hưng – Quảng Nam

Nhà cổ Phùng Hưng được xây dựng cách đây hơn 100 năm trong thời kỳ phát triển của đô thị Hội An. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là người Việt buôn bán phát đạt và giao lưu rộng rãi. Ông đặt tên cho ngôi nhà là Phùng Hưng có nghĩa là Hưng Thịnh với mong muốn gia đình luôn làm ăn phát đạt. Xưa kia đây là tiệm bán các mặt hàng lâm thổ sản như quế, tiêu, muối, các mặt hàng lụa tơ tằm, đồ sứ, thủy tinh…chủ nhân hiện nay là con cháu thuộc thế hệ thứ 8 vẫn còn sống và bảo quản nhà cổ. Đây là một trong những mẫu nhà đẹp nhất của kiến trúc cổ Hội An.

Đây là kiểu nhà buôn bán phổ biến thế kỷ 19 tại các đô thị ở Việt Nam: nhà hình ống, mặt tiền rộng, vật liệu chủ yếu là gỗ. Nhà cổ Phùng Hưng có kiến trúc tổng hợp của ba trường phái kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa. Hệ thống ban công và cửa là của người Trung Quốc. Mái nhà ở gian giữa có bốn hướng gọi là mái “tứ hải” là kiến trúc Nhật. Còn lại là hệ thống sườn gỗ, xà ngang, xà dọc, mái truyền thống hai hướng ở gian trước và gian sau là của Việt Nam. Với hệ thống 80 cột gỗ lim tất cả được đặt trên chân đá để tránh việc tiếp xúc chân cột với đất.

Hệ thống cửa trên song dưới bản dễ di chuyển trong nhà có thể mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Các cánh cửa có thể tháo rời ra. Người ta cũng lợp ngói âm dương, giữ cho ngôi nhà mát mẽ, thông thoáng quanh năm vì mái nhà có nhiều khe rãnh. Bộ phận đỡ mái hiên được chạm khắc hình cá chép vốn là biểu tượng cho sự may mắn và thịnh vượng. Cá chép đối với người Trung Hoa là sự may mắn, đối với người Nhật là quyền lực, đối với Việt Nam là sự thịnh vượng. Trên gác gia đình đặt bàn thờ và Thiên Hậu Thánh Mẫu.

8 Đình Xuân Mỹ – Quảng Nam

Phường nghề thủ công Xuân Mỹ vào thế kỷ XVII, XVIII chuyên làm vôi, gạch, đồ mỹ nghệ như lược, kẹp bằng sừng. Đình Xuân Mỹ do dân phường nghề Xuân Mỹ đóng góp tiền của tạo dựng.

Đình Xuân Mỹ - Quảng Nam
Đình Xuân Mỹ – Quảng Nam

Đình được tôn tạo vào năm 1903 với kiến trúc kiểu “tiền đình, hậu tẩm”, kết hợp với miếu Lục Vị, nhà bia, cây đa, bến nước. Ngôi đình cung cấp nhiều thông tin về quá trình tụ cư lập làng, phát triển ngành nghề thủ công ở ngoại vi thương cảng Hội An xưa. Di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1993.

9 Hội quán Phúc Kiến – Quảng Nam

Phố cổ Hội An là một di sản văn hoá thế giới. Một trong những di tích văn hóa tại đây là hội quán Phúc Kiến, được xây dựng vào năm 1697 mấy trăm năm trước, để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo hộ về sông nước, tiền của, con cái.

Hội quán Phúc Kiến - Quảng Nam
Hội quán Phúc Kiến – Quảng Nam

Đây là nơi thờ thần, Tiền hiền và hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến. Đến tham quan, du khách sẽ chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo tráng lệ, được chạm trổ tinh xảo. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ “Tam” theo các trật tự: cổng – sân – hồ nước – cây cảnh – hai dãy nhà đông và tây – chính diện – sân sau – và hậu điện.

Chính điện thờ Thiên hậu Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, 3 bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ. Trong chùa còn có nhiều tượng thờ, trống đồng, chuông đồng, lư hương lớn, 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác.

Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697.

Hội quán Phúc Kiến - Quảng Nam
Hội quán Phúc Kiến – Quảng Nam

Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài … hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người.

Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch) … tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.

Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia ngày 17 tháng 2 năm 1990.

10 Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quảng Nam

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, quê làng Thạnh Bình – Tiên Phước, là một người thông minh học giỏi, một chí sĩ yêu nước. Đỗ Tiến sĩ năm 1904, đến năm 1908, cụ Huỳnh đứng đầu phong trào Duy Tân ở miền Trung, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo . Năm 1927 sau khi ra tù,cụ Huỳnh thành lập tờ báo Tiếng Dân nhằm tuyên truyền đấu tranh yêu nước. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cụ Huỳnh được Bác Hồ mời ra làm Bộ Trưởng Bộ Nội vụ rồi có thời gian giữ chức quyền Chủ tịch nước. Năm 1947, cụ Huỳnh mất tại Quảng Ngãi khi đi kinh lý Miền Trung.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quảng Nam
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quảng Nam

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng là ngôi nhà cũ tọa lạc trong khu vườn rộng có diện tích gần 4.000m2 do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869, theo lối kiến trúc rất phổ biến dưới thời nhà Nguyễn. Ngôi nhà gồm 3 gian, mái ngói, khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo. Tổng thể kiến trúc bên trong mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn với các trính lượn cong, trên trính có các trỏng quả kê trên con đội chạm hình đầu lân. Một căn bếp được xây dựng kề với nhà trên và được nối bởi một cửa bên hông. Bên trái và bên phải nhà được ngăn nhô ra phía trước. Bên phải là phòng ăn chung cả gia đình. Phía trái có ngăn phòng lồi là nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng làm việc. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, quanh bàn thờ có chạm khắc hoa văn cách điệu hình con dơi ngậm chuỗi vòng và một đôi rồng bằng gỗ mít. Chính giữa bàn thờ đặt mục chủ (đề tên các ông bà, thân nhân của cụ Huỳnh đã qua đời). Phía trước là mục thấp hơn, hiện thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hiện trong ngôi nhà vẫn còn bảo tồn được không gian làm việc khi xưa của cụ Huỳnh cùng những vật dụng sinh thời cụ Huỳnh hay dùng trong đó có cả chiếc áo cụ Huỳnh mặc khi tham gia chính phủ năm 1946….

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đến nay đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, đây không chỉ là di tích cấp quốc gia, mà còn là một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ tìm về nhận diện truyền thống, tiếp nối chí hướng cha ông.

11 Chùa Cầu – Quảng Nam

Hội An có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh hội an làm say lòng người, đi vào trong thơ ca, nhạc họa. Với người dân phố Hội, chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Đến Hội An mà chưa ghé thăm chùa Cầu thì coi như chưa đến.

“Du hành trên đất Hội An

Lạ thay cảnh sắc chứa chan tình người

Đẹp thay ánh mắt nụ cười

Chùa Cầu in bóng rạng ngời nước non”

Chùa Cầu - Quảng Nam
Chùa Cầu – Quảng Nam

Đến với phố cổ Hội An, du khách không chỉ cảm thấy thích thú với cảnh sắc, mây trời, sự thân thiện mến khách của con người nơi đây, mà du khách không khỏi trầm trồ khen ngợi trước sự tài tình, độc đáo trong kiến trúc của những ngôi nhà cổ. Nhưng có lẽ độc và lạ nhất, tạo nên ấn tượng, thu hút đặc biệt với du khách đó chính là kiến trúc của Chùa Cầu Hội An.

Cây cầu với thiết kế ‘thượng gia hạ kiều’, có nghĩa trên là nhà dưới là cầu, do các thương gia người Nhật Bản cho xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Chiếc cầu có chiều dài 18m, có vòm mái cong, được lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Đây là kiến trúc khá đặc sắc và ấn tượng. Một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua của Hội An.

Cầu có mái che khá độc đáo, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Đúng hơn, toàn bộ chùa và cầu đều làm bằng gỗ, được sơn son và trạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo trong kiến trúc Việt – điển hình là rồng, đồng thời điểm xuyết đôi chút phong cách Nhật Bản.

Nhìn từ xa, cây cầu có dáng uốn cong mềm mại, vắt ngang qua sông Hoài (một nhánh của sông Thu Bồn). Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Nhiều giả thuyết cho rằng đó là những linh vật của người Nhật từ thời xa xưa, nhưng cũng có thể mang ý nghĩa cầu xây từ năm Thân, kéo dài đến năm Tuất. Điều này hiện vẫn chưa có kết luận chính xác.

Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm mong cầu mọi điều tốt đẹp.

12 Chùa Ông – Quảng Nam

Chùa Ông còn được gọi là Quan Công miếu, tên chữ là Trừng Hán Cung được người Minh Hương định cư tại Hội An và người Việt xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17, thờ vị tướng tài ba thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (Quan Vũ), nhằm kính ngưỡng, ca tụng, tán dương lòng nghĩa khí, tiết trung liệt của Ông.

Chùa Ông - Quảng Nam
Chùa Ông – Quảng Nam

Toàn thể ngôi chùa gồm 4 tòa nhà, một tiền đình, 2 tả, hữu vu và một chính diện rộng. Bốn tòa cất xây theo kiểu chữ khẩu và kiến trúc, cấu trúc theo kiểu chồng tránh, ngói lợp và nóc rất độc đáo, trang trí Rồng, Giao. Chính điện đặt pho tượng Quan Vân Trường tướng quân, mặc thanh bào thêu rồng nổi kim tuyến, nét mặt oai nghiêm tươi sáng, đôi mắt sắc mà lung linh nhìn về phía trước.Chính điện còn có 2 pho tượng Châu Thương, người nô tì dũng cảm, trung thành của Quan Công và tượng Quan Bình nghĩa tử; 2 con ngựa thờ cao bằng ngựa thật, bên tả là con ngựa trắng, bên hữu ngựa xích thố – con ngựa mà Vân Trường rất quý khi được Tào Tháo ban cho. Đứng trước những pho tượng này khách thưởng lãm không thể không ngợi khen bàn tay tinh xảo tỉ mỉ của người thợ tạo hình từ xa xưa.

Hiện nay, trong miếu còn rất nhiều biển liễn, hoành phi, sắc phong, bia đá và những hiện vật cổ, đặc biệt là còn lưu lại bài thơ đề vịnh của Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm ( thân phụ của Đại thi hào Nguyễn Du) xướng và 2 bài họa của Uông Sĩ Cư và Nguyễn Lệnh Tân và bài ngụ ngôn cổ phong của Nguyễn Nghiễm. Mấy bài này làm vào năm 1775, lúc Xuân Quận Công phụng chức tả tướng quân Bình Nam vào đóng quân ở Hội An. Đó là một di tích lịch sử lưu dấu vết xa xưa trong thời phân tranh Trịnh- Nguyễn còn lại ở xứ Đàng Trong từ thế kỷ 18 còn đến ngày nay.

Ngoài những kiến trúc độc đáo, Chùa ông còn có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa lịch sử to lớn. Là nơi lưu giữ các các cổ vật từ thời xa xưa. Dù đã trải qua nhiều đợt trùng tu và sửa chữa lại nhưng chùa vẫn giữ được nét nguyên sơ ban đầu. Chùa ông là một di sản văn hóa cần được bảo tồn và gìn giữ.

13 Giếng cổ Bá Lễ – Quảng Nam

Giếng cổ Bá Lễ nằm trong con hẻm nhỏ mà người dân quen gọi là hẻm Bá Lễ, vị trí ở khoảng giữa đường Phan Châu Trinh, gần rạp phim Hội An.

Giếng cổ Bá Lễ - Quảng Nam
Giếng cổ Bá Lễ – Quảng Nam

Giếng có dạng hình vuông, diện tích khoảng 10m2, sâu khoảng 12m, được xây bằng gạch mà không cần dùng vôi vữa kết lại. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Đặc biệt, giếng cổ Bá Lễ không bao giờ cạn, nước giếng lại rất trong, sạch và ngọt. Hầu như gia đình nào ở phố cổ cũng thuê hoặc tự chở vài thùng nước từ giếng này về dự trữ để nấu ăn.

Giếng Bá Lễ không chỉ là nguồn sống cho những gia đình gánh nước thuê mà còn cho hàng trăm hộ dân khác, từ những gánh hàng rong đến những nhà hàng sang trọng. Những món đặc sản của Hội An như cao lầu, mì quảng, xí mà… đều không thể ngon, đúng vị đặc trưng nếu dùng nước giếng khác để chế biến.

Nước giếng Bá Lễ còn dùng để phục vụ du khách. Nhiều người khi đến Hội An đều mong muốn uống một ngụm nước giếng này thử hương vị thế nào. Vì lẽ đó, một gia đình ở đường Nguyễn Thái Học, con đường dẫn vào giếng Bá Lễ trang bị sẵn một chum nước giếng với dòng chữ “Nước giếng dành cho du khách”. “Món đặc sản” này thu hút nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế đến thưởng thức.

Theo nhiều người già ở Hội An thì giếng Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa (khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX). Chất liệu làm giếng cổ bằng gạch mà không dùng vôi vữa kết lại. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Không phải giếng bình thường như ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, giếng Chămpa Hội An được xem như một giá trị văn hoá vật thể phản ánh đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chămpa tại đây từ hơn 10 thế kỷ trước. Qua nhiều nguồn tư liệu cho biết, người Chămpa xưa đào giếng, ngoài việc phục vụ nhu cầu hàng ngày, họ còn trao đổi nước ngọt với các thuyền, tàu buôn nước ngoài đến cảng thị Hội An. Điều kỳ lạ là cho đến hôm nay, người Hội An vẫn sử dụng hầu hết các giếng cổ này vì giếng rất trong, sạch và ngọt. Điều này thể hiện trình độ chọn đất hay sự am hiểu về phong thuỷ rất cao.

Có thể nói, giếng cổ Bá Lễ đã tạo thêm một nét độc đáo trong văn hóa Hội An, góp phần tô đậm thêm cái hồn xưa cũ cho nơi đây. Vào sáng sớm hay chiều tối, những đôi quang gánh hoặc xe ba gác vẫn chở nước giếng toả đi khắp các ngả đường phố Hội.

14 Địa đạo Phú An – Phú Xuân – Quảng Nam

Địa đạo Phú An – Phú Xuân là nơi đứng chân của Đặc khu ủy Quảng Đà và Huyện ủy Đại Lộc gồm một hệ thống địa đạo lớn kéo dài qua các thôn Phú Bình, Phú Phong, Phú Long… và tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Phú An và Phú Xuân. Trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây còn bàn đạp tiến công giành thắng lợi ở các mặt trận khu V, tạo thời cơ cho việc tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở khu V và Quảng NamĐà Nẵng.

Địa đạo Phú An – Phú Xuân - Quảng Nam
Địa đạo Phú An – Phú Xuân – Quảng Nam

Năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng tiến hành các cuộc hành quân càn quét, mở rộng vành đai chiếm đóng. Tại chiến trường Đại Lộc, lúc này Đaị Lộc chia làm hai vùng vùng A và vùng B quân ngụy, ngoài việc củng cố xây dựng các đồn bốt, còn tổ chức nhiều cuộc hành quân đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng. Trước tình hình đó, Huyện ủy Đại Lộc vừa tiến hành củng cố lực lượng vũ trang, tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ địa phương, vừa vận động nhân dân rào làng chiến đấu, dựng chướng ngại vật, đánh sập cầu cống nhằm cản trở bước tiến của địch; các hầm chống phi pháo, hầm cất giấu tài sản, hầm bí mật, giao thông hào… cũng được đào gấp rút để các lực lượng vũ trang bám trụ chiến đấu bảo vệ xóm làng. Và, chính trong thời điểm này từ tháng 3 năm 1965 đến tháng 4 năm 1967 địa đạo Phú An – Phú Xuân ra đời do đồng chí Phan Thanh Thủ, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc lúc bấy giờ trực tiếp chỉ huy đã hoàn thành.

Việc đào địa đạo rất bí mật và khẩn trương, bất kể ngày đêm có những lúc cả đại đội 32 thuộc Ban an ninh Quảng Đà và du kích địa phương cùng tham gia. Nhân dân trong các thôn được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 15 người, mỗi người phải cố gắng hoàn thành 7m địa đạo, đất được chuyền mang ra đổ ngoài bờ sông hoặc hố bom để địch không nghi ngờ, phát hiện. Địa đạo có chiều dài hơn 800m nằm sâu trong lòng đất với 21 ngõ ngách phức tạp xuyên qua các lũy tre, bụi cây, nhà dân. Cùng với đó là hệ thống giao thông hào và đường giao thông chằng chịt xung quanh. Tùy vào địa hình, địa chất mà lòng địa đạo có thể rộng hẹp khác nhau, chỗ sâu nhất khoảng 2m. Các ngách và lỗ thông hơi cũng được bố trí ở nhiều nơi nhằm tạo thế liên hoàn, tránh sự phát hiện của địch cũng như hỗ trợ nhau trong chiến đấu. Trong địa đạo có hầm cấp cứu, hầm dự trữ lương thực, hầm hội họp, hầm chỉ huy. Ngoài ra, mỗi đoạn địa đạo đều có những nhánh nhỏ nối liền với hai khu giao thông hào chạy dọc theo để cảnh giới và tác chiến khi địch tổ chức hành quân. Khoảng 20m có một lỗ thông hơi và hầm cá nhân để tránh phi pháo bất ngờ khi chưa kịp xuống địa đạo.

Ngày 30 tháng 12 năm 2002 Bộ Văn hóa Thông tin đã có Quyết định số 39/QĐ-BVHTT công nhận địa đạo Phú An – Phú Xuân là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Hiện tại địa đạo Phú An – Phú Xuân đang từng bước được trùng tu tôn tạo. Dự án được triển khai là việc làm cấp thiết mang nhiều ý nghĩa, ngoài mục đích cứu vãn, bảo vệ di tích, về lâu dài khu sẽ là điểm du lịch hấp dẫn; một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau về một vùng đất, con người anh hùng với lòng kiên trung và tính sáng tạo, bền bỉ. Hy vọng trong tương lai không xa, địa đạo Phú An – Phú Xuân xã Đại Thắng nói riêng và Đại Lộc nói chung sẽ là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ, còn là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài tỉnh.

15 Bãi biển Cửa Đại – Quảng Nam

Cách trung tâm Hội An khoảng 5km, bãi biển Cửa Đại yên bình và mang nét trầm tĩnh như chính cái hồn của phố cổ Hội An. Nền cát ở bãi biển Cửa Đại không trắng tinh như cát ở bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng, Bãi Sao của Phú Quốc mà cũng không ngả vàng như ở biển Mũi Né của Phan Thiết… lớp cát mịn và trắng ngà hơi đậm dường như làm tăng sự mênh mông và kéo dài mãi của những dải cát. Những cơn gió biển từ biển xanh thẫm đến tận chân trời thỉnh thoảng dạt vào từng cơn như đẩy những đợt sóng lăn tăn vào bờ nhanh hơn.

Bãi biển Cửa Đại - Quảng Nam
Bãi biển Cửa Đại – Quảng Nam

Điều đặc biệt ở bãi biển Cửa Đại là rất sạch, cho dù bạn dừng chân ở đoạn nào trong suốt chiều dài 7km của bãi biển nơi đây, chẳng khi nào phải than phiền bởi tất cả đều rất sạch và trong lành. Ngay cả khi du lịch biển Hội An khá phá triển, những khách sạn gần biển, những khu nghỉ dưỡng liên tục xuất hiện, bãi biển Cửa Đại vẫn thế – vẫn là khoảng không gian bình yên, tĩnh lặng, rất sạch và rất trong lành.

Quảng Nam có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Quảng Nam – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.