Sơn La nằm ở vị trí trung tâm các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em với nhiều nét văn hóa truyền thống. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú, đa dạng; nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, là những tiền đề quan trọng để phát triển du lịch. Sơn La có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Sơn La trong bài viết sau đây nhé.
Thác Tạt Nàng – Sơn La
Cách Mộc Châu không xa, Thác Tạt Nàng nằm tại Bản Phụ Mẫu I, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là một trong bốn thác nước nổi tiếng nên trải nghiệm và khám phá khi đi du lịch Mộc Châu. Được bắt nguồn từ hai dòng suối Tà Xam và Tà Piu, thác cao hơn 100m, phân chia thành ba tầng. Tới đây, du khách sẽ được đắm mình trong bản hòa ca của chim rừng, tiếng thác đổ vang trời, hòa mình cùng dòng nước mát lạnh.
Năm 2016, địa danh Thác Tạt Nàng được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Để phát huy tiềm năng du lịch, huyện Vân Hồ đã giao cho UBND xã Chiềng Yên quản lý và khai thác. Huyện đã chỉ đạo địa phương sắp xếp bảo tồn, phát huy các điểm mạnh du lịch suối khoáng, suối cá bản Bướt và các khu du lịch cộng đồng bản khác (Nà Pai, Phụ Mẫu 1 2). Đồng thời, các tour du lịch kết hợp tham quan Mai Châu, Mộc Châu và Sơn La cũng ngày càng được đẩy mạnh.
Nhìn từ xa Thác Tạt Nàng như bức tường nước khổng lồ không ngừng tuôn bọt trắng xóa, tạo nên lớp sương mờ mờ, ảo ảo, diệu kì đến lạ lùng. Từ trên thác đổ xuống, tiếng nước chảy reo vang cả góc trời. Giữa thác là dải đá rộng, bao phủ bởi cây xanh, xé dòng chảy thành ba luồng nước tuôn xuống như những dãi lụa trắng tinh khôi.
Đến chiêm ngưỡng Thác Tạt Nàng, du khách có thể thả bộ theo những con đường mòn trong khu rừng nguyên sinh nhiệt đới, ngắm những gốc cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi hay chờ đợi đàn dơi ngàn con bay vào hang trú ẩn vào buổi chiều tà. Ẩn nấp sau các rặng cây um tùm là những hang động với nhũ đá lấp lánh đến diệu kì.
Ẩn mình sau những ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, thác Tạt Nàng quanh năm tung bọt trắng xóa, tưới mát cho tâm hồn lữ khách phương xa. Mùa nào Thác Tạt Nàng cũng đẹp, tuy nhiên nên thơ hút hồn nhất là vào tháng 7, tháng 8 hằng năm. Khi mà mùa thác có dòng chạy mạnh và siết nhất. Lúc này, bạn sẽ tha hồ có những bức hình sống ảo tuyệt vời. Dừng xe ở bên đường, chúng ta men theo hai lối nhỏ đã được bê tông hóa, dài tầm 150 – 200m thì sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng nét hùng vĩ của dòng thác này. Cách thác chừng 3km còn có một suối nước nóng từ nhiên (với nhiệt độ nước khoảng 35 – 40 độ C). Vì thế, sau khi ngắm thác, bạn có thể đến đây ngâm mình trong dòng nước ấm để thư giãn nhé.
Thác nước Bản Vặt – Sơn La
Thác nước Bản Vặt, một địa danh gắn liền với lịch sử cư trú rừ rất xa xưa của tộc người Thái ở vùng đất Mường Sang xưa, Mộc Châu ngày nay. Có thể nói đây là một cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng cho chủ nhân vùng đất này.
Ngoài tên gọi dân dã trên, thác nước này còn có tên gọi khác như thác Nàng, thác Dải Yếm, nhằm ví vẻ đẹp của thác nước như xuân sắc của người con gái tuổi trăng tròn. Theo tiếng Thái thì “Vặt” nghĩa là nơi người đã cứu dân trong vùng khỏi tai họa sinh sống. Đến với Bản Vặt du khách sẽ được nghe kể về truyền thuyết hình thành nên bản. Du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ mà tạo hóa ban tặng cho chủ nhân của vùng đất này, được đắm mình vào khung cảnh hoang sơ, u tịch, huyền bí đến mê mẩn lòng người như được trở lại quá khứ thủa khai thiên lập địa, được thỏa sức tưởng tượng ra bao nhiêu kỳ thú tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người. Điểm khởi nguồn của dòng Suối Vặt là từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu, chảy từ hang đá ở địa đầu bản Vặt, một bản của dân tộc Thái có thể nói là có lịch sử lâu đời nhất ở vùng đất này khi tộc người Thái đến định cư ở đây.
Từ nguồn nước trong núi đùn lên, tạo thành suối Vặt và chảy về đến thác nước, nơi du khách sắp xuống thăm quan có độ dài gần 5 km, lượng nước của suối có quanh năm, khi chảy đến đây dòng chảy bị chặn lại bởi một bức tường đá vôi, nước tràn ứ lên, chảy ngược lại, lượng nước ở đây cứ dâng lên và tràn về phía bờ thấp hơn và đổ xuống phía dưới và tạo thành thác nước và hòa vào dòng chảy của suối Bó Sập một dòng suối lớn bắt nguồn từ Bản Bó Sập giáp biên giới Việt Lào chảy về đất Yên Châu.
Theo dòng suối ngược lên đầu tiên du khách bắt gặp con thác thứ nhất. Dưới lòng suối Bó Sập là hàng ngàn viên đá, tảng đá có hình dáng khác nhau, trông thật lạ mắt, vào mùa đủ nước từ tháng 4 đến tháng 9 thì toàn bộ 70 m chiều rộng thác là một màn nước trắng xóa đổ xuống trông thật hùng vĩ, thơ mộng. Thác nước thứ hai, cách thác nước thứ nhất 150m về phía dưới càng làm cho du khách ngạc nhiên và thú vị hơn, vào mùa khô chỉ có một dòng chảy từ độ cao 50 m xuống triền đá phía dưới. Thảm thực vật trên đỉnh thác vô cùng phong phú, tạo cho khung cảnh rất hùng vĩ.
Từ thác nước Vặt ngược trở lại quốc lộ 43 khoảng 600 m và rẽ về phía tay phải theo đường dân sinh khoảng 300 m thì bạn đang đứng giữa bản Vặt. Có thể nói đây là một bản có lịch sử lâu đời nhất của tộc người Thái, nó gắn liền với quá trình lập bản của người Thái theo như truyền thuyết ở bên. Đây là một bản thuần Thái với các dòng họ: Sa, Hà, Hoàng.. cư dân trong bản vẫn lưu giữ được các yếu tố tộc người truyền thống như: nhà sàn và cách bài trí trong nhà, trang phục truyền thống; kinh tế ruộng nước và nương dãy, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa ẩm thực, dân cư ở đây vẫn giữ được giá trị văn hóa nghệ thuật lâu đời, văn nghệ dân gian và có chung với bản Áng, một lễ hội dân gian là “lễ hội Xe chá” mang đậm nét tâm linh.
Ở Bản Vặt còn một số di vật liên quan đến chùa như hồ nước của nhà chùa tiếng địa phương gọi là “Noong Buông” nghĩa là hồ sen là nơi tắm rửa tượng phật vào dịp cuối năm. Đến thăm quan nơi này, bạn sẽ được những người già trong bản kể lại lịch sử của bản và chùa Vặt, được đắm mình trong lễ hội “Xe Chá” vào dịp tết nguyên đán, được thưởng thức các lời ca, tiếng hát, điệu múa truyền thống và ẩm thực ngay trên chính hồ nước Noong Buông.
Động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi) – Sơn La
Động Sơn Mộc Hương hay còn gọi là Hang Dơi là một trong những hang động đẹp nhất ở tỉnh Sơn La với những hình ảnh kỳ thú do tự nhiên mang lại. Động Sơn Mộc Hương nằm ở phía Đông Bắc của huyện Mộc Châu, động có diện tích là 6.915 m2. Sở dĩ động Sơn Mộc Hương được gọi là Hang Dơi vì từ ngày xưa trong động có rất nhiều Dơi sinh sống. Hiện nay do hoạt động khai thác du lịch con người đến tham quan nhiều nên đàn Dơi đã di chuyển tới nơi khác sinh sống.
Sự ra đời của động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi ) gắn liền với một truyền thuyết: “Truyện rằng có một con rồng, bay ngao du qua khắp bốn phương trời, khi đi qua vùng đất này thấy sơn thuỷ hữu tình, cảnh vật thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, khí hậu ôn hoà bèn dừng lại làm chỗ nghỉ chân. Nơi dãy núi có hang động, được ví là nơi thân rồng nằm, cảnh sắc trong ngày thay đổi ngoạn mục, trắng ngần lúc ban mai, xanh biếc buổi trưa, rực hồng buổi chiều, tím biếc hoàng hôn. Sau rồng trả ơn cho vùng đất đã nhả 7 viên ngọc là 7 quả núi tạo nên hang đá”.
Trải qua quá trình kiến tạo địa lý vùng đá vôi catxtơ sau hàng nghìn năm, tạo lên 3 hang động lớn, rộng và đẹp ở trong hang Dơi. Từ cửa động bước vào du khách sẽ cảm thấy sững sờ khi thấy một cảnh sắc diệu kỳ hiện ra trước mắt trong ánh sáng mờ ảo từ cửa hắt vào như thể tạo hóa đã cảm tỉnh riêng với nơi đây mà nhô ra những vẻ đẹp kỳ thú. Trên trần động cao rủ xuống những dải nhũ thạch lấp lánh đủ 7 sắc cầu vồng. Nhiều khối nhũ đá chảy từ trên trần xuống nền hang cao tới hơn 20m như những rễ cây đa cổ thụ to lớn thả xuống mặt đất. Trên vách động nhiều khối nhũ đá rủ xuống tự nhiên đã tạo ra nhiều hình ảnh các con thú như: con voi, con sư tử, con cầy bay, con kì đà. Phần giữa hang, vòm động được nâng cao lên, có bức mành đá chắn đi chỉ có 1 cửa vào, phần này được gọi là buồng “ Công chúa”.
Trước cửa hang vào bên phía trái có khối nhũ đá hình người con gái đang ngồi quay sợi. Ngoài ra còn có rất nhiều nhũ đá đủ mọi hình dáng không cần gọt đẽo: đây là cây đồng tiền, cây thóc, kia là những ông tiên, cô tiên. Trong lòng hang cao ráo, rộng rãi sạch sẽ vòm hang cao vút lên có chỗ tới 15 mét. Ở đây thiên nhiên là những công trình kiến trúc và mỹ thuật thiên tạo một cách tuyệt vời. Đường nét những nhũ đá như những nét trạm trổ vừa phóng khoáng, vừa tỉa tót rất tài hoa, tinh xảo và sống động. Giữa lòng hang là “Buồng Công chúa”, du khách sẽ được nghe kể về truyền thuyết “Buồng Công chúa”. Có thể nói đây là một “cung điện lỗng lẫy, nguy nga mà chỉ tìm thấy trong các câu truyện huyền thoại”.Chính giữa hang có một hồ cạn rộng chừng 200m2, giữa hồ có con rùa đá lớn, bên trái có hình đôi trai gái đang quấn quít bên nhau. Nhiều nhũ đá trong động gợi cho người giàu trí tưởng tượng có thể nghĩ tới hình con voi, con sư tử, con báo, con hổ, con kỳ đà…thậm chí cả hình những mâm lễ vật như mâm xôi gà, nậm rượu, bánh dày, quả phật.
Để đến tham quan Động Sơn Mộc Hương – Hang Dơi, từ Hà Nội bạn đi theo đường quốc lộ 6 lên thị trấn Mộc Châu. Động nằm ngay trên dãy núi phía bên tay phải và nằm ngay trung tâm thị trấn Mộc Châu. Từ quốc lộ 6 lên tới hang ta phải leo 240 bậc là tới cửa hang. Để phục vụ khách du lịch đến tham quan hang bớt mệt mỏi ban quản lý hang đã cho làm con đường uốn khúc mềm mại theo triền núi. Đến với Hang Dơi, du khách vừa được khám phá những bí ẩn ngàn năm của tạo hóa vừa được thả mình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Tại nơi đây tháng 9/1992 Bảo tàng tỉnh Sơn La kết hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành thăm sát khảo cổ học. Hố thăm sát được thực hiện trên khu đất khá bằng phẳng gần cửa hang với diện tích 1 m2. Ở đây có tầng văn hóa dày 0,5 m. Hiện vật thu được gồm: mảnh tước, rìu mài lưỡi, bi đá, mảnh gốm, kết quả những hiện vật thu được cho thấy tại di tích Hang Dơi này đã có người Việt cổ sinh sống cách ngày nay từ 3000 từ 3500 năm. Vì những giá trị trên mà ngày 24/1/1998 Hang Dơi đã được Bộ VH-TT và DL công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
Hang Dơi thực sự là điểm du lịch lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch khám phá, phù hợp cho những chuyến đi dã ngoại cuối tuần cùng bạn bè và gia đình. Cách Hà Nội không xa, Động Sơn Mộc Hương hay còn gọi là hang Dơi – “Tây Thiên Đệ Nhất Động” là một trong những hang động đẹp nhất tỉnh Sơn La, một động đá tự nhiên nằm ở dưới dãy núi đá trùng điệp về phía Đông Bắc thị trấn Mộc Châu.
Ngũ động Bản Ôn – Sơn La
Ngũ động Bản Ôn ở thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu còn khá nguyên sơ, kỳ diệu và lôi cuốn. Nơi đây vì thế vẫn là điểm đến khá mới lạ với nhiều khách du lịch mặc dù Sơn La đã xếp địa danh này vào danh sách những điểm tham quan ấn tượng và hấp dẫn của tỉnh.
Được biết, Ngũ động Bản Ôn được phát hiện vào năm 2006. Chính cơn lũ lịch sử năm đó đã giúp người dân tộc thiểu số sinh sống ở đây khám phá ra một thắng cảnh tuyệt vời được kiến tạo từ hàng nghìn năm trước. Nếu như các hang động thường nằm sâu trong các đỉnh núi lớn thì Ngũ động Bản Ôn lại nằm trong lòng một quả đồi của Bản Ôn, trên cung đường đến với đồi chè Trái tim và cách khu vực này chỉ khoảng 5 km. Cũng vì thế mà dễ hiểu tại sao du khách vừa chìm đắm trong vẻ đẹp thơ mộng của những đồi chè xếp tầng lớp giống như những con sóng xanh dịu dàng thì sẽ ngỡ ngàng, hụt hẫng, thậm chí sốc với đường đi hiểm trở, khó chinh phục khi tới với hệ thống hang động này.
Quần thể Ngũ động gồm 4 động chính nằm trên một quả đồi. Riêng động 4 nằm độc lập phía bên tay trái đi khá xa mới tới nên cũng ít du khách lựa chọn. Nếu muốn khám phá hết các hang động thì phải dành ra cả một ngày trời vì bạn mất khá nhiều thời gian để leo trèo và di chuyển trên những con đường xuyên rừng dốc và hẹp. Chỉ có duy nhất một căn nhà nhỏ nằm ngay trên đường lên động , ngôi nhà này do bà con dân tộc sử dụng để nghỉ ngơi khi chăn thả gia súc trên núi. Đây cũng là trạm dừng chân lý tưởng cho những ai đã bắt đầu thấm mệt sau khi khởi hành được phân nửa chặng đường lên động.
Trong rừng còn khá nhiều những cây thân gỗ lớn cần đến vài vòng tay người ôm mới xuể tỏa bóng râm mát. Những thân dây leo to lớn xuất hiện bất ngờ khiến chúng tôi đôi lúc cũng phải giật mình cứ ngỡ là những chú rắn xanh đang cuộn mình nghỉ ngơi sau bữa ăn căng tròn. Chân chùn và thấm mệt khi đi xuyên rừng nhanh chóng bị xua tan bởi cảm giác thư thái, sảng khoái khi ai nấy tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của khu rừng nguyên sinh rợp bóng cây.
Muốn khám phá hết Ngũ động, khách du lịch cần trang bị sức khỏe thật tốt để đương đầu với những đoạn đường rừng dốc, trượt. Sau những vất vả của hành trình, bạn sẽ được tưởng thưởng vẻ đẹp diệu kỳ của nhũ đá, được hòa mình trong tự nhiên để lắng nghe âm thanh trong vắt của tiếng chim hót hay thích thú ngắm đàn bướm đầy sắc màu bay lượn rập rờn trên những cánh hoa ngũ sắc. Ngũ động sẽ càng tuyệt đẹp khi những khu vườn mận ven đường vào mùa ra hoa, kết trái. Còn gì thích thú hơn sau khi kết thúc hành trình, bạn có thể thư thái ngồi nghỉ mát dưới bóng râm và ngắm nhìn những cánh hoa mận trắng tô điểm cả không gian núi rừng khoáng đạt và bao la.
Di chỉ mái đá bản Mòn – Sơn La
Mái đá bản Mòn là di chỉ Khảo cổ học thuộc xã Thôm Mòn huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La. Di tích ghi lại dấu ấn văn hóa cổ xưa nhất từ thủa bình minh của loài được tìm thấy ở Sơn La do nữ học giả người Pháp bà M.Coolani phát hiện và khai quật tháng 5-6/1927 thu lượm được nhiều loại hình hiện vật quý hiếm; Qua đó khẳng định trên đất Sơn La có người Việt cổ sinh sống. Văn hóa tiền – Sơ sử Sơn La là một mảng màu đặc sắc của cư dân cổ ở miền Tây Bắc Việt Nam.
Di chỉ mái đá bản Mòn có 6 mái đá, Tuy nhiên qua quá trình nghiên cứu có 2 mái đá phía Tây và Đông có vết tích cư trú của người Việt cổ. Những công cụ tìm thấy tại di chỉ gồm có: Bôn tứ giác, rìu có chuôi tra cán, rìu mài toàn thân vát một mặt, đục tứ giác mài nhẵn toàn thân lưỡi vát, vòng tay bằng đá được chế tác bằng kỹ thuật khoan tác lõi, công cụ hình đĩa, phác vật, mảnh tước, phế loại…Như vậy tại Mái đá bản Mòn đã có công xưởng chế tác công cụ lao động bằng đá phục vụ cho nhóm cư dân trong vùng qua hình thức trao đổi.
Trong quá trình khai quật tại di chỉ, ngoài việc tìm thấy nhiều loại hiện vật bằng đá; Các nhà nghiên cứu còn phát hiện những mảnh gốm có họa tiết hoa văn phong phú và một số loại hình khác. Tất cả những hiện vật được khai quật tại di chỉ mái đá bản Mòn hiện đang được lưu giữ, trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh Sơn La.
Tìm về với di chỉ khảo cổ học Mái đá bản Mòn, du khách không những được tham quan tìm hiểu về lịch sử phát triển của loài người, được tận mắt quan sát những hiện vật là công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, mảnh gốm…; Tất cả đã tái hiện một phần cuộc sống của cư dân cổ cư trú dưới Mái đá bản Mòn… và ngắm cảnh đẹp của mái đá là ngôi nhà chung của người Việt cổ; Du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, tham quan bản Mòn là bản văn hóa đậm nét truyền thống với hương vị ẩm thực vùng Tây Bắc và điệu xòe với lời hát inh lả ơi làm sao xuyến lòng người.
Hồ Chiềng Khoi – Sơn La
Hồ Chiềng Khoi thuộc Bản Pút, Xã Chiềng Khoi, Huyện Yên Châu, Tỉnh Sơn La. Từ trung tâm thị trấn huyện Yên Châu về phía Nam 4 km, Hồ Chiềng Khoi có diện tích 40 ha hiện ra như một con nhện khổng lồ.
Hồ Chiềng Khoi là hồ nhân tạo được khởi công xây dựng năm 1971 với một đập chắn cao 45 m, dài 110 m và hoàn thành đi vào sử dụng năm 1980. Hồ Chiềng Khoi vốn là đáy các thung lũng hẹp, có các dòng suối nhỏ từ trong lòng núi chảy vào Suối Sập. Lòng Hồ là một thung lũng hẹp, chạy ngoằn ngoèo quanh những quả đồi lớn dài tới 7 km. Nước Hồ Chiềng Khoi lúc nào cũng trong xanh, yên ả quanh năm bởi nguồn nước cung cấp cho hồ đều chảy ra từ trong lòng núi. Chính những con suối nhỏ và rừng núi nguyên sơ đã tạo cho mặt hồ và cảnh quan nơi đây có vẻ đẹp huyền ảo. Như bức tường thành thẫm xanh bồng bềnh mây trắng, những dãy núi điệp trùng trải dải từ phía Nam đến phía Tây Bắc và rừng già ôm lấy toàn bộ mặt hồ, hồ lồng trong bóng núi. Khi du khách đến đây vào mùa hoa ban nở sẽ thấy một mầu trắng thuần khuất trải dài theo sườn núi và mềm mại như một dải lụa, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc trời đất nơi đây.
Các đồi đất, dãy núi đá vôi bao bọc Hồ Chiềng Khoi còn có nhiều loại rau rừng rất ngon như rau sắng, lá xồm pon, măng tre, măng đắng, măng lay, nhiều loại nấm và rất nhiều loại chim trong đó có họa mi, khiếu, cò trắng, chào mào, vẹt, chim én. Rừng ở đây có nhiều loại động vật sinh sống như khỉ, sơn dương, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, cầy bay. Hồ Chiềng Khoi có các loại cá tự nhiên như cá chép, cá mương, cá quả, cá trê, cá riếc và nhiều loài tôm, cua, ếch.
Đến Chiềng Khoi, du khách không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của thắng cảnh Hồ Chiềng Khoi mà còn được thưởng thức những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái Yên Châu với những lễ hội, ca vũ đặc sắc. Người Thái ở đây còn có các nghề thủ công truyền thống. Với bàn tay khéo léo họ đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như: nhạc cụ dân tộc, đồ dùng mây tre đan và tiêu biểu nhất là vải “Khít”, là loại vải thổ cẩm nổi tiếng không những ở Yên Châu mà cả vùng Tây Bắc. Đặc biệt vùng đất này nổi tiếng với nghề thêu khăn piêu và làm khèn bè.
Sau vài giờ thưởng ngoạn cảnh đẹp và không khí trong lành mát dịu trên hồ, du khách sẽ thăm những bản mường nơi đây để thưởng thức những món ăn dân tộc do chính bàn tay của những cô “Sơn nữ Châu Yên” chế biến. Du khách lại được dập dìu trong tiếng trống, đắm mình trong điệu xoè, đầm ấm bên chum rượu cần, cảm nhận thấy sự thân thiện, không khí chan hoà bởi lòng mến khách của dân tộc nơi đây.
Tháp mường Bám – Sơn La
Tháp mường Bám là di tích kiến trúc cổ, cách trung tâm thị trấn Thuận Châu hơn 70 km về phía Tây – Nam, nằm ở vị trí trung tâm xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La….
Cách trung tâm thị trấn Thuận Châu hơn 70 km về phía Tây- Nam, nằm ở vị trí trung tâm xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. “Tháp mường Bám” gọi theo địa danh xã mường Bám được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI. Xã Mường Bám (theo nghĩa địa phương là một vùng đất “bám vào con suối”, tức suối Nậm Húa, để sinh sống) là một xã vùng sâu và xa của huyện Thuận Châu, địa hình trải dài theo dòng suối có vị trí nằm trong vùng lòng chảo thượng lưu.
Tháp được xây trên một quả đồi thiên tạo có bề mặt rộng khoảng 1ha, cách bờ suối Nậm Húa ( phần đầu nguồn của dòng sông Mã) khoảng 300m, gồm một quần thể 5 tháp, một tháp to ở giữa và 4 tháp con ở 4 cạnh tháp to. Mặt Tháp nhìn ra ngã ba suối Nậm Húa trải dài uốn lượn, có núi án ngữ làm bình phong, núi chắn hai bên thế tay ngai, phía sau Tháp có dãy núi tựa như người đang ngồi “thiền”. Quần thể Tháp có vị thế rất tĩnh lặng, uy nghi. Tất cả 5 tháp đều được xây bằng một loại vật liệu chủ yếu là gạch vồ màu đỏ, được gắn kết với nhau bằng vôi, cát, và mật. Các hoạ tiết hoa văn được làm bằng vữa đắp nổi, nhiều chỗ gắn thêm vào những hình đất nung trang trí.
Tháp to còn gọi là Tháp Mẹ, cao 13 m, chia làm 4 tầng. Được trang trí chủ yếu hoa văn hình Voi, Hổ và tượng Vũ Nữ nhảy múa, lá đề uốn theo hình mây, hoa văn hoa cúc, hoa chanh cách điệu, chuỗi hoa văn “tràng hạt”, hình “rắn thần” Naga 5 đầu, hình hoa sen cụp xuống, … Tất cả các hoạ tiết hoa văn này đều đắp nổi phía trên đế thu nhỏ dần.Toàn bộ thân trông xa như một búp sen đang hé nở.
Các Tháp nhỏ cao 3,7m nằm cách tháp to 3m, được xây dựng với kiến trúc và trang trí hoa văn giống hệt nhau. Tháp nhỏ còn gọi là Tháp con được chia làm 4 tầng. Được trang trí chủ yếu là hoa văn lá đề xen kẽ hình vân mây, dây hoa cúc và hoa đồng tiền. 4 cạnh chân tháp được đắp 4 lá đề nổi, to ôm gọn 4 góc, bên trong có 2 đường chỉ chìm chạy song song. Phần trên ngọn tháp được thu nhỏ dần, vút lên nền trời. Trong khuôn viên ở quanh khu vực xây tháp, còn lại vết tích chùa và khu vực các sư ở.
Hiện nay, di tích còn lại một tháp to (tháp mẹ) và một tháp nhỏ (tháp con). Bên cạnh tháp to, còn có pho tượng “chư thần” ngay dưới chân tháp đã bị vỡ hết (hiện chỉ còn bệ tượng)
Tháp Mường Bám là một công trình kiến trúc mang đậm yếu tố Phật giáo phái Tiểu Thừa, cùng với hệ thống các Chùa và Tháp ở khu vực Tây Bắc như: Tháp Mường Luân (Điện Biên Đông), Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) Chùa Chiền Viện (Chùa Vặt Hồng- huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn la) Tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu- Tỉnh Sơn La) là một kiến trúc Chùa, Tháp Phật Giáo đặc sắc thuộc phái Tiểu thừa.
Xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là một xã có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống: Dân tộc Thái và dân tộc Lào, nơi có truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc vẫn được bảo lưu. Đặc biệt, hiện nay vẫn phát huy một số nghề thủ công truyền thống mà nhiều vùng đất khác không còn. Đến thăm di tích kiến trúc cổ Tháp Mường Bám, du khách còn được tận hưởng một không khí vùng núi yên tĩnh với những con người sống chân chất, bình dị mà rất mộc mạc, thân thiện, gần gũi, với nhiều món ăn mang đậm nét vùng Tây Bắc… Chắc hẳn sẽ rất lưu luyến và muốn trở lại thăm nhiều lần sau nữa.
Hang Chi Đảy – Sơn La
Hệ thống hang Chi Đảy thuộc bản Đán, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu tỉnh Sơn La. Băng qua những nương ngô dài tắp, con đường quanh co uốn lượn đưa du khách đến thung lũng nhỏ hình vòng cung, nơi ẩn chứa một kỳ quan của tạo hóa đã ban tặng cho người dân nơi đây.
Theo tiếng địa phương, Chi Đảy có nghĩa là “Sẽ được“, tên gọi này gắn với cuộc thiên di của người Thái nhiều đời trước đi tìm vùng đất hứa cho dân tộc mình. Khi đặt chân đến mảnh đất tươi đẹp này và những cảnh tượng kỳ vỹ, độc đáo trong hệ thống hang đã khiến họ phải thốt lên rằng “sẽ được, sẽ được !“.
Ấn tượng đầu tiên với du khách đến với thắng cảnh này là khu rừng nguyên sinh của hệ thống núi Chi Đảy, với nhiều loài thực vật quí hiếm mọc trên đá vôi. Cây rừng che phủ cho hang, tạo bóng mát cho du khách tham quan và góp phần tạo không khí linh thiêng, huyền bí cho những khối đá thiên tạo trong hang.
Nơi đầu tiên du khách đặt chân đến là hang Chi Đảy hay còn được gọi là hang 1. Trần hang được bàn tay khéo léo của tạo hóa trang trí một lớp nhũ đá mỏng lấp lánh như dát bạc. Lòng hang là quần thế nhũ đá khiến du khách liên tưởng đến chư tiên, chư phật ngự dưới vòm hang cong cong như thiên cung bồng bềnh trong mây.
Liền kề với hang 1 là hang Chi Đảy, với khoảng 700m chiều dài, đây là hang động có dài nhất và nhiều nhũ đá kỳ thú nhất trong hệ thống hang Chi Đảy. Ngay tại cửa hang là nhũ đá hình sư tử đang vươn mình trấn giữ về hướng bắc. Ở trên cao, phía sau con sư tử là hình đầu phật tổ như lai uy nghiêm trầm mặc. Đi tiếp vào hang là khoang đá thạch anh lấp lánh tuôn ra từ trần hang. Khác với những hang khác, khoang thạch anh này được tạo ra từ quá trình khai thiên lập địa của hệ thống hang Chi Đảy và gần như không chịu bất kỳ sự tác động nào của quá trình caxto. Tiếp đến là “ Bồn tắm công chúa “, “ Thủy phủ động đình “, bệ thánh ngự tráng lệ. Thêm một điều ấn tượng khác là ở hang thứ 2 có một bãi rộng trông giống như một cánh đồng, một khu ruộng bậc thang với đất đai màu mỡ và nhiều loại hoa màu được tạo nên bởi vô vàn những viên cuội to nhỏ. Cánh đồng thứ nhất như một sân thóc, những hạt thóc mẩy căng đang được phơi dưới nắng thể hiện sự no ấm của nông dân. Cánh đồng thứ hai là những củ khoai tây vừa được thu hoạch nhưng chưa được chọn lựa nên của to, củ nhỏ nằm đan xen nhau. Cánh đồng thứ ba là các loại hoa quả vừa được thu hái về với những quả bưởi, quả na, quả cam… Do dòng chảy của nước, của thời gian đã tạo nên nét đặc biệt cho hang động này. Phía trong cảnh sắc đẹp như một bức tranh vẽ của thiên nhiên ban tặng: chỗ này là một cánh rừng nguyên sinh với bạt ngàn cây cối, chỗ kia là dòng thác chảy tung bọt trắng xoá, những đàn thú đang ăn cỏ, uống nước trong rừng. Cuối hang là một khối tượng cao lớn như phật bà quan âm đang ngồi trên toà sen, trên tay là một cành nguyệt quế với đôi mắt hiền từ bà đang nhìn xuống trần gian ban phát thiện tâm cho con dân trăm họ.
Sau khi vượt qua đỉnh núi, tiếp tục trong hành trình, du khách sẽ đến hang 3. Trần hang có mái vòm cẩm thạch với những đường vân chạy dài như dòng sông ngân hà. Đi sâu tiếp vào trong lòng hang là những lọng đá, rèm đá tuyệt đẹp. Ấn tượng nhất trong hang chính là khối nhũ đá hình con voi trắng khổng lồ. Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa nơi đây xuất hiện một con voi trắng không biết từ đâu đến phá hoại nhà cửa, mùa màng của dân chúng. Cảm động trước nỗi khổ của người dân, thần tiên trên trời đã tạo ra một hang động khổng lồ để giam giữ con voi lại. Trên đầu voi có chiếc rễ cây như sợi dây thần níu giữ quái vật, điều kỳ lạ ở đây là chiếc rễ cây mọc xuyên qua trần hang không đâm thẳng xuống nền mà lại níu giữ vào đầu của con voi. Sợ voi có thể thoát ra ngoài, các vị thần đã sai hai con rắn trắng khổng lồ canh giữ ở cửa hang. Hiện nay, khi đến tham quan Chi Đảy, du khách có thể thấy những bệ thờ của người dân nơi đây thờ hai thần rắn.
Hiện tại thắng cảnh Chi Đảy đang được giao hợp tác xã Yên Sơn khai thác và quản lý, hàng ngàn lượt khách địa phương và ngoại tỉnh vẫn tấp nập đến thăm cảnh đẹp kỳ thú này. Thắng cảnh hang Chi Đảy có diện tích lớn, có cảnh quan bên trong rất đẹp, với những khối nhũ đá độc đáo, hiếm thấy ở các hệ thống hang động khác. Đây thực sự là một món quà quí giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người và vùng đất nơi đây.
Đến với di tích danh thắng hang Chi đảy, ngoài việc được tận hưởng những cảm xúc bất tận mà thiên nhiên ban tặng cho con người, du khách vẫn có thể liên hệ với ban quản lý hang Chi Đảy để đặt thực đơn thưởng thức các món ẩm thực địa phương độc đáo. Các món ngon đặc trưng của vùng đất này như : Cơm lam, gà nướng, cá pỉnh tộp đặc biệt là các món từ cây chuối nguồn ( một loại cây đặc hữu chỉ có tại huyện Yên Châu, Sơn La )…
Di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm Ngự Chế – Sơn La
Di tích lịch sử văn bia Quế Lâm Ngự Chế tại thành phố Sơn La được phát hiện vào năm 1965. Đến năm 2001 Đền Vua Thái Tông được xây dựng. Nơi đây là minh chứng cho một thời lịch sử của vị vua trẻ văn võ toàn tài Lê Thái Tông đã cùng quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn của vùng biên cương phía Tây của Tổ quốc, giữ bình yên cho bờ cõi nước nhà.
Sơn La là miền đất phía Tây của tổ Quốc. Ngay từ khi giành quyền tự chủ, các vương triều phong kiến nước ta đã rất chú ý đến quan ải Việt – Lào. Di tích lịch sử văn bia “Quế Lâm ngự chế” là nơi ghi dấu chiến công của vị Vua trẻ hùng tài, đại lược Lê Thái Tông đã hai lần lên miền sơn cước dẹp quân phản loạn giữ bình yên cho bờ cõi giang sơn. Trên đường về Vua cùng quân sỹ nghỉ chân tại động La ( địa phương còn gọi là hang Thẩm Ké, hang trai già ). Thấy nơi đây cảnh đẹp, tâm hồn phấn chấn nhà vua đã cảm hứng ứng tác bài thơ mang nhan đề : “Quế Lâm ngự chế” khắc lên vách đá thẳng đứng trên cửa động bằng chữ Hán và tạm dịch:
“Nghĩ đến người xa đêm khổ tâm
Thổ tù sao lại dám quên thân?
Thế gian đã có anh hùng chúa
Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần
Đường xá khó khăn đừng cậy hiểm
Hang cùng đã ấm áp hơi xuân
Yên được dân lành nhơ nhớp hết
Dân xa được hưởng tấm lòng nhân”
Vào hang, du khách sẽ cảm thấy nhẹ nhàng bởi khí hậu mát mẻ, hang thoáng rộng. Trần hang là những nhũ đá rủ xuống, những vỉa đá vôi mà khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh trầm ấm. Từ cửa hang đi theo hướng tay phải chừng 200m, du khách sẽ tới Đền Vua Lê Thái Tông. Ngôi đền được phát hiện năm 1965 và được bộ Văn hoá thông tin xếp hạng quốc gia năm 1994, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2001 và khánh thành vào ngày 22/1/2003 để ghi nhớ công đức của Vua Lê Thái Tông. Đền được xây dựng trên diện tích 800m2 bao gồm cổng tam quan, sân đền, nhà tả hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung.
Đến với di tích Quế Lâm ngự chế để thắp một nén nhang mà tưởng nhớ tới công đức của nhà Vua và quân sỹ của ông; Du khách sẽ cảm thấy lòng mình trở nên ấm áp, thanh thản vì đã gửi gắm một chút tâm tư, tưởng nhớ tới vị Vua hùng tài của dân tộc đã dẫn quân dẹn yên vùng Sơn cước cách đây hơn 600 năm về trước.
Di tích lịch sử cây đa Pắc Ma – Sơn La
Quỳnh Nhai – một vùng nước non hùng vĩ và tươi đẹp cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, truyền thống lịch sử cách mạng chống ngoại xâm. Với 2 con sông chảy qua là sông Đà và sông Nặm Giôn, các nhà khảo cổ, các nhà địa chất đã khai quật và phát hiện Quỳnh nhai là vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản như mỏ than ở Mường Chiên và Pha Khinh, tài nguyên rừng phong phú và hệ động vật quý hiếm: hổ, báo, gấu, hươu, nai… Bên cạnh đó, Quỳnh Nhai còn là chứng tích ghi dấu địa danh lịch sử trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc ta trên mảnh đất Sơn La nói chung và Quỳnh Nhai nói riêng. Trong đó, Di tích cây đa Pắc Ma là một vật chứng, chứng minh trận tập kích Pắc Ma của bộ đội ta vào tháng 10/1952. Với trận thắng này đã góp phần chọc thủng phòng tuyến Sông Đà của địch giải phóng hoàn toàn huyện Quỳnh Nhai, tạo điều kiện giành thắng lợi to lớn trong đợt I của chiến dịch Tây Bắc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Quỳnh Nhai có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là cửa ngõ để quân ta có thể từ Than Uyên (Lai Châu) tiến vào và đi sang Tuần Giáo, Điện Biên. Thực hiện chính sách dồn dân để dễ bề kiểm soát, năm 1948 tại bản Mứn và bản Pắc Ma,Thực dân Pháp đốt phá trên 100 nóc nhà, vơ vét tài sản của nhân dân, thẳng tay đàn áp dã man những người đi theo cách mạng.
Nhận rõ tình hình, vị trí chiến lược của Sơn La, Tây Bắc, ngày 21/01/1948 Bộ Tổng chỉ huy Liên khu X đã ra chỉ thị số 114/CT-BT và 115/CT-BT nêu rõ nhiệm vụ giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ căn bản của liên khu. Thực hiện chủ trương đó, ngày 29/3/1948 Đội xung phong Quyết Tiến đã lên đường làm nhiệm vụ. Ngày 29/6/1948 đơn vị đã đến Tú Lệ, Yên Bái và dự kiến tiến lên Mường Trai (Mường La).
Tháng 9/1952, Trung ương Đảng chủ trương: tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc. Thấy rõ địa thế thuận lợi của huyện Quỳnh Nhai, căn cứ vào nhận định của Bộ tổng chỉ huy, quân chủ lực của ta đã dàn trận kịp thời, bố trí lực lượng chiến đấu. Tại khu vực cây đa Pắc Ma, xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai, bộ đội ta đã tiêu diệt được 72 tên địch trong tiểu đoàn TaBo thứ 17 quân Viễn chinh Pháp, thu được nhiều vũ khí. Trận tập kích Pắc Ma thắng lợi đã góp phần chọc thủng phòng tuyến sông Đà của địch, giải phóng hoàn toàn huyện Quỳnh Nhai, tạo điều kiện giành thắng lợi to lớn trong hai đợt của chiến dịch tiến công giải phóng Tây Bắc.
Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn 28.500 km2 với 25 vạn dân trên một địa bàn hết sức quan trọng. Tây Bắc trở thành căn cứ địa nối liền với căn cứ địa Việt Bắc. Ta đã phá thế uy hiếp của địch đối với Thượng Lào từ phía Đông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phối hợp với cách mạng nước bạn. Thế đứng chân của cuộc kháng chiến ngày càng được củng cố vững chắc; thế chủ động tiến công chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ tiếp tục được giữ vững, đẩy quân địch vào thế phòng ngự bị động, dẫn đến thất bại thảm hại tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Cây đa Pắc Ma là một chứng tích ghi dấu thắng lợi của quân và dân các dân tộc Sơn La và thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Thắng lợi này đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, sự chỉ đạo tài tình của Quân ủy Trung ương, sự đoàn kết keo sơn các dân tộc Tây Bắc, ý chí quyết chiến quyết thắng và sự chiến đấu ngoan cường của quân đội ta.
Hiện nay cây đa vẫn vươn cao sức sống trên đồi, xung quanh mênh mông sông nước của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Để đến với di tích, du khách sẽ được ngồi trên thuyền ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, câu cá sông Đà, đặc biệt là việc thành tâm thắp một nén nhang tưởng nhớ tới các chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ vùng đất Quỳnh Nhai tươi đẹp. Nơi đây còn là một trang sử địa phương soi sáng cho các thế hệ con cháu học tập, cống hiến sao cho xứng đáng với công lao to lớn và sự hy sinh của các thế hệ tiền bối. Di tích được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng ngày 28/2/2007.
Sơn La có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Sơn La – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.