Sơn La có lễ hội gì?

Sơn La không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp của thiên nhiên, núi rừng, đồi chè xanh tươi, bát ngát, các loài hoa quả ôn đới, khí hậu trong lành quanh năm mát mẻ mà còn được biết đến với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đặc sắc thông qua các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc sinh sống tại đây. Sơn La có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Sơn La mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

1 Lễ hội Hết Chá ở Mộc Châu – Sơn La

Các lễ hội ở Sơn La đều mang nội dung xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân; đặc biệt là lễ hội Hết Chá của đồng bào dân tộc Thái được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Năm nay, lễ hội được địa phương tổ chức trong hai ngày 26 – 27/3 tại xã Đông Sang.

Lễ hội Hết Chá ở Mộc Châu - Sơn La
Lễ hội Hết Chá ở Mộc Châu – Sơn La

Lễ hội Hết Chá là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc; đồng thời là lễ hội đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đây còn là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no, hạnh phúc và thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái.

Được biết, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy cúng cũng vừa là người bốc thuốc Nam, đã chữa khỏi bệnh cho những người ốm và thầy cúng nhận họ làm con nuôi. Hàng năm, thầy cúng tổ chức lễ hội Hết Chá chính là lễ tạ ơn của những người được thầy mo chữa khỏi bệnh; đồng thời là lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần linh đã giúp cho con người sống ở trần gian duy trì được cuộc sống, đoàn kết xây dựng bản làng và cầu cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu. Mang ơn thầy các con nuôi lại đến tạ ơn, nhưng lúc đó là thời điểm đầu năm đang bận rộn cho Tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Từ đó, có lễ hội Hết Chá.

Theo ông Vì Văn Phịnh (bản Áng, xã Đông Sang), lễ hội Hết Chá rất có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Thái ở Mộc Châu. Lễ hội không chỉ là dịp tạ ơn thầy thuốc, thầy mo đã cứu chữa khỏi bệnh cho dân bản, mà còn giáo dục và dạy con cháu cách làm ăn, cách sống. Lễ hội còn có ý nghĩa cầu sức khỏe, may mắn, mưa thuận, gió hòa cho dân bản; đồng thời là dịp để trai gái gặp gỡ, thành vợ, thành chồng.

Lễ hội Hết Chá ở Mộc Châu - Sơn La
Lễ hội Hết Chá ở Mộc Châu – Sơn La

Đồng bào dân tộc Thái xưa chủ yếu sống dựa vào thiên nhiên, chính vì vậy việc tìm thức ăn cũng dựa vào săn bắn, hái lượm. Tại lễ hội, các nghệ nhân đã tái hiện lại một chuyến đi săn, bắt cá dưới suối; cách người Thái xưa tập cho trâu cày ruộng. Cùng với đó là các tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn được biểu diễn đan xen để phê phán những thói hư tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thường nhật. Ngoài ra, người dân và du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian, xem cách người Thái xưa lấy lửa bằng tre và thưởng thức những món ăn dân tộc hấp dẫn.

Lễ hội Hết Chá của đồng bào dân tộc Thái nơi đây mang nhiều giá trị lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

2 Lễ hội Xen Pang Ả – Sơn La

Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam. Đến nay, đồng bào Kháng vẫn còn duy trì được một số lễ nghi nông nghiệp như lễ Xíp Xí, lễ mừng cơm mới. Tuy nhiên tiêu biểu nhất vẫn là Lễ hội Xen Pang ả, do Pa ả (thầy cúng) tổ chức. Lễ hội Xen Pang Ả được tổ chức với quy mô lớn, gồm nhiều bản, và cứ 2 hay 3 năm được tổ chức một lần vào khoảng từ tháng 10 tới tháng 12. Lễ hội được tổ chức với mục đích mời các “ma nhà”, “ma bản”, “ma trời” hưởng lễ vật và những người được Pa Ả chữa cho khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn, đồng thời để Pa Ả cầu chúc cho hồn vía các con nuôi lành mạnh, không hay ốm đau, làm ăn phát tài.

Lễ hội Xen Pang Ả - Sơn La
Lễ hội Xen Pang Ả – Sơn La

Trong các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa ả chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa ả là người thông minh, thuộc nhiều bài cúng và biết cách chữa bệnh thông thường, biết một số ảo thuật và biết nhiều điều mà người khác không biết. Có thể gọi họ là những trí thức dân gian, họ rất có uy tín, được dân bản tin và làm theo.

Lễ hội Xen Pang Ả ngoài phần lễ cúng cầu xin, còn là nơi nhân dân diễn lại các công việc nương rẫy, thu hái lâm sản trong đời sống thường nhật, thông qua các trò diễn; chơi các trò chơi dân gian; hát đối đáp giao duyên; múa ống, múa khăn.

Xen Pang Ả là ngày hội lớn, vô cùng có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Kháng. Đây là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Kháng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả, một nắng hai sương. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để lớp thanh niên chưa vợ chưa chồng tìm hiểu, hẹn hò nên vợ thành chồng, bởi vậy lễ hội Xen Pang Ả còn có ý nghĩa trong việc tái tạo cộng đồng dân tộc.

3 Lễ hội dâng hoa măng của dân tộc La Ha – Sơn La

La Ha là dân tộc ít người, định cư nhiều ở Sơn La, Lai Châu.. Lễ hội dâng hoa măng (Pang A Nụn Ban) của dân tộc La Ha có từ rất lâu đời, nhằm cảm tạ những người thầy lang chữa khỏi bệnh. Đây cũng là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất hàng năm của dân tộc La Ha bởi số lượng người tham gia lên tới hàng trăm người với quy mô không phải một xã, một bản mà có thể tới các xã, sang cả huyện khác. Họ đến đây để gặp nhau, giao lưu văn hóa – văn nghệ, trao đổi về tình hình bệnh tật và kinh nghiệm chữa chạy. Lễ hội được tổ chức vào trước ngày rằm hàng tháng trong mùa xuân.

Lễ hội dâng hoa măng của dân tộc La Ha - Sơn La
Lễ hội dâng hoa măng của dân tộc La Ha – Sơn La

Mùa xuân là mùa măng đắng khi cây tre lên măng. Ở Tây Bắc thường ít mưa, nên khi măng đội đất lên thì ăn rất đắng. Sau khi gặp mưa đầu mùa thì loại măng này chuyển dần sang ngọt. Măng đắng là món ăn đặc sản của dân tộc La Ha và là loại thuốc gia truyền của thầy lang. Trùng vào mùa măng đắng mọc còn có hoa Mạ Rệ nở trong rừng. Đây là họ cây cổ thụ, to cao, lá to dài, hoa thành từng chùm màu vàng đỏ. Loại hoa này ăn được và có mùi thơm như nước hoa. Đây cũng là vị thuốc trong bài thuốc của thầy lang nên khi tổ chức lễ hội dâng hoa măng cần phải có măng đắng và hoa Mạ Rệ.

Lễ hội gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ cảm tạ đất trời tổ tiên, sông núi đã phù hộ cho dân tộc La Ha mạnh khoẻ, ít ốm đau và mách bảo cho dân tộc La Ha có các loại thuốc lá chữa bệnh. Phần hội sôi động vui vẻ, khẳng định được tính sáng tạo. Các điệu múa xuất phát từ lao động, những công việc hàng ngày rất gần gũi với dân tộc La Ha, đồng thời khẳng định dân tộc La Ha luôn cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, bản làng ít bệnh tật, dòng tộc phát triển hạnh phúc.

4 Lễ hội Mương A Ma dân tộc Xinh Mun – Sơn La

Ở Sơn La, đồng bào Xinh Mun thường cư trú ở vùng rẻo giữa và rẻo cao, kinh tế chủ yếu dựa vào việc canh tác nương rẫy, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xinh Mun theo quan niệm vạn vật hữu linh, họ tin rằng, các cánh rừng, con suối… đều có thần linh cai quản. Do vậy, họ có nhiều nghi lễ nông nghiệp, trong đó nổi bật là lễ hội Mương A Ma (lễ hội cầu mùa). Lễ hội Mương A Ma thường từ 3- 5 năm tổ chức một lần, diễn ra trong 2 ngày vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong và năm đó được mùa, lúa ngô đầy nhà và nuôi được nhiều gà, lợn…

Lễ hội Mương A Ma dân tộc Xinh Mun - Sơn La
Lễ hội Mương A Ma dân tộc Xinh Mun – Sơn La

Người đứng ra tổ chức, chủ trì lễ hội là những người làm thầy mo trong bản. Lễ hội Mương A Ma được tổ chức trong phạm vi gia đình, nhưng lực lượng tham gia làm công việc chuẩn bị lễ vật, cỗ bàn và đặc biệt là lực lượng tham gia phần hội thì bao gồm cả bản, từ các ông, bà già, thanh niên nam nữ và cả trẻ nhỏ, mọi người đều tham dự lễ hội với tinh thần tự giác, hăng say và nhiệt tình.

Lễ hội Mương A Ma có phần lễ và phần hội rõ ràng. Phần lễ trang nghiêm, thành kính, thầy mo thay mặt dân bản cúng tế các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, để lúa sai bông, để ngô mẩy hạt, để lợn gà trâu bò không bị dịch bệnh, sinh sôi đầy chuồng, để con người khỏe mạnh không bị ốm đau, để bản mường mãi mãi hưng thịnh. Khác với không khí trang nghiêm của phần lễ, ở phần hội, trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, trong sự nồng say của men rượu cần, tinh thần của người dân được thăng hoa, mọi lo toan thường nhật phút chốc tan biến, mọi người thả mình theo những điệu múa, trò chơi dân gian rất vui vẻ, diễn tả hiện thực cuộc sống của cộng đồng dân tộc Xinh Mun, mang tính nghệ thuật và giáo dục cao như múa Tăng bu, To luồng, múa kéo thuyền… chơi “to miếng” (đấu võ), chơi “giắc klsù” (bắt tổ ong) v.v.

Lễ hội Mương A Ma là một nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Xinh Mun, là một hình thức sinh hoạt văn hóa tập thể lành mạnh, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo ra bầu không khí vui tươi phấn khởi, hướng người dân theo những cái thiện, xa rời cái xấu.

5 Lễ hội đua thuyền Quỳnh Nhai – Sơn La

Cộng đồng dân cư ở Quỳnh Nhai chủ yếu là người Thái, sinh sống bằng nghề chính là trồng lúa nước, khai thác lâm sản và đánh bắt cá. Bởi vậy từ bao đời nay, bà con rất gắn bó với sông nước và chèo thuyền là công việc thường ngày, trở thành thói quen và nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt và trong lao động sản xuất. Theo quan niệm của bà con, những ai giỏi chèo thuyền là người có khả năng chinh phục sông nước và thuận lợi hơn trong làm ăn, sinh sống. Từ đó, trong bản làng đã hình những cuộc đua thuyền quy mô nhỏ và dần dần trở thành những lễ hội văn hoá truyền thống của vùng đất này.

Lễ hội đua thuyền Quỳnh Nhai - Sơn La
Lễ hội đua thuyền Quỳnh Nhai – Sơn La

Lễ hội đua thuyền Quỳnh Nhai là một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng hết sức độc đáo và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống cao đẹp của dân tộc. Lễ hội có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên trong cuộc sống. Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, song những ấn tượng và dư âm tốt đẹp của lễ hội còn mãi đọng lại trong trái tim và suy nghĩ của những người tham dự để cùng nhau hẹn ước đến mùa lễ hội sau.

6 Tết Xíp Xí Của Người Thái Trắng – Sơn La

Ở Việt Nam, người Thái có số dân hơn một triệu người, chia làm hai nhóm: Thái Đen (Táy Đăm) và Thái Trắng (Táy Khao). Đồng bào sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi Tây Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Người Thái trắng có Tết Xíp xí được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong Tết Xíp xí, gia đình nào cũng phải có thịt vịt. Tết Xíp xí, gia đình nào cũng buộc phải có vịt để cúng cầu cho mọi người trong gia đình được mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Cầu cho trâu khỏe mạnh, có sức kéo cày làm ra nhiều hạt thóc cho chủ nhà. Theo tục của người Thái và các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái như: Tày, Nùng, Giáy (trừ Thái Đen), ngày 14 tháng 7 âm lịch, trong mâm lễ cúng nhất thiết phải có thịt vịt để cho cái xấu, cái hạn theo con vịt đó trôi đi. Con vịt là giống ở nước, dòng nước sẽ cuốn trôi đi hết những rủi ro và khó khăn.

Tết Xíp Xí Của Người Thái Trắng - Sơn La
Tết Xíp Xí Của Người Thái Trắng – Sơn La

Vào ngày này, thịt vịt được cúng ở miếu đầu làng, thịt lợn thì được cúng ở miếu cuối làng. Người Thái Trắng gọi Tết Xíp xí là tết xá tội (nhưng không phải là xá tội như người Kinh vào rằm tháng 7 âm lịch) mà là xá tội cho người sống. Người Thái Trắng dâng lễ vật nhằm tạ ơn ông chủ miếu đã che chở cho cuộc sống của bản làng được mạnh khỏe, may mắn; cầu các thần bỏ qua cho con cháụ các lỗi đã lỡ mắc phải. Sau khi cúng xong, đồng bào thường dùng chỉ buộc vào tay để lấy may. Qua ngày này, họ cởi chỉ buộc vào góc màn mình ngủ. Ngoài ra, theo tục lệ của người Thái, trước khi đi xa hay làm một việc gì đó liên quan đến kiêng kị đều dùng thịt vịt làm lễ vật cúng. Đồng bào quan niệm rằng, thịt vịt là loại thịt kỵ ma.

Tết Xíp xí cũng là dịp để đồng bào bày tỏ lòng biết ơn đối với con trâu, con bò, công cụ sản xuất…, tất cả đều được tắm rửa, lau chùi sạch sẽ và được bày mâm cúng vía với các lễ vật, đặc biệt là thịt vịt, xôi nếp nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng. Tết, chủ nhà được ăn thì trâu bò cũng được liên hoan. chủ nhà nào cũng chuẩn bị sẵn cỏ non từ hôm trước để bồi dưỡng cho Chúng. Sau khi cúng xong, trâu bò sẽ được chủ nhà (thường là các em đã chăn dắt chúng) bón xôi màu trộn muối, đổ chén rượu lên đầu lấy may.

Tết Xíp xí được tổ chức theo từng gia đình, có nơi theo dòng họ và tùy theo từng hoàn cảnh gia đình mà tổ chức to, nhỏ khác nhau. Dịp này, gia đình nào càng mời được nhiều bà con, khách khứa đến dự càng may mắn. Người Thái Trắng dù đi xa, nhưng đến ngày Tết Xíp xí ai cũng mong muốn về sum họp vui vẻ cùng gia đình.

7 Lễ Hội Hái Mận Mộc Châu Tháng 5 – Sơn La

Không chỉ hấp dẫn du khách với đồi chè xanh mướt, rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, còn có cả một thung lũng mận hơn 100ha đầy ắp những trái mận hậu đỏ au, giòn ngọt đang chờ du khách vào ngày hội hái mận thường niên lại được tổ chức tại thị trấn Nông trường vào tháng 5 hàng năm

Lễ hội hái mận Mộc Châu tháng 5 - Sơn La
Lễ hội hái mận Mộc Châu tháng 5 – Sơn La

Lễ hội hái mận với nhiều phần thi hấp dẫn, đó là: Thi hái quả, trình bày mâm quả và thi ăn mận. Phần thi này sẽ gồm 6 đội được lựa chọn từ trước, sẽ tham dự vào 3 phần thi liên tiếp:

Phần thi hái quả

  • Sẽ có một vườn mận đã được ban tổ chức lựa chọn từ trước. 6 đội thi sẽ bốc thăm để chọn cho mình một cây mận. Trong vòng 5 phút, đội nào hái được nhiều mận hơn và chất lượng quả tốt sẽ được chấm điểm cao.

Trình bày mâm quả

  • Ngay sau khi phần 1 kết thúc, các đội sẽ dùng số mận đó để trình bày thành một mâm quả sao cho đẹp mắt nhất. Tiếp theo sẽ là phần thi thuyết minh về đội thi, dụng cụ và kỹ thuật hái cùng với ý nghĩa của mâm quả.

Phần thi ăn mận

  • Một trong những phần thi nhận được sự cổ vũ đầy nhiệt tình từ du khách đó chính là phần thi Ăn Mận. 6 đội sẽ cử ra 6 đại diện để liên tục ‘’ăn’’ trong vòng 90 giây và ai ăn được nhiều nhất thì đội thi sẽ tháng cuộc.

So tài kiến thức về mận hậu Mộc Châu

  • Những đội chơi phải thể hiện thật ấn tượng bài thuyết trình của mình và bắt buộc phải đảm bảo những yếu tố nội dung như sau: nguồn gốc mận hậu, diện tích trồng mận, sản lượng hàng năm; những sản phẩm được chế biến từ quả mận; giá trị kinh tế; hàm lượng dinh dưỡng; tác dụng tuyệt vời của mận hậu đối với con người.
  • Kết thúc bài thuyết trình, đội thi sẽ bốc thăm để lựa chọn một câu hỏi mà BTC đã chuẩn bị từ trước. Đội thi nào trả lời đúng sẽ được cộng điểm.

Vinh danh những cá nhân tiêu biểu trong việc phát triển mận hậu Mộc Châu

  • Năm cá nhân xuất sắc nhất, đạt được nhiều thành tựu sẽ được lựa chọn để được vinh danh trong Lễ Hội Hái Mận – Ngày Hội Hái Quả nơi đây.

Những hoạt động vui chơi khác

Thi kéo co (phần thi cho đội thi hái mận)

Trò chơi Rồng ấp trứng

Thi bắn nỏ (phần thi đặc biệt dành cho khách du lịch)

  • Du khách sẽ mua tên của BTC sau đó bắn nỏ vào bia để tính điểm. Một lượt bắn bao gồm 3 tên và sẽ tính thành tích với tên điểm cao nhất. Tên đạt 8 điểm trở lên sẽ có phần thưởng.

Thi cắm trại

  • Sẽ có 6 trại văn hóa đến từ 6 đội thi được dựng lên mang phong cách đặc trưng của từng dân tộc. Trong trại sẽ phải có những vật dụng, sản phẩm đặc trưng như dụng cụ lao động, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực, trang phục dân tộc.

Thi trưng bày ẩm thực dân tộc

  • Du khách sẽ là những người trực tiếp tham dự vào trong phần thi này. Điều đặc biệt là ngoài việc chiêm ngưỡng những món ăn đặc trưng ra thì du khách còn có thể thưởng thức trực tiếp để đánh giá về ẩm thực vùng này nói chung.

Thi văn hóa cộng đồng

  • Đây chính là phần thi năng khiếu mà thông qua đó mỗi đội thi sẽ thể hiện được văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Triển lãm mận hậu

  • BTC sẽ dành từ 01-02 gian hàng chỉ để phục vụ triển lãm, giới thiệu và bán những quả mận hậu tươi ngon nhất. Ngoài ra còn giới thiệu về sản phẩm chế biến từ mận hoặc dụng cụ, quy trình sản xuất mận hậu đạt chuẩn.

Trải nghiệm hái quả chín trên cây

  • Nhiều gian hàng cho thuê trang phục dân tộc được mở ra để khuyến khích khách du lịch mặc và chụp hình khi tham gia ngày hội.
  • Trải nghiệm hái quả chín trên cây: chương trình tour sẽ đưa du khách ghé thăm thung lũng mận Nà Ka để du khách tự mình trèo cây, hái quả mang về những quả tươi ngon nhất.

Không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc núi rưng, du khách sẽ thích thú khi được trải nghiệm làm một người nông dân đeo chiếc lù cở, hay chiếc bế sau lưng vít từng cành mận xuống tỉa những quả mận thật chín còn nguyên lớp phấn trắng xuống. Du khách sẽ được thưởng thức cả mận sấy khô từ quả tươi và được trả tiền cho những trái mận hái được.

8 Chợ tình Mộc Châu – Sơn La

Du lịch Mộc Châu, Cao nguyên Mộc Châu không chỉ có đặc sản là chè, những cô gái dân tộc duyên dáng mà ngày nay, phiên chợ tình tổ chức vào ngày 31/8 đến 2/9 hằng năm cũng là một món “đặc sản” níu khách thập phương về với vùng cao nguyên nhiều mây và đầy bí ẩn này.

Chợ tình Mộc Châu - Sơn La
Chợ tình Mộc Châu – Sơn La

Chả thế mà các cô gái Mông đến tuổi cập kê đã chuẩn bị váy áo từ vài tháng trước đó để chờ đợi phiên vui chợ tình đằm thắm, tìm cho được “ý trung nhân”. Ngày nay, khi chợ tình Sa Pa và Khau Vai đã phần nào vơi đi sự hấp dẫn thì chợ tình nơi này (Sơn La) lại là điểm đến của bà con dân tộc thiểu số từ Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La đến Yên Bái, Lào Cai. Du khách trong và ngoài nước, dân “phượt” cũng không bỏ qua cơ hội này.

9 Tết độc lập người Mông – Sơn La

Quốc khánh 02/09 là một dịp để bạn cùng với người thân có một kỳ nghỉ tuyệt vời. đến với Mộc Châu tham dự tết độc lập người Mông và chìm đắm trong những cánh đồng hoa đầy màu sắc sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ.

Tết độc lập người Mông - Sơn La
Tết độc lập người Mông – Sơn La

Đối với riêng người Mông, họ có 2 ngày lễ lớn nhất năm. Một là tết Nguyên đán đón năm mới và hai là Tết độc lập 2/9 – ngày Quốc khánh Việt Nam. Tết được tổ chức trong 3 ngày từ 31/8 – 2/9 với nhiều hoạt động đầy thú vị, hấp dẫn, rất đậm màu văn hóa phong tục của người H’Mông.

Các đội đăng ký tham gia muốn giành chiến thắng thì bên cạnh tốc độ phải nhanh thì phải đảm bảo được bánh dày ngon cùng với hình thức đẹp mắt. Món bánh dày biểu trưng cho nét văn hóa độc đáo của vùng Tây Bắc nói chung và cao nguyên mảnh đất này nói riêng. Sau khi ban giám khảo chấm điểm xong, các đội thi sẽ mời người dân cùng du khách thưởng thức hương vị vùng cao này.

Là một trò chơi dân gian, Ném pao thường được tổ chức vào các dịp lễ tết. Ngoài ra, quả pao cũng được biết đến như là một minh chứng khi đôi lứa yêu nhau.

Người dân tộc H’mong có câu hát:
“Anh ném pao

Em không bắt

Em không yêu

Quả pao rơi rồi…”

Quả pao to cỡ bằng quả cam được làm bằng vải lanh, ở bên trong nhồi bông vải hoặc hạt lanh. Tùy thuộc vào mỗi người làm ra mà quả Pao sẽ có màu sắc, hoa văn khác nhau. Thậm chí có người còn dùng lụa tơ tằm để cho pao có sự mềm mại.

Đem đến một không khí cực kỳ sôi động và cuồng nhiệt đó chính là cuộc thi đẩy gậy. Những thanh niên trai tráng người Mông sẽ cầm một đầu của gậy, đẩy cho đối phương ra khỏi vòng tròn thì sẽ giành chiến thắng. Đẩy gậy yêu cầu người chơi có sức mạnh kèm sự khéo léo cần thiết.

Tháng 9 cũng là mùa hoa tam giác mạch nở rộ. Bạt ngàn dọc đường QL6 trước khi vào thị trấn hoặc tại thung lũng, quả đồi bạn sẽ đắm chìm trong sắc hoa trắng tím đầy mê hoặc này. Còn gì tuyệt vời hơn bằng việc lưu giữ lại những hình ảnh của chính mình. Đứng giữa cả một thiên đường hoa để hòa mình vào thiên nhiên Tây Bắc và hòa chung trong không khí lễ hội tết độc lập của người Mông – Mộc Châu.

10 Lễ hội Gội đầu – Sơn La

Lễ hội gội đầu được gắn với truyền thuyết nàng Han – vị tướng anh hùng cầm quân đánh đuổi giặc phương Bắc. Dẹp xong giặc, vào trưa 30 Tết Âm lịch, nàng Han ban lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Lễ hội gội đầu còn có tên gọi là lễ hội Lung Ta.

Lễ hội Gội đầu - Sơn La
Lễ hội Gội đầu – Sơn La

Đây là lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con người Thái nói chung và người Thái Trắng Quỳnh Nhai – Sơn La nói riêng. Lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc và thân thiện của con người với tự nhiên. Theo quan niệm của người Thái Trắng, khi hết một năm cũ, mọi người đều phải thực hiện nghi lễ gội đầu để gột rửa những điều không may mắn, tống tiễn điều xấu theo dòng nước, trôi đi các điều không may. Đồng thời, mọi người, mọi nhà cầu mong một năm mới đến với nhiều điều tốt lành và gặp nhiều may mắn.Sau lễ hội là các trò chơi dân gian: tó má lẹ, ném còn… tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con đón năm mới và tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Lễ hội gội đầu được huyện Quỳnh Nhai tổ chức hàng năm nhằm giữ gìn, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

11 Lễ Hội Cầu Mưa – Sơn La

Cứ vào dịp rằm tháng 2 âm lịch hàng năm, người Thái tại Mường Sang – Mộc Châu – Sơn La lại tổ chức lễ hội cầu mưa. Đây là thời điểm bắt đầu cho mùa màng của năm mới, để cầu cho dân bản được một năm bội thu, đồng thời giáo dục các thế hệ con cháu biết bảo vệ và tôn trọng môi trường sống.

Lễ Hội Cầu Mưa - Sơn La
Lễ Hội Cầu Mưa – Sơn La

Người Thái ở Sơn La quan niệm rằng, thần linh cai quản mưa gió thương những đứa trẻ sinh ra không có cha (do mẹ chúng chửa hoang), không có mái nhà che đầu, nên đã không làm mưa xuống khiến cho trời hạn hán.Vì vậy dân bản phải làm lễ cầu mưa, cúng lễ các vị chủ nước, chủ sông suối, để mời thần linh về nghe nguyện vọng của bà con, đồng thời trách phạt những người phụ nữ đó đã không biết giữ mình.Việc tổ chức Lễ hội cầu mưa, nhằm mục đích củng cố và nâng cao hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của nguồn nước, đồng thời giáo dục con cháu về ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Lễ hội cầu mưa còn thể hiện bản sắc văn hóa của người Thái cần được gìn giữ và phát huy đến với đông đảo quần chúng nhân dân.

12 Lễ hội khinh khí cầu Quốc tế – Sơn La

Lễ hội bay khinh khí cầu quốc tế được tổ chức với chủ đề về tình yêu, hứa hẹn đem lại những trải nghiệm thú vị cho người tham gia.
Hình ảnh những quả khinh khí cầu đầy màu sắc bay lượn trên bầu trời thảo nguyên Mộc Châu – Sơn La tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.

Lễ hội khinh khí cầu Quốc tế - Sơn La
Lễ hội khinh khí cầu Quốc tế – Sơn La

Thông qua Lễ hội này, tỉnh Sơn La mong muốn sẽ quảng bá du lịch, đồng thời góp phần nâng cao sức hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Nếu như ban ngày, du khách được chiêm ngưỡng những chiếc khinh khí cầu rực rỡ và đẹp mắt thì buổi tối sẽ được hòa mình vào không gian sôi động của âm nhạc và ánh sáng trong đêm nhạc hội khí cầu.

13 Lễ hội Xên Mường – Sơn La

Lễ hội “Xên Mường” hay còn gọi Lễ hội Hoa Ban tại “Đông xên” bản Mé, xã Chiềng Cơi, thành phố Sơn La được tổ chức vào ngày 31/12.

Lễ hội Xên Mường - Sơn La
Lễ hội Xên Mường – Sơn La

Trước đây cứ 2 năm tổ chức 1 lần vào dịp năm hết, Tết đến, thu hoạch xong mùa màng, với quan niệm của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc là cầu cho vạn vật bảo vệ con người, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản mường đoàn kết vượt khó khăn, giúp nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Địa điểm chọn lễ cúng mường thường là tại một cánh rừng già được gọi là “Đông Xên”. Lễ vật gồm mổ trâu, lợn, gà, sản vật, thóc gạo, hoa quả…

Lễ hội gồm các nghi lễ: Lễ rước Nàng Tánh về dự hội, bà Một cúng cầu may, lễ đi qua cầu Mường; lễ té nước cầu phúc. Phần lễ trong Xên Mường (cúng bản mường) gồm ông mo, bà “một” (người khấn vái chính) gọi “mời” các vị thần linh như thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng nương, vùng miền, các linh hồn người có công dựng bản mường, đất nước và những linh hồn của những người trong bản mường đã mất về dự, “ăn”, nhận các lễ vật do bản mường, con cháu dâng lễ.

Lễ hội Xên Mường - Sơn La
Lễ hội Xên Mường – Sơn La

Phần hội được diễn ra ngay sau phần cúng lễ kết thúc, gồm các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, bắn nỏ, tó má lẹ (một trò chơi dân gian), trò chơi đánh chân đánh đầu, múa xoè bên đống lửa, tổ chức dân ca dân vũ, thăm hỏi, chúc tụng nhau. Tổ chức giao lưu văn hóa – văn nghệ, thi đấu các trò chơi dân gian giữa các xã, phường, thưởng thức ẩm thực các món ăn dân tộc.

Lễ hội Xên Mường đã thực sự cuốn hút được đông đảo quần chúng bởi nhiều tiết mục ca – múa – nhạc đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống được các đội văn nghệ không chuyên đem đến giao lưu biểu diễn. Kết thúc đêm hội, mọi người được hòa chung vòng xòe đoàn kết, uống rượu cần trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng.

14 Lễ hội chọi trâu – Sơn La

Đã thành thông lệ, lễ hội chọi trâu Sơn La lại được tổ chức vào ngày mùng 5 tết hàng năm. Mục đích của lễ hội này là thúc đẩy, gắn kết tinh thần đoàn kết dân tộc miền núi phía Bắc, đồng thời phát triển văn hóa phi vật thể và khuyến khích phong trào nuôi gia súc ở đây.

Lễ hội chọi trâu - Sơn La
Lễ hội chọi trâu – Sơn La

Khi tham dự lễ hội truyền thống độc đáo, đặc sắc và ý nghĩa khi du lịch, phượt Sơn La này bạn không chỉ được hòa mình vào không khí náo nhiệt, vui vẻ của lễ hội chọi trâu, chứng kiến những trận đấu sừng hấp dẫn mà còn được thưởng thức hoặc mua vài đặc sản Sơn la làm từ trâu về nữa đó.

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Sơn La mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Sơn La có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Sơn La vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Your email address will not be published.