Yên Bái có gì?

Nằm ở cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, Yên Bái là tỉnh miền núi, có vị trí phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Địa hình có độ dốc lớn, cao dần từ đông sang tây, từ Nam lên Bắc, độ cao trung bình 600m so với mặt biển đã mang đến cảnh quan đặc sắc cho Yên Bái. Cùng với thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, Yên Bái còn được biết đến là vùng đất có nền văn hóa đặc sắc của 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Yên Bái có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Yên Bái trong bài viết sau đây nhé.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải – Yên Bái

Nhắc đến Mù Cang Chải là người ta nghĩ ngay tới những thửa ruộng bậc thang trải dài như những nấc thang lên tận trời. Kiệt tác hiếm có trong nền văn minh lúa nước Việt Nam lại do chính đôi tay con người sáng tạo ra để thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu và thủy lợi mà thiên ban tặng.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Yên Bái
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải – Yên Bái

Lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn liền với lịch sử cư trú của tộc người Mông – tác giả của những thửa ruộng bậc thang, chủ nhân cư trú đầu tiên tại vùng đất này.

Theo các nhà nghiên cứu địa chất thì Mù Cang Chải là địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất đai chủ yếu là đất feralit vàng đỏ. Điều này, giải thích vì sao người Mông không thể trồng lúa theo phương thức nương rẫy mà thay vào đó, họ phải tận dụng những quả đồi thấp, có diện tích rộng, độ dốc vừa phải, tận dụng được cả nước mưa và nước suối dẫn từ độ cao tràn xuống ruộng thấp để hình thành ruộng bậc thang. Đây là một quá trình công phu, tốn nhiều công sức. Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa bức tranh nghệ thuật hoành tráng treo trên các sườn núi. Và nếu tìm hiểu kỹ hơn, sẽ thấy mọi nét văn hóa trong đời sống của đồng bào đều xoay quanh những thửa ruộng bậc thang.

Từ những chiếc cuốc khum khum phù hợp với việc đào ruộng đắp bờ, đến những nếp nhà hay hoa văn trên trang phục của phụ nữ… Tất cả, tạo nên sự đồng điệu đến kỳ lạ.

Năm 2007, những thửa ruộng bậc thang độc đáo ở Mù Cang Chải, Yên Bái chính thức được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia. Đây là một dấu mốc quan trọng và đáng nhớ.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Yên Bái
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải – Yên Bái

Từ trên đỉnh núi cao, du khách có thể phóng tầm mắt xuống các thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại dưới chân những dãy núi xanh mờ sẽ cảm nhận được sự phóng khoáng, kỳ vĩ và tuyệt đẹp của cảnh sắc nơi đây. Hơn nữa, với địa hình núi cao, vực sâu, địa hình bị chia cắt nhiều nên mỗi “thửa ruộng – mâm xôi” đều xen giữa các khe nước lớn nhỏ, trập trùng là những rừng thông bạt ngàn.

Cứ thế, ruộng, rừng, khe, suối… tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau. Đến Mù Cang Chải mùa nào cũng cho ta trải nghiệm thú vị. Nếu ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ mang vẻ độc đáo như khoác lên mình chiếc áo mới, lấp lánh trong sắc màu tuyệt đẹp của đất nâu, của trời xanh, của mặt nước óng ánh dưới nắng vàng rực rỡ thì sau vài tuần sẽ là những “mâm xôi xanh” của lúa đương thì con gái mơn mởn.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải càng đẹp hơn, quyến rũ hơn vào mùa lúa chín – lúc mà hương sắc của “biển vàng” này cứ cuồn cuộn tỏa hương khắp núi rừng xứ Mù Cang.

Ra đời trong sự nghèo khó, xuất phát từ một nơi xa xôi, hẻo lánh nhưng giờ, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân trong nước mà những du khách nước ngoài cũng đang dành sự chú ý đặc biệt tới nơi đây.

Hình ảnh ruộng bậc thang không chỉ xuất hiện trên những thước phim phóng sự mà còn thấy trưng bày trong những triển lãm tranh, ảnh của những nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Nhưng những ai đã có cơ hội tận mắt ngắm nhìn đều thổ lộ rằng sẽ quay lại nơi đây. Bởi vẻ đẹp của Mù Cang Chải là vẻ đẹp luôn mới. Đó chính là điểm thu hút đặc biệt của Mù Cang Chải hay nhiều người ví đó là cái duyên thầm kín mà hấp dẫn của “nàng tiên” trên núi.

Với người Mù Cang Chải và những người yêu Mù Cang Chải thì danh thắng quốc gia không chỉ nằm trong địa bàn 3 xã: Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn mà tất cả những gì thuộc về Mù Cang Chải đều nằm trong danh thắng “đặc biệt”, bởi Mù Cang Chải còn ẩn chứa biết bao nét đẹp, những điều kỳ thú đang chờ được khám phá.

Động Thủy Tiên – Yên Bái

Hồ Thác Bà có diện tích gần 20.000 ha với 1.331 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình mà nổi bật là động Thủy Tiên gắn với những huyền thoại bí ẩn. Tại đây lưu lại truyền thuyết về tình yêu lãng mạn của hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên. Những bí ẩn của câu chuyện truyền thuyết và vẻ đẹp hoang sơ của động Thủy Tiên đã thu hút nhiều du khách đến thăm quan hàng năm.

Động Thủy Tiên - Yên Bái
Động Thủy Tiên – Yên Bái

Đi trên hồ Thác Bà, du khách cảm thấy không khí trong lành giữa mặt nước mênh mông lung linh soi bóng những hòn đảo điệp trùng tưởng như vô tận. Sau khoảng một tiếng đi thuyền từ cảng Hương Lý là đến động Thủy Tiên, nằm trong lòng núi đá dài khoảng 100 m với những nhũ đá lấp lánh trong đó có hình chín nàng tiên mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ hấp dẫn.

Chuyện xưa kể rằng, hoàng tử Trọng Hải là con trai vua Thủy Tề trong một lần dạo chơi trên dòng sông Chảy, thấy một ngọn núi cao mát lạnh như có một sức hút kì lạ Hoàng tử đã lên núi ngắm cảnh và thưởng thức không khí mát lạnh. Tại đây, chàng đã gặp công chúa Thủy Tiên là một trong 9 nàng công chúa xinh đẹp của Ngọc Hoàng, vì mê say với cảnh sắc của vùng Thác Bà sông Chảy mà thường trốn vua cha xuống trần gian ngắm cảnh.

Sau nhiều lần hẹn hò, tình yêu của họ bắt đầu nảy nở, không thể rời xa nhau. Vua Thủy Tề và Ngọc Hoàng đã tạo ra hang động ngay tại đây để hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên chung sống. Vì vậy mà tất cả những cảnh quan trong hang động đều gắn liền với câu chuyện tình của hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên nên có tên là Thủy Tiên Sơn Động.

Động Thủy Tiên - Yên Bái
Động Thủy Tiên – Yên Bái

Qua cửa hang, vào đến trung tâm của cung điện trong câu chuyện truyền thuyết ấy có 3 cây cột đá trong tổng số 9 cây cột đá của toàn hang động, có một cột đá có hình người quay ngược, đầu cắm xuống đất, chân ngược lên trời, tương truyền rằng đây là một vị quan được Ngọc Hoàng sai xuống cai quản cung điện cho công chúa Thủy Tiên nhưng trong một lần phạm lỗi, vị quan này đã bị Ngọc Hoàng phạt treo chân ngược lên…

Tiếp đến gần phía cửa thông gió là hình một con đại bàng được tạo nên từ nhũ đá, tương truyền rằng đó là con chim đại bàng của Ngọc Hoàng thường xuyên túc trực để đưa công chúa Thủy Tiên về trời khi Ngọc Hoàng có việc cần sai bảo. Vào sâu nữa là đến cung điện của hoàng tử Trọng Hải, tại đây có cột đá thứ 4 vô cùng đặc biệt của hang động, vì khi du khách gõ vào cây cột đá này có một âm thanh giống như tiếng cồng chiêng. Theo truyền thuyết thì đó là hiệu lệnh để Hoàng tử tập hợp văn võ bá quan họp bàn việc triều chính.

Trong cung điện của Hoàng tử có hai dải nhũ đá chảy thẳng xuống đất với ý nghĩa đó là lời căn dặn của vua cha đối với Hoàng tử: “Làm việc gì cũng phải thẳng thắn nghiêm minh”, bên cạnh là khối nhũ đá hình trái tim đó là lời dặn dò của thân mẫu: “Làm bất cứ việc gì cũng cần phải có cái tâm”. Có thể nói, nhũ đá trong hang tạo thành những hình thù khác nhau mà theo truyền thuyết nó có những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trong cung điện của công chúa Thủy Tiên có khối nhũ đá rủ xuống thành hình cánh tay. Truyền thuyết kể rằng đó chính là cánh tay của chàng hoàng tử. Vì mối tình của công chúa Thủy Tiên và hoàng tử Trọng Hải là mối tình người trên trời, kẻ dưới nước cho nên Ngọc Hoàng cho rằng đó chỉ là mối tình “trăng gió” nên đã nghiêm cấm không cho Hoàng tử gặp Công chúa. Khẳng định tình yêu của mình, Hoàng tử đã chặt đứt một cánh tay của mình để chứng minh. Cảm động trước mối tình của công chúa Thủy Tiên và hoàng tử Trọng Hải, Ngọc Hoàng đã cùng vua Thủy Tề tạo ra cung điện này để cho hai người chung sống.

Tiếp vào bên trong là giếng Tiên. Đây chính là nơi khi bị vua cha cấm cản tình yêu của mình với Hoàng tử, hàng năm Công chúa thường xuống úp mặt vào giếng nước khóc ròng, sau đó đắm mình tắm trong nước giếng đó. Hình trái tim là biểu tượng trái tim của chàng Hoàng tử đau đớn giằng xé giữa tình yêu và tiếng gọi của vua cha nên có rất nhiều nếp nhăn. Trái tim đó như nhắn nhủ mọi người rằng “sống ở trên đời phải có tình yêu”.

Tại cung điện của Hoàng tử và Công chúa đều có lối đi lên tầng thứ 2 của hang động, đi ngược theo vách đá vào sâu 100m sẽ có một lối lên tầng hang động thứ 3, nơi đây tiếp tục kể những truyền thuyết để du khách đến thăm quan khám phá trên những dải nhũ đá ở đó.

Động Thủy Tiên là một trong những điểm đến trong tour du lịch của nhiều chương trình lễ hội. Du khách sau khi thăm quan động Thủy Tiên hãy dành một đêm nghỉ lại hồ Thác Bà, để có những phút giây chiêm ngưỡng nét đẹp hoang sơ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Tày, Nùng, Cao Lan, Dao… sống quanh đây. Nếu người Dao có lễ Tết Nhảy với những điệu múa dân gian uyển chuyển thì vào những đêm trăng sáng tháng 10 âm lịch, người Tày tưng bừng lễ hội mừng cốm mới với hương thơm lan tỏa khắp bản làng. Hòa mình cùng cuộc sống của cư dân bản địa và thưởng thức văn hóa ẩm thực lòng hồ, với nhiều món ngon được chế biến từ các loài thủy sản đặc trưng của Thác Bà như ba ba, cá lăng, cá chiên…, chắc chắn du khách sẽ vô cùng thích thú.

Với phong cảnh hữu tình, động Thủy Tiên hồ Thác Bà là điểm dừng chân lý tưởng dành cho những ai yêu vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.

Động Cảm Dương – Yên Bái

Có một địa điểm du lịch tuyệt vời, hấp dẫn bởi vẻ hoang sơ tuyệt diệu của thiên nhiên, mà những du khách mong muốn tìm kiếm những phút giây khám phá sự kì ảo của thiên nhiên khi đến với đất Ngọc Lục Yên đó là động Cảm Dương.

Động Cảm Dương - Yên Bái
Động Cảm Dương – Yên Bái

Động Cảm Dương thuộc xã Liễu Đô, huyện Lục Yên được coi là động đẹp nhất của Yên Bái và có thể được xếp hạng trong nhóm 10 hang động đẹp nhất Việt Nam. Động còn khá nguyên vẹn, hoang sơ, hầu như chưa có tác động của con người. Vì vậy nơi đây thường được khách du lịch chọn làm điểm dừng chân.

Động Cảm Dương được người dân xã Liễu Đô phát hiện ngày 1/2/2009. Động nằm ở lưng chừng núi Bạch Ngọc và còn khá nguyên vẹn, hoang sơ, hầu như chưa có tác động của con người. Động mang trọn vẹn những gì tinh túy và kì diệu, dưới bàn tay sắp đặt khéo léo của tạo hóa.. Lòng động có thể chứa được hàng ngàn người, cửa động rộng khoảng 25m, mái vòm cao khoảng 12m. Vào sâu trong lòng động, có rất nhiều động nhỏ khác với những khối nhũ đá lớn nhỏ, là những kiệt tác của tạo hóa với thế giới của muôn hình thạch nhũ ngàn năm ẩn sâu trong lòng đất với nhiều kích cỡ, hình dáng rất đẹp, mang nhiều giá trị độc đáo đặc sắc về địa chất, kích thích trí tò mò và sự khao khát khám phá chinh phục của du khách. Tại các động những lạch nước được hình thành, chảy róc rách, len lỏi qua những tảng đá khiến du khách như đang được chiêm ngưỡng những bức tranh thủy mặc, cảnh thật mà như vẽ.

Động Cảm Dương - Yên Bái
Động Cảm Dương – Yên Bái

Động Cảm Dương với không gian cảnh quan thiên nhiên đẹp đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng “đất ngọc” Lục Yên. Động đã được sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh bình chọn là “Hang động đẹp nhất Yên Bái” và có thể được xếp hạng là top 10 động đẹp nhất Việt Nam.

Thác Mơ Mù Cang Chải – Yên Bái

Đến với du lịch Mù Cang Chải ngoài ngập chìm trong những cảnh đẹp của lúa mới, du khách còn dịp được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp đúng như tên gọi của nó, đó chính là hình ảnh của thác Mơ, có vẻ đẹp cuốn hút khiến du khách không khỏi bất ngờ.

Thác Mơ Mù Cang Chải - Yên Bái
Thác Mơ Mù Cang Chải – Yên Bái

Lên Mù Cang Chải, từ trên cao du khách sẽ nhìn thấy thác Mơ như một dải lụa trắng lấp lánh ánh bạc, mềm mại trải dài. Người ta nói, dải lụa ấy mềm mượt như suối tóc của thiếu nữ và trên mái tóc đó được gắn rất nhiều đá hoa cương. Thác Mơ nằm giữa đỉnh Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải). Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để du khách dừng chân, thưởng ngoạn. Đi bộ khoảng 30 phút từ Quốc lộ 32 vào đến chân thác, ngồi trên các bè mảng thả trôi, du khách sẽ cảm thấy như đang lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Với những dòng thác chảy dài trong suốt, bọt tung trắng xóa, phía dưới là dòng nước trong vắt, trên cao là khoảng trời xanh với muôn màu hoa rừng nở.

Ở đây du khách sẽ thấy thác Mơ đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc, với màu trắng hồng của hoa mơ, hoa mận, màu đỏ tươi của hoa chuối rừng, màu xanh trong của nền trời Tây Bắc, màu trắng trong tinh khiết của nước thác đầu nguồn, tất cả sẽ làm bạn khó quên. Nghỉ ngơi một lát, du khách đi tiếp đến điểm thác một tầng, dòng nước chảy theo hình xoắn ốc là điểm lý tưởng để du khách hòa mình vào dòng nước sạch trong mát và có thể dùng lực chảy của dòng nước để mát xa đôi bàn chân sau một chặng đường dài đi bộ.

Thác Mơ Mù Cang Chải - Yên Bái
Thác Mơ Mù Cang Chải – Yên Bái

Để đến được điểm thác 4 tầng, du khách tiếp tục đi bộ ngược theo dòng thác Mơ. Tầng thứ nhất của điểm thác 4 tầng trải dài khoảng trên 30 mét, dòng nước đổ từ trên cao xuống như những dây kim cương chảy mãi khiến người ta bị mê hoặc bởi cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tầng thứ hai dàn trải như một hồ nước nhỏ bọt tung trắng xóa – đây là điểm lý tưởng nhất để du khách có cảm giác mạnh nếu có nhu cầu thả mình theo dòng thác để thư giãn. Tầng thứ 3 lại được thắt lại giống hình miệng phễu khiến cho khung cảnh thật huyền ảo, cuốn hút lòng người. Tầng thứ 4 như một rèm cửa trong cung điện nguy nga, đổ từ trên cao 5 mét xuống.

Điểm thác 4 tầng này là nơi ấn tượng nhất để du khách có thể lưu lại những hình ảnh đẹp có một không hai khi lên Mù Cang Chải. Dừng chân ở nơi đây có cảm giác như mưa xuân đang rơi nhè nhẹ: những giọt nước bay man mát trước mặt chính là do sự va đập của dòng thác từ trên cao vào những tảng đá, tạo cho du khách một cảm giác tuyệt vời, mọi mệt mỏi đều tan biến hết.

Trước khi đến với điểm thác 4 tầng đặc sắc, du khách sẽ được nghỉ ngơi trên những tảng đá to, vuông vắn trải rộng như những cái chiếu, nhẵn nhụi, trơn tru và sạch bóng. Thiên nhiên nơi đây như đã tạo sẵn chỗ nghỉ ngơi để du khách có thể dùng bữa ăn nhẹ trong chuyến du hành. Trong suốt chặng đường chinh phục thác Mơ, du khách sẽ gặp những hang đá nhỏ có thể tránh được ướt nếu gặp những cơn mưa vùng cao bất chợt.

Đến thác Mơ, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ trong sự bình yên, hoang sơ của miền sơn cước, không khí trong lành, tinh khiết mà man mác hương hoa rừng, tất cả sẽ là những giây phút khó quên để một lần đến rồi lại muốn nhiều lần đến nữa.

Suối Giàng – Yên Bái

Yên Bái là tỉnh miền núi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh. Một trong những nơi có vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa bản địa đã thu hút rất nhiều khách du lịch thập phương, đó chính là địa danh Suối Giàng.

Suối Giàng - Yên Bái
Suối Giàng – Yên Bái

Suối Giàng là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn 12 km về phía Bắc, với diện tích tự nhiên là 5.922 héc-ta, bao gồm 4 tộc người cùng cư trú là người Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó người Mông chiếm 98,5%, còn lại các dân tộc khác chiếm gần 2%. Do vậy, các giá trị văn hoá dân gian truyền thống của đồng bào Mông nơi đây còn lưu giữ được nhiều yếu tố cổ truyền độc đáo. Đây chính là sự khác biệt, tạo cho Suối Giàng có tiềm năng để trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái của vùng phía Tây nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Suối Giàng nằm ở độ cao trên 1.371 mét so với mực nước biển nên nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình thường thấp hơn khu vực huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ từ 80C – 90C. Một ngày ở Suối Giàng, ta có thể cảm nhận rõ được bốn mùa trong năm. Ban đêm, trời se lạnh; sáng ra, mây mờ che phủ bồng bềnh khắp các bản làng, sườn núi; buổi trưa, trời trong xanh, lộng gió và buổi chiều, nắng vàng trải mượt như rót mật. Bởi thế, khí hậu ở Suối Giàng có thể sánh với Sa Pa, Đà Lạt.

Không chỉ có khí hậu mát mẻ, Suối Giàng còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những ruộng lúa bậc thang cong cong theo vạt núi, phóng tầm mắt xuống biển lúa vàng óng vùng Mường Lò, vựa lúa lớn thứ hai ở vùng Tây Bắc và một thị xã Nghĩa Lộ đầy năng động. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên là những nét văn hóa độc đáo của người Mông, người Dao, người Thái còn được bảo tồn ở Văn Chấn. Du khách đến đây không chỉ phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú mà còn có thể được cùng hái chè, sao chè rồi uống chè với những cô gái Mông mến khách, hoặc cùng chiêm nghiệm và hòa vào không khí bí ẩn, linh thiêng trong Lễ cấp sắc của người Dao, rộn ràng trong những ngày hội xuân, ấm áp trong Lễ mừng cơm mới của người Thái

Đi ngược lên khu rừng nguyên sinh Tập Lăng còn khá nguyên vẹn với nhiều thảm thực vật, động vật phong phú; hoặc phiêu du cùng thác Tập Lăng nước chảy trắng xóa. Xa xa, rừng thông mã vĩ bồng bềnh mây trắng, thấp thoáng như một Đà Lạt mộng mơ.

Đến Suối Giàng, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những rừng chè đến cả trăm năm tuổi, hương thơm nổi tiếng cả trong và ngoài nước, thực sự có sức hút mãnh liệt với du khách gần xa. Thân cây chè Shan tuyết Suối Giàng già đến trắng phau, sừng sững và hiên ngang trước sóng gió, nắng mưa, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Có nhà khoa học đã phải thốt lên rằng: “Tôi đã đi qua 120 nước trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm và to như cây chè ở Suối Giàng. Có lẽ đây là cái nôi của loài chè”.

Suối Giàng - Yên Bái
Suối Giàng – Yên Bái

Những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng sống ở độ cao 1.400 mét, cây có tuổi ít cũng trên trăm năm, cây nhiều tuổi tới hơn 300 năm. Búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì, trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, làm nên cảnh sắc vườn chè cổ thụ độc đáo không thể quên. Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông, phủ một lớp áo trắng mờ trên búp chè săn chắc nên được gọi là chè tuyết. Mọi người vẫn bảo đây là loại chè “năm cực”: “cực khổ” – khi trồng và thu hái; “cực sạch” – vì điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” – vì sản lượng ít, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ thu hái được chừng 200 tấn chè búp; “cực ngon” – với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén nước trà phải có: Hương thơm, vị đậm, nước xanh và vì thế nên “cực đắt”… Chè Shan tuyết Suối Giàng rất độc đáo. Trong bát nước chè xanh có đủ mười tám vị ngon hàng đầu của các loại chè đẳng cấp trên thế giới: Có hương thơm thanh khiết, có cái thanh tao của văn nhân, nghệ sĩ nhưng lại có nét dân dã, bình dị của người dân miền sơn cước chất phác, đôn hậu và mến khách. Chính từ những rừng chè độc nhất vô nhị ấy đã tỏa một sức hấp dẫn đặc biệt với du khách và là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho giới văn nghệ sĩ cả nước.

Đặc biệt, Suối Giàng còn nổi tiếng về các loại đá cảnh (vân hoa tím, vân hoa xanh) được phân bố chủ yếu ở dãy núi Khỉ thuộc địa phận Giàng A, vách đá Vàng và thôn Suối Lóp. Loại đá này chỉ có ở Suối Giàng, nó không những mang vẻ đẹp về thẩm mỹ mà còn có giá trị kinh tế rất cao. Chính từ những đặc điểm lợi thế đó, Suối Giàng đã được UBND tỉnh Yên Bái quy hoạch thành Khu du lịch sinh thái Suối Giàng, phân thành các khu chức năng, gồm nơi xây dựng khách sạn, xây dựng nhà nghỉ gia đình đơn và song lập, xây chòi vọng cảnh, xây dựng đường nội bộ, quảng trường… và mạng lưới giao thông, điện, nước, viễn thông. Mỗi năm Suối Giàng vẫn thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.

Suối Giàng – vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa bản địa. Khu du lịch Suối Giàng với bốn mùa bồng bềnh mây trắng, hấp dẫn du khách bởi khí hậu, vị ngọt của chè Shan tuyết cổ thụ và tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng tiếng hát trao duyên của các chàng trai, cô gái Mông căng tràn sức sống, réo rắt gọi mời du khách và các nhà đầu tư.

Đến với Suối Giàng, du khách sẽ có những phút giây thư giãn cực kỳ lý tưởng. Cùng với những trải nghiệm về cuộc sống dân cư và sự phát triển của sinh vật nơi đây sẽ khiến cho mọi du khách cảm thấy hài lòng. Với cảnh sắc thiên nhiên và khí hậu tuyệt đẹp, Suối Giàng đang trở thành địa điểm nghỉ dưỡng thú vị cho rất nhiều du khách.

Thác Pú Nhu (Mù Cang Chải) – Yên Bái

Thác Pú Nhu nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Thác nằm cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10km về phía Tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Lào Cai, Sơn La đổ về. Thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc. Vào những ngày nắng đẹp, nhìn từ dưới lên các bọt nước bốc hơi khiến cho ta thấy thác như được bao bọc bởi một chiếc khăn voan trắng. Nằm giữa hai vách núi đá cao thẳng đứng, thác Pú Nhu hiện ra như một bức tranh thủy mặc.

Thác Pú Nhu (Mù Cang Chải) - Yên Bái
Thác Pú Nhu (Mù Cang Chải) – Yên Bái

Thác Pú Nhu được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp nên thơ, trữ tình cùng với hình thái khí hậu độc đáo. Nếu du khách có dịp đến với thác Pú Nhu sẽ cảm nhận được một chút gì đó của khí hậu Đà Lạt, một chút gì đó của khí hậu Hà Nội sang thu.

Thác nằm cách Quốc lộ 32 chỉ 1.5km, nhưng điều kỳ thú ở đây là thiên nhiên đã khéo léo bao phủ con thác khiến cho bạn không thể nhìn thấy dòng thác từ trên đường lớn. Đường vào thác khá dễ đi, chỉ vượt qua một con suối nhỏ, băng qua một cánh đồng ngô là các bạn đã có thể tận hưởng cảm giác mát lạnh của dòng thác. Thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc. Vào những ngày nắng đẹp, nhìn từ dưới lên các bọt nước trắng xóa bốc hơi khiến cho ta thấy thác như một chiếc khăn voan trắng. Nằm giữa hai vách núi đá cao thẳng đứng, thác Pú Nhu hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Ngay bên dưới chân thác có một cái hồ tên là hồ Rồng, một hồ nước rộng và tươi mát khiến cho du khách muốn chìm đắm ngay trong không gian này. Xung quanh hồ nước là những cây xanh tươi mát, làm cho du khách có cảm giác dễ chịu và thoải mái. Theo đồng bào Mông nơi đây, hồ nước này rất thiêng vì vậy họ cũng không dám tắm bởi tương truyền có một con rồng đang ngủ yên dưới lòng hồ, và dòng thác này chính là nước do con rồng đó phun ra. Ở khu vực thác, nhiệt độ cao nhất trong năm khoảng 260C, khí hậu trong lành, mát mẻ thật lý tưởng cho những chuyến dã ngoại trong ngày. Thác Pú Nhu thực sự là điểm du lịch sinh thái của những ai yêu thiên nhiên hoang dã và muốn tìm hiểu về mảnh đất và con người nơi đây.

Du khách hãy dành cho mình một ngày để có thể thưởng ngoạn tất cả những không khí của nơi đây. Những thềm đá được nước chảy xuống êm đềm, nhẹ nhàng và đây cũng chính là điểm đến để du khách có thể yêu thiên nhiên, yêu con người nơi đây một lần nữa. Qua những khung cảnh, những cánh đồng lúa khác nhau, những con đường khác nhau, những món ăn khác nhau, dạo quanh và xua tan những mệt mỏi bằng việc du ngoạn thiên nhiên thác Pú Nhu. Tất cả sẽ tạo nên một cảm nhận cuộc sống thú vị dành cho du khách. Đến với Mù Cang Chải du khách hãy một lần đến thăm thác Pú Nhu để khám phá vẻ đẹp đầy huyền bí và thưởng thức trọn vẹn kiệt tác của tự nhiên ban tặng cho vùng đất này.

Danh thắng hồ Thác Bà – Yên Bái

Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam cách Hà Nội 140 km theo quốc lộ 2 về phía tây. Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1970 chặn dòng sông Chảy.

Danh thắng hồ Thác Bà - Yên Bái
Danh thắng hồ Thác Bà – Yên Bái

Hồ Thác Bà có diện tích 23400 ha, trong đó, diện tích mặt nước là 19050 ha, chiều dài 80 km, chiều rộng lớn nhất 30 km, mực nước dao động từ 46 m đến 58 m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống ngòi lớn như: ngòi Hành, ngòi Cát,… đổ về, làm tăng lượng phù sa và các loài sinh vật phong phú cho hồ. Hồ Thác Bà có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.

Nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên tỉnh Yên Bái, Hồ Thác Bà được ví như “Hạ Long trên núi” với những đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình.

Danh thắng hồ Thác Bà - Yên Bái
Danh thắng hồ Thác Bà – Yên Bái

Đi thuyền trên hồ Thác Bà, du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận.

Sau vài giờ lênh đênh trên sóng nước, du khách ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà. Hoặc du khách cũng có thể ngược dòng sông Chảy đến với đất Ngọc Lục Yên thăm hang Chùa São, Đền Đại Cại, bình nguyên xanh Khai Trung… mang đậm những nét văn hóa của dân tộc Tày, Dao rất đặc sắc.

Trong hệ thống hang động trên hồ Thác Bà, phải kể đến động Thủy Tiên. Nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m, nơi đây lưu truyền sử sách về Vũ Văn Mật – một vị đầu lĩnh thời Lê và trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Yên Bái đã từng làm việc tại đây. Động Thủy Tiên còn gắn với huyền thoại về chín nàng tiên xinh đẹp trốn Ngọc Hoàng xuống vui chơi ở nơi hồng trần. Thăm động và thưởng ngoạn những kiệt tác của tự nhiên với hệ thống nhũ đá đa màu sắc, với hệ thống hang động gắn với truyền thuyết ly kỳ, du khách có cảm giác đang lạc trong thế giới thần tiên như mơ, như thực để trút bỏ tất cả những mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống đời thường.

Với đặc điểm là hồ nhân tạo, kết hợp sử dụng tự nhiên, Hồ Thác Bà là nơi mang trong mình sự kết tinh thành quả của bàn tay và khối óc con người trong quá trình cải biến giang sơn phục vụ cuộc sống con người, vừa mang trong mình những di tích, di chỉ lịch sử khảo cổ. Đồng thời Hồ Thác Bà trở thành một danh thắng đẹp, cải tạo khí hậu sinh thái môi trường, từng bước trở thành vùng tham quan du lịch có giá trị của đất nước.

Hồ Thác Bà được công nhận là di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia theo quyết định số 2410/QĐ-VH ngày 27/9/1996 của Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hồ Chóp Dù – Yên Bái

Đến với mảnh đất vùng cao Yên Bái, có rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng đang chờ đón bạn như Suối Giàng, Mường Lò, đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải…Nhưng có một địa điểm du lịch tuyệt vời, mà những du khách mong muốn tìm kiếm những giây phút thư thái, yên bình, chắc hẳn sẽ không thể bỏ lỡ đó là: Hồ Chóp Dù.

Hồ Chóp Dù - Yên Bái
Hồ Chóp Dù – Yên Bái

Hồ Chóp Dù thuộc địa phận xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, là một hồ nước rất đẹp, thơ mộng và yên tĩnh. Với địa thế nằm ngang lưng núi, hồ Chóp Dù trải rộng 16 ha với cảnh quan sinh thái đa dạng, nhiều ngách nhỏ xen lẫn với các khu rừng tự nhiên bao quanh. Nước hồ quanh năm trong xanh, phẳng lặng soi bóng những vạt rừng xanh ngắt bốn mùa.

Tuy chỉ cách trung tâm thành phố hơn chục cây số, nhưng cảnh vật nơi đây vẫn giữ nguyên vẹn nét tự nhiên vốn có, tạo cho du khách có cơ hội được hòa mình thiên nhiên. Núi non, cây rừng xanh biếc như tan trong tiếng suối róc rách, nhịp mõ gặm cỏ lốc cốc của đàn trâu ẩn hiện lẫn trong tiếng đàn chim nhảy nhót líu lo trong bản hòa tấu. Đây đó, những nhành lá như ngẫu hứng đan dệt và vẽ thành một bức tranh thủy mặc giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Cái tên Chóp Dù gắn với nhiều câu chuyện linh thiêng về những cây đa cổ thụ và Ao Vua huyền bí, gắn với những chiến công hiển hách của quân và dân Yên Bái trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Theo các cụ cao niên trong xã kể lại, vào thời Pháp thuộc, lực lượng vũ trang Yên Bái đã bắn rơi máy bay của địch khi bọn chúng nhảy dù xuống, đồng thời cũng bắt sống được quân địch tại đỉnh núi này, từ đó người ta đặt tên cho núi là “Chóp Dù”. Đến năm 1978, do nhu cầu tưới tiêu tại địa phương, chính quyền đã cho xây dựng hồ nhân tạo, nước trong hồ được dẫn thẳng từ núi Chóp Dù xuống, chính vì thế người dân lấy tên núi đặt tên cho hồ. Theo thời gian, hồ Chóp Dù không chỉ phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu của nhân dân địa phương mà còn là một cảnh quan sinh thái đẹp với nhiều nét chấm phá hữu tình, thơ mộng.

Lênh đênh vãn cảnh bằng thuyền trên hồ Chóp Dù, đắm mình trong nhịp chèo khỏa nước mà len lỏi khung cảnh thiên nhiên khoảng chừng 30 phút, du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Chóp Dù mà còn được hòa mình cùng thiên nhiên hào phóng và thả hồn mình vào mênh mông của trời nước. Cập vào đầu nguồn nước, xuống thuyền, du khách sẽ chậm rãi từng bước chân, vừa men theo dòng suối róc rách trong vắt vừa thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng cảnh non xanh, rừng biếc cùng những làn sương huyền ảo và những giọt nước li ti đọng trên lá cây rừng. Dừng lại một chút để ngắm những nhánh hoa rừng, những chiếc lá cây rừng lạ và đẹp mắt, thuyền cập bến nơi đầu nguồn nước, xuống thuyền, men theo dòng suối trong vắt róc rách chảy, du khách sẽ bắt đầu chặng hành trình mới với những cung đường quanh co khúc khuỷu để lên với thượng nguồn con nước. Sau gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, du khách sẽ đến với ngọn nguồn thác nước. Nằm rải rác trên đường đi là những thác nước lớn nhỏ với những cái tên như Đát Cối, Đát Thùng… nối liền nhau thành 7 tầng nước tạo nên một khung cảnh mê đắm lòng người, du khách như được lạc vào chốn “bồng lai, tiên cảnh”. Những khối nước ràn rạt trên mặt những khối đá lớn đổ xuống, tạo ra âm thanh vang động, tung bọt trắng xóa, sự hòa quyện đan xen giữa màu trắng tinh khiết của nước với màu xanh tươi mát của núi rừng, màu vàng của nắng và đâu đó là màu đỏ của những bông chuối rừng càng làm khung cảnh thiên nhiên ấy thêm thơ mộng động lòng người. Đứng dưới dòng thác bạc con người dường như trở nên bé nhỏ. Cứ lên mỗi tầng thác người ta mới thấy hết về vẻ đẹp những kỳ tác mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, cảm nhận được sự trong lành tươi mát của không gian với bạt ngàn núi biếc rừng xanh.

Trong chuyến hành trình trở về với thiên nhiên này, sẽ thật thiếu sót nếu du khách không dành chút thời gian để cùng cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ động lòng người của cảnh sắc nơi đây. Du khách hãy dành một ngày để đến hồ Chóp Dù, cùng lội suối vượt rừng, để cùng tắm suối mát trong, chiêm ngưỡng hết những gì thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này để làm tiêu tan đi những mệt mỏi, bận bịu đời thường.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu – Yên Bái

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với tổng diện tích tự nhiên là 16.950 ha, nằm trên địa bàn 4 xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mở Vàng và Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đa dạng mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đây cũng được coi là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên, ưa thích sự mạo hiểm và muốn tìm hiểu, khám phá nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở xã Nà Hẩu.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu - Yên Bái
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu – Yên Bái

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu của huyện Văn Yên được biết đến là nơi lưu giữ được một hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng. Từ trung tâm thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên qua cầu Mậu A bắc qua sông Hồng theo tuyến đường từ xã An Thịnh đi xã Đại Sơn khoảng 30 km về hướng Tây Nam, vượt qua dốc Ba Khuy vắt ngang sườn núi, du khách sẽ đến xã Nà Hẩu, một xã có 100% đồng bào Mông sinh sống.

Tới Nà Hẩu, mọi ồn ào của phố xá như được trút bỏ sau lưng. Vẻ đẹp của những cánh rừng già thâm nghiêm, mang tới sự hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách. Những tán rừng nguyên sinh mang lại cho Khu Bảo tồn một bầu không khí thật trong lành, tinh khiết và đưa con người trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn bao giờ hết. Nằm ở độ cao trung bình từ 600 – 700 m so với mực nước biển, nơi cao nhất 1.800m, nơi thấp nhất 200m nên địa hình của Nà Hẩu bị chia cắt mạnh, tạo thành rất nhiều khe suối và có nhiều hang động, thác nước đẹp như thác Bản Tát, thác Suối Tiên, hang Dơi…

Khu vực Nà Hẩu như một lòng chảo được tạo nên từ thung lũng hẹp, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Địa hình ở đây bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều khe suối và các hợp thủy. Độ cao trung bình từ 600 – 700m so với mặt biển, nơi cao nhất 1.788m, nơi thấp nhất 200m. Nhiệt độ bình quân 23,2 độ C, lượng mưa bình quân 1.458,0 mm/năm, độ ẩm 85%. Hàng năm thường xuất hiện gió mùa Đông – Bắc vào tháng 11 và 12 kèm theo sương muối. Những ngày ít nắng, trời âm u, ở những nơi núi cao sương mù bao phủ cả ngày, độ ẩm không khí trong rừng rất lớn. Với điều kiện khí hậu như vậy rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển và khả năng tái sinh tự nhiên của cây rừng, thuận lợi cho các loài thực, động vật ở đây phát triển đa dạng và phong phú, tạo nên cấu trúc rừng rậm, nhiều tầng tán phù hợp với tính năng phòng hộ đầu nguồn.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu - Yên Bái
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu – Yên Bái

Trong khu bảo tồn thiên nhiên này, hệ rừng lá rộng thường xanh còn tương đối nguyên vẹn, nhiều khe, suối, thác nước chảy quanh năm. Cấu trúc rừng chưa bị phá vỡ, tầng tán được phân chia rõ rệt: Tầng cao nhất là cây gỗ lớn nhô lên không liên tục chủ yếu là các loài như cây chò nâu, dổi, trám…; tầng giữa là tầng ưu thế sinh thái, tán cây rừng liên tục cao gần ngang nhau, thuộc các loài cây thường xanh như gội, de, dẻ…; tầng dưới phân thành nhiều lớp cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng; tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, dương sỉ, cau rừng…; Hiện rừng tự nhiên vẫn còn trên 30 loài thực vật khác nhau, trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như lát hoa, pơ mu… phát triển chủ yếu ở độ cao 700m trở lên.

Hệ động vật trong khu bảo tồn khá phong phú và nhiều loài quý hiếm vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Hiện nay rừng có khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát…, trong đó có nhiều loài có giá trị có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa. Ngoài ra, khu vực rừng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên còn là nơi sinh sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp, trong đó có một số loài chim bị đe dọa toàn cầu như hồng hoàng, gà lôi…

Bên cạnh đó, khi đến khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, du khách còn được đắm mình trong dòng thác Suối Tiên ẩn mình giữa cánh rừng nguyên sinh của thôn 2 (Khe Tát). Trên hành trình đến thác, du khách phải vượt qua những tảng đá lớn và rừng cây cổ thụ. Thác Suối Tiên khá dài và có 3 tầng, mỗi tầng cũng có độ cao tương đối lớn. Nguồn nước trong xanh, mát lạnh từ trên đỉnh núi dội xuống, tung bọt trắng xóa quanh năm. Những ngày hè, thác Suối Tiên luôn thu hút rất đông khách du lịch đến đây để được đắm mình trong dòng nước mát lạnh, trong veo và cảm nhận những giai điệu du dương được cất lên từ tiếng thác đổ, gió núi và tiếng hót của muôn loài chim trong một không gian thật thanh bình. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao với những nét đẹp văn hóa dân tộc đặc sắc như phong tục, trang phục, nhà ở, ẩm thực. Đến nơi đây, du khách sẽ được hòa mình trong lễ hội Tết rừng, múa khèn, múa gậy tiền của đồng bào Mông, được thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc được chế biến bởi bàn tay khéo léo của những người Mông bình dị và mến khách.

Hiện nay tuyến đường nhựa từ trung tâm huyện Văn Yên đến trung tâm khu bảo tồn giúp người dân và du khách đi lại khá thuận tiện. Trên tuyến hành trình đến khu bảo tồn, du khách có thể dừng chân, thăm quan những rừng quế tại xã Đại Sơn.

Với những tiềm năng tự nhiên sẵn có, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có đầy đủ các yếu tố thuận lợi, phù hợp phát triển các loại hình du lịch hiện nay như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng… Trong tương lại Nà Hẩu sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Yên Bái có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Yên Bái – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *